Băn khoăn thường gặp khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng


4,226
1
1
Xu
53
Để “chiến đấu” với bệnh tật, chúng ta thường đắn đo trước việc lựa chọn nên dùng thuốc hay thực phẩm chức năng nào cho phù hợp, sau đây là 5 câu hỏi thường thấy về thuốc, thực phẩm chức năng.

Bị tăng sắc tố da có uống thuốc tránh thai được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em là nữ, em đang bị tăng sắc tố da ở vùng bàn tay (bác sĩ nói em phải tránh nắng tuyệt đối) vậy em dùng kem chống nắng được không? Da bị vậy thì uống thuốc tránh thai hàng ngày được không? Em uống thuốc vậy thì có dùng thuốc giảm cân được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Dùng thuốc tránh thai kéo dài cũng có thể làm tăng sắc tố da. Đã tăng sắc tố thì phải dùng kem chống nắng. Em bị tăng sắc tố 2 bàn tay, muốn giảm thì ban ngày dùng kem chống nắng, ban đêm dùng Azaretin-H liên tục vài tháng sẽ giảm. Còn uống thuốc giảm béo và tránh thai thường xuyên sẽ có tăng sắc tố nhưng mức độ tùy cơ địa từng người.

Chào em!

Trị mụn thâm có nên dùng thuốc viêm nang không?


Câu hỏi bởi: Vy Vy

Thưa bác sĩ!

Cháu đã được 20 tuổi. Hiện nay da mặt cháu bị mụn và thâm hai bên má. Cháu có đi khám da liễu và bác sĩ kê đơn cho cháu gồm: sữa rửa mặt Teenderm, thuốc Neoderm plus và 10 viên thuốc dạng nang mềm, có màu nâu. Bác sĩ dặn là có chồng thì ngưng dùng thuốc, cháu không biết đó là thuốc gì (có phải là imlas không, cháu hơi sợ), tiếc là cháu không thể chụp ảnh được. Vậy các bác sĩ có thể cho cháu hỏi thuốc dạng viên nang mềm có phải là imlas không ạ? Liệu cháu bỏ dùng thuốc đó có tác động gì đến liệu trình trị mụn không ạ? Cháu vẫn chưa có chồng và chưa có dự định có chồng trong 3 – 5 năm nữa ạ.

Cháu xin cảm ơn ạ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Điều trị mun dùng Isotretinoin là có chỉ định, sau đây cung cấp cho em một số thông tin: Isotretinoin có nhiều dạng thuốc uống, thuốc mỡ với nhiều tên gọi khác nhau (imlas, acnotin, accutane, roaccutane), thuốc trị mụn isotretinoin được dùng rộng rãi ở châu Âu, Mỹ và cũng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên đây là thuốc có nhiều tai biến và tai biến này lệ thuộc vào dạng dùng và cách phối hợp thuốc.

Khi uống:

– Tai biến quan trọng nhất là sinh quái thai: phải có test thử thai âm tính trước khi uống thuốc. Một tháng trước khi uống thuốc, trong lúc dùng và một tháng sau khi ngưng uống thuốc phải dùng biện pháp ngừa thai hữu hiệu, biện pháp tin cậy nhất là đặt vòng.

– Tai biến lâu dài nhất là gây hại xương: hủy chất khoáng xương, làm giảm độ dày xương, đóng sớm đầu xương. Tác dụng này không thể hết khi ngừng thuốc. Với trẻ vị thành niên thường có khoảng 16% đau cơ và đau khớp.

– Gây trầm cảm với một số người: tính gây trầm cảm được phát hiện năm 1992 tại châu Âu. Người trầm cảm xuất hiện ý muốn tự tử. Hiện tượng này xuất hiện sau 6 tuần uống thuốc sẽ hết khi ngừng thuốc. Chưa giải thích được lý do. Tuy vậy Bồ Đào Nha vẫn buộc các nhà sản xuất ghi điều thận trọng này lên nhãn.

Ngoài ra, thuốc còn gây một số tác dụng phụ khác:

– Gây các tai biến trên da và niêm mạc: Hầu hết người bệnh dùng đúng liều, đúng thời gian theo liệu trình chữa trị bị viêm môi; khoảng 20 – 30% viêm da mặt, khô mắt, khô màng niêm mạc miệng, họng, mũi; chảy máu cam; viêm kết mạc; ngứa. Cùng lúc thuốc có thể làm xuất hiện các hiện tượng gia tăng áp suất trong sọ, nhức đầu và có vấn đề thị giác thoáng qua như nhạy cảm với ánh sáng, gây rối loạn thị giác lúc hoàng hôn.

– Gây độc cấp tính về gan: Xuất hiện sau 2 – 8 tuần uống thuốc. Sau đó cho dù tiếp tục uống thuốc các hiện tượng bất thường này cũng vẫn có thể hết. Các men gan ALAT (alnnine transaminase), ASAT (aspartate transaminase)… có thể gia tăng nhưng chỉ có khoảng 1% bị tăng trầm trọng gồm viêm gan và suy gan.

– Thuốc có thể gây chán ăn, buồn nôn, nôn, viêm đường ruột.

– Khi dùng ngoài: Chỉ gây kích thích da và niêm mạc.

– Khi phối hợp thuốc: Nếu dùng cùng lúc với doxycyclin, mynocyclin, limecyclin thì có nguy cơ làm tăng áp lực trong sọ não. Tuy có những độc tính ấy nhưng hiện nay thuốc vẫn được ưa chuộng vì có những tác dụng tốt. Cơ chế chưa được làm rõ nhưng thường có mấy tác dụng được xác định.

– Làm giảm tiết bã nhờn, dự phòng keratin hóa, giảm viêm. Khi bã nhờn được tiết ra quá mức, dùng isotretinoin uống sẽ làm giảm sự tiết bã nhờn khoảng 75% (với liều 0,1mg/kg) và khoảng 90% (với liều 0,3-0,5mg/kg). Có thể tái phát việc tiết bã nhờn, song nếu uống 5-10mg/ngày có thể dự phòng trong nhiều năm. Dự phòng keratin hóa da và làm giảm sự tạo thành nhân trứng cá (commedone).

– Thuốc cũng làm giảm oxid nitric và yếu tố hoại tử u alpha liên hệ tới viêm. Một cơ chế làm giảm viêm khác là do làm thay đổi môi trường nên giảm quần chủng vi khuẩn propioibacterium acnes. Việc chữa mụn trứng cá là ứng dụng những tính chất này của isotretinoin.

– Làm hồi phục da bị tổn thương bởi ánh sáng: Da bị tổn thương bởi ánh sáng có thể đặc trưng bởi các dấu hiệu sau: tăng hoặc giảm tiết sắc tố, giãn mao mạch, xù xì, nhuộm vàng, nhăn nheo. Thương tổn này có thể phát sinh trong 20-30 năm. Thí nghiệm có đối chứng trên 800 người có bôi isotretinoin trong 36 tuần thấy nó cải thiện khá rõ các biểu hiện trên.

– Khi bị mụn nhẹ chỉ nên uống thuốc chống viêm nhiễm hoặc dùng hormon. Chỉ khi nào dùng kháng sinh chống viêm nhiễm không khỏi thì mới cho dùng isotretinoin.

– Nếu chỉ có yêu cầu làm tan còi mụn, uống thuốc bôi ngoài như gel hay dung dịch isotretinoin đều cho kết quả tốt, ít tác dụng phụ. Chỉ khi rất cần thiết mới dùng dạng uống.

– Khi uống phải hết sức thận trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi có thai (15-49), tuân thủ việc thử test thai, việc dùng các biện pháp tránh thai như nói trên. Nếu có hiện tượng trầm cảm phải lập tức ngừng thuốc. Trong quá trình uống thuốc, cứ cách 4 tuần khám sức khỏe một lần và cách 8 tuần phải làm các xét nghiệm về creatin, các men gan, glucose để tránh các tác dụng phụ, điều chỉnh liều lượng nếu cần thiết. Khi uống thuốc không phơi ra ánh sáng hoặc tiếp xúc với tia cực tím, không vận hành máy móc. Không được uống thuốc cùng lúc với doxycyclin, mynocyclin, limecyclin.

– Phần lớn người chữa trị thường dùng một đợt 6 tháng. Có gợi ý dùng từ 6 – 12 tháng để có liều tích lũy trên 150mg/kg cho một đợt dùng. Tuy nhiên ít khi kéo dài đến thế. Khi đã hết 70% các nang (cyst) thì tuy chưa hoàn tất liệu trình chữa trị vẫn có thể ngừng thuốc. Có thể khởi đầu đợt chữa trị lần thứ hai sau 2 tháng. Có thể phối hợp các dạng uống thuốc bôi như gel isotretinoin 0,05% hay kem acid retinoic 0,05%.

Cho nên em phải tới bác sĩ da liễu khám lại và phải yêu cầu được giải đáp kỹ trước khi uống thuốc.

Chào em!

Uống nhiều thuốc panadol và stageron có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Bác sĩ ơi con năm nay 14 tuổi, là nữ giới. Bác sĩ cho con hỏi nếu con dùng cùng 1 lúc 5 viên thuốc panadol và stageron thì có bị gì không ạ?

Con cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào con.

Panadol chứa paracetamol là một chất giảm đau, hạ sốt.

Panadol có hiệu quả trong:

Điều trị đau nhẹ đến vừa bao gồm đau đầu, đau nửa đầu, đau cơ, đau bụng kinh, đau họng, đau cơ xương, sốt và đau sau khi tiêm vacxin, đau sau khi nhổ răng hoặc sau các thủ thuật nha khoa, đau răng, đau do viêm xương khớp.

Hạ sốt.

Người lớn (kể cả người cao tuổi) và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:

Dùng 500mg đến 1g paracetamol (1-2 viên/lần), sau mỗi 4-6 giờ nếu cần.

Chỉ dùng để uống.

Liều tối đa hàng ngày: 4000 mg (8 viên). Không dùng quá liều chỉ định.

Không dùng với các thuốc khác có chứa paracetamol.

Khoảng cách liều tối thiểu: 4 giờ.

Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi:

Dùng 250-500 mg sau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần.

Liều tối đa hàng ngày: 60 mg/kg còn nặng chia thành nhiều lần, mỗi lần 10-15 mg/kg còn nặng dùng trong 24 giờ. Không dùng quá liều chỉ định. Không dùng với các thuốc khác có chứa paracetamol.

Không dùng quá 4 liều trong 24 giờ.

Khoảng cách liều tối thiểu: 4 giờ.

Thời gian tối đa uống thuốc không thấy giải đáp của bác sĩ: 3 ngày.

Trẻ em dưới 6 tuổi:

Không khuyến cáo uống thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tác dụng phụ (rất hiếm gặp): giảm tiểu cầu, phản ứng quá mẫn, phản ứng mẫn cảm trên da như ban đỏ, phự mạch, hội chứng Stevens Johnson, co thắt phế quản ở các bệnh nhân mẫn cảm với aspirin và các NSAID khác, bất thường gan, có thể gây viêm gan.

</li>

Nếu con dùng cùng 1 lúc 5 viên thuốc panadol và stageron thì không tốt. Tuy con không nói rõ mỗi loại con uống bao nhiêu nhưng với độ tuổi của con như vậy thì rất nguy hiểm. Mặc dù phản ứng có hại của thuốc ngoài liều lượng ra thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chuyển hóa của cơ thể. Có thể lần này con uống không sao nhưng con vẫn cần phải đề phòng tác dụng có hại của thuốc đặc biệt là tổn thương gan. Do đó con phải theo dõi và làm xét nghiệm chức năng gan định kỳ để phát hiện sớm tổn thương gan.

Chúc con mạnh khỏe!

Xin tư vấn về thuốc trị bệnh đau nửa đầu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Bệnh nhân nữ 49 tuổi, chẩn đoán đau đầu Migrain.

Đơn thuốc:

Meloxicam 7.5mg viên-uống (Meloxicam) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

PENCER 40mg viên-uống (Pantoprazol) 7 viên, sáng 1 viên.

Tamik 3mg viên-uống (Dihydroergotamin) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Sulpiride 50mg viên-uống (Sulpirid) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Mimosa viên-uống (Bình vôi, lạc tiên, sen lá, vông nem) 14 viên, tối 2 viên

Stresam 50mg viên-uống (Etifoxine HCL) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Bác sĩ có thể cho biết vai trò của từng thuốc trong đơn được không ạ? Khi sử dụng thuốc cần lưu ý những gì? Bệnh đau nửa đầu là gì? Tại sao lại có bệnh này?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào chị.

Chị rất cẩn thận khi dùng thuốc nên đã tìm hiểu vấn đề này. Đau đầu Migraine là bệnh đau nửa đầu hay là rối loạn vận mạch não. Đau xuất hiện khi thay đổi thời tiết, khi mất ngủ hoặc căng thẳng tâm lý. Các biểu hiện kèm theo là giật ở thái dương, giật cơ mi mắt, nôn buồn nôn, nhìn ánh sáng thấy chói, khó chịu. Bệnh thường có tính gia đình, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Điều trị có nhiều loại thuốc khác nhau có thể sử dụng. Meloxica là thuốc chống viêm giảm đau, thuốc có thể gây loét dạ dày tá tràng vì vậy cần uống kèm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, ở đây bạn đã được dùng Pencer. Tamik là thuốc chữa đau nửa đầu, tác dụng chủ yếu là gây co mạch. Sulpiride, Mimosa, Stresam là các thuốc an thần gây ngủ.

Chúc chị mau khỏi bệnh!

Uống thuốc chữa rối loạn lo âu và trầm cảm, khi đi ngủ thường xuyên bị giật mình


Câu hỏi bởi: nguyenthithanh20392

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 54 tuổi, là nữ giới. Cách đây 3 tuần tôi đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai và được bác sĩ chẩn đoán là bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Bác sĩ kê cho tôi uống những thuốc sau: Wicky, Mipisul, Cinacetam, Inter-vas. Tôi dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ thấy bệnh có tiến triển tốt, tuy nhiên từ 5 ngày nay khi đi ngủ tôi thường xuyên bị giật mình. Xin hỏi bác sĩ tôi có bị làm sao không ạ?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào chị.

Chị bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, bác sĩ đã kê các thuốc: Wicky, Mipisul, Cinacetam, Inter-vas là đúng rồi. Chị cần tiếp tục dùng thuốc có sự chỉ dẫn của bác sĩ trong thời gian 6-9 tháng. Tuy nhiên các thuốc chữa nhóm bệnh lý này có thể gây ra một số tác dụng phụ như chị đã nêu. Có thể sau một thời gian uống thuốc sẽ hết tác dụng phụ, có thể các tác dụng phụ sẽ nặng lên khi đó bác sĩ sẽ cho thêm thuốc chống tác dụng phụ hoặc đổi thuốc khác.

Chúc chị mau hồi phục sức khỏe, mau hết lo âu và trầm cảm .


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl