Những triệu chứng liên quan đến ung thư xương


4,226
1
1
Xu
53
Đau và sưng ở các khu vực bị ảnh hưởng, gãy xương có tổn thương nhỏ, đôi khi được gọi là “gãy xương bệnh lý”, giảm cân không lý do, mệt mỏi quá mức là những triệu chứng của ung thư xương.

Bị viêm đầu xương lồi củ chày có thể bị ung thư xương không?


Câu hỏi bởi: Nguyetgiao

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 36 tuổi, em đi chụp X-quang và bác sĩ bảo em bị viêm đầu xương củ chày chân trái, cho em thuốc về uống, sau đó em tiếp tục làm 1 liệu trình 3 lần cấy chỉ dưới da (dạng cắm protein vào khu vực đầu gối – thuốc đông y). Sau khi cấy chỉ em thấy không còn bị đau nhức như trước, sau 1 thời gian ngưng việc cấy chỉ giờ em lại đau trở lại. Bác sĩ cho em hỏi bệnh này có thể chữa dứt điểm được không ạ? Em tìm hiểu trên internet thì được biết là trong nhiều trường hợp bên tây y họ sẽ mổ để nạo hết phần viêm đi, như vậy có đúng không ạ? Và nếu để lâu dài có thể bị ung thư xương được không ạ? (Em bị đau nhẹ từ năm 18 tuổi). Trên phần hình ảnh chụp x-quang thì có thấy mảnh xương nhỏ nằm ngoài cấu trúc xương củ chày như kiểu bị bong hay vỡ ra gì đó. Rất mong bác sĩ giải đáp?

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Viêm đầu xương củ chày là bệnh có thể xảy ra do một số lí do như vận động nhiều, chơi thể thao cường độ mạnh… khiến cho chỗ bám của gân cơ tứ đầu đùi vào lồi củ trước xương chày bị kích thích nhiều gây ra tổn thương tại chỗ viêm và sưng đau, thậm chí đứt gân hay bong xương tại chỗ bám.

Triệu chứng bệnh bao gồm đau tại lồi củ trước ở đầu trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè. Chỗ sưng đau nhiều, đau lặp đi lặp lại nhiều đợt, nặng lên sau, trong hay ngay sau các hoạt động gắng sức và đỡ khi nghỉ ngơi.

Bạn bị viêm đầu xương củ chày chân trái, đã được cho thuốc về uống, được cấy chỉ dưới da đỡ được một thời gian giờ lại bị lại. Không biết trong thời gian bệnh đỡ bạn có hạn chế vận động mạnh hay chơi các môn thể thao ảnh hưởng xấu như đá bóng, nhảy cao, nhảy xa hay chạy không. Nếu có thì có thể đây là lí do khiến bạn đau lại.

Bạn cần đi khám lại để xác định tình trạng. Một số ít tình huống cần phẫu thuật lấy bỏ tổ chức viêm và xương bị bong, cố định lại điểm bám của gân cơ tứ đầu đùi mới giải quyết được triệt để bệnh. Bạn đã bị đau nhẹ từ năm 18 tuổi, nghĩa là đến nay bệnh đã kéo dài 18 năm. Bạn nên giải đáp bác sĩ về khả năng phẫu thuật (nếu được) để tránh bệnh tái đi tái lại và có thể gây ung thư xương (nếu không được chữa trị tốt)

Chúc bạn chóng khỏi bệnh!

Đau cột sống, da phát ban đỏ, sụt cân có phải bị ung thư xương không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, từ đầu năm đến nay em có triệu chứng đau cột sống thắt lưng, nhưng 4 tháng gần đây đau nhiều hơn tê mỏi xuống hai chân, đầu gối và mắt cá sưng, lên xuống cầu thang rất mệt, khả năng lao động giảm rõ rệt. Da phát ban đỏ, có khi tím tái không ngứa, cơ thể mệt mỏi, sụt cân, có lúc thấy nóng trong người, chân tay lạnh, nghe rét rét mệt mỏi. Xét nghiệm máu thì thiếu canxi, cho em hỏi đây có phải là triệu chứng của ung thư xương không a.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Qua thông tin em cung cấp, em có xuất hiện mệt mỏi, đau cột sống thắt lưng, tê mỏi hai chân, phát ban đỏ, tím, không ngứa, chân tay lạnh, xét nghiệm có thiếu canxi,… như vậy triệu chứng rõ ràng là cơ thể có tình trạng suy nhược, nhưng tình trạng suy nhược cơ thể do đâu thì cần tìm lí do. Do vậy, trước hết em không nên lo âu, lo lắng quá mức vì điều này có thể khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, nên đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Trường hợp suy nhược cơ thể không do rối loạn, bệnh lý thì việc cải thiện lối sống tích cực, khoa học sẽ giúp cơ thể bình phục sức khỏe trở lại.

Với tình huống nghi ngờ có rối loạn bệnh lý cơ thể thì em nên tới cơ sở y tế để khám tổng quát, trong tình huống nghi ngờ bệnh lý của cơ quan, vùng nào của cơ thể thì bác sĩ sẽ giới thiệu khám chuyên khoa để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có hướng chữa trị thích hợp nhất. Với kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu canxi thì chưa thể nghĩ tới ung thư xương, để chẩn đoán ung thư xương thì cần dựa vào nhiều xét nghiệm chuyên sâu (giải phẫu bệnh, phân tích tế bào,…) và cần có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán.

Chúc em sức khỏe, thân mến!

Nổi hạch ở xương đòn có phải ung thư?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi năm nay em 26 tuổi, em bị nổi hạch ở xương đòn được hơn 2 tháng nhưng không đau, em đi siêu âm thì bác sĩ thì giấy ghi là hạch lành nhưng bác sĩ lại bảo nếu chắc ăn thì đi hút hạch xét nghiệm cho chắc ăn, mà em đọc trên nhiều diễn đàn đều nói nổi hạch ở xương đòn là bất thường có thể là ung thư hạch, nên giờ em hoang mang quá ạ, xin cho em ý kiến à.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nổi hạch là một biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, có thể chỉ là tình trạng viêm nhiễm vùng lân cận nhưng cũng có thể là hạch di căn đến từ khối ung thư nằm ở chỗ khác trong cơ thể. Hạch được chia làm hai nhóm, một từ các bệnh lành tính, hai là từ các bệnh ác tính. Hạch được cho là lành tính nếu lí do đến từ các bệnh viêm thông thường ở vùng lân cận như bệnh của đường hô hấp trên như viêm loét amiđan, viêm họng, viêm tấy nướu (lợi) răng, viêm loét lớp lót của miệng, viêm tuyến nước bọt… Hoặc viêm đặc hiệu do lao, giang mai.

Hạch cũng có thể là ung thư hạch hoặc là hạch di căn của các khối ung thư từ các tổ chức kế cận như vòm mũi họng, hạ họng, thanh quản, phổi… Nhưng cũng có thể của các khối u nguyên phát từ xa như dạ dày, buồng trứng, tinh hoàn… Việc xác định hạch đó là gì phải cần được thăm khám kỹ qua sờ nắn bằng tay, tìm những ổ viêm nhiễm lân cận, cấy dịch, mủ, chất bã đậu từ hạch (nếu có).

Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể sử dụng máy nội soi để tầm soát khối u nguyên phát ở vùng mũi họng, thanh quản, đường tiêu hóa…, thậm chí phải rạch một chút da cổ nơi hạch nổi để lấy một ít mô của hạch đem thử, xét nghiệm này được gọi là sinh thiết hạch (nếu bác sĩ thấy cần thiết) để xem đó là bệnh gì? Sự xác định có bị ung thư hay không phụ thuộc trực tiếp vào kết quả của xét nghiệm này. Hạch ác tính thường rắn, không đau, không dính vào da, không dính vào nhau.

Nếu như bạn đi khám và không tìm được ổ viêm nào hoặc hạch của bạn có một số tính chất như trên thì bạn nên sinh thiết hạch chẩn đoán để yên tâm nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Bệnh ung thư tuyến giáp di căn xương thì có những triệu chứng gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh ung thư tuyến giáp di căn xương thì có những triệu chứng gì? Di căn xương nào trước tiên và ở giai đoạn bệnh như thế nào thì có di căn xương? Em có người nhà bị ung thư tuyến giáp thể nang đã phẫu thuật cắt bỏ 1 thùy, giờ có triệu chứng đau mỏi xương khớp, đau như đau thần kinh tọa, nổi 1 hạch sau khớp gối ấn vào không đau nên em rất lo, mong bác sĩ giải đáp sớm.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Trước hết tôi rất thông cảm với tình trạng bệnh của người nhà bạn. Ung thư tuyến giáp là một bệnh tương đối hiếm gặp chiếm khoảng 1% các loại ung thư phát sinh trong cơ thể con người. Nếu bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới hiện tượng di căn. Một số vị trí tế bào ung thư tuyến giáp di căn đến là não, phổi, dạ dày, gan, xương… Với mỗi vị trí ung thư tuyến giáp di căn đến bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau:

Tế bào ung thư di căn não: Bệnh nhân thường có một số biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, chức năng hệ thần kinh trung ương bị tác động.

Tế bào ung thư di căn phổi: biểu hiện thường là ho, ho ra máu, tràn dịch màng phổi, khó thở.

Tế bào ung thư di căn gan: vàng da, vàng mắt, da nổi mẩn ngứa.

Tế bào ung thư di căn xương: Trong cơ thể chúng ta bộ xương có tác dụng nâng đỡ các cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân mắc ung thư di căn đến xương có hiện tượng xương giòn, dễ gẫy, đau nhức xương khớp.

Với các triệu chứng như của người nhà bạn có thể do ung thư tuyến giáp di căn xương, tuy đó cũng có thể là triệu chứng của một bệnh cơ xương khớp lành tính. Để chẩn đoán chính xác cần phải thăm khám trực tiếp, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Bạn nên đưa người nhà đến chuyên khoa Ung bướu để bác sĩ thăm khám, xác định tình trạng bệnh hiện tại, từ đó có hướng chữa trị hiệu quả.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Đau nhức xương tay và chân, luôn mệt mỏi buồn ngủ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay em 23 tuổi. Mấy năm trước em có bị nhức xương 1 bên chân nghi thấp khớp. Đi khám thì bác sĩ bảo thiếu canxi. Thời gian sau thời tiết thay đổi lại chuyển sang chân khác. Dạo gần đây em luôn mệt mỏi buồn ngủ, thi thoảng lại đau nhức xương ở tay. Liệu em có bị ung thư xương không ạ? Bệnh này có chữa được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Triệu chứng đau nhức xương cũng có thể gặp trong bệnh ung thư xương nhưng ngoài ra còn gặp trong nhiều bệnh lý khác như: chấn thương xương khớp, viêm khớp, thấp khớp, loãng xương, thoái hóa xương khớp,… Ung thư xương có một số dấu hiệu sớm có thể thấy được trên phim chụp Xquang. Còn khi ung thư xương đã sờ được các khối u thì đã là giai đoạn muộn. Vì vậy, bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra cho bạn. Bệnh ung thư xương cũng như các bệnh ung thư khác, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn được. Các biện pháp chữa trị chủ yếu là để kéo dài thời gian sống thêm.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl