Trẻ sơ sinh: Tổng hợp những câu hỏi thường gặp nhất (phần 3)


4,226
1
1
Xu
53
Trẻ sơ sinh có rất nhiều vấn đề sức khỏe mà phụ huynh cần đặc biệt quan tâm. Đó cũng chính là lí do xuất hiện khá nhiều thắc mắc từ các bậc cha mẹ có con nhỏ.

Phẫu thuật giãn bể thận ở trẻ sơ sinh


Câu hỏi bởi: Ánh

Thưa bs, cháu 31t hiện đang mang song thai ở tuần 34. Trong thời gian mang thai, bs theo dõi thai và siêu âm cho cháu thấy 1 trong 2 bé nhà cháu bị giãn bể thận bên phải rất to, tuần 33 bé bị giãn là 33mmx68mm. Bs nói sau sinh con cháu sẽ phải thực hiện phẫu thuật bên thận bị giãn đó. Bé nhà cháu phát hiện giãn thận từ tuần 21 lúc đó mới có 9x11mm, vẫn có nc tiểu thoát ra. Thận bên trái của bé thì hoàn toàn bình thường. Cháu muốn hỏi bs là có nhất thiết sau khi sinh xong là phải đưa bé vào viện để làm phẫu thuật ngay ko ạ? Vì cháu song thai, lại ở xa Hà Nội, nên đến ngày sinh cháu sẽ phải sinh mổ, ko được thuận tiện khi phải chăm sóc cả 2 bé. Liệu sau sinh con cháu có nên theo dõi 1 thời gian để xem sự thay đổi của bên thận bị giãn đó ko ạ hay phải cho bé nhập viện luôn ạ. Cháu bối rối quá, mong bs tư vấn giúp cháu cho cháu lời khuyên với ạ. Và cháu muốn hỏi thêm về chi phí phẫu thuật cho bé là bn ạ. Để gđ cháu còn chuẩn bị trc. Cháu xin cảm ơn bs.

Chăm sóc khách hàng ViCare


Thân gửi chị Ánh,
Trước tiên, cảm ơn chị đã sử dụng chuyên mục Hỏi Bác sĩ . ViCare đã nhận được câu hỏi của chị về vấn đề thận tiết niệu ạ.
Tuy nhiên, do sơ xuất trong quá trình vận hành, ViCare đã không theo dõi được câu hỏi này và chưa gửi tới bác sĩ được. Thay mặt ViCare, em rất xin lỗi anh/chị về sự chậm trễ này và những bất tiện có thể xảy ra cho chị ạ. Hiện giờ, ViCare đã gửi câu hỏi tới bác sĩ chuyên khoa và sẽ báo tin cho chị ngay khi có câu trả lời.
Một lần nữa, mong chị thông cảm cho sai sót này. ViCare hi vọng có thể cải tiến để trợ giúp cho chị tốt hơn trong tương lai.

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Giãn đài bể thận là dấu hiệu của thận ứ nước là một tình trạng bệnh lý bẩm sinh gây ra do sự hẹp hay tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang. Nguyên nhân hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh là do hẹp khúc nối bể thận niệu quản.
Ngày nay, sự phát triển của chẩn đoán tiền sản, trong đó vai trò siêu âm, đã giúp phát hiện thận nước từ rất sớm, có thể từ tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Điều trị thận ứ nước ở trẻ sơ sinh tùy theo mức độ, có thể phẫu thuật giải phóng nơi bế tắc nhằm tránh tác hại đưa đến suy thận.
Trong giai đoạn bào thai, quá trình phát triển của hệ niệu có những bất thường như: thiểu sản niệu quản có thể gây nhu động bất thường qua khúc nối. Bất đối xứng của thành cơ có thể ức chế nhu động niệu quản tống xuất nước tiểu ra khỏi bể thận. Sự cắm niệu quản vào bể thận cao quá có thể làm thay đổi hình dạng và cản trở sự tống xuất nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Do bất thường của mạch máu cực dưới thận làm kẹt niệu quản, cản trở nước tiểu từ trên thận xuống. Mạch máu quanh khúc nối thường có kèm với hẹp khúc nối. Thận xoay và thận di động quá mức có thể gây tắc nghẽn từng hồi phụ thuộc vào vị trí tương đối của thận và niệu quản. Hậu quả nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang bị ứ trệ, lâu ngày làm cho các bể thận giãn căng và gây ứ nước ở thận. Do vậy, trong quá trình khám thai, siêu âm có độ phân giải cao có thể phát hiện thận ứ nước.
Các trường hợp siêu trong quá trình mang thai, thai nhi siêu âm có ghi nhận thận ứ nước, cần tầm soát thêm các yếu tố bất thường nặng nề khác đi kèm, tùy theo mức độ cần có ý kiến bác sĩ sản khoa và bác sĩ niệu khoa đưa ra quyết định cần chấm dứt thai kỳ hay chỉ đơn thuần một tình trạng ứ nước thận mức độ nhẹ.
Khi trẻ sinh ra, nhất thiết siêu âm lại xác định thận ứ nước. Cần làm thêm xét nghiệm, chụp bàng quang – niệu quản ngược dòng, để loại trừ trào ngược bàng quang – niệu quản. Một khi không có trào ngược bàng quang niệu quản, chỉ định chụp CT-scan niệu thận, để lượng giá chức năng thận và xác định mức độ tắc nghẽn niệu quản. Đồng thời làm các xét nghiệm máu cơ bản.
Trên lâm sàng, những trẻ sơ sinh có sốt, kèm tiểu ít, trước đó tiền sản có thận ứ nước, nước ối ít hay thiểu ối, cần nghĩ đến khả năng hẹp khúc nối bể thận nên cho trẻ đi siêu âm ngay.
Theo dõi và điều trị thận ứ nước ở trẻ sơ sinh
Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản ở trẻ sơ sinh gây thận ứ nước: siêu âm thận xạ hình thận động sau 1 tháng, tiếp tục theo dõi vào thời điểm 3 – 6 tháng. Trong quá trình làm các xét nghiệm chụp bàng quang – niệu quản, cần thiết dùng thuốc kháng sinh để ngừa nhiễm trùng như: Augmentin, Zinnat.
Theo dõi và điều trị bảo tồn cho kết quả tốt ở những trẻ có thận ứ nước mức độ nhẹ như ứ nước độ 1 và độ 2, do khả năng tự cải thiện trong quá trình rỗng hóa. Vì vậy, việc theo dõi còn tiếp tục sau sinh cho đến khi trẻ được một tuổi. Các mức độ ứ nước cao, cần làm xạ hình thận để đánh giá chức năng và độ tắc nghẽn để có điều trị phù hợp.
Phẫu thuật can thiệp nếu cần: khi có triệu chứng, chức năng thận giảm >10% và tình trạng ứ nước thận càng tệ hơn. Với phương pháp phẫu thuật bằng kỹ thuật tạo hình bể thận-niệu quản qua nội soi sau phúc mạc. Với bạn thì phải phẫu thuật lấy thai sau đó cũng nên đưa bé đi khám sớm tại khoa tiết niệu viện nhi TW để có hướng điều trị kịp thời cho bé nhé. Đây là những thông tin cần thiết mà bạn nên biết . Tôi hiểu bạn đang rất phân tâm nhưng trong lúc này bạn phải phối hợp cùng gia đình cùng nắm tay nhau thì các bạn sẽ vượt qua . Chúc các bạn may mắn.
Chào bạn.

Trẻ sơ sinh chảy máu ở rốn có sao không?


Câu hỏi bởi: Thanhtung – TayNinh

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, cho em hỏi con em sinh được 13 ngày mà chưa rụng rốn. Sáng nay em bế con đi phơi nắng phát hiện thấy rốn có chảy 1 ít máu. Bé thường khóc đêm, khó ngủ. Bé bị như vậy có sao không bác sĩ? Xin bác sĩ hướng dẫn cho em biết ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Sau đây là cách tự chăm sóc rốn cho bé tại nhà:

Trong ngày đầu sau sinh, thường sau khi tắm bé, nhân viên y tế bôi dung dịch sát trùng lên cuống rốn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

24 giờ sau sinh, khi mặt cắt rốn khô, có thể tháo kẹp rốn an toàn khỏi cuống rốn. Nên tháo kẹp rốn tại bệnh viện, trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện về nhà. Kẹp rốn có thể cản trở trong khi thay tã tại nhà và có thể bị kéo giật lên, gây tổn thương chân rốn.

Các bác sĩ cho phép che phủ rốn bằng một lớp gạc vô khuẩn không gòn trong 1 – 2 ngày đầu. Có nhiều nghiên cứu cho thấy bôi dung dịch cồn 70 độ lên rốn mỗi ngày có thể làm chậm rụng rốn. Cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ cho cuống rốn khô, để hở, cho phép cuống rốn tiếp xúc với không khí giúp cuống rốn mau khô. Quấn tã phía dưới rốn. Sau khi trẻ tiêu, tiểu cần thay tã ngay.

Khi rốn chưa rụng, tránh không đặt trẻ vào thau tắm. Dùng khăn nhỏ mềm lau người trẻ, sau khi lau người trẻ, dùng que gòn lau chân rốn trẻ.

Khi rốn rụng, có thể nhúng trẻ vào thau tắm.

Một ít máu khô dính ở chân rốn có thể bình thường.

Tuy nhiên cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ sơ sinh sốt. Có một số trường hợp bệnh liên quan đến rốn cần mang trẻ đi khám:

Nhiễm trùng rốn: Nếu bạn thấy dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được chữa trị tại bệnh viện.

U hạt rốn: Nếu bạn thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được chữa trị với nitrat bạc.

Rỉ máu rốn kéo dài: Nếu bạn thấy chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu, cần đi khám bác sĩ.

Nếu bé có một số dấu hiệu như trên thì bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Cách chữa trị cứt trâu ở trẻ sơ sinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ sao đầu của trẻ sơ sinh lại có cái màu đen? Làm thế nào cho sạch?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Thân chào bạn!

Cứt trâu ở trẻ nhỏ thực chất là 1 hiện tượng rất bình thường. Đó là hiện tượng bẩm sinh tự nhiên ở trẻ. Do trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 6 tháng đầu, da đầu của trẻ lại có chứa rất nhiều chất dầu nên dễ vón lại tạo thành các vảy gọi là cứt trâu. Nếu cứt trâu chỉ đóng thành lớp mỏng thì cũng không gây tác động gì đến sức khỏe của trẻ, sau 1, 2 năm sẽ hết. Cứt trâu sẽ làm cho trẻ khó coi nhưng bạn cũng không nên có bóc những vảy này của trẻ, vì nếu làm như thế có thể làm tổn thương vùng da đầu, chân tóc của trẻ..

Cách điều trị : Bạn có thể làm mỏng dần lớp vẩy bằng cách trước khi tắm cho trẻ, dùng chế phẩm chữa trị cứt trâu cho trẻ hoặc bôi lên da đầu của trẻ 1 lớp dầu Vaselin, ủ khỏang 30 phút, sau đó dùng nước chanh loãng gội đầu thì lớp cứt trâu sẽ dần dần mòn đi . Chỉ khi hiện tượng này quá trầm trọng, kết hợp có bội nhiễm vi khuẩn làm đỏ da, mưng mủ, hoặc gây ngứa như chàm, bã nhờn thì bạn cần phải đưa trẻ đi khám để được chữa trị bằng thuốc.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Chăm sóc trẻ sơ sinh


Câu hỏi bởi: Hương

Chào bác sĩ,
E có bé gái được hơn tháng tuổi, bị nghẹt mũi khoảng hơn 10 ngay nay.tuy nhien bé ko bị cháy nước mũi,chỉ khò khè đặc biệt vào ban đêm,bé vẫn ăn ngủ bình thường.e có dùng nước nhỏ mũi để vệ sinh cho cháu nhưng vẫn k khỏi. Cháu bị như vậy có sao k ah? Có cách nào điều trị ko ah ?

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn


có khả năng bé bị dị ứng thời tiết, ở tuổi này chỉ cần chăm sóc mũi tại chỗ thôi

Trẻ sơ sinh chậm lẫy


Câu hỏi bởi: Hồ thị bạch phương

thưa bác sĩ! con toi hiện nay 5 tháng nặng 7,8kg, cao 67cm bú mẹ 300ml và bú bình 500ml mỗi ngày. Lúc 3 tháng rưỡi cháu có lẫy 1 lần. Tới giờ không thấy cháu lẫy lại. cháu có bị gì không? tôi phải làm gì để giúp cháu lẫy. Cám ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào bạn,

Trường hợp của bé không có vấn đề gì, mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau , châm lẫy không có vấn đề gì , có trẻ trốn lẫy mà chuyển sang bò luôn.

Chúc cháu sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl