Những thắc mắc về hiện tượng thận ứ nước ở người già


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Thận ứ nước ở người nhà cần lưu ý những gì? Cách điều trị có gì khác biệt?… Rất nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề này, cùng tham khảo thông tin qua giải đáp của bác sĩ dưới đây về chứng thận ứ nước ở người già.

Giãn tĩnh mạch chân có chữa khỏi được không?


Câu hỏi bởi: Ngô Quang Quốc

Chào bác sĩ!

Kính thưa bác sĩ, ba của tôi năm nay 69 tuổi. Thời gian gần đây mặt của ông trông to, bụng cũng to, chân cũng sưng phù. Khi đến bệnh viện khám, xét nghiệm (máu + nước tiểu), CT Scaner thì tất cả đều bình thường, riêng thận trái bị ứ nước cấp độ 3 (không sỏi thận) và bị giãn tĩnh mạch chân (có người chỉ nấu nước rừng ngâm chân thì thấy chân đỡ sưng). Bác sĩ vui lòng cho tôi hỏi:bệnh thận ứ nước cấp độ 3 có phải là suy thận không? Thận ứ nước có được uống nước nhiều không? Uống bao nhiêu nước/ngày là đủ? Giãn tĩnh mạch chân có chữa khỏi không? Và có đi bộ tập thể dục được không?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Thận ứ nước độ 3 không phải là bệnh suy thận nhưng nếu không phát hiện sớm và chữa trị sớm hoàn toàn có thể gây suy thận. Nguyên nhân của tình trạng ứ nước thận là có thể do sỏi niệu quản hoặc các dị dạng hay viêm xơ chít hẹp niệu quản làm cho nước tiểu từ trên thận không xuống được bàng quang để ra ngoài nên bị ứ lại. Tình trạng ứ nước này kéo dài sẽ gây giảm, mất chức năng thận và suy thận. Uống vào càng nhiều nước thì thận càng phải làm việc nhiều để bài tiết nước tiểu nhiều. Bạn cần phải kiểm tra xem chức năng thận 2 bên ra sao thì mới có thể trả lời được câu hỏi có nên uống nhiều nước hay không. Tổng lượng nước đưa vào cơ thể một ngày khoảng từ 2 – 2,5 lít là đủ bao gồm cả nước uống trong ngày và nước canh trong bữa ăn. Giãn tĩnh mạch chân là do suy yếu thành tĩnh mạch và đây là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Các phương pháp chữa trị là để tránh các biến chứng (viêm tắc mạch) và làm bệnh tiến triển chậm hơn.

Chúc bạn khỏe!

Tư vấn mổ thận ứ nước cấp độ 3


Câu hỏi bởi: Đức

Thưa bác sĩ
mẹ cháu năm nay 62 tuổi bị đau thận đi bện viện khám thì kết quả là thận ứ nước cấp độ 3
ở bện viện chờ mổ nhưng 2 ngày nay mẹ cháu thường sốt cao k biết có nguy hiểm gì k?
bác sĩ cho cháu hỏi nếu mổ thì mổ chổ nào tốt và an toàn.
mẹ cháu đang ở bệnh viện tam kỳ quảng nam ạ

Chăm sóc khách hàng ViCare


Chào anh Đức ,
Trước tiên, ViCare cảm ơn anh đã quan tâm và sử dụng tính năng đặt câu hỏi trên trang Hỏi Bác Sĩ của ViCare. ViCare có nhận được câu hỏi của anh liên quan đến bệnh viện, nên ViCare đã liên hệ với cơ sở y tế liên quan để tìm câu trả lời.

Theo như thông tin ViCare tìm được thì anh có thể đưa bác đến Khoa thận – nội tiết – Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam thăm khám ạ, hoặc có điều kiện anh có thể đưa bác đến thăm khám những bệnh viện theo link :https://vicare.vn/song-khoe/phong-va-chua-benh/thạn-u-nuoc-keo-dai-dẽ-tỏn-thuong-vĩnh-viẽn/

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp ích cho anh.
Chúc anh sức khỏe.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh thận ứ nước không có biểu hiện sốt, nhưng hiện tại mẹ của bạn bị sốt cao như vậy thì cần xem xét lại toàn diện xem hiện tượng sốt này do đâu? Có phải là thận ứ mủ? hay sốt vì nguyên nhân nào khác nữa, để dự liệu cho cuộc mổ sắp diễn ra.

Bạn có thể đi khám ở các bệnh viện như chương trình tư vấn vicare đã nêu hoặc có thể đến mổ ở bệnh viện trung ương Huế hoặc bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh thì có thể sẽ có được cuộc mổ tốt hơn, cuộc mổ có thể an toàn hơn.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe

Bị sỏi niệu quản kích thước 10mm có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Bich Tuyen

Chào bác sĩ.

Mẹ của tôi năm nay 59 tuổi, mấy ngày hôm nay bỗng dưng đau bụng ở dưới rốn rất nhiều. Đi khám bác sĩ và siêu âm kết quả là bị sỏi niệu quản, ứ nước thận phải, sỏi có kích thước 10mm. Như vậy có nguy hiểm và để lại di chứng gì không? Cách nào tốt nhất để sỏi được đưa ra ngoài vậy bác sĩ? Mong nhận được nhiều lời khuyên tư vấn từ các bác sĩ.

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Tình trạng ứ nước ở đài bể thận là do tắc nghẽn đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận khiến thận giãn to. Nếu các lí do không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể sẽ dẫn tới các biến chứng như suy thận mãn,… Các lí do có thể gây giãn đài bể thận bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm nhiễm đường tiết niệu gây chít hẹp niệu quản, dị dạng bẩm sinh, các khối u đường tiết niệu hoặc lân cận chèn ép,… Trường hợp của mẹ em, đã đi khám xác định thận ứ nước do sỏi niệu quản. Như vậy, việc chữa trị để tránh ứ nước, suy thận thì phải giải quyết sỏi, có thể có nhiều biện pháp giải quyết sỏi như: phẫu thuật mổ mở, mổ nội soi, nội soi gắp sỏi, tán sỏi,… và tùy theo tình hình thực tế (thể trạng, vị trí sỏi, kích thước, tính chất sỏi,…) mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thích hợp nhất. Do vậy, em nên đưa mẹ tới cơ sở y tế chuyên khoa Ngoại-Tiết niệu để được chữa trị thích hợp nhất.

Thân mến!

Thận ứ nước cấp độ 2 có cần phải mổ không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Mẹ của tôi năm nay 58 tuổi, khi đi khám ở bệnh viện Thống Nhất được biết thận phải có kích thước bình thường đài bể thận ứ nước độ 2 do hai viên sỏi niệu quản nằm sát nhau ở niệu đoạn 1/3 trên (3x2mm và 8x4mm), thận trái bình thường. Vậy mẹ tôi có cần phải mổ không ạ? Và nghe nói bệnh về thận uống bắc sẽ tốt hơn đúng không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Các tổn thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.

Trường hợp mẹ bạn bị thận ứ nước độ 2. Nguyên nhân là do sỏi niệu quản thì cần theo dõi qua siêu âm 3 tháng/lần, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Bệnh có thể giảm độ nhưng cũng có thể tăng lên độ 3-4.

Trường hợp của mẹ bạn sỏi niệu quản còn bé thì có thể chưa cần phẫu thuật nhưng các bác sĩ có thể chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể. Mẹ bạn nên uống thuốc tây để chữa trị các biểu hiện cấp, sau đó có thể uống thuốc bắc, thuốc nam. Tuy nhiên, trước khi uống thuốc bạn cần tìm hiểu rõ nguồn gốc vì không giống như thuốc Tây được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ở một mức độ nhất định, các thành phần thuốc Bắc trôi nổi trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng, không ghi rõ chỉ định và không rõ thành phần. Vì thế, chúng có thể là mối nguy hại tiềm ẩn Về chế độ dinh dưỡng mẹ bạn nên lưu ý cần ăn nhiều rau quả. Điều cần nhất mỗi khi mắc tiểu ta nên đi tiểu ngay, không cố nén quá lâu, nước tiểu ứ lâu là nhân tố nhiễm trùng tiểu và hóa sỏi.

Chúc bạn và mẹ mạnh khoẻ!

Bị thận ứ nước, niệu quản giãn có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Mẹ tôi năm nay 54 tuổi. Thận phải ứ nước độ 2, không sỏi. Nhưng niệu quản giãn 11mm đến đoạn thành bàng quang có viên sỏi kích thước 12x7mm. Mẹ tôi bị như vậy có nguy hiểm không? Phương pháp chữa trị như thế nào? Tán sỏi hay phải mổ hở hay mổ nội soi? Chi phí khoảng bao nhiêu? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Sỏi thận tiết niệu là bệnh khá thường gặp ở nước ta, chiếm tỉ lệ 10 – 15% dân số, chiếm 45 – 50% bệnh tiết niệu. Sỏi thận tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp chữa trị hết sỏi, không tác động đến chức năng của thận, hạn chế tái phát. Việc quyết định lựa chọn phương pháp chữa trị sỏi dựa vào các tiêu chí sau: vị trí sỏi, kích thước, mật độ của sỏi và chức năng của thận.

1. Điều trị Ngoại khoa: Với những sỏi có kích thước lớn hoặc đã có biến chứng thì thường áp dụng các biện pháp như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi.

Tán sỏi ngoài cơ thể. Máy tán sỏi phát ra tia laser hoặc sóng xung kích, phá bề mặt sỏi, đập vụn sỏi ra và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Bệnh nhân hầu như không đau đớn. Phương pháp này áp dụng với bệnh nhân có sỏi khoảng dưới 3cm. Vị trí: sỏi bể thận hoặc nhóm đài trên, nếu nhóm đài dưới cổ đài phải rộng. Sỏi 1/3 trên niệu quản.

Tán sỏi nội soi ngược dòng. Dùng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, lên bàng quang và lên niệu quản tiếp cận trực tiếp viên sỏi, dùng nguồn năng lượng bằng laser hoặc khí nén để phá vụn sỏi, bơm rửa lấy hết sỏi. Tán những sỏi 1/3 giữa và 1/3 dưới niệu quản đối với nam giới, ở nữ giới có thể tán sỏi cao hơn lên ngang đốt sống L3, L4. Tán sỏi bằng Laser đang được thực hiện ở những nước phát triển thế giới, ưu việt hơn hẳn so với tán sỏi bằng khí nén và siêu âm. Laser có thể tán được mọi loại sỏi, kích thước < 2cm, nếu có polyp bao quanh sỏi có dùng laser để đốt polyp và sau đó tán sỏi.

Lấy sỏi thận qua da: Tạo đường hầm vào thận, và đưa ống nội soi đường kính 10 – 15mm vào tiếp cận sỏi. Phá vỡ sỏi bằng Laser hoặc khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài. Chỉ định cho sỏi bể thận. Sỏi có kích thước lớn, sỏi san hô, sỏi cứng, sỏi nhóm đài dưới.

Phẫu thuật nội soi lấy sỏi: Chỉ định cho những sỏi bể thận, sỏi 1/3 trên niệu quản. Những sỏi lớn, mật độ chắc.

Phẫu thuật mổ mở: Hiện nay có chỉ định ít hơn do nhiều tai biến, thời gian hồi phục lâu. Áp dụng cho những sỏi thận, niệu quản kích thước lớn, chức năng thận kém.

Phẫu thuật bằng Robot: Thực hiện ở những nước phát triển, chỉ định cho những sỏi thận lớn, rút ngắn thời gian nằm viện, chi phí rất cao.

2. Điều trị Nội khoa: Với những vừa hoặc chưa có biến chứng thì việc dùng các thuốc uống giúp tan sỏi sẽ thích hợp hơn bởi tính an toàn, tiện dụng, không đau đớn.

Chi phí cho ca tán sỏi ở các bệnh viện công không quá cao khoảng 2-3 triệu đồng cho một lần tán sỏi bạn nhé.

Chúc mẹ bạn sớm khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl