Những triệu chứng thường gặp ở người bị sâu răng


4,226
1
1
Xu
53
Đau nhức, sưng hàm, nóng sốt có phải là triệu ở người chứng đau răng? Và căn bệnh này còn gây ra triệu chứng nào khác hay không ?

Răng bị sâu, nhức, sưng nướu, là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Luân

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 18 tuổi, khoảng hai tháng trước răng em sâu và nhức vô cùng, vài ngày đầu mua thuốc ngoài tiệm thuốc tây uống không khỏi và nướu răng bị sưng lên. Em vào bệnh viện khám, bác sĩ cấp thuốc, uống một vài lần thì không còn nhức nữa. Vậy rồi em ngưng thuốc và không khám nữa, thế nhưng đến nay chỗ sưng ở nướu răng vẫn còn, gần đây chỗ sưng ấy lại nhức và làm cho vùng xung quanh chỗ sưng tê lên mỗi khi nhức. Vậy cho em hỏi em bệnh gì và chữa thế nào ạ?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Sâu răng là sự phá hủy men răng do vi khuẩn trong môi trường miệng. Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi (từ những trẻ răng sữa cho đến người già). Sâu răng là một bệnh tiến triển, nghĩa là sâu răng sẽ nặng dần theo thời gian. Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng.

Triệu chứng ban đầu là răng có chấm sâu đen nhỏ, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra.

Sau một thời gian răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen.

Lỗ sâu ở răng xuất hiện, người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn rắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau do thức ăn nóng rắt vào.

Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong can-xi và mềm hóa, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc mức độ đau, nhức gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm. Hoặc tủy hoại tử kèm theo viêm tổ chức quanh răng, răng lung lay và rụng…

Theo như những biểu hiện em chia sẻ có nhiều khả năng em bị viêm tủy. Em nên đi khám bác sĩ Răng – Hàm – Mặt để được chẩn đoán xác định và tùy từng mức độ mà có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu đau nhức nhiều em do viêm tủy, bác sĩ sẽ chữa tủy răng (chữa trị nội khoa) sau đó phục hình răng giúp em. Để đề phòng sâu răng, trước hết em phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường. Dùng kem đánh răng có chứa fluor, có thể dùng thêm nước súc miệng, diệt khuẩn sau bữa ăn. Em cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp chữa trị phù hợp.

Chúc em vui, khỏe!

Uống nước lọc bị buốt răng có phải răng bị sâu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 32 tuổi, là nữ giới. Em bị đau nhức răng hàm, ngay cả uống nước lọc bình thường, uống nước canh sau khi ăn cơm cũng buốt không thể chịu được nên mỗi lần đánh răng, uống nước đều phải dùng đến nước ấm. Bác sĩ cho em hỏi hiện tượng này có phải là sâu răng không và cách chữa trị như thế nào?

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Rõ ràng là em có triệu chứng của tổn thương răng, tổn thương này có thể là tổn thương lớp men răng hoặc cũng có thể tổn thương tới tủy răng. Em cần khám nha sĩ để được chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Tê dưới cằm và lan lên má có phải do răng sâu gây ra không?


Câu hỏi bởi: tam88888

Cháu chào bác sĩ.

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu hay bị tê dưới cằm phải, lan lên má phải. Chỉ 1 bên phải thôi. Tê tê khó chịu lắm ạ. Cảm thấy vướng vướng bên hàm phải. Khi cháu cử động miệng thì nghe tiếng kêu khụp khụp ở tai phải. Đôi lúc tai phải như bị nghẹt. Chỉ khi cử động mới kêu. Bình thường thì không kêu. Cháu có 1 răng sâu ở hàm dưới bên phải, sáng ngủ dậy răng này hay bị chảy máu ở lỗ sâu. Trong đợt khám sức khỏe ở công ty, bác sĩ ghi cháu bị sâu răng nặng. Phân loại 3. Cháu cũng hỏi bác sĩ vấn đề của cháu thì bác sĩ bảo có thể do răng sâu gây ra biểu hiện đó và yêu cầu cháu nhổ răng sâu đó đi. Bác sĩ giải đáp giúp cháu bị gì ạ. Những biểu hiện đó có phải do răng gây ra không. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu nên đi khám ở Răng Hàm Mặt hay Tai Mũi Họng ạ?

Chân thành cám ơn Bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Sâu răng là căn bệnh phát triển âm thầm và lâu dài, ở giai đoạn đầu nó cũng không gây bất kỳ khó chịu nào cho mọi người nên mọi người thường không chú ý tới. Cho tới khi trên bề mặt răng xuất hiện những đốm đen mà mắt thường có thể quan sát được thì bệnh đã phát triển ở giai đoạn nặng. Sâu răng ở giai đoạn nặng có thể gây ra các biến chứng sau:

Bệnh nhân cảm thấy đau đớn

Bị áp xe răng

Bệnh nhân bị mất răng

Bị hỏng răng

Vấn đề ăn nhai gặp rắc rối

Sâu răng gây nhiễm trùng nghiêm trọng

Tổn thương thần kinh gây đau, tê nửa mặt cùng bên.

Với tình trạng của bạn nghĩ nhiều đến nguyên nhân do sâu răng. Ngoài ra có thể do bệnh lí ở khớp thái dương hàm. Bạn nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để bác sĩ thăm khám trực tiếp, làm chẩn đoán hình ảnh cần thiết để tìm nguyên nhân và chữa trị.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Bị sưng quai hàm là do quai bị hay sưng do răng sâu?


Câu hỏi bởi: Ân HN

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Hôm qua cháu có ăn dưa hấu và cắn trúng răng sâu bên phải tự nhiên quai hàm bên phải sưng lên. Mỗi lần ăn cơm cháu nhai không được. Cháu có đi khám người ta nói cháu bị hạch quai hàm chỉ cần dùng thuốc kháng viêm là hết có phải không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu bị nổi hạch vùng cổ, đó là phản ứng của cơ thể do cháu bị sâu răng, qua mô tả tôi không nghĩ rằng cháu bị bệnh quai bị. Cháu cần đi khám và chữa trị với Nha sĩ.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Răng mọc lệch gây sâu răng có phải đi tiểu phẫu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 22 tuổi, 2 răng trong cùng hàm dưới thay vì mọc thẳng đứng thì nó lại chìa từ trong ra đâm vào răng khác gây sâu răng và đau nhức. Tôi có nghe nói phải đi tiểu phẫu, đúng không thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào bạn!

Răng răng số 8 còn gọi là răng khôn, là răng hàm lớn thứ 3, răng cuối cùng trong cùng hàm và là răng mọc cuối cùng ở tuổi trưởng thành (khoảng 18 đến 25 tuổi). Răng số 8 thường không mọc thẳng do không đủ khoảng trống cho việc mọc lên của răng và vì vậy răng số 8 sẽ bị kẹt một phần hoặc toàn bộ trong xương hàm. Khi bị kẹt một phần, vùng lợi phủ trên thân răng do đọng nhiều thức ăn thường xuyên bị viêm, gọi là bệnh lý lợi trùm. Thức ăn bị đọng lại góc tạo bởi mặt nhai của răng số 8 bị nghiêng (lệch) vào mặt bên của răng số 7 là nguyên nhân gây nên sâu răng số 7 do răng số 8.

Vì vậy, khi răng số 8 mọc lệch, lời khuyên thường là nhổ răng số 8 trước khi nó gây ra biến chứng viêm quanh răng và sâu hỏng răng số 7. Các biến chứng thường gặp trên răng số 8:

Sưng viêm lợi do lợi trùm

Sâu răng số 7, và có thể làm hỏng tủy răng số 7

Yếu quai hàm

Đẩy răng cửa lộn

Vì những lý do trên, răng số 8 mọc bất thường nên được lấy ra sớm, lúc bệnh nhân còn ở tuổi thanh niên. Nhổ răng số 8 ở tuổi này có nhiều lợi ích:

Thủ thuật nhổ được thực hiện dễ dàng hơn bởi răng và chân răng còn nhỏ.

Bệnh nhân dễ dàng và nhanh chóng bình phục sau khi nhổ răng.

Khả năng phát triển của xương còn tốt nên khi nhổ, chỗ chân răng trống được khôi phục nhanh hơn.

Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để được giải đáp cụ thể, và bạn nên nhổ răng khi chưa có các hậu quả kể trên.

Chúc bạn vui khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl