Thắc mắc thường gặp khi bị ho


4,226
1
1
Xu
53
Triệu chứng ho luôn gây rất nhiều phiền toái cho chúng ta, sau đây là 5 câu hỏi thường gặp liên quan đến triệu chứng ho nói trên

Nguyên nhân đau họng lâu ngày không khỏi là gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Trước đây em bị ngẹt mũi em mua thuốc tây ngoài tiệm uống, sau khi hết ngẹt mũi thì nuốt bị vướng ở cổ họng, lưỡi gà dài ra ở phần đầu. Đi khám thì bác sĩ bảo em bị viêm mũi họng cho thuốc một tuần nhưng không hết. Sau đó em có đi khám nơi khác, bác sĩ bảo bị viêm họng mãn tính lấy thuốc uống cũng không hết. Lần thứ ba em đi nội soi, bác sĩ bảo bị vẹo vách ngăn và viêm xoang, lấy thuốc uống vẫn không hết.

Trước đây em có tiền sử bệnh đau bao tử, thường hay bị ợ chua, cứ ăn xong là em hay ợ. Em bị nuốt vướng lưỡi gà dài hơn ba tháng nay rồi. Em không bị đau họng, không sốt, không nổi hạch gì hết, chỉ là nuốt vướng vướng muốn khạc đờm, lưỡi gà dài thôi. Khi nào cơ thể em bị cảm thì cảm giác nuốt vướng tăng lên, khi hết cảm thì cảm giác vướng giảm xuống.

Bác sĩ cho em biết là em bị gì vậy? Em có bị bệnh gì nặng để tác động tới họng không? Tại sao em dùng thuốc lâu vậy mà chưa khỏi? Từ lúc nuốt vướng tới giờ thì em hoàn toàn không thấy cảm giác đau họng, hay nuốt mà bị đau họng gì cả. Em ăn uống bình thường.

Cảm ơn bác sĩ!


Bác sĩ Vũ Thị Lừu



Chào em!

Biểu hiện chính của em là nuốt vướng thì nhiều khả năng là em bị viêm họng mãn tính chứ không phải vẹo vách ngăn hay viêm xoang (những bệnh này thường có triệu chứng chính là nghẹt mũi). Việc em rất hay bị ợ chua có thể là một trong những lí do gây nên tình trạng này. Đây là bệnh không nguy hiểm nhưng việc chữa trị thường kéo dài và bệnh hay bị tái phát.

Để chữa trị bệnh này, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, em cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chữa trị sau:

Giữ ấm cổ và ngực khi thời tiết chuyển sang lạnh. Đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hóa chất. Tránh tiếp xúc với các lí do gây dị ứng. Giảm tiếp xúc với các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, gia vị cay nóng (nếu có), hạn chế uống đồ lạnh. Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nước ấm, có bổ sung vitamin C, A, D. Súc miệng bằng nước muối hàng ngày, có thể ngậm chanh với muối, gừng với muối, quất với đường phèn hoặc mật ong…

Chúc em mạnh khỏe!

Bị nôn, hay ho, nhất là vào ban đêm và khó ngủ là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Trần Quang Khải

Chào bác sĩ!

Bố cháu năm nay 47 tuổi, thường xuyên hút thuốc và uống bia, rất ít uống rượu. Đôi khi cháu thấy bố bị nôn, hay ho, nhất là vào ban đêm và khó ngủ. Vậy bố cháu bị bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ!


Bác sĩ Vũ Thị Lừu



Chào cháu!

Với những triệu chứng như cháu mô tả, có thể bố cháu bị trào ngược ngoài thực quản hoặc bệnh ở dạ dày, tá tràng, thực quản. Bố cháu cần đi nội soi để chuẩn đoán xác định. Cháu cần khuyên bố hạn chế hút thuốc vì hút thuốc có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Chúc cháu và bố mạnh khỏe!

Có cảm giác sợ sệt, suy nghĩ lung tung, buồn bã, ho và muốn ói là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay con 15 tuổi, con không hiểu vì sao con luôn hay có cảm giác sợ sệt, suy nghĩ lung tung rồi lại dẫn đến cảm giác buồn bã. Mỗi lần như thế con đều bị ho và rất mắc ói. Con luôn bị áp lực những lúc như vậy và không dám làm việc gì hết ạ. Gần đây con lại không đỗ vào trường cấp 3 mong muốn nên lại càng thấy tệ hơn ạ. Bác sĩ có thể giúp con để không còn bị áp lực như vậy nữa không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.


Bác sĩ Vũ Thị Lừu



Chào cháu!

Theo như cháu mô tả, cháu đang có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật.

Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật rất phong phú, đa dạng và thay đổi tùy theo từng người. Thông thường các biểu hiện thường gặp trong rối loạn hệ thần kinh thực vật là có những cơn tim đập nhanh, bốc nóng ở mặt, vã mồ hôi ở lòng bàn chân, bàn tay đau dây thần kinh, khô miệng, nặng hơn có thể tức ngực, khó thở… rối loạn giấc ngủ, thường là mất ngủ, đái rắt. Rối loạn vận mạch ở da, da nổi mẩn đỏ và dễ bị rám nắng, rất hay có cảm giác buồn nôn, mệt mỏi quá mức, lo lắng, sợ sệt, …

Để xử lý rối loạn thần kinh thực vật cháu nên đi bộ buổi tối và tập thể dục nhẹ nhàng, không tập những môn thể thao quá sức. Chế độ ăn ngủ, học hành giải trí làm việc thích hợp. Cháu cần tập suy nghĩ tích cực, không nên nghĩ nhiều về thất bại đã qua. Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều điều xảy ra không như mong muốn của cháu. Cháu cần học cách chấp nhận những điều này. Không đỗ vào trường cấp 3 mong muốn, cháu vẫn có thể học trường khác. Kết quả không quan trọng bằng việc cháu nỗ lực, cố gắng. Bên cạnh đó cháu cần đến bác sĩ để được giải đáp về thuốc chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Cảm ho sổ mũi lâu ngày không khỏi, vai phải bị đau khi hoạt động là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu 21 tuổi, hay bị ho đau họng sổ mũi sốt và đau vai phải hơn 4 năm rồi. Cháu đã đi khám tại nhiều bệnh viện lớn và uống nhiều thuốc nhưng vẫn không khỏi. 1 tuần cháu bị cảm ho sổ mũi 3 lần, cứ thế từ năm này sang năm khác. Những lúc hoạt động đến tay phải, cháu lại đau vai buốt hết cả tay không làm được gì cả. Vậy cháu bị bệnh gì và nên điều trị như nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!


Bác sĩ Vũ Thị Lừu



Chào cháu.

Theo như cháu mô tả có thể là cháu bị viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng là những phản ứng quá mức của cơ thể, xảy ra khi hít phải vật lạ trong không khí. Bình thường khi gặp vật lạ, cơ thể sẽ có những phản ứng nhằm bảo vệ. Tuy nhiên, nếu phản ứng xảy ra quá mức, gây ra những tổn hại cho cơ thể thì gọi là phản ứng dị ứng.

Các dị nguyên gây dị ứng có thể là:

Các vật lạ bay lẫn trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, trong đó con mạt là tác nhân chính.

Nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất.

Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng.

Để phòng tránh viêm mũi dị ứng cháu cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên và phòng ngừa không để các biểu hiện xảy ra bằng cách:

Giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián. Cần loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây cảnh, giấy dán tường, chiếu, mền, thảm trải nền nhà, các loại hoa khô.

Giữ ấm cơ thể đặc biệt vào mùa lạnh.

Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm khi đi ra ngoài đường.

Giữ vệ sinh vùng tai, mũi, họng.

Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để làm loãng chất tiết nhày, giúp dịch tiết mũi lỏng hơn, chất nhày thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn, tránh ứ đọng, gây viêm nhiễm.

Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi (tránh tiếp xúc lâu giữa niêm mạc mũi và kháng nguyên, bụi, hóa chất, vi trùng), giúp thông thoáng mũi, tạo điều kiện tốt cho thuốc xịt mũi tác dụng trên niêm mạc.

Nếu như việc kiểm soát môi trường, chữa trị bằng thuốc… không có hiệu quả thì có thể cháu cần đến Trung tâm Dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân. Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, cháu sẽ được tiêm dưới da hoặc nhỏ dưới lưỡi chất kháng nguyên gây bệnh với nồng độ tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.

Còn về bệnh đau vai. Bệnh này không có liên quan tới bệnh trên. Có thể là do cháu bị thoái hóa khớp vai hoặc do tư thế làm việc của cháu chưa đúng, do ngồi máy tính nhiều. Cháu cũng cần đi khám và chữa trị sớm bệnh này.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl