Giải đáp thắc mắc các vấn đề về tiêm phòng chó dại


4,226
1
1
Xu
53
Chó dại cắn là trường hợp rất dễ nguy hiểm bởi các chất độc trong nước dãi con vật có thể lây nhiễm và gây bệnh cho cơ thể chúng ta. Do đó, tiêm phòng chó dại là một điều cần thiết. Vậy cần lưu ý những gì về vấn đề này?

Bị chó cắn sau 21 ngày có cần tiêm phòng?


Câu hỏi bởi: Thu

Chào bác sĩ!

Em bị chó cắn đã tiêm phòng 3 mũi, sau đó em ngừng tiêm vì ngày thứ 15 con chó vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên đến ngày thứ 18 con chó bị đi ngoài và đã khỏi, không phải dùng thuốc (chó đã được tiêm phòng). Đến hôm qua là 22 ngày kể từ khi em bị chó cắn, vậy xin hỏi bác sĩ liệu con chó có thể bị dại không? Và em có cần đi tiêm tiếp các mũi còn lại nếu con chó chết không? Còn con chó đã khoẻ lại thì em có sao không? Nếu tiêm tiếp có còn tác dụng không vì từ mũi tiêm thứ 3 đến mũi 4 qua 5 ngày rồi?

Em cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Con chó ít có nguy cơ bị bệnh dại do nó đã được tiêm phòng. Con chó có thể bị bệnh dại nhưng vết cắn của em chắc chắn không thấy vi rút dại, bởi vì khi vi rút trong nước dãi của vật bị dại, nó chắc chắn sẽ chết trong 2 tuần. Sau 2 tuần kể từ khi cắn người mà nó còn sống, thì ở thời điểm con chó cắn người, không thể có vi rút dại tồn tại trong nước bọt.

Hiện tại là ngày thứ 21, con chó vẫn sống, nếu nó có chết sau thời gian này em cũng không cần tiếp tục tiêm phòng dại. Nếu con chó khỏe lại, hãy mời bác sĩ thú y để đánh giá sức khỏe, kiểm tra lại việc tiêm chủng của con chó. Để phòng bệnh dại cho nó, nó phải được tiêm phòng đầy đủ, theo lịch tiêm vắc xin của bên Thú y.

Chúc em mạnh khỏe!

Bị chó nhà cắn có phải tiêm phòng dại không?


Câu hỏi bởi: Thảo Nguyên

Chào bác sĩ!.

Em năm nay 23 tuổi, bị chó nhà cắn vào tay, phần bàn tay, cổ tay và cổ chân. Có 2 vết hơi sâu tại cổ tay và bên gần mắt cá chân. Sau khi bị cắn em đã rửa ngay với xà phòng, sát trùng cồn. Chó nhà em khoảng 1 năm trở lại đây không tiêm phòng dại, những năm trước thì có. Chó nhà đã nuôi được 3 năm, thường nhốt ở nhà, ít cho ra ngòai. Em bị cắn ở tay như vậy có cần đi tiêm phòng dại ngay không hay phải theo dõi?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Trường hợp em bị chó nhà cắn, chó đã được tiêm phòng dại những năm trước, năm nay thì chưa tiêm nhắc lại. Trong tình huống này, em nên:

Nếu hiện tại chó không có triệu chứng ốm, chó vẫn bình thường thì em cần theo dõi, nếu sau 10 ngày kể từ khi bị chó cắn mà chó bình thường, không ốm chết thì em không cần tiêm phòng.

Nếu hiện tại con vật có triệu chứng ốm, triệu chứng bệnh (hung dư, kích động, cắn nhiều… hoặc là li bì, chậm chạp, bỏ ăn…) thì em cần đến cơ sở y tế dự phòng để được giải đáp và tiêm phòng dại.

Chúc em mạnh khỏe!

Anh trai cháu bị chó cắn nhưng con chó đó chưa được tiêm phòng dại


Câu hỏi bởi: NguyenThiLe0110

Chào bác sĩ.

Anh trai cháu bị chó cắn nhưng con chó đó chưa đươc tiêm phòng dại. Giờ gia đình cháu rất lo cho anh trai cháu. Anh cháu bị chó cắn bị chảy máu một hai giọt máu ạ. Nếu trong thời gian một tháng mà con chó đấy chết thì anh trai cháu có việc gì không ạ. Cháu rất lo cho anh cháu.

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu.

Nguyên tắc khắc phục khi bị chó cắn như sau:

Quản lý con chó đã cắn, theo dõi tình hình ăn uống, triệu chứng bất thường của nó.

Nếu vết thương lớn ở vùng từ bụng trở lên thì tiêm phòng luôn.

Nếu vết thương ở chân tay thì theo dõi con chó đã cắn, sau 10 ngày chó vẫn bình thường thì không phải tiêm phòng, trong vòng 10 ngày chó bị ốm hoặc lên cơn dại thì đi tiêm phòng.

Không biết hoặc không quản lý được con chó đã cắn thì đi tiêm phòng luôn.

Chúc cháu khỏe!

Cháu bé mới bị chó cắn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, ,cháu nhà e mới bị chó cắn lúc nãy. Bị cắn nhưng k trúng mông. Lúc mới đầu e mở ra ktra thì không thấy chảy máu.tầm 10p sau e mở ra thì thấy vết hơi rớm máu. Có thể do mác quần cọ xát vào

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào em:

Tôi cung cấp cách xử trí vết thương khi bị chó cắn

Cách xử trí vết thương khi bị chó cắn, bị chó cắn là một tai nạn khá phổ biến, rất nguy hiểm, rất dễ gặp phải đặc biệt đối với trẻ nhỏ do rất khó phòng tránh, đã có rất nhiều trường hợp người bị chó cắn đã bị tử vong do không được sơ cứu và điều trị phù hợp. Chính vì vậy việc tìm hiểu cách xử trí vết thương khi bị chó cắn đóng một vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và chủ động xử lý hiệu quả.

Cách ly nạn nhân với con chó đã cắn

Để tiến hành sơ cứu cho nạn nhân bị chó cắn, bạn cần cách ly nạn nhân với con chó đã cắn, để tránh trường hợp theo thói quen quán tính nó sẽ cắn tiếp đối với nạn nhân và người sơ cứu. Bạn cũng cần lưu ý không nên cố gắng bắt giữ con chó ngay lúc đó vì sẽ rất nguy hiểm, cũng không nên giết con chó ngay vì phải để theo dõi trong 7-15 ngày nhằm có thêm thông tin hỗ trợ tích cực cho việc điều trị. Tốt nhất sau khi con chó cắn nạn nhân bớt hung dữ bạn tìm cách bắt nó nhốt lại để theo dõi nhé bởi tình trạng sức khỏe của con chó đã cắn sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình điều trị vết thương và sức khỏe của nạn nhân.

Giữ trạng thái bình tĩnh để sơ cứu vết thương bị chó cắn

Cần giữ được sự bình tĩnh đối với cả nạn nhân bị chó cắn và người sơ cứu cho dù tình hình thế nào để việc sơ cứu và xử lý những bước tiếp theo đạt hiệu quả.

Các bước sơ cứu vết thương khi bị chó cắn

– Làm sạch vết thương: Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất sơ cứu vết thương khi bị chó cắn. Bạn nên dùng bông tiệt trùng để rửa nhẹ nhàng vết thương dưới vòi nước chảy cùng với xà phòng diệt khuẩn nhằm loại bỏ tất cả mầm bệnh, tuyệt đối không chà xát mạnh làm tổn thương nghiêm trọng hơn.

– Sát trùng kỹ vết thương: Sau khi rửa sạch vết thương, dùng bông lau khô, bạn dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng vết thương, loại bỏ vi khuẩn hiệu quả. Chỉ dùng một lượng vừa đủ cho lên vết thương, vừa đổ vừa thổi nhẹ để nạn nhân không bị xót nhé;

– Tiến hành cầm máu vết thương cho nạn nhân: Hãy tìm mọi cách nâng cao vùng bị thương nếu có thể để tránh cho vết thương bị chảy máu quá nhiều, sau đó dùng băng sạch băng vết thương để cầm máu.

– Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế: Để được theo dõi và điều trị kịp thời. Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ.

– Tiêm phòng cho nạn nhân: Nạn nhân bị chó cắn cần được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác, tuy nhiên bạn cần theo dõi con chó cẩn thận kết hợp hói ý kiến bác sỹ, nếu trong 15 ngày con chó bỏ ăn, mất tích, chết hoặc bị giết, bán mổ thì cần tiêm phòng ngay cho nạn nhân và có tiến trình điều trị phù hợp để nạn nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe và tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm sau này. Nếu sau 15 ngày con chó vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải tiêm phòng do vắc xin phòng dại sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nạn nhân. Tuy nhiên về vấn đề này bạn nên hỏi kỹ ý kiến bác sỹ nhé.

Bị chó cắn đặc biệt là chó dại sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân nếu chúng ta không biết cách xử lý phù hợp, hiệu quả, cách xử trí vết thương khi bị chó cắn trên đây sẽ giúp bạn chủ động xử lý khi người thân hay bất kỳ ai bị chó cắn, có như thế mới có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm đối với nạn nhân đặc biệt là những nơi xa cơ sở y tế. Giữ bình tĩnh, tiến hành sơ cứu cẩn thận, từng bước một theo hướng dẫn trên đây sẽ góp phần loại trừ được những tình huống xấu có thể xảy ra. Chúc bạn áp dụng thành công nhé.

Trẻ em bị chó cắn


Câu hỏi bởi: Xuân thắng

Thưa bác sĩ , con em được 18 tháng , cách đây hơn 1 tháng cháu có tiếp súc với chó hàng xóm , và có bị cào xước tay . Gờ nghe tin 4 hôm sau thì chó bị chết . Em rất hoang mang , giờ đi xét nghiệm liệu có biết được cháu nhà em có bị nhiễm virut không ạ . Em xin cảm ơn !

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào bạn.

Muốn làm xét nghiệm để xác định con bạn có bị nhiễm, phơi nhiễm virus dại hay không? Hiện nay chỉ có thể làm được ở viện vệ sinh dịch tễ trung ương bằng hai cách, các biện pháp thử dân gian của một số thầy lang đều là lừa dối, không cho kết quả đúng. Một là: Tìm virus dại ở con vật, không có xét nghiệm chính xác về bệnh dại ở con vật còn đang sống, xét nghiệm chỉ có thể chẩn đoán khi con vật đã chết, để thực hiện xét nghiệm này cần cắt đầu con vật và gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Với xét nghiệm này không thể thực hiện được ở trường hợp với con bạn vì con chó đã chết lâu rồi ta không lấy được đầu con chó, đồng thời xét nghiệm này chỉ cho biết là có virus dại ở con chó đó hay không? chứ không cho biết là nó đã sang người qua việc tiếp xúc hoặc cắn hay chưa? Hai là: Xét nghiệm với con của bạn Đối với xét nghiệm chẩn đoán bệnh dại ở người, chỉ xét nghiệm máu là chưa đủ, phải phối hợp xét nghiệm virus dại trong nước bọt, dịch não tủy và sinh thiết da gáy. Xét nghiệm máu và dịch não tủy để kiểm tra xem có mặt kháng thể kháng dại hay không ? (khi virus dại nhân lên cơ thể phản ứng sinh kháng thể chống dại, vì vậy có kháng thể chống dại trong máu chứng tỏ có virus dại). Trong giai đoạn sớm sau khi bị cắn bởi con vật mắc bệnh dại thường chưa phát hiện được kháng thể này, mà khi phát hiện có kháng thể trong máu thì bệnh dại đã ở mức nghiêm trọng, việc tiêm phòng không còn ý nghĩa. Vì vậy cần xét nghiệm tìm chính vi rút dại hiện diện ở người (con bạn) , như việc sinh thiết mảnh da gáy để tìm kháng nguyên của virus (việc này thực hiện tốn kém và cũng khó thấy) Như vậy ở tất cả mọi trường hợp nghi bị lây nhiễm bệnh dại từ súc vật cắn đều không xét nghiệm xem có bị nhiễm virus dại hay không? để quyết định xem có cần tiêm phòng hay không? vì việc xét nghiệm xác định có nhiễm virus hay không là việc làm không có ý nghĩa và thực hiện khó khăn, mà chỉ có biện pháp tiêm phòng vac xin dại theo đúng quy trình dịch tễ của bệnh dại. Bạn tới trung tâm y tế dự phòng của địa phương để được tư vấn cụ thể về quy trình tiêm phòng dại.

Chúc bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl