Tổng hợp những thắc mắc của bệnh nhân sau khi lấy tủy răng


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Khi nha sĩ đã lấy hết mô tủy bị hủy hoại, bị bệnh hay chết, khoảng trống còn lại được làm sạch, tạo dạng và trám bít lại. Tuy nhiên bệnh nhân dễ gặp nhiều triệu chứng cũng như có nhiều thắc mắc khác sau quá trình này.

Lấy tủy răng cấm có để lại di chứng?


Câu hỏi bởi: thành đạt

Chào bác sĩ!

Mấy hôm trước cháu có đi lấy tủy răng ở răng cấm hàm dưới và nhổ 1 răng kế bên. Trước đó cháu cũng đã mọc răng. Hai hôm qua răng lấy tủy có biểu hiện bị chạm vào cảm giác đau buốt. Liệu có phải do răng cùng làm chạm vào răng cấm của cháu không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Răng đã lấy tủy bị đau nhức trở lại có 2 tình huống có thể xảy ra: ê nhức do viêm nướu/viêm nha chu gây ra hay do lấy tủy chưa tốt nên bị đau trở lại. Bạn đã đi lấy tủy răng cấm sau vài hôm có biểu hiện chạm vào đau buốt. Hiện tượng này không phải do răng cùng chạm vào răng cấm. Bạn nên đi khám lại răng, có thể chụp phim để xem thử lấy tủy đã tốt chưa, có bị nhiễm trùng quanh chân răng hay không. Nếu không thì có phải là do viêm nướu/ viêm nha chu khiến răng nhạy cảm không. Nói chung là bạn nên đi khám bác sĩ sớm để điều trị càng sớm càng tốt.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Răng đau buốt sau khi lấy tủy nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi. Em đang chữa trị lấy tủy răng để bọc răng sứ vì răng em bị mẻ. Em đã lấy được 6, 7 lần nhưng răng vẫn đau khi nhai trúng thức ăn hoặc lấy tay ấn xuống. Liệu răng em có bị nhiễm trùng không hay do nha sĩ kỹ thuật không tốt? Giờ mỗi lần em đi lấy tủy đều rất sợ vì quá đau, mỗi lần lấy đều đau hơn. Em đã trả hết tiền rồi nên em không dám đi nơi khác. Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Điều trị tủy là lấy bỏ phần tủy răng, là một mô nhỏ dạng sợi ở chính giữa răng. Sau khi lấy hết mô tủy bị hủy hoại,bị bệnh hay chết, khoảng trống còn lại được làm sạch, tạo dạng và trám bít lại. Thủ thuật này nhằm bít kín ống tủy. Nhiều năm về trước, những răng có tủy bị bệnh hay bị thương đều phải nhổ bỏ. Ngày nay, chữa trị tủy giúp cứu giữ được nhiều răng mà lẽ ra trước đây phải nhổ bỏ. Quá trình chữa trị tủy gồm nhiều giai đoạn, đòi hỏi em phải đến phòng nha với nhiều lần hẹn, điều này còn tùy thuộc vào tình trạng răng của em. Các bước gồm có:

Trước hết là mở tủy từ mặt sau của các răng trước, hay mặt nhai của các răng cối nhỏ và răng cối lớn.

Sau khi lấy hết tủy bệnh, buồng tủy và ống tủy được làm sạch, làm rộng và tạo dạng để chuẩn bị trám bít.

Nếu cần nhiều hơn 1 lần hẹn, bác sĩ sẽ đặt miếng trám tạm trên thân răng hở để bảo vệ răng giữa các lần hẹn.

Miếng trám tạm được tháo bỏ và buồng tủy và ống tủy được trám bít vĩnh viễn. Một vật liệu thuôn, bằng cao su được gọi là Gutta-percha được chèn vào trong từng ống tủy, và thông thường được hàn chặt vào đó bằng xi măng. Có khi một que kim loại hay nhựa được đặt vào ống tủy để nâng đỡ cấu trúc răng.

Bước cuối cùng, một mão răng thường được đặt lên trên thân răng đã được chữa trị tủy để phục hồi lại hình dáng tự nhiên của răng. Nếu phần răng đã vỡ quá lớn thì có thể phải đặt chốt để gia cố trước khi bọc mão.

Việc lấy tủy răng đối với nha khoa hiện đại đã giảm đau đớn đi rất nhiều, thuốc gây tê cục bộ trong quá trính lấy tủy răng sẽ khiến cho người bệnh mất cảm giác, vùng miệng hoàn toàn chỉ cảm thấy tê cứng, việc lấy tủy răng thường chỉ cần hoàn tất trong 1 đến 2 lần. Em đã lấy tủy răng đến 6, 7 lần nhưng răng vẫn đau khi nhai, mồi lần lấy đều đau hơn. Tốt nhất em nên đến chữa trị ở các chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt uy tín ở các bệnh viện lớn, tránh các biến chứng do thủ thuật của nha sĩ và cảm giác đau đớn khó chịu cho bản thân.

Chúc em sớm khỏi bệnh!

Răng nhai bị nhức, đã lấy tủy nhưng vẫn đau là bị sao?


Câu hỏi bởi:

Răng nhai của em bị nhức, đi nha khoa khám ban đầu nha sĩ đặt thuốc trị tủy nhưng cả tuần răng vẫn không giảm. Sau đó quyết định lấy tủy nhưng về lại rất đau mà cơn đau từng chập nhói lên tận lỗ tai và đầu (lúc lấy tủy chỉ ê ê), dùng thuốc giảm đau cứ hết thuốc là nhức tiếp. Cho em hỏi trường hợp của em có phải chưa lấy trúng tủy hư hay là biến chứng phải nhổ răng mới hết được?

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bên trong răng, dưới lớp men răng trắng và lớp cứng (ngà răng) có một lớp mềm chứa mạch máu, thần kinh và mô liên kết giúp phát triển chân răng. Khi một chiếc răng đã phát triển đầy đủ thì nó có thể tồn tại mà không cần đến lớp mô mềm này vì nó có thể được tiếp tục nuôi dưỡng bằng các mô xung quanh nó. Mô mềm này chính là tủy răng. Khi tủy răng bị viêm gây đau nhức thì việc lấy tủy răng là cần thiết.

Biểu hiện như bạn mô tả là chưa lấy hết tủy răng, còn thần kinh nên gây đau nhức răng. Tuy nhiên có một số tình huống tủy đã lấy hết nhưng vẫn còn đau trong vòng 4-5 ngày nữa rồi mới giảm dần. Vì vậy nếu sau 4-5 ngày nữa vẫn đau nhức không chịu được thì bạn nên đến tái khám chỗ đã lấy tủy răng để bác sĩ lấy tiếp hoặc đặt thuốc diệt tủy.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đã lấy tủy răng nhưng vẫn đau và nhức phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Lan Anh

Chào bác sĩ.

Cháu vừa lấy tuỷ răng được 2 ngày, chưa bọc răng sứ. Khi trở về cháu thấy hơi nhức nhưng về sau khi nhức hầu như mấy cái răng khác. Cháu còn rất nhức khi răng trên chạm răng dưới, khi cháu ấn nhẹ ngón tay vào răng nữa. Cháu phải làm sao ạ? Nếu lấy tuỷ lần 2 thì có đau hơn lần trước không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo như mô tả của bạn thì bạn đã triệt tủy răng lần thứ nhất. Về lý thuyết, nếu triệt tủy thành công thì răng bạn sẽ không còn cảm giác, tức là không đau nữa. Trong trường hợp đã lấy tủy nhưng răng không hết đau nguyên nhân có thể do tổn thương gây viêm tổ chức quanh răng, hoặc do chưa triệt tủy thành công. Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra lại. Nếu không có tình trạng viêm nhiễm và răng vẫn đau sau khi đã triệt tủy xong thì bắt buộc phải nhổ răng.

Chúc bạn sức khỏe!

Răng bị sâu và nhiễm trùng tủy, có cách nào giữ lại răng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ.

Em là nam giới, 22 tuổi. Em bị sâu răng và chữa tủy được 2 năm. Hiện tại răng này bị đau nhức và sưng, đến bệnh viện thì bác sĩ bảo là răng bị nhiễm trùng cần phải nhổ, và cho đơn về uống và nhổ. Vậy cho em hỏi là có cách nào giữ lại răng đó không ạ?

Em chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào em!

Sâu răng nếu không được hàn sẽ gây viêm tủy răng, nếu không được chữa trị sẽ gây viêm quanh (chóp) răng. Do đó, điều trị nội nha (hay chữa tủy) là quá trình chữa trị lấy sạch tủy bị tổn thương, trám bít hệ thống ống tủy ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, giúp loại bỏ viêm nhiễm và bảo tồn mô răng còn lại.

Răng của em đã được điều trị tủy 2 năm, hiện tại sưng và đau nhức, như vậy là điều trị tủy chưa tốt hoặc trước khi chữa tủy, răng của em đã bị viêm quanh cuống mãn tính tạo nên các sang thương quanh chóp răng như u hạt, áp-xe, u nang… hoặc bị tiêu xương do viêm nhiễm lâu ngày, nên bác sĩ điều trị bảo tồn để giữ răng tạm thời.

Hiện tại, bác sĩ đã kết luận là nhổ răng, chứng tỏ mức độ viêm của răng rất nặng, không giữ răng được nữa. Vì răng của em đang bị viêm, do vậy trước khi nhổ răng, em phải uống kháng sinh phòng bội nhiễm sau nhổ, tốt nhất là em nên theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Em cũng nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần, lấy cao răng, nếu phát hiện răng sâu thì hàn ngay, tránh để nặng như: viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng, gây nguy hiểm cho răng.

Chúc em có hàm răng khỏe, đẹp!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl