Đau nửa đầu và những cách điều trị


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hiện tượng đau nửa đầu đang được nhiều bệnh nhân quan tâm bởi nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm việc và học tập. Sau đây là những lý giải của bác sĩ.

Trị đau nửa đầu ở nam giới như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Em tên Tường. Hiện tại ba em có tình trạng đau nửa đầu. Em kính mong bác sĩ hướng dẫn em cách chữa trị bệnh tại nhà vì ba em không chịu đi bác sĩ ạ.

Em xin chân thành cám ơn bác sĩ nhiều ạ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu không kể rõ bệnh của ba cháu là đau đầu thế nào, đau ở vùng nào của đầu, cơn đau kéo dài bao lâu, đau dữ dội hay đau âm ỉ, khi đau có buồn nôn không, có chóng mặt hoa mắt không, khi đau có sợ tiếng động và ánh sáng không, ba cháu năm nay bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, công việc có áp lực lắm không…? Cháu chỉ nói là ba cháu bị đau nửa đầu, bác không biết ba cháu bị đau nửa đầu thế nào và ba cháu bị đau nửa đầu loại gì. Bởi vì trong đau nửa đầu có thể là đau nửa đầu Migraine và cũng có thể đau nửa đầu do rối loạn vận mạch hoặc đau nửa đầu do viêm mạch máu…. Mỗi loại có cách chữa trị khác nhau, vả lại khi dùng thuốc chữa trị phải có đơn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Trong quá trình dùng thuốc cần có sự theo dõi. Nếu tự mua thuốc và tự uống nếu xẩy ra tác dụng phụ hoặc những biến cố bất thường như bị di ứng hay phản ứng…. thì rất khó xử lý. Bệnh đau đầu do chuyên khoa Thần kinh khám và chữa trị.

Cháu động viên ba đến khoa Thần kinh bệnh viện tỉnh để khám để tìm đúng loại đau nửa đầu gì, sau đó bác sĩ sẽ cấp đơn mua thuốc về nhà chữa trị, hết thuốc đến khám lại, trong quá trình dùng thuốc có vấn đề gì bất chắc, có thể điện hỏi hoặc đến bệnh viện để bác sĩ xem lại.

Chúc ba cháu sớm khỏi bệnh.

Xin tư vấn về thuốc trị bệnh đau nửa đầu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Bệnh nhân nữ 49 tuổi, chẩn đoán đau đầu Migrain.

Đơn thuốc:

Meloxicam 7.5mg viên-uống (Meloxicam) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

PENCER 40mg viên-uống (Pantoprazol) 7 viên, sáng 1 viên.

Tamik 3mg viên-uống (Dihydroergotamin) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Sulpiride 50mg viên-uống (Sulpirid) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Mimosa viên-uống (Bình vôi, lạc tiên, sen lá, vông nem) 14 viên, tối 2 viên

Stresam 50mg viên-uống (Etifoxine HCL) 14 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Bác sĩ có thể cho biết vai trò của từng thuốc trong đơn được không ạ? Khi sử dụng thuốc cần lưu ý những gì? Bệnh đau nửa đầu là gì? Tại sao lại có bệnh này?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào chị.

Chị rất cẩn thận khi dùng thuốc nên đã tìm hiểu vấn đề này. Đau đầu Migraine là bệnh đau nửa đầu hay là rối loạn vận mạch não. Đau xuất hiện khi thay đổi thời tiết, khi mất ngủ hoặc căng thẳng tâm lý. Các biểu hiện kèm theo là giật ở thái dương, giật cơ mi mắt, nôn buồn nôn, nhìn ánh sáng thấy chói, khó chịu. Bệnh thường có tính gia đình, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Điều trị có nhiều loại thuốc khác nhau có thể sử dụng. Meloxica là thuốc chống viêm giảm đau, thuốc có thể gây loét dạ dày tá tràng vì vậy cần uống kèm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, ở đây bạn đã được dùng Pencer. Tamik là thuốc chữa đau nửa đầu, tác dụng chủ yếu là gây co mạch. Sulpiride, Mimosa, Stresam là các thuốc an thần gây ngủ.

Chúc chị mau khỏi bệnh!

Đau nửa đầu nên chữa trị ở bệnh viện nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Người thân tôi năm nay 18 tuổi, là nam giới. Anh ấy bị bệnh đau nửa đầu, thỉnh thoảng lại bị đau và phải dùng các loại thuốc tăng cường máu nên người mắc phải bệnh này tuổi thọ không được lâu đúng không ạ? Vậy xin hỏi bác sĩ, bệnh này có chữa được không? Và phải đi tới cơ sở nào để điều trị tốt ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Bệnh đau nửa đầu tên quốc tế gọi là Migraine. Bệnh này có hai loại:

– Đau nửa đầu có biểu hiện báo trước .

– Đau nửa đầu không có biểu hiện báo trước. Đau nửa đầu gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh này có thể chữa trị khỏi nếu người bệnh tuân thủ đúng theo liệu trình chữa trị. Tỷ lệ khỏi bệnh là tương đối cao, người bệnh trở lại cuộc sống bình thường tiếp tục học tập, công tác tốt. Chẩn đoán Migraine gồm các tiêu chuẩn sau:

Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán của hội nghị quốc tế chuyên đề về đau đầu-1962.

– Nhức đầu từng cơn .

– Khởi phát nhức đầu một bên.

– Có biểu hiện kết hợp như :buồn nôn ,nôn…

– Có thể kết hợp với các biểu hiện thận kinh khác (giác quan hoặc vận động).

– Có yếu tố gia đình.

Tuy nhiên không nhất thiết phải đủ các tiêu chuẩn trên mới chẩn đoán Migraine, tùy từng tình huống có thể có biểu hiện khác nhau.

Điều trị Migraine cũng cần phải dùng thuốc kéo dài theo 2 giai đoạn:

– Giai đoạn cắt cơn: Sử dụng các thuốc cắt cơn đau đầu .

– Giai đoạn chữa trị dự phòng: Sử dụng một số thuốc khác nhau để dự phòng cơ đau đầu tái phát.

Các phương pháp chữa trị khác :

– Thắt động mạch thái dương nông.

– Áp lạnh động mạch thái dương nông có tác dụng làm hủy các sợi giao cảm quanh động mạch

Người bệnh đau nửa đầu nếu chữa trị ổn định vẫn có thể làm việc bình thường. Tuổi thọ của họ cũng bình thương như mọi người khác. Bệnh đau nửa đầu (Migraine ) thuộc chuyên khoa Thần khinh. Cháu có thể đưa người thân của mình tới khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị, bác tin là kết quả chữa trị sẽ tốt.

Chúc người thân của cháu mau lành bệnh.

Nam 24 tuổi đau nửa đầu không rõ nguyên nhân, chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: TuanTu

Chào bác sĩ.

Em là nam giới, năm nay em 24 tuổi. Em thường xuyên bị đau đầu rất lạ, ngày đau nửa bên trái có ngày đau nửa bên phải, có ngày lại đau ở phần trán. Mỗi lần đau em uống 2 viên panadol nghỉ một lúc là khỏi. Em có đi xét nghiệm máu nhưng không phát hiện bệnh gì. Có thể em bị bệnh gì thưa bác sĩ?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào em.

Theo như những gì em mô tả có thể em bị bệnh Migraine. Migraine là bệnh đau nửa đầu hay là rối loạn vận mạch não. Đau xuất hiện khi thay đổi thời tiết, khi mất ngủ hoặc căng thẳng tâm lý. Các biểu hiện kèm theo là giật ở thái dương, giật cơ mi mắt, nôn buồn nôn, nhìn ánh sáng thấy chói, khó chịu. Bệnh thường có tính gia đình, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Điều trị có nhiều loại thuốc khác nhau có thể sử dụng. Em cần đi khám ở chuyên khoa Thần kinh để được xác định chẩn đoán và chữa trị có hiệu quả.

Chúc em mau lành.

Đau nửa đầu và buồn nôn nên điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Ngôi Sao Lạnh

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi. Cháu bị đau nửa đầu và buồn nôn cách đay khá lâu rồi ạ. Không cần ăn cũng bị buồn nôn. Bây giờ đau nhiều hơn, đau lắm mà dùng thuốc cũng không hết. Bác sĩ cho cháu biết bệnh gì và cách trị thế nào ạ.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Dựa vào mô tả cho thấy em đang có những triệu chứng của bệnh đau đầu Migraine hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu. Đau nửa đầu thường bắt đầu ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Một cơn đau nửa đầu điển hình có các dấu hiệu và biểu hiện sau:

– Đau trung bình đến đau nặng, có thể được giới hạn ở một bên đầu hoặc có thể tác động đến cả hai bên.

– Đau đầu với một dao động hay đau dồn dập.

– Đau nặng hơn với các hoạt động thể chất.

– Đau gây cản trở hoạt động thường xuyên.

– Buồn nôn có hoặc không thấy nôn mửa.

– Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Khi không được chữa trị, chứng đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ, nhưng tần suất đau đầu thay đổi tùy từng người. Có thể chứng đau nửa đầu nhiều lần một tháng hoặc ít hơn. Về chữa trị đau nửa đầu do chưa tìm được lí do chính xác của bệnh nên phương pháp chữa trị hiện nay mới chỉ dừng lại ở chữa trị biểu hiện.

Có nghĩa là bệnh nhân được uống thuốc với hai mục đích: chữa trị và dự phòng các cơn đau. Đối với các thể nhẹ hoặc vừa phải, cơn đau nhanh chấm dứt… bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc giảm đau thông thường không Steroid như Aspirin, Aidometacin, Acetaminophen, Ibuprofen, Diclofenac, Paracetamol…

Trường hợp đau nặng, cường độ mạnh, cơn kéo dài… bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các thuốc có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, làm co các nhánh ở động mạch cảnh ngoài như Naproxen, Gynergen.

Với tình trạng hiện tại em nên đến chuyên khoa Thần kinh ở các bệnh viện lớn để khám và chữa trị bệnh, không tự ý uống thuốc tại nhà có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chúc em sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.