Tuyển tập những câu hỏi về các cấp độ của trĩ


4,226
1
1
Xu
53
Trĩ có nhiều mức khác nhau. Những câu hỏi dưới đây sẽ cung cấp kiến thức thường gặp nhất về các cấp độ của trĩ cho bạn.

Bị trĩ độ 1 có chơi được thể thao nặng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em năm nay 21 tuổi, em nghi ngờ mình bị trĩ độ 1. Em có thể chơi các môn thể thao nặng như Võ thuật, bóng chuyền không?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Với mức độ trĩ độ 1 em hoàn toàn có thể chơi những môn thể thao như võ thuật, bóng chuyền… Việc tập luyện rất hay và đều đặn sẽ giúp cơ bắp rắn chắc và khỏe mạnh, nhờ đó bệnh trĩ cũng sẽ được cải thiện.

Chúc em sức khỏe!

Điều trị trĩ độ 2 như thế nào?


Câu hỏi bởi: Thiên Bình

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 24 tuổi, đi nội soi được chẩn đoán bị trĩ nội độ 2. Hiện tại cháu không còn bị táo bón nhưng phần da thừa ngày càng phát triển to ra, đi cầu phân không thành khuôn. Xin bác sĩ tư vấn hướng điều trị giúp cháu. Phần da thừa có gây nguy hiểm gì không ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào em!

Bệnh trĩ do sự giãn quá mức các tĩnh mạch đưa đến tĩnh mạch trĩ bị sưng, phù ở vùng hậu môn – trực tràng. Sự giãn quá mức là do thành tĩnh mạch bị suy yếu không còn bền chắc. Mức độ bệnh thể hiện độ giãn của hệ tĩnh mạch trĩ. Trĩ nội độ 2 là khi búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu nhưng tự co lên được khi đi cầu xong. Khi trĩ nội nhỏ ở độ 1 và 2, thì thường chữa trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc đặt hậu môn. Em nên chữa trị bệnh ngay từ giai đoạn này để tránh bệnh tiến triển cần phải phẫu thuật. Phần da thừa không nguy hiểm nhưng sẽ gây khó chịu. Để thuận tiện nhất, em nên đến khám và chữa trị tại một cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ cho thuốc và hẹn thời gian đến khám lại.

Ngoài ra để có thể tăng hiệu quả cho việc chữa trị thì em cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống có nhiều chất xơ, hoa quả sữa chua giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt nên tránh các thức ăn có chất kích thích cũng như đồ cay nóng như bia rượu ớt… Không chơi các môn thể thao vận động quá nhiều cơ bắp mà có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hàng ngày, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, tập cho mình thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm hàng ngày.

Chúc em mạnh khỏe!

Cháu bị trĩ độ 2 nên dùng loại thuốc nào ?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Bị trĩ nội độ 2 uống thuốc có khỏi hoàn toàn không? Nên dùng loại thuốc nào cho trĩ ở độ này? Mong bác sĩ hãy kê ra tên thuốc để cháu có thể dùng cho trĩ ở mức độ này, cách dùng như thế nào? Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Khối trĩ thực chất không phải là tổ chức bệnh lý mà là đám rối động tĩnh mạch ở vùng hậu môn. Khối này có thể nằm ở phía trên đường lược (trĩ nội) hoặc bắt nguồn từ khoang cạnh hậu môn dưới da (trĩ ngoại). Bệnh nhân bị bệnh trĩ sẽ có những bất thường ở tổ chức này: cương tụ, giãn thành búi, gây đau, chảy máu hoặc sa ra ngoài.

Viêm đại tràng và táo bón lâu ngày là các lí do gây bệnh chủ yếu. Ngoài ra, nguy cơ bị bệnh trĩ cũng tăng cao ở những người đứng, ngồi lâu, rất hay cưỡi ngựa, đi xe đạp, xe máy đường dài, ăn nhiều chất kích thích, ít chất xơ…

Trĩ nội là bệnh xuất hiện phổ biến nhất trong các loại trĩ, bệnh trĩ nội được chia làm 4 cấp độ khác nhau. Bắt đầu mức độ 2, trĩ nội đã có những biến đổi bất thường và nặng nề hơn. Cách chữa trị trĩ nội độ 2 được dựa trên mức độ tác động của bệnh, một số tình huống chữa trị bằng thuốc có thể khỏi bệnh nhưng số khác lại phải tiến hành các thủ thuật.

Trường hợp của cháu đã được bác sĩ chẩn đoán là trĩ nội độ 2, tức là búi trĩ đã bị sa ra ngoài khi đi đại tiện nên việc chữa trị bằng thuốc vẫn được áp dụng tốt nhưng có thể cháu phải chữa trị kết hợp với can thiệp thắt hoặc tiêm xơ hoặc có thể phải phẫu thuật cắt búi trĩ. Tuy nhiên, trước mắt cháu có thể chữa trị bằng thuốc trước, sau khoảng một đợt thì đi khám lại để bác sĩ đánh giá hiệu quả và có hướng chữa trị tiếp theo. Cháu có thể uống thuốc Protolog, đây là loại thuốc dùng tại chỗ có tác dụng chữa trị các biểu hiện đau và ngứa hậu môn, đặc biệt trong cơn trĩ và trong hội chứng nứt hậu môn. Thuốc có 2 thành phần là: Trimébutine – chống co thắt và Ruscogénines – trợ tĩnh mạch và có tác dụng bảo vệ mạch máu. Protolog có 2 dạng một viên đạn đặt hậu môn hoặc dạng gel bôi hàng ngày 2-3 lần.

Đông y cũng có nhiều phương pháp giúp chữa trị trĩ và táo bón hiệu quả:

Ngư tinh thảo (rau diếp cá, rau dấp cá) có thành phần chính là Quercetin, một flavonoid (vitamin P) có tác dụng bảo vệ thành mạch rất mạnh. Tinh dầu diếp cá có chứa decanonyl acetaldehyde có tác dụng kháng sinh mạnh, tiêu diệt cả trực khuẩn mủ xanh, do đó chống viêm nhiễm rất hiệu quả. Cao diếp cá có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón rất tốt. Đương quy là một vị thuốc quý, có tác dụng bổ máu, điều kinh, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể. Đương quy có tác dụng hoạt huyết giảm đau, giúp chữa viêm loét, mụn nhọt. Ngoài ra, đương quy còn có tác dụng nhuận tràng thông đại tiện, chống táo bón. Rutin là một flavonoid aglycon có nhiều trong hoa Hòe. Rutin có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm bền thành mạch, làm giảm tính “dòn” và tính thấm của mao mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Ngoài ra, rutin còn có tác dụng kích thích sự bài tiết của niêm mạc ruột và do vậy giúp nhuận tràng. Rutin được dùng để phòng ngừa những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch, chữa trị suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, trĩ, các tình huống xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết, phân có máu…. Curcumin là một hoạt chất chính của củ nghệ (Curcuma domestica), có hoạt tính chống viêm do khả năng quét những gốc oxy có liên quan đến quá trình viêm. Curcumin còn có tác dụng ức chế khối u, thông mật, lợi tiêu hóa. Bổ sung Curcumin giúp chống viêm và làm mau lành các vết tổn thương của trĩ.

Một số gợi ý chữa trị bằng thuốc trên cháu chỉ nên áp dụng khi đã có ý kiến của bác sĩ đang chữa trị cho cháu để việc chữa trị được thống nhất và đúng với tình trạng bệnh của cháu. Ngoài ra để có thể tăng hiệu quả cho việc chữa trị thì cháu cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như ăn nhiều thức ăn có chất xơ, hoa quả, sữa chua giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt nên tránh các thức ăn có chất kích thích cũng như đồ cay nóng như bia rượu ớt… Không chơi các môn thể thao vận động quá nhiều cơ bắp mà có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hàng ngày, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, tập cho mình thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm hàng ngày.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Có tiền sử bị nứt hậu môn và trĩ độ 1 uống thuốc nhưng tái lại có nên đi phẫu thuật không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con năm nay 23 tuổi. Từ năm 2011, con bị nứt hậu môn và trĩ độ 1. Con đã đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược, bác sĩ cho dùng thuốc thì hết. Từ đó đến nay, mỗi năm con đều bị đau và chảy máu khi đi đại tiện khoảng 1- 2 lần. Con đi khám và dùng thuốc khoảng 1 tháng thì lại khỏi. Khoảng 1 tháng gần đây, bệnh lại tái phát. Con không biết nên tiếp tục dùng thuốc hay phẫu thuật. Xin bác sĩ cho lời khuyên ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Với bệnh nhân trĩ nội độ 3 trở xuống, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp có thể không cần sử dụng biện pháp phẫu thuật mà vẫn có thể khỏi hoàn toàn nhờ kết hợp dùng thuốc cùng chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mắc trĩ, làm việc hợp lý. Những bệnh nhân trĩ có độ trĩ 3, búi trĩ to, trĩ độ 4, trĩ bị tạo thành huyết khối gây tắc nghẹt cấp tính, trĩ hỗn hợp với búi trĩ ngoại lớn gây chảy máu và đau đớn nhiều mới cần thực hiện phương pháp phẫu thuật nhưng vẫn cần sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Trường hợp của cháu bị trĩ độ 1, 1 năm bị chảy máu đi đại tiện 1- 2 lần là không quá nghiêm trọng nên chưa cần phẫu thuật. Hiện tại cháu chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Trĩ độ 4 nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi xin hỏi tôi bị trĩ hỗn hợp 20 năm rồi. Đi cầu bị ra máu, búi trĩ lòi ra bằng quả trứng, trĩ độ 4 sau khi đi cầu phải ấn lên rất bất tiện. Vậy xin bác sĩ một lời giải đáp.

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn bị trĩ hỗn hợp, độ 4 và thời gian bị đã 20 năm rồi thì việc chữa trị tốt nhất là dùng phương pháp ngoại khoa cắt bỏ búi trĩ. Thủ thuật ngoại khoa cắt bỏ búi trĩ hiện nay có rất nhiều, tùy điều kiện trang thiết bị và mức độ bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Trước mắt, khi chưa phẫu thuật được thì bạn có thể hạn chế hiện tượng đi ngoài ra máu, búi trĩ lòi ra bằng các phương pháp sau:

– Thứ nhất: Ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có nhiều chất xơ, thụt chất bôi trơn glycerin trước mỗi lần đại tiện làm phân trơn (sử dụng ống thụt có bán sẵn ở các hiệu thuốc). Nếu bị táo bón nhiều có thể dùng thuốc làm lỏng phân: Bisacodyl 5mg, uống 1 viên vào buổi tối, chú ý nuốt trọn cả viên không nhai vì thuốc là viên bao phim thuốc xuống đến ruột già mới phân hủy và phát huy tác dụng chống táo bón.

– Thứ hai: Có thể ngâm hậu môn sau mỗi lần đại tiện hoặc hàng ngày bằng nước lá cây vông (tên khoa học Erythrina variegata L) thái nhỏ vừa phải đun sôi để nguội, (đổ nước ra chậu rồi ngồi hẳn vào chậu nước) mỗi lần ngâm khoảng 10 – 20 phút. Có thể bôi một số kem chống viêm và sưng đau như Mastuf, Protolog…

– Thứ ba: Nếu búi trĩ sa ra ngoài có thể dùng tay (có quấn thêm vải mềm hoặc không) đẩy nhẹ nhàng búi trĩ vào bên trong ống hậu môn. Cách đẩy như sau: không được đẩy ép búi trĩ từ ngoài để cho nó chui vào trong, mà luồn ngón tay vào hậu môn, từ từ ép nhẹ vào búi trĩ làm cho nó xẹp lại (vì búi trĩ là một bọc mạch chứa đầy máu khi bị ép sẽ xẹp lại) rồi mới đẩy búi trĩ vào trong. Khi búi trĩ đã vào trong, rút ngón tay ra, khép chặt hậu môn chừng vài phút rồi mới đứng dậy đi nhẹ nhàng.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl