Tiểu đêm báo hiệu những căn bệnh nguy hiểm nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Tiểu đêm khiến cho bạn mất giấc ngủ ngon, gây hậu quả thụ động tới cuộc sống. Không những thế tiểu đêm còn có thể là dấu hiệu của các bệnh.

Đi tiểu đêm có phải thận yếu?


Câu hỏi bởi: gà rừng 93

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 21 tuổi, nặng 46 kg. Cháu đi ngủ lúc 10h đi tiểu rồi và 3h30 sáng cháu lại đi tiểu nữa. Mẹ cháu bảo là thận yếu. Xin hỏi bác sĩ có phải không ạ? Và có phải uống thuốc không? Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu.

Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào cháu!

Thường về ban đêm bộ não của con người sản xuất ra hormon Vasopressin giúp cho thận giảm lọc tạo nước tiểu ít hơn ban ngày, vì vậy chúng ta có thể ngủ suốt đêm đến sáng mới phải đi tiểu. Khi cơ thể có những rối loạn về nội tiết, lo lắng nhiều (tress) do yếu tố tâm lý, hoặc có triệu chứng viêm đường tiết niệu thì hay tiểu nhiều lần, đặc biệt là về ban đêm.

Điều trị tiểu nhiều về ban đêm phải tuỳ theo lí do:

Phòng tránh các bệnh làm viêm nhiễm hệ tiết niệu.

Tạo chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, tâm lý thoải mái, tránh tress.

Không nên uống nước nhiều vào buổi tối.

Có thể chữa trị bằng đông y, châm cứu.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

Đi tiểu đêm có phải di chứng cơn đau quặn thận?


Câu hỏi bởi: cobetinhnghichkh

Chào bác sĩ!

Em là nữ 29 tuổi. Cách đây 2 tháng em bị một cơn đau dữ dội, đi khám thì bác sĩ nói em bị cơn đau quặn thận, thận bị ứ nước độ 2 nhưng nằm ở viện 2 ngày thì cho về không dùng thuốc gì hết. Thời gian gần đây đêm nào em cũng phải đi tiểu nhưng 1 lần thôi. Vậy bác sĩ cho em hỏi bây giờ em phải làm thể nào?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Niệu quản là cấu trúc hình ống, dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Kích thước của niệu quản nhỏ, chỉ đủ cho nước tiểu đi qua nhưng khi thận có sỏi và sỏi bị rơi xuống niệu quản thì sẽ làm tắc nghẽn niệu quản làm cho phần niệu quản phía trên bị ứ nước và giãn to do đó gây nên những cơn đau quặn thận. Một số ít tình huống sỏi nhỏ có thể rơi xuống bàng quang còn nếu không sẽ phải chữa trị để lấy sỏi, có thể bằng phương pháp mổ mở, mổ nội soi hoặc tán sỏi qua da hay qua nội soi ngược dòng.

Vì vậy, bạn nên tái khám chuyên khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu để bác sĩ khám và chữa trị sớm cho bạn vì nếu tình trạng thận ứ nước kéo dài mà không được chữa trị sớm có thể gây suy thận, hỏng thận.

Chúc bạn khỏe!

Tiểu đêm, đau buốt chân có phải bị tiểu đường?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 20 tuổi. Em rất hay đi tiểu vào ban đêm, mỗi lần tiểu thì nước tiểu của em rất đậm màu (như màu nước trà) và nóng. Dưới lòng bàn chân thường bị đau và mỏi, ban đêm em hay bị chuột rút. Và dạo này em thường bị ngứa đỏ ở khắp người và bị mọc nhọt sau gáy và một cục ở đằng sau cổ. Có phải em đang bị tiểu đường phải không?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào em!

Có rất nhiều lí do gây ra tình trạng tiểu nhiều về đêm như: U xơ tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, sỏi thận, đái tháo đường, lớn tuổi… nhưng cũng có thể do thói quen uống nhiều nước, sử dụng các chất kích thích, căng thẳng do áp lực công việc… hoặc có thể do dung tích bàng quang nhỏ chỉ chứa được lượng nước tiểu ít, nên gây tiểu lắt nhắt. Dù là lí do nào thì chứng tiểu đêm nhiều cũng gây gián đoạn giấc ngủ, mất ngủ, tác động đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Em có thể hạn chế đi tiểu đêm bằng cách: Tránh uống bia, rượu, cà phê, nước ngọt, các chất có chứa cafein… trước khi đi ngủ, vì các chất trên làm tăng nhu cầu đào thải nước của cơ thể. Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giúp đào thải lượng axit dư thừa ra khỏi cơ thể. Mỗi lần đi tiểu, nước tiểu của em đậm màu, có thể do cơ thể em bị thiếu nước, hoặc do phẩm màu nhân tạo có trong thực phẩm.

Chuột rút là tình trạng co chặt cơ liên tục, ngoài ý muốn, xảy ra khi vận động quá sức, có khi đang ngủ chỉ cần duỗi chân, vươn vai cũng bị chuột rút, thường gặp ở phía sau của bắp chân, hiện tượng này xảy ra khi đang ngủ hay khi mới thức giấc. Khi bị chuột rút cảm giác rất đau và không thấy khả năng cử động cơ đó trong vài giây hoặc vài phút. Chuột rút gây khó chịu, mất ngủ, nhưng lại không nguy hiểm. Hiện tượng chuột rút thường không thấy lí do rõ ràng. Tuy nhiên, lí do phổ biến có thể gặp là:

Tình trạng thiếu nước và chất khoáng như: canxi, magiê, natri và kali. Điều này có thể xảy ra: sau khi tập thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, uống thuốc lợi tiểu, đang có thai… Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân Sự căng cơ quá mức Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết

Khi bị chuột rút em có thể làm giảm triệu chứng đau bằng cách:

Mát xa phần cơ bị chuột rút. Cần mát xa phần bắp chân từ dưới lên trên giúp máu lưu thông Kéo giãn phần cơ bị đau để chống lại sự co cơ do bị chuột rút gây nên Chườm nóng hoặc chườm lạnh bắp thịt bị đau, lắc và xoa bóp bắp thịt chỗ bị chuột rút, rồi sau đó nâng cao chân lên

Em có thể phòng ngừa chuột rút bằng những cách đơn giản như:

Thực hiện chế độ ăn cân bằng, đủ chất, đặc biệt là ăn nhiều hoa quả và rau xanh để cơ thể không bị thiếu kali, magiê hay canxi Uống nhiều nước (tối thiểu 2 lít nước/ngày) Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, trà, cà phê Tập thể dục nhẹ nhàng: đi bộ, đạp xe Nếu em hay bị chuột rút, khi đi ngủ nên đặt 1 chiếc gối nhỏ dưới bắp chân và bàn chân. Tư thế ngủ này giúp tăng cường lưu thông mạch máu về đêm, do đó hạn chế bị chuột rút.

Em bị ngứa nên khi gãi có thể nhiễm vi khuẩn (thường là tụ cầu). Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua vết xước nhỏ, các nang lông gây nên nhọt. Tuy nhiên, cũng có thể do: Bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch suy giảm, thiếu dinh dưỡng, vệ sinh kém, tiếp xúc với các hóa chất mạnh gây kích ứng da cũng là những lí do gây ra nhọt.

Các triệu chứng như em mô tả, chưa thể khẳng định em bị tiểu đường, để chắc chắn em nên đi khám Nội khoa, ngoài các triệu chứng lâm sàng, còn có các xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị cụ thể.

Chúc em sức khỏe!

Chỉ số PSA 5 – 6 và đi tiểu đêm nhiều, đau mỏi người có phải là biểu hiện của ung thư tiền liệt tuyến không?


Câu hỏi bởi: duong.kd

Chào bác sĩ!

Bố của tôi năm nay 60 tuổi bị bệnh đi tiểu nhiều, và cơ thể luôn mỏi mệt và bị sốt một thời gian. Cách đây 2 tháng bố tôi có đi khám và xét nghiệm máu, phát hiện ra có khối u tuyến tiền liệt và chỉ số PSA là 6. Bác sĩ có gợi ý kiểm tra bằng sinh thiết để chuẩn đoán chính xác hơn và chữa trị bằng xạ trị. Tuy nhiên, do những rủi ro của các phương pháp trên là lớn nên bố tôi quyết định theo dõi một thời gian. Trong thời gian vừa qua, ông thường xuyên tập thể dục, kết hợp chế độ ăn đặc biệt, dùng thuốc đông y. Sau hơn 2 tháng kiểm tra thấy khối u có kích thước nhỏ đi, cắt sốt, PSA giảm từ 6 xuống 5. Tôi băn khoăn, xin hỏi bác sĩ:

1. Liệu việc PSA giảm có phải là tín hiệu bệnh giảm hay không?

2. Chỉ số PSA 5 – 6 và đi tiểu đêm nhiều, đau mỏi người có phải là biểu hiện của ung thư tiền liệt tuyến không?

3. Nếu với các biểu hiện trên, bác sĩ có thể cho lời khuyên bố tôi nên chữa trị thế nào? Xạ trị thì có khả năng khỏi cao không và có thể chữa bằng Đông y không?

Chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt dựa trên:

– Các dấu hiệu cơ năng của người bệnh:

Tần xuất đi tiểu thay đổi.

Dòng nước tiểu yếu.

Rỉ nước tiểu sau khi đã tiểu tiện.

– Dấu hiệu thực thể: Khi thăm khám trực tràng bằng tay, thầy thuốc có thể sờ thấy u tuyến tiền liệt qua lòng trực tràng.

– Các xét nghiệm cận lâm sàng.

+ Siêu âm thấy khối u ngay dưới cổ bàng quang, đây là phương pháp tương đối đơn giản và có thể đo được thể tích, sự xâm lấn của khối u giúp cho việc lựa chọn phương pháp chữa trị.

+ Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu ung thư tuyến tiền liệt (PSA). Đây là loại kháng nguyên đặc hiệu cho ung thư tuyến tiền liệt, ngoài việc giúp cho chẩn đoán xác định, định lượng PSA còn cho phép theo dõi, đánh giá trong và sau chữa trị. Nồng độ PSA toàn phần trong máu người khỏe mạnh rất thấp, chỉ khoảng < 4 ng/mL. Tuy nhiên, ở những người khỏe mạnh bình thường, do kích thước tuyến tiền liệt tăng theo tuổi nên khi tuổi tăng, mức độ PSA được tuyến tiền liệt bài tiết vào máu cũng tăng theo tuổi:

Từ 40 – 49 tuổi: PSA ≤ 2,5 ng/mL.

Từ 50 – 59 tuổi: PSA ≤ 3,5 ng/mL.

Từ 60 – 69 tuổi: PSA ≤ 4,5 ng/mL.

Từ 70 – 79 tuổi: PSA ≤ 6,5 ng/mL.

Nồng độ PSA toàn phần trong máu càng tăng, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt càng cao, phụ thuộc vào độ tuổi. Giá trị giới hạn (cut – off) cho chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt của PSA toàn phần huyết tương là ≥ 4 ng/mL. Người ta thấy có sự liên quan giữa mức độ PSA toàn phần và tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt

Mức độ PSA toàn phần (ng/mL) – Tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt (%)

0 – 2,4 Hiếm gặp

2,5 – 4,0 12 – 23

4,1 – 10,0 25

> 10,0 > 5



– Về tốc độ tăng PSA toàn phần (PSA velocity) trong máu: ở người bị ung thư tuyến tiền liệt nồng độ PSA toàn phần có tốc độ tăng nhanh hơn ở người bình thường. Người có tốc độ tăng PSA toàn phần > 0,75 ng/mL/năm có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng, người có tốc độ tăng PSA < 0,75 ng/mL/năm có thể có bệnh tuyến tiền liệt lành tính.

– Để đánh giá nguy cơ tử vong của những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thể khu trú, xét nghiệm PSA được đánh giá cùng với tiêu chuẩn phân loại giai đoạn Gleason và phân loại theo lâm sàng:

Nguy cơ thấp: PSA < 10 ng/mL, số điểm Gleason ≤ 6 và giai đoạn lâm sàng ≤ T2a Nguy cơ trung bình: PSA= 10-20 ng/mL, số điểm Gleason = 7 và giai đoạn lâm sàng ≤ T2b/c

Nguy cơ cao: PSA >20 ng/mL, số điểm Gleason ≥ 8 và giai đoạn lâm sàng ≥ T3

Với các nội dung tham khảo trên thì tình huống của bố bạn bị ung thư tuyến tiền liệt chữa trị bằng thuốc đông y sau hơn 1 tháng kiểm tra thấy khối u có kích thước nhỏ đi, cắt sốt, PSA giảm từ 6 xuống 5. Những tín hiệu trên cho thấy là bệnh giảm. Chỉ số PSA 5 – 6 như bạn nói không rõ đơn vị nên có thể hiểu đây là số điểm Gleason được áp dụng để phân loại giai đoạn bệnh hay nồng độ PSA. Với PSA là 6 ng/ml thì với độ tuổi 60 như bố bạn là tăng. Tuy nhiên vì nồng độ PSA toàn phần trong máu có thể tăng trong các tình huống khác như trong các bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính, viêm tuyến tiền liệt, kích thích tuyến tiền liệt hoặc sau phóng tinh.

Vì vậy, để chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh tuyến tiền liệt khác, bạn cần làm thêm xét nghiệm định lượng thêm PSA tự do và xác định tỷ số fPSA/ tPSA. Do đó PSA 5 – 6 và đi tiểu đêm nhiều, đau mỏi người chưa chắc đã phải là ung thư tiền liệt tuyến. Bạn cần cho bố đi khám tại các trung tâm chẩn đoán và sàng lọc ung thư để có chẩn đoán chính xác. Việc chữa trị bằng xạ trị thì có khả năng khỏi cao không thì còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm thì có thể khỏi hoàn toàn. Bệnh có thể chữa bằng đông y không thì tôi không dám nói vì cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định được cả. Tuy nhiên bệnh của bố bạn cũng chưa chắc đã phải là ung thư vì bố bạn chưa làm đủ xét nghiệm và chưa làm sinh thiết. Nên việc bố bạn dùng thuốc đông y mà các biểu hiện giảm có thể chỉ là viêm hay phì đại tuyến tiền liệt chứ chưa chắc đã phải là ung thư.

Chúc bạn và bố mạnh khỏe!

Đang bị suy thận mãn giai đoạn 3, tự nhiên không đi tiểu đêm nữa có phải bệnh nặng hơn không?


Câu hỏi bởi: Đang nguyễn

Thưa bác sĩ!

Em đang bị suy thận mãn tính giai đoạn 3. Trước giờ em đi tiểu 1 đêm 2 lần. Nhưng tự nhiên mấy ngày gần đây em không đi tiểu đêm nữa. Em sợ có phải bệnh nặng hơn không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào em!

Bệnh suy thận mãn tính tiến triển qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Giảm khả năng dự trữ của thận. Không có các biểu hiện và các xét nghiệm chức năng thận còn bình thường

– Giai đoạn 2: Suy thận bắt đầu có các biểu hiện: tiểu đêm,tiểu nhiều và thiếu máu nhẹ, giảm khả năng cô đặc nước tiểu.

– Giai đoạn 3: Suy thận trở nên rõ rệt, bệnh nhân bị thiếu máu khá nặng, tiểu ít đi, vẫn còn tiểu về đêm, Ca++ giảm, Phosphat tăng, toan chuyển hoá.

– Giai đoạn 4: Suy thận giai đoạn cuối với đầy đủ các triệu chứng về lâm sàng của suy thận về tiêu hoá, tim mạch, thần kinh, da và máu. Lượng nước tiểu giảm, thậm chí vô niệu.

Như vậy, mấy ngày gần đây em không đi tiểu đêm nữa có thể là triệu chứng bệnh tiến triển nặng hơn, có thể đã sang giai đoạn 4. Em nên đi kiểm tra lại sớm.

Chúc em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl