Cảnh giác với hiện tượng tiểu nhắt – tiểu rắt kèm máu


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Đôi lúc, tiểu nhắt (rắt) có thể đi kèm với hiện tượng ra máu. Đây là một triệu chứng nguy hiểm mà bất cứ ai cũng cần cảnh giác và xử lý sớm.

Bị đi tiểu buốt, tiểu rắt và có máu là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Hoa

Chào bác sĩ!

Cháu là nữ, 25 tuổi. Hôm nào cháu có đi tiểu buốt, tiểu rắt và có máu. Cháu ra hiệu thuốc, thì bác sĩ ở đó bảo cháu bị viêm đường tiết niệu. Có bán cho cháu 3 loại thuốc: Scanax 500, Mic và Metasone, và dặn cháu là đi tiểu sẽ thấy nước tiểu màu xanh, và uống nhiều nước để tống thải vi khuẩn ra ngoài. Cháu có uống nhiều nước, mỗi ngày khoảng 3 lít nước, nhưng khi đi tiểu cháu không có nước tiểu màu xanh như bác sĩ đấy nói, mặc dù cháu đã uống hết thuốc. Cháu không tiểu ra máu như lúc đầu nữa, mà khi tiểu xong, cháu dùng giấy lau thì lại thấy trên giấy lau đó có màu máu. Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu bị sao vậy ạ. Như vậy có tác động tới sức khỏe sinh sản của cháu không ạ. Và còn mấy ngày nữa là cháu tới chu kỳ kinh nguyệt rồi, cháu đang lo lắng có bị mất kinh nguyệt không ạ? Mong bác sĩ giải đáp cho cháu ạ.

Cháu vô cùng cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, có máu có thể do nhiều lí do gây ra, có thể do viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, chấn thương đường tiết niệu, khối u cục đường tiết niệu,…

Trường hợp của em, có tiểu buốt, tiểu rắt và có máu nhưng chưa đi khám kiểm tra mà tự ý mua thuốc về uống là cách khắc phục chưa thích hợp. Việc tự ý dùng thuốc không những không khỏi mà có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu viêm nhiễm có thể khiến cho việc chữa trị khó khăn hơn do vi khuẩn kháng thuốc, hoặc các tổn thương thực thể để lâu, không chữa trị có thể gây biến chứng, làm giảm cơ hội chữa khỏi bệnh.

Do vậy, trước hết em không nên lo lắng quá mức gây tác động tới sức khỏe, đồng thời nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa Thận-Tiết niệu để khám kiểm tra. Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ có thể cho làm thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp,… để xác định lí do gây rối loạn và có hướng chữa trị thích hợp.

Thân mến!

Đi tiểu rắt, buốt và ra máu là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Gái Biển

Chào bác sĩ

Bác sĩ làm ơn giải đáp giúp cháu với ạ. Cháu là nữ, 25 tuổi, cách đây gần nửa tháng, cháu đi tiểu rắt, buốt và ra máu. Ra hiệu thuốc thì người ta bảo cháu bị viêm đường tiết niệu, bán thuốc cho cháu về uống và bảo cháu là đi tiểu nước tiểu sẽ có màu xanh do thành phần của thuốc. Nhưng uống hết thuốc thì bệnh của cháu khỏi, nhưng đi tiểu thì nước tiểu không thấy màu xanh như đã nói, và cháu uống rất nhiều nước ạ, 1 ngày thường hơn 2 lít nước. Bây giờ thi thoảng cháu có cảm giác đau nhẹ bụng dưới bên phải, cháu đang lo sợ là cháu bị thận hay bị buồng trứng gì không? Và cho cháu hỏi là như vậy có tác động tới sinh sản không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Có nhiều lí do gây đau bụng dưới bên phải:

Viêm ruột thừa: Nếu thấy đau hố chậu bên phải, mặc dù cơn đau không dữ dội hoặc không bị sốt người bệnh cần đi khám ngay vì rất có thể đó là biểu hiện của viêm ruột thừa.

Viêm bàng quang: Với biểu hiện đau dữ dội vùng xương mu, cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khác như: tiểu nhiều kèm theo những cơn đau khi vệ sinh, nóng rát, nước tiểu đục kèm theo mủ, máu và có mùi hôi.

Thai ngoài tử cung: Cơn đau một bên bụng dưới, chảy máu thường xuất hiện ở ruột non hoặc buồng trứng, người bệnh có thể cảm giác đau dữ dội và khó chịu.

U nang buồng trứng: Đau một bên bụng kèm theo rối loạn kinh nguyệt, khi khối u càng lớn thì buồng trứng càng dễ bị xoắn. Phát hiện u nang buồng trứng khi khám phụ khoa qua thăm dò âm đạo và nắn bụng.

Viêm ống dẫn trứng: Triệu chúng phổ biến là đau vùng chậu, cơn đau tăng nhanh khi giao hợp, chảy máu kinh kèm theo sốt và ra nhiều khí hư.

Trường hợp của bạn là đau bụng dưới bên phải nhưng đau nhẹ. Không biết đau đã lâu chưa, có kèm theo triệu chứng gì khác như sốt hay ra nhiều khí hư, rối loạn kinh nguyệt không? Nói chung bạn nên đi khám vì có nhiều lí do gây đau bụng dưới bên phải, nếu chỉ dựa trên những mô tả của bạn thì khó có thể chẩn đoán lí do. Bạn không nên quá lo lắng vì tình huống của bạn là đau nhẹ và thỉnh thoảng mới xuất hiện. Bạn nên đi khám sớm để giải tỏa tâm lý.

Còn về hiện tượng uống hết thuốc chữa viêm đường tiết niệu thì bệnh khỏi nhưng nước tiểu của bạn không thấy màu xanh như người bán thuốc nói cũng là điều bình thường. Tác dụng phụ của thuốc ở mỗi người khác nhau, có thể là ít, có thể là rõ rệt. Ở bạn, có thể tác dụng ít, cộng với bạn uống nhiều nước nên hầu như không tác động.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bé đi tiểu thì có một ít máu màu hồng và tiểu lắt nhắt, là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: N.T Thủy

Thưa bác sĩ!

Bé nhà em được 16 tháng 20 ngày. Sáng nay bé đi tiểu thì có một ít máu màu hồng ở đáy quần của bé. Khoảng hai ngày trước bé đi tiểu nhưng theo kiểu đi tiểu lắt nhắt chứ không tiểu như mọi ngày. Và hai đêm rồi cứ khoảng nửa đêm là bé trằn trọc và khóc chừng nửa tiếng mới ngủ đến sáng. Bé đi đại tiện bình thường. Chế độ ăn của bé là: sáng 7h30 ăn một chén bún hoặc phở; 8h30-9h: uống sữa sau đó đi ngủ hoặc bé chơi; 11h: ăn cháo, tắm rửa; 12h30: bé ăn sữa chua; 1h bé đi ngủ; 13h30-14h: uống sữa; 17h30: ăn cháo; 20h30: uống sữa; 21h bé đi ngủ. Bác sĩ cho em hỏi là con em bị bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Em cảm ơn bác sĩ!

Mến chào em!

Theo thư em trình bày, thì bé của em cần loại trừ các bệnh lý sau:

Nhiễm trùng tiểu (mà nguyên nhân thường gặp do hẹp bao quy đầu ở bé trai)

Trằn trọc khó ngủ do thiếu vitamin D hoặc do nhiễm trùng tiểu…

Em nên cho bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và đánh giá rồi mới tìm được nguyên nhân, nếu đúng là 2 bệnh trên thì không có gì nguy hiểm. Còn về thực đơn cho bé ăn mỗi ngày như vậy là rất tốt rồi em, nhưng nhớ chú ý phải đủ 4 nhóm thức ăn em nhé!

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Tiểu buốt, tiểu nhắt và có máu là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Anh Mai

Em chào bác sĩ.

Tối qua em đi tiểu bị đau buốt khi đi những giọt cuối cùng, nó buốt như là cố cầm giữ 1 cái gì đó nhưng không được và vậy là cứ buông, và liên tục em muốn đi tiểu nhưng chỉ ra vài giọt là hết, và nhịn lại cũng không được nên cứ phải vào nhà vệ sinh liên tục.

Lúc em ngủ thì không sao, nhưng chợt tỉnh lại là lại thấy cảm giác muốn đi tiểu. Khi em dùng giấy lau thì phát hiện có màu của máu, tuy không ra giọt nhưng lúc em lau thì thấy có màu máu ở nơi đi tiểu.

Hiện tượng này xuất hiện liên tục từ tối qua đến sáng ngày hôm nay vẫn còn, không bớt. Em bị như vậy là triệu chứng của bệnh gì và cách điều trị như thế nào? Bệnh này có nguy hiểm hay không?

Em lo lắm, mong có lời khuyên từ bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ.

Chào em.

Trường hợp này em cần nhanh chóng khám chuyên khoa Tiết niệu, để loại trừ viêm hoặc sỏi đường tiết niệu nha em (thận, niệu quản hoặc bàng quang…).

Rất cần được làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng mới có chẩn đoán chính xác và điều trị cho em. Tùy theo nguyên nhân bác sĩ sẽ giải thích thêm cho em ở những câu hỏi sau.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Tiểu rắt, ra máu hồng chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 26 tuổi, là nữ. Mới 1 tuần đây trở lại đây em đi tiểu rắt, ra máu màu hồng, đau rát, nhưng sang ngày mai không ra máu nữa, cảm giác buồn đi mà không đi được, cũng bị 2 ngày là hết. Nhưng đến hôm qua em thường đi rắt kể cả tiểu đêm (trước kia rất ít khi phải đi), đi xong là có cảm giác muốn đi tiếp. Nước tiểu không có gì bất thường, chỉ là hay phải đi tiểu thôi. Vậy xin hỏi bác sĩ em bị sao không ạ, phải chữa thế nào ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em có biểu hiện đi tiểu ra máu, đi tiểu buốt, đi tiểu rắt. Triệu chứng viêm bàng quang của em là rất rõ ràng. Em cần đi khám chuyên khoa, làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra, siêu âm thận, tiết niệu và bàng quang xem có sỏi đường tiết niệu hay không? Khám và xét nghiệm để loại trừ bệnh lý viêm cầu thận. Việc chữa trị viêm bàng quang chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh đường tiết niệu, thuốc sát khẩn đường niệu. Bác sĩ khám bệnh sẽ kê đơn sau khi có chẩn đoán xác định.

Chúc em mạnh khỏe !


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.