Những cách điều trị còi xương mà bạn nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Điều trị còi xương dựa vào các nguyên nhân của sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất để làm giảm các triệu chứng. Bổ sung canxi, phốt pho và vitamin D. Tăng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ăn nhiều cá, gan, và sữa để bổ sung lượng vitamin D và canxi.

Chữa còi xương cho trẻ em như thế nào?


Câu hỏi bởi: nguyen phong

Chào bác sĩ!

Bé nhà em được 10 tháng nhưng mới có 8 kí thôi ạ, bé chưa mọc răng nào, chậm lên cân, khi ngủ hay ra mồ hôi trộm và thường xuyên biếng ăn. Bình thường mỗi ngày bé ăn 600ml cháo đặc đầy đủ dinh dưỡng, sữa ngoài 100ml, còn lại bú má nhưng má rất ít sữa. Có phải bé bị còi xương không ạ? Em đang bổ sung canxi 1 ống mỗi ngày trong 10 ngày và nhỏ thêm vitamin D ngày 5 giọt. Khi đưa bé đi khám bác sĩ kê thêm siro Zidane, vậy có uống đồng thời như trên và siro này được không ạ? Bác sĩ hướng dẫn giúp em cách chữa còi xương cho bé với ạ.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Nếu trẻ phát triển bình thường thì khi được 6 – 8 tháng trẻ bắt đầu mọc răng cửa đầu tiên và khi được 1 tuổi trẻ đã mọc đầy đủ các răng cửa. Bé nhà bạn chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm là các dấu hiệu của tình trạng còi xương do thiếu canxi. Vì vậy, bạn cần tiếp tục cho cháu uống bổ sung canxi và vitamin D. Còn siro Zidane là thuốc gồm có các vitamin A, vitamin D, các viamin nhóm B và canxi đều rất tốt cho bé nên bạn hoàn toàn có thể cho uống kết hợp được.

Chúc bạn khỏe!

Còi xương cần làm những xét nghiệm gì


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào Bác sĩ!

Em ở Gia Lai. Cho em hỏi để biết bé có bị còi xương hay không thì nên xét nghiệm những gì? Nên đi khám ở đâu và có mất nhiều thời gian không? Em xin cảm ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào em!

Cần phân biệt rõ bệnh còi xương và tình trạng suy dinh dưỡng, không gộp chung hai bệnh này là một. Nhiều người thấy trẻ thấp bé gầy còm ốm yếu, các chỉ tiêu phát triển không đạt yêu cầu là cho là trẻ bị còi xương, nhiều bà mẹ cho rằng trẻ suy dinh dưỡng thì mới bị còi xương, còn trẻ bụ bẫm như “con mình” thì không thể còi xương được. Điều này không đúng, vì nhiều trẻ bụ bẫm vẫn bị còi xương.

Nguyên nhân còi xương ở trẻ là do thiếu vitamin D xương phát triển không theo kịp nhu cầu lớn của cơ thể. Cách phát hiện trẻ bị còi xương: Không phải là cứ đưa bé đi xét nghiệm là biết ngay trẻ có bị còi xương hay không? Vì không thấy xét nghiệm nào đặc hiệu chứng minh vấn đề này. Việc xác định bệnh chỉ tiến hành khi trên lâm sàng thấy có triệu chứng còi xương bằng cách chụp X quang xương: Chụp X quang xương dài thấy: các điểm cốt hóa xuất hiện chậm; có dấu hiệu loãng xương, đầu to bè, đường cốt hóa nham nhở và lõm (hình càng cua); đôi khi có hình ảnh gãy xương; ở phim chụp lồng ngực có hình ảnh “nút chai” tại chỗ tiếp nối xương sườn và sụn sườn. Các biến đổi sinh hóa không đặc hiệu ở máu: lượng canxi phần lớn ở giới hạn bình thường, nhưng đôi khi có thể giảm; photpho thường giảm. Do đó tích số Howland Kramer (canxi x photpho) thường giảm dưới 3000; photphataza kiềm tăng cao; trong giai đoạn tiến triển của bệnh, máu có tình trạng nhiễm toan nhẹ; biến đổi sinh hóa nước tiểu: canxi niệu giảm và axit amin niệu tăng. Các xét nghiệm huyết học trên không kết luận được bệnh còi xương . Vì vậy việc phát hiện còi xương chủ yếu dựa vào các triệu chứng sau, và nếu cần thiết thì củng cố thêm chẩn đoán bằng các dấu hiệu X quang. Biểu hiện sớm của bệnh còi xương là:

– Trẻ hay khuấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu (vành khăn )

– Ở trẻ nhỏ có thể sờ thấy xương sọ mềm, do tư thế nằm đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau, hoặc một bên. Thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to có bướu, răng mọc chậm, men răng xấu.

– Ở trẻ lớn hơn thường có biến đổi xương lồng ngực, có chuỗi hạt sườn. Các cơ nhẽo làm cho trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi , lồng ngực biến dạng, ngực nhô ra phía trước như ngực gà, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát, khung chậu hẹp.

– Các biến chứng của xương làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại. Tóm lại bạn cần hiểu :

+ Trẻ còi cọc: trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm còi xương hoặc không.

+ Bệnh còi xương: có thể gặp ở cả những đứa trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phospho cao hơn trẻ bình thường, việc cung cấp không đủ dẫn đến xương phát triển chậm hơn sự lớn lên của cơ thể.

+ Bạn cho con đi khám còi xương khi thấy có những triệu chứng như trên.

Chúc bạn nuôi con khỏe mạnh!

Bị còi xương từ nhỏ và chữa bệnh còi xương tuổi 11 như thế nào?


Câu hỏi bởi: Văn Lợi

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Cháu năm nay 11 tuổi, bị còi xương từ nhỏ. Mong bác sĩ giải đáp cho cháu hiểu làm sao để tránh bệnh còi xương.

Xin cảm ơn.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào cháu!

Còi xương là một bệnh thường gặp ở trẻ. Trẻ còi xương nếu không được chữa trị kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ gặp biến chứng như thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại, tác động xấu đến sức khỏe bình thường của trẻ trong quá trình phát triển. Nhất là các biến chứng của xương làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi khi trưởng thành.

Vì vậy, việc phòng chống còi xương cho trẻ là điều rất quan trọng ngay từ khi mang thai và sơ sinh. Còi xương thường xảy ra chủ yếu ở độ tuổi dưới 3 tuổi. Trong vòng 3 năm đầu đời, khoảng 70% trẻ em có thể thoát khỏi tình trạng còi xương nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách. Để phòng bệnh còi xương cho trẻ, tốt nhất là bà mẹ thời kỳ mang thai và cho con bú phải ăn uống đầy đủ, uống bổ sung thêm viên sắt, canxi… và nhất là không không nhớ tắm nắng.

– Với trẻ em, cho bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Đến tuổi ăn dặm, cần cho trẻ ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

– Trẻ sau sinh 1 tháng cần được tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào lúc mặt trời mọc (nên trước 9 giờ sáng) và ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da mu tay, chân, bụng, lưng, ngực.

– Vào mùa đông, cần cho trẻ uống một liều vitamin D3 để chữa trị dự phòng. Có thể 6 tháng cho trẻ uống nhắc lại một lần. Ngoài ra, trong thai kỳ có thể uống vitamin D3 vào lúc thai được 7 tháng.

Hiện bác sĩ không biết cháu có di chứng gì của bệnh còi xương ngày nhỏ hay không, nhưng hiện tại cháu nên giữ sức khỏe bằng chế độ ăn uống khoa học cân bằng đủ chất, tập thể dục hàng ngày và tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng trước 9giờ hoặc buổi chiều 16-17 giờ, thời gian tắm nắng khoảng 15-20 phút. Nếu cháu cảm thấy lo lắng, cháu có thể nói với bố mẹ cho cháu đi khám dinh dưỡng để được bác sĩ giải đáp cụ thể hơn.

Chúc cháu vui khỏe!

Chữa bệnh còi xương ở trẻ như thế nào?


Câu hỏi bởi: phuchang

Chào bác sĩ.

Con gái em được 5 tháng. Lúc mới sinh cháu hay nôn trớ, nấc cục, đổ mồ hôi gáy nhiều, chân bé hơi cong vòng kiềng, tóc bị rụng hình vành khăn, đầu dẹp. Đây là những dấu hiệu bệnh còi xương nhưng do không kinh nghiệm nên em không biết làm sao để chữa trị cho bé. Đến hơn 2 tháng, bé bị cảm, lúc đó em có hỏi thuốc bổ sung cho bé thì được bác sĩ kê cho bé uống 1 giọt vitamin D3 mỗi ngày. Từ đó em thấy bé có vẻ đỡ hơn, không nấc cục và ít trớ hẳn nhưng bé vẫn đổ mồ hôi nhiều và chân hơi cong. Em muốn trị dứt điểm cho bé thì phải làm sao?

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Con bạn có triệu chứng của bệnh còi xương mà lí do là do thiếu canxi. Canxi chiếm 1,5% – 2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân, chỉ có 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào nhưng vai trò của nó lại vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ em. Khi thiếu canxi, trẻ bị còi xương, răng không đều, chất lượng răng kém và bị sâu răng.

Những triệu chứng thường gặp ở bệnh còi xương: trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy, ra nhiều mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm), thóp chậm liền, đầu bẹt. Lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát là những di chứng của còi xương nặng.

Những dấu hiệu của con bạn chỉ là dấu hiệu của bệnh còi xương nhẹ, chỉ cần bổ sung vitamin D một đợt, các biểu hiện sẽ giảm dần. Vitamin D là chất dẫn truyền canxi, giúp cơ thể hấp thu canxi một cách hiệu quả nhất. Nếu cháu bú mẹ, bạn chỉ cần tăng cường canxi trong chế độ ăn của bạn. Sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp canxi đầy đủ và dễ hấp thụ nhất cho bé. Khi bé trên 6 tháng, nếu cho bé ăn dặm, có thể bổ sung canxi cho cơ thể bé thông qua bữa ăn hằng ngày. Các loại rau xanh như bắp cải, cần tây… hay hải sản đều có lượng canxi cao, rất tốt cho cơ thể bé. Bạn cũng có thể cho bé ăn phô mai, sữa chua hoặc uống các loại sữa công thức để bổ sung thêm canxi cho bé.

Còn hiện tượng chân cháu hơi cong thì bạn không nên lo lắng vì phần lớn, các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Điều đó được gọi là cong chân sinh lý và không cần xoa bóp, ảnh hưởng gì. Cho đến khi bé 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng bởi khi đó bé vận động và đi nhiều, nên xương tự điều chỉnh.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Bị còi xương kháng vitamin D nên uống thuốc thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Con trai tôi đuợc chẩn đoán là bị bệnh còi xương kháng vitamin D. Bác sĩ kê đơn cho dùng thuốc và hẹn cứ ba tháng lại khám lại một lần. Xin hỏi con tôi phải dùng thuốc đến khi nào thì dừng thuốc? Bệnh này lí do là do đâu ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Còi xương kháng vitamin có 3 loại như còi xương kháng vitamin typ I do thiếu 1 Hydroxylase ở thận; còi xương kháng vitamin typ II do kháng lại thể hoạt hóa của vitamin D và còi xương kháng vitamin D giảm Phosphate trong máu. Thời gian chữa trị cần căn cứ vào tiến triển của bệnh và tình trạng bệnh thực tế. Vì vậy bạn cần tuân thủ chữa trị và thời gian tái khám để đạt hiệu quả cao nhất.

Chúc bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl