Thắc mắc nên biết liên quan đến chi phí ghép thận


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Ghép thận, cấy thận hết bao nhiêu? Nó có đắt hơn một số phương pháp khác không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc đó.

Chi phí ghép thận?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi đang suy thận độ 3B (creatinin trên 400). Tôi muốn ghép thận trong giai đoạn 3B được không (trước khi đến chỉ số phải lọc máu)? Nếu ghép thận của người đang sống, tôi và người hiến thận phải làm những xét nghiệm nào? Người hiến thận cho tôi phải là người có pháp lý như thế nào? Nếu ghép của người chết não tôi phải đến bệnh viện nào, khoa nào? Tôi phải có giấy tờ gì? Phải làm các xét nghiệm gì? Chi phí tổng thể khoảng bao nhiêu cho ca ghép thận chết não? Kính mong được bác sĩ trả lời sớm.

Trân trọng cảm ơn!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào bạn!

Thận là cơ quan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng kiềm – toan, cân bằng nước – điện giải, điều hòa chuyển hóa canxi – phốt pho…

Khi cả hai thận không còn chức năng đó và không thấy khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Một trong ba biện pháp chữa trị thay thế thận: thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, ghép thận là phương pháp chữa trị lý tưởng nhất vì một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương.

Ngoài ra, bệnh nhân ghép thận không phải đến bệnh viện để lọc máu nữa. Nguồn thận để ghép: người hiến thận khỏe mạnh có cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột, quan hệ huyết thống xa hơn: anh em nội tộc), không cùng huyết thống (hoàn toàn không thấy quan hệ họ hàng) hoặc từ người đã bị chết não. Nguồn thận ghép từ những tình huống không cùng huyết thống, phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh, chứ không được mua bán (vì luật pháp cấm mua bán tạng). Đối với người muốn hiến thận phải được giải đáp hiến thận tại các bệnh viện có chuyên khoa Thận. Người ghép thận phải được xác định là người hoàn toàn khỏe mạnh (Bộ Y tế quy định nên dưới 60 tuổi).

Ghép thận được chỉ định cho những người bị bệnh suy thận mạn giai đoạn 3B – IV có nguyện vọng được ghép thận. Những bệnh nhân này phải có tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường để có thể tiến hành phẫu thuật ghép thận.

Khi đã đủ điều kiện nhận thận và hiến thận, cả người nhận và hiến thận sẽ được làm các xét nghiệm, nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận và hiến như: nhóm máu, HLA, đo chéo huyết thanh, tiền mẫn cảm của người nhận. Tình trạng sức khỏe chung của cả 2 người (các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng …), tình trạng giải phẫu chức năng mạch máu thận của người hiến và mạch máu vùng chậu của người nhận. Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu, thì phẫu thuật lấy thận để ghép và phẫu thuật ghép thận sẽ được tiến hành. Sau 1 tuần, người hiến thận có thể ra viện và phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn sau 1 tháng.

Đối với người nhận thận cần thời gian dài hơn để theo dõi và hướng dẫn uống thuốc trước khi ra viện. Để thận mới ghép hoạt động tốt, ngay trước và trong cuộc phẫu thuật, người nhận được tiêm và uống một số thuốc gọi là “thuốc chống thải ghép”. Thông thường, sau ghép thận, hàng ngày bệnh nhân phải dùng 2 – 3 loại thuốc chống thải ghép và phải dùng suốt đời. Chính vì thế, bệnh nhân sau ghép thận cần tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cho phù hợp.

Ghép thận mang lại chất lượng cuộc sống, hạnh phúc và nụ cười cho người được ghép thận. Tuy nhiên, chi phí cho một ca thận ghép cũng khá tốn kém, khoảng 500-700 triệu đồng. Bạn nên đến bệnh viện đầu ngành có chuyên khoa Thận – Tiết niệu (như bệnh viện Việt Đức,…) để được tư vấn cụ thể.

Chúc bạn thành công!

Chi phí ghép thận là bao nhiêu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cho tôi hỏi chi phí ghép thận là bao nhiêu? Muốn đăng ký nhận thận của người chết não thì phải làm sao? (khu vực thành phố Hồ Chí Minh). Nếu là chị em cùng mẹ khác cha thì thận có thể phù hợp để ghép không?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chi phí cho một ca ghép thận ở châu Âu vào khoảng 20.000 – 30.000 euro. Nếu tính cả tiền thuốc (người được ghép thận phải dùng thuốc suốt đời) trong năm đầu tiên sau phẫu thuật có thể lên đến 50.000 euro. Ở Việt Nam, ca ghép thận có giá khoảng 50 triệu đến 100 triệu đồng, tùy theo mức độ tương thích giữa cơ thể người nhận thận với thận được ghép. Chi phí thuốc sau phẫu thuật trong nước khoảng 3 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. Để xác định thận ghép có phù hợp không cần làm rất nhiều xét nghiệm bạn nhé, ngoài phù hợp nhóm máu còn phải hòa hợp rất nhiều yếu tố khác nữa. Hy vọng thông tin có ích cho bạn!

Chúc bạn khoẻ!

Tư vấn ghép thận an toàn


Câu hỏi bởi: Haopl

Chào bác sĩ.

Xinn bác sĩ cho biết, hiện nay, tổng chi phí cho ghép thận là bao nhiêu trong trường hợp nguồn thận do người thân hiến tặng và có bảo hiểm 80%? Nên ghép thận ở bệnh viện nào ở Hà Nội là tốt nhất?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Khi đã có người thân cho thận thì người này phải có giấy tờ chứng minh người nhà, có quan hệ họ hàng với bệnh nhân. Trên cơ sở đó, bệnh viện sẽ tiến hành các xét nghiệm cơ bản xem quả thận có hòa hợp, nếu hợp thì hoàn toàn có thể ghép thận. Trước khi lấy thận để ghép, bác sĩ sẽ phải tiến hành các xét nghiệm về chức năng thận để xác định sức khỏe của người hiến thận, cụ thể là nếu lấy đi một quả thận, người cho có bị tác động gì không…

Kinh phí ghép thận khoảng 200 triệu đồng, nhưng gia đình phải có sẵn từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để phòng khi biến chứng, thải ghép… Dưới đây là địa chỉ các bệnh viện ở Hà Nội có thể tiến hành ghép thận:

– Bệnh viện Bạch Mai – 78 Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội

– Bệnh viện Việt Đức – 8 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

– Bệnh viện 103 (Học viện quân y) – 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe.

Chúc bạn sức khỏe.

Những điều kiện để được ghép thận?


Câu hỏi bởi: Quỳnh

Chào bác sĩ!

Chồng mình bị suy thận. Trong giấy xét nghiệm ghi là suy thận phải. Còn không nói gì về thận bên trái. Như vậy nghĩa là sao bác sĩ. Mình có tìm hiểu nhưng không rõ là sẽ có trường hợp suy thận như thế nào. Như thế nào thì có thể ghép thận. Và thận đủ tiêu chí nào là tương thích với bệnh nhân. Chi phí như thế nào?

Cám ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thận là cơ quan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng kiềm – toan, cân bằng nước – điện giải, điều hòa chuyển hóa canxi – phốt pho… Khi các chức năng này bị suy giảm và không thấy khả năng phục hồi thì đó là tình trạng suy thận.

Ghép thận là phương pháp chữa trị thay thế thận, một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương. Nguồn thận để ghép: người hiến thận khỏe mạnh có cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột, quan hệ huyết thống xa hơn: anh em nội tộc), không cùng huyết thống (hoàn toàn không thấy quan hệ họ hàng) hoặc từ người đã bị chết não. Nguồn thận ghép từ những tình huống không cùng huyết thống, phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh, chứ không được mua bán (vì luật pháp cấm mua bán tạng). Ghép thận được chỉ định cho những người bị bệnh suy thận mạn giai đoạn IIIb-IV có nguyện vọng được ghép thận.

Những bệnh nhân này phải có tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường để có thể tiến hành phẫu thuật ghép thận. Khi đã đủ điều kiện nhận thận và hiến thận, cả người nhận và hiến thận sẽ được làm các xét nghiệm, nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận và hiến như: nhóm máu, HLA, đo chéo huyết thanh, tiền mẫn cảm của người nhận.

Tình trạng sức khỏe chung của cả 2 người (các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng …), tình trạng giải phẫu chức năng mạch máu thận của người hiến và mạch máu vùng chậu của người nhận. Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu, thì phẫu thuật lấy thận để ghép và phẫu thuật ghép thận sẽ được tiến hành. Chi phí ghép thận dao động từ khoảng 200 – 300 triệu đồng (có thể hơn, tùy từng tình huống phức tạp).

Ngoài ra, sau phẫu thuật, người được ghép thận phải dùng thêm thuốc chống thải thận ghép hàng tháng khoảng 4 triệu đồng và thuốc này phải sử dụng suốt đời. Chồng của bạn được chẩn đoán suy thận phải nghĩa là chức năng của thận trái vẫn bình thường. Một người hoàn toàn có thể phát triển bình thường với một quả thận khỏe mạnh, vì vậy trong tình huống của chồng bạn chưa cần thiết tiến hành ghép thận. Chồng bạn nên đến chuyên khoa Thận tiết niệu ở các bệnh viện uy tín để bác sĩ thăm khám và có phương pháp chữa trị phù hợp.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Lọc máu và ghép thận thì chi phí nào tốn kém hơn?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ trả lời giúp cho em ạ: Chú em bị suy thận và giờ giữa lọc máu và ghép thận thì chi phí nào tốn kém hơn? Cái nào thì sống được lâu hơn ạ? Trong trường hợp ghép thận có người hiến tặng.

Em xin cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Chức năng bình thường của thận là lọc máu, đào thải các sản phẩm chuyển hóa cuối cùng ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể duy trì cân bằng hằng định nội môi. Khi thận bị suy, chức năng này không còn được đảm bảo sẽ làm tăng nồng độ ure và creatinin trong máu, gây độc cho cơ thể do đó cần phải tiến hành lọc máu. Đây là phương pháp chữa trị thay thế thận suy. Nếu thận suy không được thay thế thì phương pháp lọc máu này sẽ phải duy trì đến suốt đời.

Ghép thận đòi hỏi chi phí rất tốn kém nhưng nếu phẫu thuật thành công thì bệnh nhân hoàn toàn có khỏe mạnh trở lại. Vì việc lọc máu phải duy trì trong suốt thời gian còn lại của cuộc sống nên tổng chi phí chữa trị cũng không phải là nhỏ. Rất khó để có thể so sánh về chi phí chữa trị của 2 phương pháp này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tìm được thận ghép phù hợp và có đủ điều kiện kinh tế để ghép thì nên tiến hành ghép thận cho bệnh nhân vì sau phẫu thuật, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ được cải thiện rất nhiều.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.