Thắc mắc cần biết xung quanh vết mổ đẻ


4,226
1
1
Xu
53
Mổ đẻ thường để lại vết khâu gây đau nhức khi thời tiết thay đổi, vận động hoặc một vài vấn đề khác. Tuyển chọn những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Mổ đẻ được 2 năm tiếp tục mang thai có tác động gì không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Hiện tại em đang mang bầu được 5 tháng, em bầu khá to và đã tăng được 5 kg rồi. Cách đây gần 2 năm em mới sinh mổ như vậy có tác động gì không?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Ngày nay với sự tiến bộ của y học, khoảng cách giữa các lần sinh đã được rút ngắn. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé, các bà mẹ sinh mổ chỉ nên sinh 2 lần và khoảng thời gian tốt nhất giữa hai lần sinh là từ sau 2 năm đến 5 năm. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp. Không khuyến khích các cặp vợ chồng đẻ con trước thời gian kể trên.

Bạn có thai khoảng 1,5 năm sau khi sinh mổ. Mang thai sớm sau khi sinh mổ có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn và em bé sau này. Với bạn, có nguy cơ nhau thai bám chắc hoặc cài răng lược, nứt vỡ tử cung, xuất huyết. Em bé có thể bị sinh non, nhẹ cân, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất khi lớn lên. Không rõ lần trước bạn sinh mổ vì lý do gì. Song trong lần mang thai này, bạn phải đi khám sản khoa, siêu âm kịp thời để chẩn đoán sức khỏe thai nhi cũng như xem tình trạng vết mổ cũ có đảm bảo an toàn không.

Bên cạnh đó, bạn cần nói cụ thể với bác sĩ sản khoa về vết mổ cũ như: thời gian mổ, lý do mổ, thời gian nằm viện, những tai biến của lần mổ trước (băng huyết, nhiễm trùng hậu sản, …), các tiền sử bệnh liên quan đến vết mổ… để có biện pháp đề phòng các tai biến cho bạn và con.

Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

Vết mổ sinh sau 4 tháng vẫn đau có phải do vết mổ chưa lành không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi sinh mổ được 4 tháng khi nằm ngồi dậy vẫn thấy đau. Như vậy có phải là vết mổ chưa lành không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trước hết bạn cần biết quá trình liền sẹo của vết mổ lấy thai. Khi làm phẫu thuật mổ lấy thai có 2 loại: kiểu ngang và kiểu dọc, hiện nay đa phần đều áp dụng kiểu mổ ngang, hơn nữa còn áp dụng cho các vết mổ thẩm mĩ, chỉ khâu cũng đa phần là loại chỉ có thể thấm hút, loại chỉ này ở trong cơ thể, sau sáu tuần sẽ tự tiêu hết không cần các phương pháp cắt chỉ khác. Trong quá trình vết thương dần dần lành khỏi, chỉ khâu cũng từ từ được cơ thể thấm hút.

Cơ thể các bà mẹ có thể sẽ sinh ra việc không chấp nhận chỉ khâu, dẫn đến bị viêm dạng vô trùng hoặc bị nhiễm trùng. Sau 2 đến 3 tuần vết mổ tạo thành sẹo, vết sẹo bắt đầu lồi lên, lúc này toàn bộ đỏ lên hoặc tím lên, đồng thời nổi rõ trên bề mặt da. Thời kì vết sẹo lồi lên mất khoảng 3 đến 6 tháng, các mô sợi đang tăng thêm từ từ dừng lại, vết sẹo cũng sẽ từng bước trở lên bằng và mềm, màu sắc cũng biến đổi thành màu nâu mờ, lúc đó vết sẹo sẽ xuất hiện hiện tượng đau ngứa, các bà mẹ chú ý không được gãi, nhằm tránh kích thích da mạnh hơn.

Bạn sinh mổ được 4 tháng, khi nằm ngồi dậy vẫn thấy đau. Như vậy đau này không phải là do vết mổ chưa liền mà có thể là do quá trình tạo sẹo gây đau hoặc do dính vết mổ. Nếu đau do vấn đề tạo sẹo thì bình thường, còn đau do dính vết mổ thì bạn nên theo dõi cẩn thận. Vết mổ của bạn bị đau liên quan đến sự thay đổi tư thế tức là có liên quan đến hiện tượng căng cơ. Khi tổ chức sẹo lồi lên chưa hoàn chỉnh hẳn, nên mỗi khi cử động co kéo tại vết mổ sẽ gây đau.

Hiện tượng dính vết mổ cũng là một lí do gây đau. Dính ở vết mổ có thể do dính vào tử cung hoặc dính vào ruột. Sau mổ có một số người bị hiện tượng này, nhẹ thì chỉ bị đau tại vùng vết mổ, nặng hơn có thể bị bán tắc ruột hoặc tắc ruột. Bạn nên vận động đi lại nhẹ nhàng, chườm khăn tẩm nước muối ấm vào vết mổ, xoa nhẹ nhàng tại vết mổ…nếu làm như vậy một thời gian không đỡ, bạn cần đi khám bác sĩ để xác định lí do và chữa trị kịp thời.

Chúc bạn chóng khỏe!

Vết mổ sau sinh


Câu hỏi bởi: Bùi Thị Tranh

Thưa bác sĩ tôi vừa mới sinh mổ tại bv đươc 15 ngày. Nhưng vết mổ thấy không đau mà vùng bụng phía trên vết mổ thì đau cảm giác rất rát. Như vậy có sao không ạ?

Phòng khám 387 – Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài


Chào bạn,

Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau , sau sinh thường có hiện tượng co hồi tử cung nên sản phụ thường có cảm giác đau bụng dưới trong khoảng 1 -2 tuần, đôi khi thời gian có thể kéo dài hơn, kèm theo ra sản dịch. Trường hợp của bạn nếu vết mổ không sưng, đỏ, đau có thể chỉ là đau do co hồi tử cung. Tuy nhiên bạn cũng cần theo dõi thêm sản dich xem có ra quá nhiều hay có mùi bất thường kèm theo sốt thì nên đi khám kiểm tra xem có bị nhiểm khuẩn sinh dục sau sinh không.

Thân ái.

dinh dưỡng sau khi sinh mổ


Câu hỏi bởi: ngô lê huyền mi

thưa bác sĩ,em sinh em bé được một tháng,bé bú sữa mẹ nhưng do sợ vết mổ có biến chứng nên em không biết có thể ăn được những gì để có sữa mát tốt cho con ạ?

Bác sĩ Lê Thuận Linh


Chào bạn.

Sau khi sinh mổ bà mẹ thường bị đau và kiệt sức do vết mổ vì thế thực đơn sau khi sinh mổ cần được đặc biệt quan tâm. Sau khi mới sinh mổ không nên ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng, thức ăn không nên quá cứng, cần hạn chế các thực phẩm có tính hàn như cua, rau đay… Mới sinh mổ cũng nên hạn chế các thực phẩm dễ gây đầy hơi, các thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ gây khó tiêu.

Thực đơn cho phụ nữ sau sinh cần đầy đủ các nhóm đặc biệt là nhóm giàu sắt và giàu đạm để giúp mau lành vết thương, hỗ trợ sản sinh lượng máu bị mất lúc mổ như: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, trứng.

Nên ăn nhiều rau xanh tươi có tính mát và giàu chất xơ như rau ngót, đọt rau lang, rau mồng tơi, bí đao… để phòng ngừa táo bón (táo bón dễ dẫn đến hở vết thương ở phụ nữ sau sinh mổ).

Nên ăn các loại trái cây chín chứa nhiều vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Có thể bổ sung thêm 1-2 ly sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Năng lượng ở giai đoạn này cần khoảng 2500 – 2700 kcal/ngày.

Thân ái.

Chăm sóc khách hàng ViCare


Chào chị,

Cảm ơn chị đã đặt câu hỏi trên trang ViCare. VICare đã nhận được câu hỏi của chị. Mời chị tham khảo câu trả lời của bác sĩ Lê Thuận Linh ở bên trên ạ.

Chúc chị và gia đình sức khỏe. Thân ái.

Sinh mổ có thể sinh tối đa mấy lần?


Câu hỏi bởi: Phụng ngọc

Xin chào bác sĩ!

Năm nay em 29 tuổi, mới sinh bé đầu được 16 ngày, sinh mổ. Xin bác sĩ cho em hỏi em sinh mổ như vậy thì có thể sinh tối đa mấy lần? Em bé bú sữa má và sữa ngoài nhưng 3 ngày gần đây hay ọc sữa, cứ bú xong là khoảng nửa tiếng hoặc 1 tiếng sau hay bị nôn. Xin bác sĩ cho em biết tại sao và xin chỉ em cách chữa, mỗi lần bé bú xong em đều để bé nằm đứng lên cho ợ sữa rồi mới để bé xuống mà bé vẫn bị ọc sữa.

Em xin cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Vấn đề thứ nhất: Số lần sinh mổ

Không có câu trả lời chính xác cho số lần sinh mổ tối đa, tuy nhiên số lần sinh mổ càng tăng thì nguy cơ biến chứng do phẫu thuật sau mổ càng tăng lên. Với những phụ nữ khỏe mạnh và lần sinh mổ trước không thấy biến chứng thì có thể sinh mổ an toàn với khoảng 3-4 lần.

Số lần sinh mổ càng nhiều thì càng có nguy cơ gây biến chứng. Biến chứng sau mổ thường gặp là viêm dính tử cung với các tạng trong ổ bụng, dính ruột có thể gây tắc ruột…

Khoảng cách an toàn giữa 2 lần sinh mổ không sớm hơn 2 năm.

Vấn đề thứ hai: Ọc sữa ở trẻ sơ sinh

Sau khi cho bé bú, không đặt bé nằm ngay xuống giường mà bế bé ở tư thế đầu cao trong khoảng 15-20 phút, vỗ nhẹ phần lưng để giúp bé có thể ợ hơi. Khi đặt bé nằm nên đặt bé nằm cao đầu, phần phía trên cao hơn với thân mình ở phía dưới.

Chia nhỏ cữ bú, giảm thời gian cữ bú cho bé, trẻ bú quá nhiều trong một cữ bú là lí do dẫn đến tình trạng nôn trớ.

Chúc hai mẹ con bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl