Những phương pháp chữa trị mụn cóc phổ biến


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Có thể chữa trị mụn cóc bằng nhiều cách: cắt mụn, đốt laze, …vv.. Dưới đây là tổng hợp những lời khuyên của bác sĩ về phương pháp chữa mụn cóc với từng loại đối tượng phù hợp.

Cách trị mụn cóc?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Cảm ơn bác sĩ đã trả lời cho cháu về câu hỏi trước. Giờ cháu còn câu hỏi này muốn nhờ bác sĩ tư vấn. Ở ngón tay của cháu xuất hiện một cái mụn cóc, cháu đã sử dụng thuốc thảo dược nhưng không có hiệu quả, sau đó cháu chuyển qua dùng acid Salicylic nhưng vẫn không có tác dụng. Vậy cháu xin nhờ bác sĩ giải đáp dùm cháu xem có loại thuốc nào đặc trị mụn cóc được không ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Mụn cóc là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do virus Papilloma người (HPV) gây ra. Virus này làm cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Mụn cóc là những nốt sần nhỏ, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp. Mụn cóc có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, nhưng thực ra là những mao mạch bị huyết khối. Mụn thường không đau và hay gặp nhất ở thanh thiếu niên. Bệnh dễ lây cho người khác và lan ra xung quanh. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với HPV đều sẽ bị mụn cóc, vì mỗi người có đáp ứng miễn dịch khác nhau. Tùy theo chủng virus HPV khác nhau mà có thể gây mụn cóc ở các vị trí khác nhau (bộ phận sinh dục, bàn chân, dưới móng,…) và các tổn thương khác nhau như những sẩn, u nhỏ trên da hoặc niêm mạc.

Cháu không nên châm chích vào mụn cóc vì nó có thể làm lây lan virus, luôn giữa sạch và khô. Cháu đã chữa trị bằng thuốc thảo dược và acid Salicylic nhưng không khỏi. Vậy cháu nên đi khám chuyên khoa Da liễu để được chữa trị ngăn ngừa bệnh lây lan.

Tùy theo từng tình huống, bác sĩ có thể áp một trong những biện pháp sau:

Áp lạnh: Còn gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng. Bác sĩ sẽ phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cóc. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, sau đó nó sẽ bong ra trong vòng khoảng 1 tuần.

Cantharidin: Cantharidin là một chất được chiết xuất từ bọ ban miêu. Chất này thường được phối hợp với một số hóa chất khác và được bôi lên mụn cóc. Thuốc sẽ làm cho da phồng rộp và nhổ bật mụn cóc khỏi da.

Vi phẫu: mụn cóc được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho những tình huống không đáp ứng với các biện pháp chữa trị khác.

Phẫu thuật laser: Thường chỉ dành cho những tình huống mụn cóc khó chữa vì khá tốn tiền và có thể gây ra sẹo.

Chúc cháu vui, khỏe!

Cách điều trị mụn cóc


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tay em nổi nhiều mụn sần sùi, dân gian gọi là mụn cóc. Em đã đi mổ nhưng không hết mà còn mọc nhiều hơn lúc trước. Bác sĩ chỉ cách giúp em?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Mụn hạt cơm (mụn cóc) là một dầy sừng khu trú, gồm các tổn thương da và niêm mạc, do virus gây sùi ở người gây ra. Các tổn thương khi bị hạt cơm có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên cơ thể hay sang người khác, khi có sự tiếp xúc với các dịch tiết của tổn thương. Hạt cơm là một bệnh da khá phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Hạt cơm xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, gây tác động đến thẩm mỹ và gây nên những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Cháu không nói cháu đi mổ ở đâu, ở bệnh viên da liễu hay ở những nơi không phải là cơ sơ Y tế. Theo tôi, cháu nên đến bệnh viện Da liễu để khám và điểu trị, hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa trị hiệu quả và an toàn. Cháu có thể tham khảo 1 số bài thuốc chữa trị hạt cơm dưới đây.

1. Bài thuốc dùng lá tía tô (đây là bài thuốc được áp dụng nhiều nhất và mang lại hiệu quả cao nhất). Cách làm như sau:

– Lấy một chiếc khăn sạch dùng nước ấm lau chỗ có mụn, trà đi trà lại (tránh để trầy xước, chảy máu). Mục đích để khi đắp lá, dung dịch từ lá sẽ thẩm thấu vào hạt cơm một cách nhanh nhất.

– Rửa sạch lá tía tô (cả cuống lá) sau đó giã nát hoặc vò nát rồi đắp vào chỗ có hạt cơm.

– Dùng vải quấn chặt hoặc dùng băng dính cố định chỗ đắp lá.

– Thời gian đắp lá tốt nhất là buổi tối để tránh nước hoặc các cử động làm xô lệch vết đắp.

– Đắp liên tục trong vài tuần sẽ thấy miệng mụn se lại, teo nhỏ và dần biến mất. Mụn cái chính mất đi, các mụn con xung quanh một thời gian cũng sẽ biến mất. Thường sau 1-1,5 tháng là khỏi bệnh.

2. Dùng đu đủ xanh.

– Cắt trên vỏ của quả đu đủ xanh, sẽ thấy nhựa trắng chảy ra.

– Pha một chút nước với chất nhựa từ vỏ đu đủ, sau đó bôi lên chỗ có mụn. Chất enzym có tác dụng tiêu hủy các tế bào chết.

– Bôi hỗn hợp nước trên một ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

3. Lô hội.

– Dùng một miếng bông hay một miếng vải mềm nhỏ thấm lấy chất nhựa của cây lô hội bằng cách tách đôi lá lô hội.

– Sau đó thấm lên nốt mụn cơm trong vòng khoảng 1 phút hoặc có thể dùng dây buộc miếng vải hoặc bông có nhựa cây lô hội lên nốt mụn mỗi ngày vài giờ.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!

Cách chữa mụn cóc khỏi vĩnh viễn?


Câu hỏi bởi: thu hue

Thưa bác sĩ!

Cháu bị nổi đầy mụn cóc ở cánh tay và mặt. Cháu muốn chữa cho nó mất hẳn làm thế nào ạ? Cháu nghe mẹ nói ông ngoại cháu cũng có mụn cóc, giờ theo gen di truyền đường máu nên cháu cũng bị mụn cóc có phải không ạ? Cháu muốn hỏi bác sĩ cách chữa trị những chiếc mụn cóc này như thế nào cho khỏi vĩnh viễn ạ. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì da, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong thời gian dài mới nhìn thấy được. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc phải ở trẻ em cao hơn vì trẻ em hiếu động, nghịch ngợm nên da hay bị trầy xước,… Bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS dễ bị mụn cóc và thường lâu khỏi. Vì vậy, bị mụn cóc không có tính chất di truyền cháu ạ. Bình thường mụn cóc lây lan qua:

Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người bệnh như sờ, cọ sát, cầm nắm, dùng chung vật dụng của người bị bệnh,…

Tự lây nhiễm trên chính người bệnh: Từ vài mụn cóc lớn ban đầu, chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da bị tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi) và tạo ra nhiều “mụn cóc con” nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan.

Mụn cóc làm mất thẩm mỹ (ví dụ ở vùng mặt), có thể gây đau hay tạo cảm giác vướng cộm khó chịu. Một số tình huống mụn cóc có thể tự biến mất sau nhiều tháng hay nhiều năm, nhưng đa số vẫn tồn tại, phát triển và lây lan trên cơ thể trong thời gian dài. Vì vậy, khi chúng phát triển nhiều, mất thẩm mỹ, to, đau,… thì cần phải chữa trị. Mụn cóc là những u sùi lành tính ngoài da, vì vậy việc chữa trị cũng lành tính, không gây hại cho bệnh nhân.

Mụn cóc là bệnh gây ra do virus, trong quá trình bệnh có khi bệnh tự nhiên khỏi không để lại dấu vết gì trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên tình huống này ít xảy ra, chủ yếu là gặp ở trẻ em. Càng để lâu mụn cóc thường lây lan nhiều hơn, do đó nên chữa trị càng sớm càng tốt. Có một số phương pháp gọi là “chữa mẹo” như chà sát lá tía tô lên bề mặt mụn cóc hoặc chạm mụn cóc vào tử thi,… nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào đáng tin cậy vì đã nhiều người áp dụng mà không có kết quả.

Cách chữa trị mụn cóc:

Tự chữa trị tại nhà: Có thể dùng đá bọt nhám khi tắm chà lên bề mặt mụn để giảm bớt kích thước và độ sần sùi.

Chấm axit: Khi mụn dưới 5 mm, sử dụng dung dịch axit Salicylic chấm lên mụn cóc, thuốc sẽ tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus ở mụn cóc. Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian mới có thể làm mụn biến mất hoàn toàn. Để sử dụng thuốc hiệu quả, cần rửa sạch vùng sẽ chấm thuốc bằng xà phòng sau đó chà sát nhẹ bề mặt mụn bằng tay hay đá mài,… để loại bỏ lớp tế bào chết; thoa thuốc lên bề mặt hay ngay cuống mụn cóc. Lưu ý không để thuốc dính ra xung quanh. Thoa thuốc mỗi ngày 1 lần sau khi tắm. Tuy nhiên, không được tự ý sử dụng thuốc khi có các bệnh mãn tính, mụn cóc bị nhiễm trùng,…

Chấm Nitơ lỏng

Đốt điện

Tiểu phẫu (gây tê tại chỗ)

Đây là những phương pháp chữa trị được thực hiện tại các bệnh viện hoặc chuyên khoa Da liễu. Trường hợp đặc biệt, có khi chỉ cần điều trị “mụn cóc mẹ”, vài tuần sau các “mụn cóc con” bỗng nhiên tự biến mất không cần phải can thiệp.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

mọc mụn ở đầu ngón tay cái


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ cháu bị mọc 1 cái mụn ở đầu ngón tay cái khoảng 1~2mm cách đây 4~5 thág chông thì giống sẹo lồi.nhưg nhìn kĩ bên trog thì có chân nhìn giống mụn cóc ạ.mụn không bị mọc lây lan xung quanh, không đau ,rát gì ạk.Nhưng vì nó rất vướng lên cháu thường bấm nó đi,và mỗi lần cháu lấy bấm cắt đi nó lại mọc lên và rát ạ. Mọi người bảo cháu là bị mụn cóc, Vậy cho cháu hỏi đó là mụn gì ,chữa như thế nào và cần phải đi khám không ạ.Cháu xin cảm ơn!!!

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào em,
Em đến bệnh viện da liễu đốt 1 lần là hết , đừng bấm cắt nhiều lần mà nhiễm trùng .
Chúc em mau khỏe !

Bị mắt cá chân nên dùng loại thuốc nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi em bị mắt cá chân, đã đi đốt 3 lần rồi, cứ đi được một thời gian lại bị mọc lại các nốt con ạ. Em đọc trên này thấy bác sĩ có giải đáp chấm Acid, em tìm hiểu thì thấy thuốc này có các dạng thuốc mỡ, gel, miếng dán vậy em nên dùng loại nào thì tốt ạ? Dung dịch này bôi thì gây tác dụng phụ gì không ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Các phương pháp chữa trị phổ biến đối với mụn cóc:

Tự điều chỉnh tại nhà

Chấm acid

Chấm Nitơ lỏng

Đốt điện (Electrosurgery)

Tiểu phẫu (gây tê tại chỗ)

Đối với biện pháp chấm Acid như bạn nói có thể áp dụng khi mụn dưới 0,5 cm sử dụng dung dịch Acid Salicylic và Lactic (Duofilm, Collomack). Thuốc sẽ làm tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus ở mụn cóc. Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần mới có thể làm mụn biến mất hoàn toàn.

Bệnh nhân có thể dùng những chế phẩm này tại nhà, nhưng để sử dụng thuốc hiệu quả, cần:

Rửa sạch vùng sẽ chấm thuốc bằng xà phòng.

Cọ xát nhẹ bề mặt mụn bằng tay hay đá mài, que dũa móng tay… để loại bỏ lớp tế bào chết (do lần thoa thuốc ngày hôm trước)

Thoa thuốc lên bề mặt hay ngay cuống (mụn cóc hình dây) của mụn. Hạn chế tối đa việc để thuốc dính ra vùng xung quanh. Thuốc sẽ khô nhanh chóng và để lại lớp thuốc màu trắng. Đậy kín nắp chai thuốc ngay sau khi thoa và để chỗ mát, vì thuốc dễ bay hơi, thoa mỗi ngày 1 lần sau khi tắm.

Tuy nhiên, không được tự sử dụng thuốc khi có các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim – mạch, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, mụn cóc bị nhiễm trùng…Bạn có thể sử dụng dạng thuốc mỡ hoặc gel sẽ tiện lợi hơn nhé.

Chúc bạn sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl