Những thắc mắc về lông chân nữ giới nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Nữ giới xem lông chân như kẻ thù của sắc đẹp. Vì vậy, chắc chắn không ai muốn lờ đi những kiến thức bổ ích liên quan về vấn đề này ở những câu hỏi sau đây.

Lông chân mọc nhiều


Câu hỏi bởi: Nguyễn yến

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 21 tuổi. Cháu có đọc bài giải đáp về vấn đề uống L-Cystine gây tăng mọc lông trên cơ thể. Cháu cũng đang ở tình trạng này, giờ lông chân cháu mọc rất nhiều. Cháu muốn hỏi bác sĩ là nếu cháu ngừng uống thuốc thì lông có rụng đi không ạ hay vẫn như vậy?

Cháu xin cám ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu.

Theo thông tin cung cấp, có thể cháu bị rậm lông. Rậm lông là có quá nhiều lông tóc. Rậm lông có thể phát sinh từ việc kích thích tố nam tên là Androgen, các Hormon Testosterone. Mọi người đều có lông trên cơ thể, và số lượng chủ yếu quyết định bởi cấu trúc gen. Nhưng nếu là một người phụ nữ phát triển quá nhiều lông thô và sắc tố trên các bộ phận cơ thể, nơi đàn ông thường mọc như trên ngực, khuôn mặt, lưng thì là tình trạng rậm lông. L-cystin làm khỏe lông tóc chứ không làm tăng số lượng nên nó không phải là lí do gây rậm lông.

Về chữa trị, cần xác định và loại trừ lí do gây rậm lông như u buồng trứng, u nang thượng thận, tránh lạm dụng chất nội tiết tố. Cách giải quyết lông khác nhau tùy theo vị trí. Đối với lông ở tay chân, cơ thể, có nhiều cách:

Dùng nhíp nhổ. Cạo lông thường xuyên bằng loại máy cạo chuyên dụng hoặc dao cạo. Wax lông bằng loại sáp chuyên dụng có bán ở các thẩm mỹ viện, có thể mua về nhà tự làm. Thực hiện vài lần thì lông mọc lại sẽ dần dần thưa đi. Dùng thuốc bôi rụng lông, bôi trong 5 phút. Một thời gian ngắn sau lông sẽ mọc lại, vì vậy phải dùng thường xuyên. Không nên bôi thuốc trên vùng mặt vì dễ gây dị ứng. Dùng tia laser để đốt vài lần, lông sẽ thưa đi. Dùng máy IPL (Interse Pulsed Light) để đốt mầm nang, lông hoặc râu, làm vài lần thì số lượng râu hoặc lông mọc lại sẽ rất thấp. Khi đốt không gây đau, sau đó không để lại sẹo. Trung bình cần đốt khoảng 3 lần, cách nhau 4-6 tuần. Cần lưu ý là lông, tóc trải qua 3 thời kỳ: mọc, ngừng mọc và rụng. Tia Laser hoặc IPL có ảnh hưởng tốt nhất lúc lông đang mọc. Lông màu sậm đáp ứng tốt hơn so với loại lông nhạt màu hoặc vàng tự nhiên. Đây là phương pháp mới, khá tốn kém, chỉ có ở một số rất ít thẩm mỹ viện Việt Nam. Trường hợp không thể nhổ, cạo hoặc đốt thì có thể làm cho lông nhạt màu bằng cách bôi nước ôxy già 15-20% mỗi ngày một lần trên vùng có nhiều lông.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Nữ 18 tuổi bị lông chân nhiều phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em gái con năm nay 18 tuổi, nhưng không hiểu sao chân em gái con mọc rất nhiều lông, em ấy rất buồn và không được tự tin khi mặc váy, và cũng thử nhiều loại kem trị lông nhưng không được. Mong bác sĩ có cách nào giải đáp giúp em gái con với ạ?

Con xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào cháu!

Chứng rậm lông ở phụ nữ là sự mọc lông thái quá do tác động của hormon Androgen. Lông thường mọc nhiều ở mặt, ngực, quầng vú, đường trắng giữa phần trên lưng, nếp đùi bẹn và bộ phận sinh dục ngoài… Bình thường, Androgen được tiết ra với lượng rất nhỏ từ tuyến thượng thận và buồng trứng. Vì một lý do nào đó như u tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang… Androgen được tiết quá nhiều sẽ tạo nên hiện tượng rậm lông, trứng cá, béo phì, rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, còn có một số tình huống rậm lông do lí do tự phát, tăng Prolactin máu, uống thuốc (điển hình là Carticoid: K-cort, Dexamethason, Prednisolon…; thuốc tránh thai).

Trong thư, cháu không cho biết rõ ngoài vị trí ở chân, em cháu còn có vùng nào khác mọc nhiều lông nữa không, kinh nguyệt của em ra sao, việc sử dụng các thuốc… Nên rất khó giải đáp cụ thể. Nếu em cháu chỉ có rậm lông đơn thuần ở vùng cẳng chân mà không kèm rối loạn kinh nguyệt hoặc giọng trầm (giọng nam), gia đình không có ai bị rậm lông… Thì có khả năng em cháu bị rậm lông tự phát. Tuy nhiên, cháu cũng nên khuyên em đi khám bệnh để loại trừ những căn nguyên khác gây nên chứng rậm lông.

Rậm lông tuy không phải là một bệnh nghiêm trọng, nhưng lại là một vấn đề về mặt thẩm mỹ và tâm lý. Em cháu có thể sử dụng các biện pháp triệt lông như cạo lông, waxing, dùng kem tẩy lông… Để loại trừ lông chân, song tác dụng chỉ tạm thời và phải làm thường xuyên. Bôi dung dịch oxy già có tác dụng làm mất sắc tố lông, khiến cho lông có màu vàng nâu giống như màu da. Phương pháp dùng laser có hiệu quả lâu dài, chi phí khá tốn kém. Cháu có thể cùng em gái cân nhắc, lựa chọn biện pháp phù hợp.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Uống thuốc điều hòa kinh nguyệt bị mọc lông nhiều ở chân tay là sao?


Câu hỏi bởi: hoàng

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 21 tuổi (nữ) chưa có gia đình, hồi học lớp 8 em có phát hiện bị bướu cổ và đã chữa trị ở tỉnh, 3 năm gần đây cháu thấy kinh nguyệt mình không đều (2, 3 tháng thậm chí 5 tháng mới thấy kinh), tháng 7 vừa qua cháu có ra bệnh viện Nội tiết Trung ương khám lại bướu cổ và siêu âm phần phụ, kết quả xét nghiệm máu như sau: FT3 (4,1pmol/l), FT4(14,5 pmol/l), TSH (3.00 mlU/ml), Progesteron(2.08 nml/l), FSH(8. 09 IU/l), Estradiol(175 pmol/l), LH(21. 5 IU/l), Glucose (5. 4mmol/l), GOT (38 U/l 37oC), GPT (10 U/L 37oC), kết quả siêu âm tử cung và phần phụ đều bình thường. Bác sĩ kết luận: không bị bướu nữa, và bị rối loạn kinh nguyệt rồi cho uống các thuốc sau CYCLO-PROGYNOVA và ANMYVITS uống trong 3 tháng, cháu uống được gần 3 tháng rồi và cảm thấy lông chân tay và 1 số vị trí khác mọc nhiều hơn, dài hơn, cháu rất lo lắng, nếu ngừng thuốc thì có trở lại trạng thái bình thường không và nếu lần sau đi khám em nên đến bệnh viện Nội tiết hay bệnh viện Phụ sản? Cháu còn 1 thắc mắc hơi tế nhị 1 chút đó là lông trên cơ thể cháu hơi nhiều, từ ngày dậy thì càng nhiều hơn, tay, chân, bụng, đặc biệt là vùng kín mọc rất rậm, lan sang cả đùi, nếp gấp giữa đùi và hiện giờ vẫn phát triển tiếp, không biết có phải do nồng độ LH cao nên vậy không, và liệu rằng cháu có bị bệnh gì không (cháu chưa đi khám tổng thể). Nếu sau này có điều kiện cháu triệt lông vĩnh viễn thì có an toàn không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Nếu bạn đã khỏi hẳn bệnh bướu cổ thì không cần chữa trị bệnh này nữa.

Còn vấn đề kinh nguyệt bạn có thể xem xét như sau: Kinh nguyệt là hiện tượng máu chảy ra từ buồng tử cung có tính chất chu kỳ, vòng kinh bình thường từ 28 đến 30 ngày, nếu chu kỳ kinh trên 35 ngày thì gọi là vòng kinh dài, vòng kinh dưới 22 ngày thì gọi là vòng kinh ngắn. Số ngày hành kinh từ 3 đến 5 ngày, nếu trên 7 ngày gọi là rong kinh. Máu kinh thường có máu cục, máu loãng, lẫn mảnh vụn, chất nhầy, có thể màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi.

Số lượng máu kinh khoảng 100ml nếu trên 200ml gọi là băng kinh. Rong kinh và băng kinh thì phải chữa trị.

Mỗi chu kỳ kinh có 01 trứng rụng (phóng noãn) đây chính là vấn đề quan trọng trong vấn đề có thai vì muốn có thai phải có sự gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng. Ở những người vòng kinh không đều thì tính toán thời điểm rụng trứng sẽ khó hơn so với những người có vòng kinh đều.

Nếu bạn có vòng kinh không đều nhưng vẫn có phóng noãn thì khả năng có thai là hoàn toàn bình thường.

Còn vấn đề triệt lông bạn hãy đến bệnh viện Da liễu khám chữa trị nhé.

Chúc bạn khỏe.

Bị ngứa ở hai bên chân chỗ có lông chân là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh tình của em với ạ. Em bị ngứa nhưng chỉ bị ở 2 bên chân chỗ có lông chân. Còn phía trên đầu gối thì không bị. Ở chân cứ chỗ nào có lông đều rất ngứa. Và 2 bên mạn sườn của em, chỗ cạp quần đấy ạ. Nó nổi sần nốt lên, xù xì và có màu nâu sẫm nhưng không bị ngứa. Và em thấy nó hay bị đều 2 bên, 2 bên sườn và 2 bên bắp đùi sau, 2 bên mông. Bác sĩ có thể giải đáp giúp em không ạ.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Qua thông tin em cung cấp, em thường xuyên có xuất hiện ngứa ở 2 bên cẳng chân, 2 bên bắp đùi sau, 2 bên sườn và 2 bên mông,… nhưng không rõ tổn thương có mụn hay không (mụn đỏ, mụn nước, mụn mủ), có vảy da hay không, tổn thương có lan rộng hay không, tổn thương có đợt nào giảm hoặc mất hẳn hay không,… Với tổn thương xuất hiện đối xứng 2 bên cơ thể có thể là chàm thể tạng, nhưng có thể kết hợp tổn thương nhiễm vi khuẩn, vi rút, nấm,… Do vậy, em nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám nhằm xác định tình trạng tổn thương, xác định lý do gây bệnh và có hướng chữa trị cụ thể. Em cũng nên lưu ý không trà sát, cào gãi vào vùng tổn thương vì có thể gây nhiễm khuẩn, bội nhiễm, tránh tắm các loại xà phòng, sữa tắm thông thường trong giai đoạn này và không nên sử dụng bất kỳ thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chúc em sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl