Mất kinh liệu có phải là dấu hiệu bệnh lý?


4,226
1
1
Xu
53
Mất kinh thông thường do mang thai hoặc chế độ ăn uống nhất thời xáo trộn, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó là dấu hiệu bệnh lý nào đó mà chúng ta cần để ý thật kỹ.

Bị mất kinh


Câu hỏi bởi: Mai Phương

Chào bác sĩ
Nguyên nhân là em bị kinh không đều, lúc đó em bị mất kinh là gần 2 tháng (lúc có kinh là 3/7), em sợ mình mang thai ngoài ý muốn vì em đã có bạn trai, tụi em chưa quan hệ nhưng 2 đứa chỉ âu yếm cọ xát bộ phận với nhau bên ngoài và khi 2 đứa còn mặc đồ bình thường.
Nhưng khi đi khám thì bs cho kết quả (-) và kết luận em bình thường. Qua thág 9 em luôn giữ khoảng cách với bạn trai và thử ktra que thử thai 2 lần vẫn cho kết quả (-) nhưng đến giờ em vẫn chưa có kinh trở lại. Em rất lo, em thường bị căng thẳng vì sợ chuyện mình mang thai, em thường lên web để đọc hiện tượng mang thai và em hay bị đau đầu, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt. Em có nên đi khám lại không thưa bác.
Em đang rất lo mong bác trả lời giúp em nhanh với. Em cảm ơn ạ.

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Quá trình thụ thai xảy ra khi tinh trùng gặp trứng. Về mặt lý thuyết, trứng rụng theo chu kỳ tháng ở các bạn gái, nhưng cũng có thể rụng không theo chu kỳ. Còn đối với bạn nam, mỗi lần xuất tinh bình thường có khoảng 20-250 triệu con tinh trùng, và chỉ cần một tinh trùng gặp được một trứng là đã có khả năng dẫn tới thụ thai.
Các tinh trùng không chỉ có mặt trong tinh dịch khi xuất tinh mà có thể đã xuất hiện ngay trong dịch tiết khi bạn nam bắt đầu bước vào “cuộc vui”. Như vậy ngay cả khi xuất tinh ra ngoài vẫn có khả năng dính bầu, nếu trước đấy “cậu nhỏ” xâm nhập bình thường. Do đó, trường hợp của bạn, nếu chỉ lúc “xuất binh” mới để cho “cậu nhỏ” ra ngoài thì khả năng mang thai là hoàn toàn có thể.
Bước đầu, để xác định có thai hay không, bạn hãy sử dụng biện pháp đơn giản là mua que thử nước tiểu, thường được bán ở các hiệu thuốc. Để biết kết quả thì khoảng một tuần sau trễ kinh, sử dụng que thử đã có thể cho biết thụ thai hay không. Trường hợp chưa rõ, hãy thử sau một tuần tiếp theo khi chưa có kinh trở lại.
Tuy vậy, que thử thai cũng có sai số nhất định nên để biết chính xác “dính bầu” hay không, bạn cần phải làm thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu, siêu âm… Do đó, ngoài việc thử thai bằng que để xác định rõ tình trạng hiện tại, nếu còn nghi ngờ, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa để được tư vấn, xét nghiệm và có lựa chọn thích hợp nhất. Việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khi tham gia “cuộc vui” như dùng bao cao su, thuốc tránh thai… sẽ giúp hai bạn tránh gặp phải các tình huống lo lắng như hiện tại.
Chào bạn.

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Aizen đã viết, vào lúc 14h22 25-02-2017

Các chị ơi, e vừa phá thai lưu 11 tuần, đến nay được 5 tuần rồi mà vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại, e muốn uống thuốc tránh thai hàng ngày để điều hoà kinh nghuyệt ko biết có được ko, chị nào có kinh nghiệm chia sẻ cho e với, từ lúc bỏ con đến giờ vợ chồng e vẫn kiêng các chị ạ
Chào bạn .
Nếu bạn muốn xử dụng một loại thuốc gì thì nên tới gặp BS để được hướng dẫn. Bạn cũng phải có thời gian chờ đợi để cơ thể trở lại trạng thái bình thường sau xử lý thai lưu đã.
Chào bạn.

Bị mất kinh nguyệt 4 tháng


Câu hỏi bởi: Gau bong

Chào bác sĩ.

Năm nay em 20 tuổi, là nữ, em bị mất kinh nguyệt được 4 tháng, em chưa lập gia đình. Mong bác sĩ giải đáp giúp em ạ.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ là sự kết hợp hoạt động của các nội tiết tố ở vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng và tử cung. Nếu có bất thường ở bất kỳ hệ thống nào trong bốn hệ thống này đều có thể gây vô kinh hoặc kinh thưa, vài tháng mới có một lần. Như vậy, có nhiều lí do làm kinh nguyệt không đều và không phải bao giờ cũng tìm được lí do.

Mang thai là lí do đầu tiên cần nghĩ tới khi không có “đèn đỏ” xuất hiện đúng lịch. Ngoài ra những lí do sau đây cũng khiến kinh nguyệt bị “trễ hẹn”:

Rối loạn nội tiết, các rối loạn và mất cân bằng hormon, hội chứng buồng trứng đa nang có thể là những lí do gây trễ kinh hoặc mất kinh. Bất cứ tình trạng mất cân bằng nào ở các hormon chi phối chu kỳ kinh nguyệt đều có thể dẫn tới những bất thường về vòng kinh hoặc mất kinh.

Suy dinh dưỡng, người quá gầy dễ bị ngừng bài tiết Estrogen và ngừng phóng noãn. Phụ nữ bị chứng chán ăn hoặc chứng ăn quá nhiều do tâm lý thường bị thiếu hụt Estrogen và mất kinh.

Tác dụng phụ của thuốc, rối loạn nội tiết sau khi sử dụng một số thuốc cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt.

Vận động quá nhiều hay gặp vô kinh ở những phụ nữ luyện tập thể thao căng thẳng. Hormon leptin báo cho não biết tỷ lệ mỡ của cơ thể và tỷ lệ này tác động đến kinh nguyệt.

Do phẫu thuật, phẫu thuật có thể gây ra dính cổ tử cung, dẫn đến ứ huyết bên trong và làm cho kinh nguyệt bị trì hoãn.

Tuyến giáp hoạt động kém, bệnh ở tuyến giáp có thể làm tăng hay giảm bài tiết Prolactin – một hormon sinh sản do tuyến yên bài tiết ra. Thay đổi về nồng độ hormon này có thể tác động đến tuyến dưới đồi và làm mất kinh.

Căng thẳng và stress, stress gây tác động đến các chức năng của cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng stress ảnh hưởng đến lượng hormon dẫn tới trễ kinh hoặc mất kinh.

Nếu có một trong những dấu hiệu và biểu hiện sau thì thay đổi về kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về một vấn đề sức khỏe khác.

Mất kinh từ 3-6 tháng hay lâu hơn.

Nhức đầu, rụng tóc hay thay đổi về thị lực.

Vú tiết ra sữa hay dịch.

Sau khi phẫu thuật có liên quan đến thai nghén từ 3-6 tháng mà kinh nguyệt không trở lại.

Với những người mới bắt đầu có kinh nguyệt thì chu kỳ có thể không đều, song tình trạng mất kinh đã 4 tháng mà không phải do mang thai như tình huống của em là đáng để ý, em nên đi khám chuyên khoa Phụ sản để được các bác sĩ tìm ra chính xác lí do và có biện pháp chữa trị kịp thời.

Chúc em luôn khỏe mạnh!

Mất kinh sau kết hôn là sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào Bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi, là nữ giới. Trước kia kinh nguyệt của em là bình thường, em mới lấy chồng được gần 6 tháng dạo này kinh nguyệt của em không bình thường, em bị chậm kinh 3 tháng rồi bị lại như vậy là sao thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ chịu tác động của rất nhiều yếu tố cả ở bên trong và bên ngoài cơ thể, nhưng yếu tố hay gặp nhất khiến cho kinh nguyệt bị trục trặc bao gồm :

1. Mất cân bằng hoóc-môn: Bất cứ tình trạng mất cân bằng nào ở hoóc-môn chi phối chu kỳ kinh nguyệt đều có thể dẫn tới những bất thường về vòng kinh hoặc mất kinh.

2. Do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, do đó khi dùng thuốc cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết tác dụng phụ.

3. Mệt mỏi, gắng sức quá mức khiến cơ thể bị mất quá nhiều năng lượng.

4. Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai thông thường hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra những bất thường về chu kỳ kinh.

5. Căng thẳng và stress: Stress gây tác động đến các chức năng của cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng stress ảnh hưởng đến lượng hoóc-môn dẫn tới trễ kinh hoặc mất kinh.

Do em mới cưới được 6 tháng, chắc chắn cuộc sống ít nhiều sẽ có những xáo trộn, vì thế kinh nguyệt có thể có đôi chút trục trặc. Tuy nhiên nếu tình trạng kinh nguyệt không bình thường này vẫn tiếp tục kéo dài thì em nên đi khám chuyên khoa phụ sản để xác định chính xác lí do và có hướng chữa trị phù hợp.

Chúc em luôn khỏe mạnh!

Mất kinh đã 3 tháng, có làm sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ. Em tôi năm nay 14 tuổi, là nữ giới. Xin hỏi bác sĩ em tôi bị mất kinh hơn 3 tháng rồi có làm sao không ạ? Xin cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Chu kỳ kinh nguyệt bị chi phối bởi một phức hợp các hormon (hormon của các tuyến nhỏ trong não như tuyến dưới đồi, tuyến yên, estrogen và progesterone của buồng trứng) và nếu chỉ có một trục trặc nào đó trong quá trình này cũng có thể làm mất kinh.

Qua thư không rõ em gái bạn bắt đầu có kinh từ khi nào và trước đó kinh nguyệt có đều không. Vì tuổi 14 là bắt đầu tuổi dậy thì ở nữ giới. Trong giai đoạn này hoạt động của các tuyến nội tiết chưa đi vào nề nếp, nồng độ các hormone trong cơ thể chưa ổn định do đó kinh nguyệt sẽ diễn ra chưa được đều đặn như ở người lớn. Có thể qua một vài tháng kinh nguyệt sẽ trở lại.

Nếu chắc chắn không phải lí do có thai mà tình trạng mất kinh vẫn tiếp tục quá 3 – 6 tháng thì em bạn nên đi khám để được loại trừ những lí do bệnh lý gây mất kinh.

Chúc bạn và em gái luôn khỏe!

Nữ 20 tuổi bị mất kinh 2 tháng


Câu hỏi bởi: Keodang

Chào Bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi, em bị mất kinh 3 tháng rồi, em không biết lí do do đâu, trước đó em đã chữa trị kháng sinh kéo dài, và có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, em lo lắng lắm ạ. Xin Bác sĩ giải đáp giúp em.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Chu kỳ kinh nguyệt bị chi phối bởi một phức hợp các hormon (hormon của các tuyến nhỏ trong não như tuyến dưới đồi, tuyến yên: estrogen và progesterone của buồng trứng) và nếu chỉ có một trục trặc nào đó trong quá trình này cũng có thể làm mất kinh. Phụ nữ có thể mất kinh do:

– Có thai: Đây là lí do hay gặp nhất gây mất kinh. Khi có thai trứng đã làm tổ trong lớp nội mạc tử cung và được nội mạc tử cung nuôi dưỡng nên không rụng để tạo thành kinh nguyệt.

– Dùng thuốc tránh thai: Một số phụ nữ có thể không thấy kinh khi uống thuốc tránh thai. Nếu ngừng dùng thuốc thì sau từ 3-6 tháng, hiện tượng phóng noãn và hành kinh lại xảy ra.

– Stress: Những căng thẳng tâm trí tác động tạm thời đến tuyến dưới đồi, có thể làm mất quá trình phóng noãn và mất kinh. Chỉ khi sự căng thẳng tinh thần giảm đi mới có kinh trở lại.

– Dùng một số thuốc: Như thuốc tránh thai các loại, thuốc corticoid, thuốc chống trầm cảm, chống rối nhiễu tâm trí, chữa bệnh tuyến giáp, hóa liệu pháp.

– Bệnh tật: Một số bệnh mãn tính, chỉ khi khỏi bệnh thì kinh nguyệt mới trở lại.

– Mất cân bằng về hormon: Hội chứng buồng trứng đa nang làm cho nồng độ estrogen và androgen cao kéo dài, không lên xuống như trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường vì tuyến yên giảm bài tiết hormon, không tạo được phóng noãn và kinh nguyệt. Hội chứng này hay đi kèm với béo phì, vô kinh hoặc chảy máu tử cung bất thường.

– Suy dinh dưỡng: Người quá gầy dễ bị ngừng bài tiết estrogen và ngừng phóng noãn. Phụ nữ bị chứng chán ăn hoặc chứng ăn quá nhiều do lí do thần kinh – tâm lý thường bị thiếu hụt estrogen và mất kinh.

– Vận động quá nhiều: Hay gặp vô kinh ở những phụ nữ luyện tập thể thao căng thẳng. Hormon leptin báo cho não biết tỷ lệ mỡ của cơ thể và tỷ lệ này tác động đến kinh nguyệt.

– Hoạt động kém của tuyến giáp: Bệnh ở tuyến giáp có thể làm tăng hay giảm bài tiết prolactin – một hormone sinh sản do tuyến yên bài tiết ra. Thay đổi về nồng độ hormon có thể tác động đến tuyến dưới đồi và làm mất kinh.

– U tuyến yên: U lành của tuyến yên có thể làm cho prolactin được sản xuất quá nhiều, tác động đến sự điều hòa kinh nguyệt. Loại u này hiếm gặp và thường có thể chữa trị bằng thuốc.

Ở tình huống của em có thể nghĩ đến lí do do uống thuốc khiến chu kỳ kinh nguyệt bị trục trặc. Cũng cần nghĩ đến lí do có thai nếu thuốc tránh thai khẩn cấp không được sử dụng không đúng chỉ dẫn. Sau khi khẳng định mất kinh không phải do có thai, nếu có một trong những dấu hiệu và biểu hiện sau thì em cần đến khám Bác sĩ vì những thay đổi về kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về một vấn đề sức khỏe khác.

– Mất kinh từ 3-6 tháng hay lâu hơn.

– Nhức đầu, rụng tóc hay thay đổi về thị lực.

– Vú tiết ra sữa hay dịch.

– Sau khi phẫu thuật có liên quan đến thai nghén từ 3-6 tháng mà kinh nguyệt không trở lại.

Chúc em sớm giải tỏa được nỗi lo!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl