Nguyên nhân của bệnh lao phổi


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh lao xảy ra do thường xuyên hoạt động ở nơi bị ô nhiễm, nhiều uế khí, nơi ẩm ướt tối tăm, bụi bẩn – điều kiện để vi khuẩn lao phát triển gây bệnh. Do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tiếp xúc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi… Ngoài ra có thể do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc thú bị chúng cào xước… cũng dễ mắc lao da, lao ống tiêu hóa, lao dạ dày,…

Tiếp xúc hôn môi có bị lây lao phổi không ?


Câu hỏi bởi: hoang

Chào bác sĩ!

Em có yêu một người đã từng bị lao phổi và mới đây người yêu em đi thử đàm đợi kết quả. Trong thời gian chờ đợi em với người yêu em có tiếp xúc hôn môi và khi kết quả có rồi thì người yêu em bị tái phát lại. Em tiếp xúc qua môi vậy liệu em có bị lao phổi không? Cơ thể em không có triệu chứng gì của lao phổi?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em có nguy cơ lây nhiễm trực khuẩn lao từ người yêu khi hôn mở miệng hay còn gọi là hôn sâu, hôn kiểu Pháp nhất là khi có tiếp xúc với đờm của người bệnh. Tuy nhiên có thể nhiễm trực khuẩn lao nhưng không bị bệnh nếu cơ thể có sức đề kháng và khả năng miễn dịch tốt. Tuy nhiên khuyên em cần biết cách phòng tránh, không nên để mình bị lây nhiễm trực khuẩn lao từ người khác vì đó là nguy cơ khiến em có thể mắc bệnh lao phổi.

Chúc em khỏe!

Sống chung với người bị bệnh lao phổi, có bị lây không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em ở chung phòng với một chị bị lao phổi 3 năm nhưng em không biết chị ấy bị lao. Như vậy em có bị lây không. Lao phổi (M+) và lao (M-) là như thế nào ạ? Hiện em đang rất lo lắng. Mong bác sĩ giúp em.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Lao phổi M+ hay còn được biết là lao phổi mà xét nghiệm soi đờm trên kính hiển vi tìm thấy trực khuẩn lao. Ngược lại, lao phổi M- là lao phổi mà xét nghiệm không tìm thấy, không phát hiện được trực khuẩn lao khi soi đờm.

Em sống chung với người bị bệnh lao phổi, nếu chị bạn em không được chữa trị thì em có nguy cơ lây nhiễm. Lây nhiễm trực khuẩn lao qua đường hô hấp và chủ yếu do tiếp xúc gần và hít phải trực khuẩn lao trong không khí do người bệnh ho, hắt hơi. Tuy nhiên khuyên em không quá lo lắng, 90% các tình huống nhiễm trực khuẩn lao đều được hệ thống miễn dịch của chúng ta kiểm soát làm cho vi khuẩn lao “ngủ yên” và không gây bệnh. Nếu em có các biểu hiện ho kéo dài, sốt chiều, em nên khám bác sĩ.

Chúc em mạnh khỏe.

Cách tránh tái phát lao phổi


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Cháu bị lao phổi, đã chữa trị khỏi bệnh theo phác đồ mới (6 tháng). Bác sĩ tư vấn cho cháu cách để tránh tái phát được không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Để tránh bệnh lao phổi tái phát, cháu cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bằng cách:

Dinh dưỡng đầy đủ, đủ nhu cầu năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, ngủ đủ giấc. Ăn các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá, uống thêm sữa. Một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu và đỗ đều có tác dụng tốt với dinh dưỡng.

Tập luyện thể thao hàng ngày, chơi thể thao vừa sức mình, tránh môi trường ô nhiễm khói, bụi, hóa chất, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.

Tăng cường sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể là một trong những điều quan trọng để tránh lao tái phát, vì vậy cần nghỉ ngơi, làm việc điều độ và dinh dưỡng hợp lý. Một số loại thuốc có nguồn gốc thảo dược có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể như nấm linh chi, tam thất…

Để tránh lao tái phát điều quan trọng nữa cần lưu ý là tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bị lao phổi khi đang mang thai


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, vợ cháu mang bầu đã được 8 tháng nhưng giờ bị lao AFB âm tính. Vậy phương pháp điều trị có gì khác người bình thường và có tác động đến thai nhi ra sao. Cháu đang có ý định mổ cho con ra ấp lồng kính và tiện cho việc vợ dùng thuốc nhưng vợ cháu sức khoẻ yếu không thực hiện được. Cháu mong nhận được sự giải đáp của bác sĩ.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Việc điều trị lao trên phụ nữ mang thai cũng hiệu quả như trên người bình thường, với các thuốc chống lao đầu tay có hiệu quả như Isoniazid, Rifampicin (rifampin), Ethambutol và Pyrazinamid được nghi nhận là rất an toàn trong thai kỳ và không liên quan đến dị tật thai nhi. Do đó cháu không nên lo lắng về việc chữa trị lao cho mẹ có thể gây tác động tới sức khỏe của thai nhi. Trong thời gian uống thuốc chữa trị bệnh lao việc giám sát chức năng gan là cần thiết. Vợ cháu được chẩn đoán lao phổi AFB âm tính, nên sau khi sinh không nhất thiết phải cách ly mẹ và con (chỉ cách ly khi xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao). Khuyên cháu không nên có ý định mổ lấy thai và nuôi con trong lồng ấp trừ khi đó là chỉ định can thiệp của bác sĩ. Khuyên cháu trao đổi với bác sĩ chữa trị để có thêm những thông tin hữu ích về tình hình sức khỏe của vợ cháu.

Chúc vợ, con cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl