Dinh dưỡng cho bà bầu và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Cơ thể bà bầu rất nhạy cảm. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng dành cho họ cũng cần được chuẩn bị và quan tâm kỹ càng hơn tất cả.

Tư vấn dùng sữa cho bà bầu


Câu hỏi bởi: vangnguyen

Chào bác sĩ!

Cháu 22 tuổi, đang có bầu lần đầu tiên và đã được 36 tuần, em bé được 2,2kg. Cháu có đi khám và được bác sĩ khuyên 3 tháng cuối thai kì nên dùng sữa Frisomum sẽ tốt cho cả mẹ lẫn con. Nhưng khi cháu uống vào thì lại đau bụng và tiêu chảy. Cháu đã uống được 5 ly và hầu như uống ly nào cũng bị đau bụng. Nhưng trước đó cháu uống sữa Anmum Materna thì không hề có vấn đề gì. Vậy thưa bác sĩ nếu cháu dùng tiếp loại sữa Frisomum thì có tác động gì đến mẹ và bé không? Nếu đổi sữa thì cháu nên đổi loại sữa nào là thích hợp nhất?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu!

Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai, ngoài chế độ ăn đầy đủ, các chuyên gia còn khuyên phụ nữ mang thai nên bổ sung thêm sữa và các sản phẩm từ sữa vào các bữa phụ như phô mai, sữa, sữa chua để cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển của em bé. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần phải uống sữa bà bầu mới là tốt nhất. Các chuyên gia cho rằng phụ nữ mang thai nếu ăn uống tốt, có điều kiện ăn đầy đủ rau xanh, hoa quả, uống được sữa tươi… thì cũng không cần phải bổ sung dinh dưỡng bằng sữa bà bầu vì có một số người lại không hấp thụ được sữa, khi uống thường bị khó tiêu, nghén, tiêu chảy… đó là do cơ thể không đủ lượng men Lactase để tiêu hóa lượng đường trong sữa. Trong tình huống như vậy, phụ nữ mang thai không nên ép bản thân phải uống mà có thể thay thế bằng sữa tươi tiệt trùng hoặc các sản phẩm từ sữa.

Bên cạnh đó việc uống sữa cũng cần phải đúng cách để đảm bảo hiệu quả. Phụ nữ mang thai có thể lựa chọn hoặc uống sữa bầu, hoặc bổ sung bằng thức ăn tự nhiên và sữa tươi, sữa đậu nành, không nên gộp cả hai với nhau thì cơ thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Khi mới bắt đầu uống sữa, đừng vội ép mình uống một lúc hết 1 cốc sữa ngay, có thể chia nhỏ làm nhiều bữa trong một ngày. Từng chút một cho đến khi quen dần.

Trường hợp của cháu, trên thị trường hiện nay sữa bà bầu có rất nhiều loại mà cháu có thể lựa chọn để thay thế loại sữa mà cháu bị rối loạn tiêu hóa khi sử dụng. Cháu có thể uống các loại khác nhau phù hợp mà cháu cảm thấy thích nhất, không nên ép mình uống một loại cố định. Nếu không thể uống được sữa bột, có thể thay thế bằng sữa tươi, đồng thời bổ sung thêm sữa chua, phô mai… Hoặc nếu cháu đã uống sữa Anmum Maternal mà không làm sao thì cháu cứ tiếp tục uống. Không nhất thiết phải tiếp tục uống sữa Frisomum vì khi uống mà cháu bị tiêu chảy sẽ tác động đến việc hấp thu dinh dưỡng cho cả 2 mẹ con.

Chúc cháu mang thai mạnh khỏe!

Bà bầu tháng thứ 5 chảy máu chân răng


Câu hỏi bởi: dangph

Chào bác sĩ!

Tôi đang có thai ở tháng thứ 5 và bị chảy máu chân răng, vậy tôi nên làm gì?

Bác sĩ có thể cho tôi biết về chế độ dinh dưỡng cho người có thai từ tháng thứ 5 được không?

Cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn!

Xin được tư vấn hai thắc mắc của bạn như sau:

1. Về tình trạng chảy máu chân răng:

Chảy máu chân răng là hiện tượng thường thấy ở một số thai phụ và xuất hiện trong thời kì đầu mang thai. Phụ nữ khi mang thai do hormon sinh dục nữ và progestogen tăng nhiều, khiến mao mạch ở răng lợi phình to ra, gấp khúc, tính đàn hồi giảm, yếu. Dẫn đến ứ đọng máu và tính thẩm thấu của thành mao mạch tăng lên gây chảy máu răng, trong y học còn gọi là “viêm lợi khi mang thai”. Hoặc do việc giữ gìn khoang miệng không sạch sẽ, hoặc răng mọc khấp khểnh.

Biểu hiện: Nướu răng sưng, mềm yếu, gai lợi giữa các răng lộ rõ, màu tím đỏ, chạm nhẹ vào thì chảy máu. Khi thai phụ thiếu vitamin C biểu hiện này càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này phát sinh do thay đổi nội tiết tố của cơ thể khi mang thai nên sau khi sinh con sẽ tự khỏi.

Cách phòng ngừa:

Đánh răng mỗi lần sau khi ăn Sử dụng loại bàn chải mềm, tránh gây tổn hại đến răng. Nê thay bàn chải mới mềm hơn Nên đi lấy cao răng để loại bỏ những mảng bám ở chân răng là những ổ chứa vi trùng Nên súc miệng rất hay bằng nước súc miệng hoặc nhai kẹo cao su (loại không đường) để làm sạch răng

2. Về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu mang thai tháng thứ 5:

Ở giai đoạn tháng thứ 5, thai nhi phát triển rất nhanh. Vì thế chế độ dinh dưỡng của các mẹ bầu mang thai giai đoạn này cần được chú ý cung cấp đủ nhiệt lượng, protein và vitamin… Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 5 chủ yếu từ cá, thịt, trứng và chế phẩm từ đậu; rau có màu xanh, vàng; gan động vật…

Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 5 cần đảm bảo: 1,5mg canxi, 3300 đơn vị vitamin A, 6mg betacerofen, 100g vitamin C. Lượng calo bổ sung nên từ các nguồn thực phẩm giàu protein, canxi. Ngũ cốc nguyên hạt là một phần quan trọng của chế độ ăn hàng ngày. Cần tránh đường, phụ gia và carbohydrate đơn.

Bổ sung nước ngọt tự nhiên như nước ép mía, nước ép xoài có chứa carbohydrate lành mạnh và chất xơ. Đây là nguồn thực phẩm giúp tăng cường sức khoẻ và cải thiện tình trạng cơ thể.

Tránh thịt nạc hoàn toàn, đặc biệt là thịt chưa được nấu chín hoặc hải sản. Ăn trứng, gan… ngũ cốc, các loại đậu, đây là nguồn thực phẩm giàu protein cần thiết cho sự phát triển của em bé.

Tránh hoàn toàn đồ uống có ga, thực phẩm đóng hộp, thuốc lá, rượu. Chúng có thể gây biến chứng khi mang thai.

Do nhiều bà bầu có khả năng tăng cân quá mức trong tháng thứ năm, nên tránh các loại bơ, dầu thực vật có chứa chất béo bão hoà. Thai phụ cần có một chế độ ăn uống cân bằng dựa trên nhu cầu mỗi người bao gồm: ngũ cốc, protein, các loại dầu thực vật, hoa quả và rau.

Bình thường, thực đơn mỗi ngày trong chu kì mang thai có thể sắp xếp như sau: các loại lương thực từ ngũ cốc, mỗi loại khoảng 200g; trứng gà 2 – 3 quả hoặc chế phẩm từ đậu 100 – 200g; thịt nạc hoặc cá 100 – 200g; sữa bò hoặc đậu nành 250ml; dầu thực vật 30ml; rau xanh 500g; tôm tươi hoặc tôm nõn 5-19g; hoa quả vừa đủ.

Các yêu cầu về khối lượng mỗi nhóm thực phẩm sẽ phụ thuộc vào chiều cao cũng như cân nặng của người mẹ trước khi mang thai. Một người phụ nữ có trọng lượng và chiều cao trung bình cần khoảng 200gram ngũ cốc nguyên hạt, 190 gam protein, 8 muỗng cà phê dầu thực vật, 3 ly sữa, 5 ly nước ép trái cây và rau hàng ngày trong tháng thứ 4,5,6 của thai kỳ.

Lưu ý: Thai phụ ở tháng thứ 5, nếu hấp thu quá nhiều chất dinh dưỡng thì sẽ tăng cân nhanh, gây trở ngại cho sự phát triển của thai nhi và có nguy cơ dẫn đến tình trạng sinh khó. Thể trọng lí tưởng ở phụ nữ mang thai là tăng không quá 500g/tháng.

Chúc bạn sức khỏe!

Dinh dưỡng cho bà bầu 1-2 tháng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ khi những người phụ nữ có bầu 1-3 tháng có nên uống các chất như đạm, sắt không? Vì sao?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Ba tháng đầu thai kỳ thường là giai đoạn khá khó khăn với các bà bầu vì có thể bị nghén, ăn không được, ói… Trong khi đó dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể bé chưa nhiều. Trong giai đoạn này, khi ăn uống mẹ chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường. Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (5-6 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén. Có thể bổ sung thêm thuốc bổ (sắt, acid folic, B12). Trong 3 tháng đầu, thai phụ chỉ cần tăng 0,9 kg tới 2,3 kg. Riêng các mẹ đã béo phì thì không nên để tăng cân. Đây là giai đoạn cơ thể mẹ sẽ có những biến đổi sinh lý để thích nghi, đồng thời là thời gian quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé. Vì vậy dù mẹ kém ăn nhưng cũng phải chú ý tăng thêm lượng chất đạm, nhất là những protein chất lượng cao dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: trứng, sữa các loại, các loại thịt gia cầm, cá và đậu… Thai phụ cần lưu ý ăn đủ bữa trong ngày: 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Trong giai đoạn này cơ thể mẹ cần thêm năng lượng, song không phải chỉ ăn nhiều hơn về số lượng, mà nên chú trọng những chất dinh dưỡng cần thiết như:

Chất đạm (protein): Có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ… giúp phát triển các tế bào mô của thai (bao gồm cả tế bào não), giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển suốt thai kỳ, đồng thời tăng thể tích tuần hoàn của mẹ. Thai phụ cần bổ sung thêm 10-18g protein mỗi ngày (tương đương 50-100 gr thịt cá tùy loại, 100-180 gr đậu hũ, hay 1-2 ly sữa mỗi ngày).

Chất sắt: Có nhiều trong thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt… giúp tăng thể tích máu và phòng ngừa thiếu máu. Nếu thai phụ thiếu máu sẽ làm giảm lực co bóp của tử cung khi chuyển dạ, giảm lượng sắt dự trữ của em bé trong 6 tháng đầu đời. Vì thế thai phụ cần bổ sung thêm ít nhất 15gr sắt mỗi ngày.

Canxi: Có nhiều trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ… giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé. Nếu thiếu canxi mẹ dễ bị vọp bẻ, đau nhức xương, bé có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.

Axít folic (vitamin B9): Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai. Vitamin này có trong các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc… Ngoài ra axít folic còn có trong thịt gia cầm và nội tạng động vật như gan, tim…

Vitamin D: Có trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời. Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu. Thai phụ cần phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày (tránh ánh nắng quá gay gắt), nên để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, không nên đeo găng tay, đi vớ và cũng không nên phơi nắng sau cửa kính.

Vitamin C: Giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Nó cũng là một chất chống oxy hóa giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng. Vitamin C có trong các loại rau xanh, trái cây.

Như vậy có thể thấy đạm và sắt là những chất rất cần thiết cho các bà bầu. Tuy nhiên nguồn đạm và sắt tốt nhất là từ chế độ ăn đa dạng và cân đối. Với những người mà chế độ ăn không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì có thể phải uống thêm các chế phẩm bổ sung. Song việc sử dụng các chế phẩm này phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài đạm và sắt, bà bầu cũng nên chú ý tới những vitamin và khoáng chất khác như được để cập ở trên để đảm bảo cho em bé phát triển khỏe mạnh.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Tư vấn dinh dưỡng bà bầu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ khi mang thai sản thì phụ nữ cần kiêng ăn những gì?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ mang thai rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên bạn cũng cần phải tránh một số thực phẩm có chứa độc tố dẫn đến tình trạng khuyết tật thai nhi, thực phẩm chứa vi khuẩn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn và gây tổn thương cho sức khỏe và sự an toàn cho thai nhi.

Nguyên tắc là cần ăn chín uống sôi và duy trì một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng như axit folic, sắt, vitamin C và vitamin A. Như vậy bạn nên tránh các loại thức ăn sau đây hoặc phải thay đổi cách chế biến: Trứng sống, trứng lòng đào (chưa chín hẳn) hay các loại thức ăn được chế biến từ trứng sống như kem tươi, kem lạnh và sốt mayonaise. Trứng phải được nấu chín. Thịt và cá chưa nấu chín như thịt bò tái, hải sản tái chanh. Thịt hoặc cá sống như món sushi, cá hồi hoặc hàu ăn gỏi, nem chua, mắm sống sữa tươi, phô mai hoặc sữa chua không tiệt trùng.

Một số loại gỏi hoặc rau trộn vì có thể chứa vi khuẩn. Các loại phô mai chưa được diệt khuẩn. Các loại thực phẩm trước đây gây dị ứng cho bạn. Các loại thịt nướng cháy hạn chế cá kiến hoặc cá ngừ vì các loại cá này có thể chứa lượng thủy ngân tự nhiên tác động đến phá triển hệ thần kinh thai nhi.

Ngoài ra bạn cũng nên tránh một số thức uống như đồ uống có cồn gây ra các khiếm khuyết về thể chất, tinh thần cho thai nhi. Hạn chế trà, cà phê hoặc các thức uống chứa caffein, các loại nước giải khát đóng hộp chứ nhiều đường.

Chúc bạn khỏe.

Chế độ ăn uống tốt cho bà bầu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi em đang có thai. Bác sĩ cho em hỏi em nên ăn uống như thế nào để tốt cho mà khỏe cho con. Và em sử dụng kem liền sẹo Dermatix có tác động tới thai nhi không ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Chế độ ăn uống của em khi mang thai có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, tạo sữa trong thời kỳ cho con bú và sự tăng trưởng của trẻ sau khi sinh. Một số thai phụ có “vấn đề” khi mang thai thì khi khám thai định kỳ sẽ được bác sĩ giải đáp chế độ ăn thích hợp. Em không nói rõ em có thai được bao nhiêu tuần, đã đi khám thai chưa, tình trạng thai nghén của em thế nào? Em có tăng cân nhiều không? Do đó, chúng tôi xin giới thiệu chế độ ăn uống dành cho thai phụ bình thường.

Phụ nữ mang thai nên ăn nhiều hơn bình thường; nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ.

Bữa ăn của thai phụ cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo. Tăng cường chất đạm động vật như sữa, trứng, thủy sản, tôm, cua, cá,…; chất đạm thực vật như đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc…

Tăng cường bổ sung các chất khoáng:

Sắt: có nhiều trong thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, đậu đỗ, phủ tạng động vật,… Thai phụ nên bổ sung 60mg sắt nguyên tố mỗi ngày trong suốt thai kỳ đến sau đẻ 1 tháng.

Canxi: có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm từ sữa.

Kẽm: Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản.

Iốt: Nguồn thức ăn từ biển rất giàu iốt, như cá biển, sò, rong biển…

4. Bổ sung vitamin:

Axit folic: có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm có bổ sung axit folic hoặc viên đa vi chất có axit folic.

Vitamin D: Mỗi ngày thai phụ nên có một khoảng thời gian tiếp xúc với ánh nắng để tiếp nhận vitamin D. Thực phẩm giàu vitamin D gồm phomát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D.

Vitamin A: có trong sữa, gan, trứng… Các loại rau xanh (nhất là rau ngót, rau dền, rau muống), củ quả có màu vàng, màu đỏ (cà rốt, xoài, bí đỏ) là những thức ăn giàu caroten (tiền vitamin A).

Vitamin C: có nhiều trong trái cây, rau xanh.

Vitamin B1: có trong ngũ cốc và các hạt họ đậu.

Vitamin B2: có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu, hạt ngũ cốc toàn phần…

5. Hạn chế các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi; không ăn mặn; không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá…

Kem trị sẹo Dermatix được dùng để trị sẹo ở cả trẻ em và bà mẹ đang cho con bú, do đó nếu em dùng cũng không tác động tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu em đang ở 3 tháng đầu của thai kỳ thì em nên thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ. Sử dụng thuốc còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của em, do đó, em nên khám và trị sẹo theo chỉ định của bác sĩ Da liễu.

Chúc em có thai kỳ khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl