Giải đáp thắc mắc bệnh á sừng có lây không?


4,226
1
1
Xu
53
Á sừng là bệnh viêm da cơ địa dị ứng khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau, vì vậy người bệnh chỉ gặp á sừng khi tiếp xúc với những yếu tố gây bệnh như nước, xà phòng,… Chí tiết hơn về căn bệnh, hãy cùng tham khảo bộ câu hỏi/giải đáp dưới đây.

Bệnh á sừng có chữa được dứt điểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Người thân tôi năm nay 17 tuổi là nữ giới. Cô ấy bị bệnh á sừng từ bé thỉnh thoảng lại ngứa ngáy dưới bàn chân. Gia đình tìm nhiều cách nhưng vẫn không khỏi. Xin hỏi bác sĩ bệnh này có chữa được không? Nếu được thì nên làm như thế nào ạ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Bệnh á sừng là một loại viêm da cơ địa do lí do chưa rõ ràng nên việc chữa trị rất khó khỏi hoàn toàn. Bạn em nên khám bác sĩ Da liễu, kiên trì và tuân thủ chặt chẽ những chỉ định của họ để hạn chế khô, nứt nẻ và ngứa bàn chân, bàn tay. Bạn em cần lưu ý một số điều:

Tuyệt đối không bóc vảy da, chà xát kỳ cọ quá mạnh càng làm tổn thương lớp sừng, khiến quá trình bong da sau đó còn mạnh hơn.

Hạn chế tối đa tiếp xúc với nước. Sau khi rửa chân tay, cần dùng khăn lau khô, nhất là các kẽ tay, kẽ chân. Nếu tiếp xúc với nước nhiều càng tạo thuận lợi để lớp sừng bong vảy. Khi chế biến thức ăn, tránh tiếp xúc với mỡ, gia vị như ớt, muối…. bằng cách đeo găng tay. Nếu lớp mỡ bám nhiều vào da càng khiến lớp sừng trở nên thô ráp, bong vảy. Hạn chế dùng xà phòng, chất tẩy rửa cao. Nếu buộc phải tiếp xúc cần đeo găng bảo vệ. Đi tất cotton vào mùa đông.

Luôn giữ ẩm cho da, nhất là vào mùa đông. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, khô ráo, bạn em nên bôi một lớp kem dưỡng ẩm vào những vị trí dễ bị bong sừng như gót chân, đầu ngón chân, tay. Vì thời tiết khô hanh càng làm da thô ráp, khiến lớp sừng dễ nứt nẻ. Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm 3 lần/ngày.

Bạn em nên tăng cường ăn rau quả tươi, rau xanh, đặc biệt là rau quả có nhiều sinh tố C, vitamin E. Thực tế cho thấy đại đa số người bị bệnh đều là những người ít ăn rau quả. Thiếu vitamin nhất là A, C, D, E… sẽ tác động đến chất lượng lớp sừng.

Chúc các em vui, khỏe!

Bé 4 tuổi bị á sừng trên đầu chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Phan thi thu nga

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Con tôi năm nay 4 tuổi, cháu bị á sừng trên đầu. Tôi đã cho cháu uống và thoa nhiều thuốc mà vẫn không khỏi, chỉ hết được 5-10 ngày lại bị lại. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa trị triệt để được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Bệnh á sừng là một bệnh viêm da cơ địa dị ứng khá phổ biến, hay gặp ở trẻ em và phụ nữ. Bệnh có thể gặp ở da đầu, nhưng rõ nhất là ở các đầu ngón tay, chân, gót chân. Biểu hiện trên da đầu là các lớp vẩy trắng gồm nhiều lớp chồng chất và dễ bong tróc từng mảng. Có những mảng vẩy bong ra rồi da lại đùn lên một lớp vẩy khác. Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc thói quen dinh dưỡng thiếu cân đối từ bé. Thực tế cho thấy đại đa số các bé mắc bệnh đều là ăn ít rau quả. Thiếu vitamin nhất là A, C, D, E… sẽ tác động đến chất lượng lớp sừng.

Phương pháp chữa trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng, tạo sừng như Axit Salixilic, Diprosalic, Betnoval. Cần kết hợp với thuốc kháng sinh ảnh hưởng ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân nếu bị nhiễm khuẩn phụ, dùng các thuốc chống nấm nếu có nhiễm nấm như mỡ Betamethazone (Diprosalic 15g), dẫn xuất Imidazol, Griseofulvin. Trường hợp nặng có thể phải dùng Corticoid, kháng Histamin. Khi bôi cần rẽ tóc bôi thuốc sát chân tóc cho bé. Bạn tránh bóc vẩy da, chọc các mụn nước nếu có, tránh chà sát kỳ cọ quá mạnh làm xây xước lớp sừng tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nấm trên lớp sừng vốn đã kém sức đề kháng. Không gội đầu bằng xà phòng. Tăng cường cho bé ăn rau quả tươi để có đủ vitamin cho cơ thể nói chung và lớp sừng nói riêng. Giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt… là nguồn cung cấp vitamin vô cùng quý báu. Bạn nên kiên trì phòng tránh và tăng cường các thức ăn bổ dưõng cho da. Điều trị bệnh cần có thời gian và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Chúc bé mau khỏi bệnh.

Da nổi sần nhưng không ngứa là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: quynh0903

Chào bác sĩ!

Thời gian gần đây em bị nổi sần trên da nhưng không bị ngứa. Vết sần màu nâu và như lỗ chân lông to. Em có đi khám ở Bệnh viện Da liễu nhưng bác sĩ cho em thuốc về bôi nhưng em bôi được mấy ngày rồi vẫn không đỡ mà còn bị nổi nhiều hơn nữa. Xin hỏi bác sĩ em bị gì vậy? Mong bác sĩ giải đáp cho em.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Nếu các nốt sần của bạn xuất hiện tại các lỗ chân lông thì đó chính là hiện tượng viêm nang lông gặp khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là những ngày khí hậu ẩm ướt, các vi khuẩn tại các nang lông này sẽ hoạt động mạnh hơn, gây nên hiện tượng ngứa. Hoặc nếu chân lông của bạn bị nổi sần từng đám như nổi da gà có thể là do:

Á sừng: kèm theo từng mảng vẩy trắng mịn, trên bề mặt mảng có tăng sừng tại các lỗ chân lông. Tổn thương có thể ở lưng, mặt ngoài tay; không đối xứng và có thể ngứa. Bệnh thường do phản ứng dị ứng xa của da đối với các ổ nhiễm trùng thường gặp như ở họng, mũi, răng… Bạn có thể bôi các thuốc có chứa Corticoid nhẹ như Fucidin H, Elomet… trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần).

Chàm nang lông: lỗ chân lông to, dầy sừng, kèm ngứa; thường dối xứng ở 2 bên đầu gối, cùi chỏ. Kèm theo da khô, nhất là ở lòng bàn tay-chân. Bạn nên tắm bằng dầu tắm của trẻ em hoặc các loại sửa tắm không chứa lipid, bôi các loại kem dưỡng ẩm, tiêu sừng.

Dầy sừng nang lông: các lỗ chân lông to, tạo cồi, rời rạc; thường đối xứng ở mặt ngoài cánh tay và mặt trước đùi; không ngứa. Trong tình huống này bạn có thể bôi các thuốc tiêu sừng mạnh như Salicylic axít 5 – 10% hoặc kem Tretinoin 0.05 – 0.1%.

Chúc bạn chóng khỏi bệnh!

Chữa bệnh á sừng bàn chẩn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ, tôi bị bệnh á sừng ở chân nhiều năm qua, vậy bệnh này có chữa khỏi được không?

Bác sĩ Nguyễn Văn Khái


Chào bạn,

Bệnh này chữa khỏi được với điều kiện là chuẩn đoán đúng. Á sừng xuất phát điểm ở 1 ngón chân xong lan ra bàn chân. Nếu da bàn chân khô dày cứng thì là bị á sừng. Bệnh nhân thường bị ở bàn tay. Nếu phần lớn bị hai bàn chân là viêm da hoặc tổ đỉa.

Nếu bạn bị á sừng, có thể dùng Azithromycin 0,25. Ngày uống 4 viên chia 2 lần trong 5 ngày. Bên cạnh đó, dùng mỡ sulfamit-dầu cá bôi ngày 2 lần. Nếu không giảm thì không phải Á sừng. Các trường hợp viêm da khác, có thể bôi Flucinar sẽ khỏi.

Chúc bạn sớm khỏe.

Bong tróc da đầu, rụng tóc nhưng không ngứa là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: cherry

Thưa bác sĩ.

Năm nay cháu 16 tuổi, những ngày gần đây da đầu cháu bỗng bong ra rất nhiều. Cứ nghĩ chỉ là thời tiết nóng nên bị gàu nhưng dù trị bằng phương pháp nào cũng không khỏi. Mỗi lần gãi đầu là da đầu theo tóc rớt xuống. Có người bảo cháu có thể bị nấm nhưng bị nấm thì phải ngứa chứ ạ! Nhưng cháu không thấy ngứa nên không biết làm gì. Rất mong bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu vấn đề này.

Chân thành cảm ơn bác nhiều!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu.

Hiện tượng xuất hiện nhiều vảy da trên đầu có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Hiện tượng nhiều gàu có thể không phải do bệnh lý như: Do da đầu tiết quá nhiều chất bã nhờn vào tuổi dậy thì, kết hợp với da chết tạo thành các mảng bong tróc khỏi da đầu, do dùng dầu gội đầu không hợp lý (gội quá nhiều lần, hoặc dầu gội không phù hợp gây chết da nhiều hơn bình thường), vệ sinh da đầu kém (ít gội đầu dẫn đến da chết tích tụ). Trường hợp bệnh lý có thể do nấm, viêm da tiếp xúc (với bất kỳ tác nhân nào: Dầu gội, hóa chất nhuộm, gôm keo xịt tóc,…), viêm da dầu, á sừng da đầu, vảy nến,…

Việc chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nếu do nguyên nhân không phải bệnh lý thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, lối sống sinh hoạt thì gàu sẽ giảm và hết. Trong tình huống gàu do bệnh lý thì cần phải chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa thì mới giúp khỏi gàu.

Trường hợp của cháu, có xuất hiện nhiều gàu trên da đầu, mặc dù không ngứa nhưng không rõ các tổn thương kèm theo như màu sắc da đầu (đỏ, hồng,…), có xuất hiện mụn nước, mụn mủ hay không, có rụng tóc hay không. Do vậy, cháu nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng chữa trị hợp lý nhất. Trong giai đoạn này, cháu cũng nên lưu ý không nên cào gãi, chà xát vùng da đầu và ngừng sử dụng tất cả các loại dầu gội, để tránh tổn thương nặng thêm và giúp thuận lợi cho chẩn đoán, chữa trị bệnh.

Chúc cháu mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl