Tổng hợp những câu hỏi thường gặp về trĩ ngoại


4,226
1
1
Xu
53
Việc xác định và hiểu rõ từng loại trĩ sẽ giúp ta có biện pháp chữa trị phù hợp nhất. Những thông tin chi tiết từ bác sĩ chuyên khoa dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết điều đó.

Trĩ ngoại điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi, nữ giới. Hiện tại em bị trĩ ngoại đi ngoài hay ra máu nhất là khi bị táo bón. Vậy cho em hỏi có phương pháp nào chữa trị dứt điểm không ạ? Bệnh này có tác động đến cân nặng không bác sĩ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Em cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em!

Bệnh trĩ ngoại thường hay gặp ở phụ nữ do giãn đám rối tĩnh mạch trĩ dưới. Triệu chứng của bệnh là đau và chảy máu (chảy máu từ ít đến nhiều, có thể đi ngoài ra cục máu đông). Khi bị kích thích có thể bị ngứa hoặc chảy máu. Ngoài ra, có thể còn gặp nứt hậu môn và sa búi trĩ ra ngoài.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ có thể là do tăng áp lực tĩnh mạch phần dưới trực tràng: táo bón, tiêu chảy, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, mang vác nặng, mang thai và đẻ con, béo phì… Bệnh trĩ có thể nặng hơn ở những người béo phì vì phải chịu đựng trọng lượng cơ thể lớn. Như vậy cân nặng của cơ thể tác động đến bệnh trĩ.

Điều trị bệnh trĩ khi có những biểu hiện tác động đến cơ thể như gây đau, chảy máu…Trĩ ngoại thường có triệu chứng lâm sàng thường là tắc mạch. Mục đích của chữa trị làm hết đau do phù nề và viêm nhiễm. Có các phương pháp chữa trị bệnh trĩ như sau: chữa trị nội khoa, thủ thuật và phẫu thuật.

Nội khoa: ngâm hậu môn vào nước ấm, bôi tại chỗ các thuốc chống viêm, chống phù nề, chống tắc mạch như Pomat có Cortisone, Heparine Hyaluronidase. Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn.

Thủ thuật: Rạch trực tiếp vào chỗ có tắc mạch để cục máu đông bật ra. Nạo sạch hốc huyết khối để lấy trọn cả cục huyết khối lẫn túi đựng. Có thể thắt búi trĩ, liệu pháp xơ hóa (tiêm dung dịch hóa chất quanh mạch máu để co nhỏ búi trĩ); liệu pháp Laser, đông lạnh…

Phẫu thuật: Cắt bỏ búi trĩ.

Như vậy, em cần đi khám cụ thể và tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà có chỉ định chữa trị thích hợp để chữa trị dứt điểm bệnh của mình. Tuy nhiên, em cần lưu ý trong việc chăm sóc hàng ngày để làm giảm nhẹ bớt các biểu hiện như bôi kem, giữ vùng hậu môn luôn sạch (rửa hoặc tắm nhẹ nhàng làm sạch da quanh hậu môn bằng nước ấm), ngâm hậu môn trong nước ấm vài lần/ngày, chườm đá hoặc đắp gạc lạnh lên hậu môn trong 10 phút x 3-4 lần/ngày…

Để làm bệnh trĩ không nặng lên, em cần thực hiện một chế độ ăn với nhiều chất xơ, ăn nhiều trái cây và ngũ cốc, uống nhiều nước, tránh ngồi hoặc đứng lâu, tập luyện và thực hiện giảm cân nếu bị béo phì.

Chúc em mạnh khỏe!

Điều trị trĩ ngoại bằng thuốc có khỏi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em hiện giờ đang bị trĩ ngoại, theo bác sĩ em dùng thuốc liệu có khỏi không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào em.

Em chỉ nói em bị trĩ ngoại, em không nói rõ em bị lâu chưa, trĩ ngoại có gây chảy máu? Kích thước búi trĩ thế nào…? Tôi không thể giải đáp cho em được. Theo tôi, em nên đi khám để xác định và chữa trị bệnh trĩ ngoại của em tốt nhất.

Bệnh trĩ có thể do tăng áp lực tĩnh mạch phần dưới trực tràng. Trong nhiều tình huống, bệnh có thể chỉ cần tự chữa trị và thay đổi lối sống. Ngoài ra muốn chữa trị bệnh trĩ, em nên:

Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, hỗ trợ giúp cho bệnh trĩ không nặng hơn.

Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà đậm, thuốc lá…

Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, cà ri, gừng…

Ăn nhiều chất xơ từ các loại rau quả để chống táo bón. Nên ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, tránh đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, hoặc dạng nướng…

Hạn chế ăn muối, vì muối giữ nước trong cơ thể, làm các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm nặng hơn biểu hiện trĩ.

Hàng ngày nên đi ngoài đều đặn.

Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu.

Tránh những công việc nặng nhọc, tác mạnh làm áp lực trong xoang bụng tăng lên đột ngột.

Sử dụng giấy vệ sinh mềm, sạch, hoặc dùng các loại xà phòng ít tính a-xít để làm sạch vùng hậu môn.

Vận động thể lực vừa sức, tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ, đi xe đạp…

Trĩ ngoại. Loại trĩ này thường gây đau. Đôi khi có thể chảy máu nhiều trong trĩ ngoại và tạo thành cục máu đông gây đau dữ dội và viêm, thiếu máu nặng. Khi bị kích thích, trĩ ngoại có thể ngứa hoặc chảy máu. Trĩ ngoại gây trở ngại nhiều tới cuộc sống của người bệnh, do không dám ăn uống vì sợ phải đại tiện nhiều lần.

Điều trị trĩ ngoại.

Thuốc: nếu bệnh trĩ chỉ gây khó chịu nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng kem, mỡ, thuốc chống viêm tại chỗ chứa Hydrocortison, kết hợp với tắm nước ấm hằng ngày, có thể làm giảm biểu hiện.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác: nếu huyết khối hình thành trong trĩ ngoại, bác sĩ có thể cắt bỏ huyết khối sẽ giảm đau.

Đối với trĩ gây đau hoặc kéo dài, bác sĩ có thể khuyên:

Thắt búi trĩ. Thủ thuật đơn giản, ít đau này được thực hiện ở phòng khám, bệnh viện và có hiệu quả với phần lớn mọi người.

Liệu pháp xơ hóa. Tiêm một dung dịch hóa chất quanh mạch máu để co nhỏ búi trĩ.

Chiếu tia hồng ngoại. Chiếu tia hồng ngoại 1-2 giây cũng có thể làm ngừng tuần hoàn tới trĩ ngoại. em có thể thấy nóng khi làm thủ thuật và xuất huyết nhẹ trong vài ngày.

Liệu pháp laser. Trong thủ thuật này, một chùm laser làm bay hơi mô búi trĩ.

Đông lạnh. Thủ thuật này làm lạnh mô tổn thương, ngừng tuần hoàn và phá hủy mô búi trĩ.

Dòng điện. Dùng dòng điện làm co búi trĩ trong thủ thuật tương tự như quang đông hồng ngoại.

Phẫu thuật. Nếu các thủ thuật khác không thành công hoặc nếu em có búi trĩ lớn, bác sĩ có thể cắt bỏ mô bằng thủ thuật cắt trĩ. Vùng mô cắt bỏ rộng hơn, ít có khả năng tái phát nhưng khó chịu nhiều hơn. Phẫu thuật cần nằm viện 1-2 ngày – thời gian hồi phục dài hơn các phương pháp cắt bỏ trĩ khác.

Chúc sức khỏe!

Bị trĩ ngoại, viêm niệu đạo, nổi mẩn đỏ ở bụng với đùi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em là nam, 21 tuổi. Từ trước giờ em chưa bao giờ bệnh mà lại nhiều như vậy, thường chỉ là cảm sốt thông thường mà lại hiếm khi. Nhưng mà dạo gần đây lại mắc 3 bệnh 1 lượt :

– Trĩ ngoại.

– Viêm niệu đạo.

– Còn bệnh kia thì làm người em nổi mẩn đỏ ở bụng với đùi. Ở bàn tay và bàn chân thì nổi nhiều mẩn đỏ nhưng mấy bữa thì thành bọng không thấy nước. Da ở 2 cánh tay chỗ đỏ chỗ trắng nhìn ban đêm mới thấy rõ.

Vì còn đang trong thời gian đợi thẻ bảo hiểm nên em chưa dám đi khám, 2 bệnh trên thì em serach trên google rồi tự khám. Còn cái thứ 3 là gì bác sĩ giúp em, bệnh trĩ ngoại thì ban đầu khá mệt mỏi với nó nhưng em đã dùng rau Diếp cá và thấy nó có hiệu quả rất tốt không biết là em dùng nó luôn một thời gian thì có khỏi bệnh hẳn luôn khỏi cần khám không? Dạo gần đây em không dùng nữa nên búi trĩ phát triển hơi to rồi nhưng không đau lắm. Viêm niệu đạo thì thấy nó tự phục hồi từ từ nên em không có dùng gì cả. Bác sĩ cho em lời khuyên.

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Bệnh viêm niệu đạo của em nếu tình trạng viêm ở mức độ nhẹ thì có thể tự khỏi còn bệnh nổi mẩn đỏ trên người là hiện tượng dị ứng mà lí do có rất nhiều (có thể dị ứng thời tiết, dị ứng đồ ăn, dị ứng thuốc, dị ứng mỹ phẩm, dị ứng lông vật nuôi,…). Nếu dị ứng nhẹ thì cũng có thể tự khỏi nhưng nếu dị ứng nặng thì cần phải chữa trị bằng thuốc chống dị ứng.

Với bệnh trĩ ngoại hay trĩ nội, khi em đã bị bệnh mà chỉ chữa trị bằng thuốc uống và ăn rau Diếp cá thì chỉ có tác dụng làm cho bệnh tiến triển chậm hơn hoặc ngăn cho bệnh không tiến triển nặng thêm. Để chữa trị triệt để thì chỉ có cách phẫu thuật cắt búi trĩ. Nếu bệnh trĩ càng nặng, búi trĩ sa lồi càng nhiều thì bệnh nhân càng đau và các biến chứng càng nhiều như: nhiễm trùng, thiếu máu, viêm tắc mạch trĩ,… Vì vậy, em nên đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ sẽ khám và chữa trị bệnh cho em.

Chúc em khỏe!

Sự khác nhau của u nhú hậu môn và trĩ ngoại?


Câu hỏi bởi: Yến Linh

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 18 tuổi, là nữ. Cháu phát hiện mình có 1 cục thịt thừa nhỏ ở ngoài hậu môn và nghi ngờ mình bị trĩ ngoại. Hồi nhỏ cách đây khoảng 7-8 năm, có đợt cháu bị táo bón và đi đại tiện có ít máu nhưng hiện giờ đã không còn nữa. Việc đại tiện cũng khá thường xuyên và không có gì khó khăn. Sau khi đọc câu trả lời của bác sĩ cho một bạn thì cháu biết được có lẽ mình bị u nhú hậu môn. Nhưng cháu còn khá băn khoăn vì cháu cũng rất ngại đi khám ạ. Cháu xin nhờ bác sĩ nói giúp cháu sự khác nhau của 2 loại bệnh này. Nếu cháu bị u nhú hậu môn thì thuốc bôi của bệnh là gì? Và cục thịt thừa ấy có thể teo lại được không?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu.

Bệnh trĩ được hình thành do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Bệnh hay xảy ra ở người làm việc nhiều ở tư thế đứng, ngồi lâu, người khuân vác, nông dân, thợ may và vận động viên ở tuổi trung niên. Bệnh trĩ gồm có trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp (gồm cả trĩ nội và ngoại).

Trong trĩ ngoại, thường có tổn thương trĩ nhô ra phía ngoài gần lỗ hậu môn. Khi cọ sát vào tổn thương trĩ (như đi đại tiện táo bón, cọ sát giấy vệ sinh,…) thì có thể gây chảy máu do rò rỉ, vỡ tĩnh mạch.

Trong khi, u nhú do virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus – HPV) gây ra. Tổn thương là các u nhú màu hồng tươi, mềm, có chân hoặc có cuống, không đau và dễ chảy máu khi đụng chạm vào.

Chính vì vậy mà bệnh trĩ và u nhú có cách chữa trị hoàn toàn khác nhau, tùy theo mức độ tổn thương, tính chất tổn thương mà có biện pháp chữa trị thích hợp như dùng thuốc, bôi thuốc, đốt, phẫu thuật….

Trường hợp của cháu theo mô tả thì chưa thể khẳng định được tổn thương là u nhú hay trĩ. Do vậy, cháu nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám kiểm tra, nhằm xác định rõ tổn thương và có hướng chữa trị thích hợp.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Phẫu thuật cắt trĩ longo


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ,

Hiện tại tôi đang quan tâm đến phẫu thuật búi trĩ ngoại. Và có tìm hiểu phẫu thuật longo của bệnh viện. Tôi muốn hỏi nhược điểm của phẫu thuật này là có nhiều mẩu da nghĩa là sao? Sau khi phẫu thuật da thừa vẫn còn? Nếu sử dụng phương pháp này thì trĩ có xuất hiện tiếp không hay sẽ triệt để 100%?

Mong câu trả lời của bác sĩ.

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào bạn:

Với câu hỏi tôi giới thiệu những ưu, nhược điểm của phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo

1 .Ưu điểm:

Là phương pháp có thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ khoảng 30 phút là đã phẫu thuật xong.

Do thao tác phẫu thuật được tiến hành trên đường lược, là nơi ít có dây thần kinh cảm giác, nên người bệnh sẽ không phải chịu nhiều đau đớn như những phương pháp truyền thống.

Có thời gian nằm viện ngắn: người bệnh có thể chỉ phải nằm lại 10 -20 tiếng để theo dõi, sau đó được ra về và sinh hoạt như bình thường.

2 .Nhược điểm:

Có thể gây hẹp hậu môn: bởi khi tiến hành làm phẫu thuật, thường phải níu kéo đường kính ống hậu môn lại cho vừa khít với ống longo, cho nên sau khi phẫu thuật xong có thể làm cho kích thước hậu môn bị thu hẹp lại so với ban đầu, làm cho người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện.

Không điều trị được dứt điểm bệnh: có nhiều búi trĩ có kích thước lớn, nên ống Longo không thể chứa hết, khiến cho việc cắt bỏ búi trĩ bị sót

Các clip có thể vẫn bị sót lại trong hậu môn: nhiều khi các clip không rơi ra, vẫn còn nguyên trong ống hậu môn, khiến cho hậu môn càng bị hẹp hơn. Có trường hợp, sau mổ trĩ, ống hậu môn không nhét vừa được ngón tay, sờ vào vẫn thấy ghim clip. Chính điều này, khiến cho hậu môn dễ bị viêm nhiễm,

Có thể bị rò rỉ chảy máu: vì các ghim không chặt, không đủ độ ép chắc để cầm máu vết mổ

Có thể làm mất hoặc gây rối loạn phản xa mót đi đại tiện tự nhiên: khi phẫu thuật có thể làm biến đổi cấu tạo của hậu môn, làm cho người bệnh không còn phản xạ mót đại tiện nhạy cảm như trước nữa

Không chỉ vậy, longo chỉ cắt được trĩ nội đơn thuần, không thể cắt được trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp….

Chúc bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl