Cảnh giác với dấu hiệu bong tróc trên da


4,226
1
1
Xu
53
Da bong tróc luôn là nỗi lo của tất cả. Thực sự điều này vô cùng khó chịu khiến chúng ta nhiều khi chỉ muốn đá bay mọi thứ. Bên cạnh đó, nó còn mang lại nỗi sợ về căn bệnh hoặc triệu chứng nguy hiểm mà cơ thể đang mắc phải nữa.

Bong tróc vảy trên da là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cho em hỏi: Làn da của em mùa hè cũng như mùa đông nó thường bị bong tróc vảy lên và từ khi em sinh ra đã bị như thế. Vậy bác sĩ có thể giải đáp cho em đó là bệnh gì? Và cách điều trị ra sao? Còn nếu không thấy cách chữa trị thì có cách gì để thuyên giảm được không ạ.

Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Trần Thị Đức


Chào em!

Theo như em nói, em có thể bị bệnh vẩy cá, tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm da cơ địa dị ứng. Bệnh vẩy cá là nhóm các bệnh có đặc trưng là vẩy da khô ráp giống như vẩy cá, không viêm, tồn tại lâu, lan toả ( bao gồm: vẩy cá thông thường vẩy cá liên quan đến nhiễm sắc thể X, vẩy cá bong vẩy lá). Các thể bệnh vẩy cá thông thường ít tác động đến tính mạng và sức khỏe người bệnh nhưng lại gây ra những khó khăn, phiền phức cho họ trong cuộc sống. Bệnh triệu chứng da khô, bong vẩy khi sơ sinh và thường khoảng 2 tháng sau sinh hoặc muộn hơn. Vẩy da trắng xám, nhỏ mịn, mảnh nhỏ cuộn tròn bám nửa vào da. Da toàn thân bong vẩy bất thường.

Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị khỏi bệnh vẩy cá. Nhưng để giảm bệnh bệnh nhân cần ở môi trường ấm, có độ ẩm vừa phải, bôi các kem dịu da, mềm da; giữ ẩm cho da. Trường hợp nặng: bôi các chế phẩm có Parafin. Mỡ Salicylic 3-5% có tác dụng làm bong vẩy nhưng gây kích ứng và có thể nhiễm độc nếu bôi diện rộng. Các loại acid hoa quả (fruit acids- alpha-hydroxy acid) như Lactat, Glycolic, Malic, Citric, Pyruvic… 5-10% chế phẩm dạng dầu hoặc kem, lotion có tác dụng làm dịu da, mịn da. Có thể sử dụng kem Urea 5-10% làm dịu da, mềm da. Tốt nhất em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán chính xác và chữa trị thích hợp.

Chúc em luôn khỏe!

Da bong tróc sau tiêm thuốc dị ứng là làm sao?


Câu hỏi bởi: Thanh Mai

Chào bác sĩ, cháu năm nay 22 tuổi, là nữ. Cách đây khoảng 2 tháng cháu có bị dị ứng với rượu, bị ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân. Sau khi tiêm và dùng thuốc thì đã khỏi nhưng da cháu có hiện tượng bong tróc từng mảng lớn ở chân, và da ở tay, chân thì nhăn nheo, sần sùi. Cháu bị bệnh gì vậy bác sĩ? Chữa trị thế nào ạ? Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Tình trạng bong tróc da từng mảng lớn ở chân và tay, kèm theo chân nhăn nheo sần sùi như cháu mô tả, nhiều khả năng là do cháu bị dị ứng thuốc (thuốc uống và tiêm để chữa trị bệnh dị ứng rượu trước đó). Đây là một dạng dị ứng thuốc muộn. Do đó cháu cần dừng ngay tất cả các thuốc đang sử dụng, đến bệnh viện để được các bác sĩ đánh giá đúng tình trạng của bệnh và sử dụng các thuốc thích hợp. Chú ý nên đem theo vỏ thuốc đã và đang sử dụng để bác sĩ biết cháu đã sử dụng thuốc gì. Cháu cần thận trọng khi sử dụng thuốc lần sau, không tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc về để sử dụng. Cần uống thuốc dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Chúc cháu mau khỏe!

Sau khi lột da, da bị bong tróc, mảng vụn, phần da sau khi lột sần lên phải khắc phục như thế nào?


Câu hỏi bởi: Tutu

Thưa bác sĩ!

Em 21 tuổi, sau một lần nghe bạn bè giới thiệu về thuốc lột cao cấp, lột ra mảng bự. Mua về sử dụng, nhưng sau khi thực hiện đúng như hướng dẫn sử dụng da không lột ra được mảng bự mà chỉ một số chỗ lột ra những mảng vụn, sau khi lột da lại đỏ vài tiếng sau thì hết. Mấy ngày liền đến khoảng một tuần sau đó những chỗ còn lại bị bong tróc vụn vụn, phần da lột được rồi thì khô và da sần lên hơi trắng. Em rất hoang mang. Mong bác sĩ hướng dẫn giúp em cách khắc phục cho da bong ra hết và những chỗ da khô và sần trắng em phải làm sao ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trường hợp của bạn là đã dùng kem lột da để làm trắng. Bạn cần biết rằng lớp biểu bì trên cùng có tác dụng bảo vệ làn da non phía dưới. Vì vậy, lột đi lớp biểu bì đó đồng nghĩa với việc tước đi lớp bảo vệ của làn da. Phần da non sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, nắng gắt, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường nên rất dễ bị tổn thương. Nhiều loại kem chứa nhiều hóa chất độc hại như như thủy ngân, Hydroquinone, Corticoid, Acide salicylique…

Do đó, khi sử dụng những loại mỹ phẩm này, làn da rất dễ bị dị ứng, tổn thương và dẫn đến những biểu hiện như ngứa, bỏng rát, phồng rộp, nổi mẩn, tấy đỏ, nổi mụn mủ, da bong tróc từng mảng. Nhiều loại kem lột trắng da còn chứa Corticoid. Khi sử dụng loại mỹ phẩm làm đẹp có chứa chất này thường nhìn thấy kết quả rất nhanh. Tuy nhiên, Corticoid sẽ gây ra các biến chứng như teo, rạn, dễ nhiễm trùng da, chậm liền vết thương, lão hóa nhanh. Bên cạnh đó các sản phẩm tẩy trắng da thường chứa thành phần axít nhẹ, nhờ đó da sẽ sáng nhanh hơn nhưng về lâu dài đây là lí do làm da bị sạm, tăng mụn trứng cá.

Đặc biệt, nếu nồng độ Hydroquinone trong các loại kem lột trắng da cao sẽ tăng nguy cơ ung thư cho người sử dụng. Nhiều tình huống nhập viện do viêm, sạm hay nám da thậm chí biến chứng nặng và có các dấu hiệu như nổi mụn, bong da, nổi bọng nước đau rát khó chịu sau khi sử dụng các loại kem lột. Những loại bệnh này thường diễn biến phức tạp và phải chữa trị rất lâu dài.

Da bạn hiện nay đang có hiện tượng bong tróc vụn vụn, phần da lột được rồi thì khô và da sần lên hơi trắng. Bạn cần theo dõi thêm, nếu thấy các dấu hiệu ngứa, bỏng rát, phồng rộp, nổi mẩn, tấy đỏ, nổi mụn mủ… thì nghĩa là bạn đã dị ứng với thuốc lột hoặc trong thuốc lột bạn sử dụng có thành phần có hại cho da,khi đó bạn cần đi khám bác sĩ da liễu. Trước mắt bạn cần giữ vệ sinh da sạch sẽ, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bôi các loại kem phục hồi da sau lột.

Chúc bạn trẻ, đẹp!

Da khô và bong tróc vẩy trắng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ giải đáp giúp em với. Da mùa đông của em thường bị khô, bung tróc vẩy trắng. Vậy có cách nào làm hạn chế hoặc chữa khỏi được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Da bong vảy khô là những lớp da mỏng li ti xuất hiện trên mặt cũng như các vùng da mỏng vào mùa lạnh, khiến không ít người cảm thấy kém tự tin vì làn da không còn mịn. Khi các tuyến dầu dưới da không tiết đủ nhờn hay khi tiếp xúc với gió lạnh, thời tiết hanh khô… là những lí do làm cho khô da.

Dưới đây là một số bí quyết chăm sóc da khô mùa đông giúp em tham khảo nhé:

– Giữ ẩm thường xuyên cho da là nguyên tắc vàng cho làn da khô. Hãy sử dụng một loại kem giữ ẩm tốt để bảo vệ làn da trước những khắc nghiệt của thời tiết. Mỗi ngày thực hiện 1-2 lần, em thực hiện đủ 3 bước: làm sạch da, phục hồi da bằng cách mát-xa và bôi kem dưỡng ẩm. Trong quá trình giữ ẩm, cần lưu ý để làn da không bị mất đi chất dầu tự nhiên. Em có thể dùng kem dưỡng ẩm da tiện dụng, bôi kem sau khi tắm và rửa mặt bằng các loại sữa dịu nhẹ, tốt nhất là một loại thảo dược với thành phần tự nhiên có thể làm sạch làn da của em. Các loại kem với các thành thành phần giữ ẩm tự nhiên như mật ong, lô hội… thường tốt hơn cả.

– Hạn chế dùng xà phòng, tránh các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, chất cồn có xu hướng làm khô da.

– Tránh sử dụng nước quá nóng. Tắm hơi thường xuyên cũng có thể làm cho da em bị khô. Sau khi tắm, lau khô da nhẹ nhàng và tránh cọ xát của da quá mạnh.

– Tẩy da chết theo định kì được cho là tốt để loại bỏ làn da khô. Sau mỗi lần tẩy da chết thì bôi kem dưỡng ẩm.

– Một chế độ ăn cân bằng giàu protein, sữa, trái cây và rau quả được cho là biện pháp kỳ diệu cho sức khỏe của da.

– Em cần tăng lượng nước uống hàng ngày để duy trì độ ẩm da. Ít nhấy 8-10 ly/ngày. Ngủ đủ giấc mỗi ngày.

– Không hút thuốc lá, uống rượu , dùng các chất kích thích, tiêu thụ đồ ăn vặt…

– Hãy thử áp dụng một chế độ tập luyện phù hợp với em, vì nó cũng là một trong những cách để làm cho làn da của em khỏe mạnh.

– Ngoài ra, em có thể sử dụng một số các loại “mỹ phẩm tự nhiên” như: đu đủ trộn với bột sữa có thể mang đến cho làn da của em một độ ẩm cần thiết.

Chúc em có được làn da như ý!

Da bị bong tróc có phải viêm da tiết bã?


Câu hỏi bởi: Gia Hân

Thưa bác sĩ.

Cháu năm nay 17 tuổi. Mặt cháu bị bong tróc da ở phần đầu chân, dưới chân mày. Mấy ngày nay 2 bên sống mũi cháu nổi những vết đỏ, khô. Cháu sợ cháu bị viêm da tiết bã. Giờ cháu phải làm gì để hết bệnh ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Em mô tả như thế là em bị viêm da tiết bã. Viêm da tiết bã là một bệnh viêm da mãn tính thường gặp và hay tái phát. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng với hồng ban tróc vảy nhờn, giới hạn tương đối rõ, tập trung chủ yếu ở vùng da có nhiều tuyến bã như da đầu, mặt và thân trên. Bệnh thay đổi từ nhẹ đến nặng, gồm dạng vảy phấn, dạng vảy nến hoặc đỏ da toàn thân. Đây là bệnh da mãn tính, nên không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể ức chế và làm bệnh không nặng hơn do đó cần chữa trị lâu dài.

Mục tiêu chữa trị: loại bỏ vảy, ức chế chủng nấm men, kiểm soát bội nhiễm, giảm đỏ và ngứa.

Tại chỗ: Kháng nấm: imidazole, ciclopirox, terbinafine. Corticosteroid. Ức chế calcineurin: tacrolimus, pimecrolimus.

Tiêu sừng: salicylic acid, lưu huỳnh, hắc ín (tar). Vitamin D3: calcipotriene, calcitriol, tacalcitol, metronidazole, benzoyl peroxide, lithium.

Toàn thân: Kháng nấm: itraconazole, ketoconazole, terbinafine, fluconazole, privaconazole, isotretionin, corticosteroid.

Chào em!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl