Giải đáp thắc mắc về bệnh mất ngủ của người già


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Tổng hợp những thắc mắc thường gặp về chứng mất ngủ ở người cao tuổi, và giải đáp của bác sĩ về chữa mất ngủ an toàn và hiệu quả nhất cho người già.

Thường xuyên mất ngủ đau đầu ở người cao tuổi chữa như thế nào?


Câu hỏi bởi: maianhtuan1

Thưa bác sĩ.

Mẹ của tôi năm nay 65 tuổi, hay bị mất ngủ và đau đầu. Chữa khỏi căn bệnh này như thế nào ạ? Khám bệnh này ở bệnh viện nào để đảm bảo chấm dứt căn bệnh này ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bệnh đau đầu nói chung chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như: tình trạng căng thẳng, sinh hoạt hàng ngày, chế độ ăn uống hay thời tiết. Đối với người già, lí do gây bệnh lại càng phức tạp hơn do áp lực từ tuổi tác.

Nhiều lí do gây bệnh đau đầu ở người già rất đặc trưng như: tác dụng phụ của các loại thuốc cao tuổi, các di chứng hậu tai biến hoặc do các rối loạn tuần hoàn não. Mẹ của bạn vừa bị đau đầu vừa mất ngủ có thể là do rối loạn tuần hoàn não. Bệnh này còn có thể gây ra các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng tạm thời. Bạn nên đưa mẹ bạn đi khám ở các bệnh viện. Đây không phải là bệnh phức tạp nên có thể khám ở bất cứ bệnh viện nào từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, bệnh đòi hỏi sự kiên trì trong chữa trị. Mặt khác, với những người cao tuổi như mẹ bạn, việc sử dụng thuốc không được coi là cách chữa bệnh đau đầu mất ngủ tốt nhất, mà kèm theo đó cần nhiều biện pháp hỗ trợ chữa trị khác. Mẹ bạn cần thực hiện những điều sau:

1. Tập luyện thể dục điều độ: Tập luyện thể dục, thể thao điều độ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh giúp mẹ bạn phòng tránh được nhưng cơn đau đầu xảy ra. Bài tập thể dục phù hợp với mẹ bạn thường là các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi dạo bộ… giúp thư giãn gân cốt cũng như tinh thần thoải mái.

2. Chú ý chế độ ăn uống điều độ

– Không nên ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ hay chiên rán… bởi trong dầu mỡ hoặc đồ chiên rán có chứa nhiều Cholesteron sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng máu nhiễm mỡ hoặc lượng đường trong máu tăng cao, huyết áp tăng vọt…

– Hạn chế các loại chất kích thích như: nước chè xanh, cafe… do chất kích thích gây ức chế thần kinh, lí do nhân dẫn đến chứng mất ngủ hoặc đau đầu mất ngủ.

– Nên dùng các loại thuốc bổ thần kinh hoặc các bài thuốc đông y giúp tăng tuần hoàn máu não.

Lưu ý: Uống thuốc bổ tuy là điều quan trọng trong cách chữa bệnh đau đầu ở người già, nhưng tuyệt đối không được sử dụng tùy tiện, mẹ bạn cần tham khảo giải đáp từ bác sĩ để nắm rõ hơn về thuốc trước khi sử dụng.

3. Tạo không gian yên tĩnh khi ngủ: Không gian yên tĩnh khi ngủ là một trong những điều rất cơ bản nhưng đôi khi không được chú ý. Thực tế, việc duy trì một thời gian ngủ cố định kèm theo đó là phòng ngủ yên tĩnh, thoáng mát cũng giúp cải thiện rất nhiều giấc ngủ ở người cao tuổi.

Chúc bạn và bác mạnh khỏe!

Chữa bệnh mất ngủ như thế nào?


Câu hỏi bởi: hongphucmytan

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 61 tuổi, là nam giới. Tôi nằm ngủ không ngủ được nhưng dậy lại buồn ngủ. Tôi không nghiện cà phê, chè, rượu. Người trong gia đình tôi không như tôi. Tôi cũng chưa dùng thuốc gì. Tôi bị thế này đã hơn 3 năm. Tôi phải khắc phục tình trạng này như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Để xử lý tình trạng mất ngủ, bạn có thể tham khảo các cách như sau:

Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ như đi ngủ và thức dậy vào một khoảng thời gian cố định kể cả vào cuối tuần. Nếu không thể ngủ, hãy ra khỏi giường sau 15 phút và làm điều gì đó thư giãn như đọc sách. Tránh cố gắng để ngủ vì như vậy sẽ khiến bạn càng tỉnh táo và khó vào giấc ngủ hơn. Bạn có thể đọc sách báo hay xem truyền hình cho đến khi cơn buồn ngủ tới, sau đó vào giường ngủ.

Tìm cách để thư giãn: Tắm nước ấm trước khi đi ngủ hoặc đọc sách, nghe nhạc, các bài tập thở, yoga hoặc cầu nguyện. Tạo không gian phòng ngủ thoải mái, thuận lợi cho giấc ngủ. Đóng cửa phòng ngủ hoặc bật nhạc không lời để giúp át đi những tiếng ồn khác. Phòng ngủ nên tối, để nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ môi trường và không nên có máy tính hoặc tivi.

Tập thể dục và hoạt động: Nên vận động ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày trước khi ngủ 5- 6 giờ.

Mặc dù bạn không nghiện nhưng không uống cà phê, rượu và thuốc lá.

Tránh ăn bữa tối quá no và uống nhiều nước khi đi ngủ. Bạn nên có một bữa ăn nhẹ gồm những thực phẩm có lợi cho giấc ngủ là tốt nhất, uống ít nước hơn trước khi đi ngủ để sẽ không phải đi vệ sinh thường xuyên ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Chúc bạn vui vẻ.

Bị mất ngủ liên tục điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Mẹ con hiện 63 tuổi. Hay bị mất ngủ liên tục, có một thời gian ngủ chỉ được 2 tiếng rồi thức tới sáng, có thời gian thì lại không ngủ được tới sáng. Người nôn nao, nằm không yên, hồi hộp lo lắng. Kèm theo đó là cứ ợ hơi liên tục. Mẹ con bị mất ngủ cả tháng rồi. Mong bác sĩ giải đáp bệnh và cách chữa trị.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có nhiều lí do gây mất ngủ:

Mất ngủ tạm thời hoặc ngắn hạn: Từ vài ngày đến vài tuần, thường do những yếu tố ảnh hưởng tức thì như: mất việc, mất người thân…

Mất ngủ kéo dài: Hơn 1 tháng, thường kèm với các bệnh lý về thể chất hay tâm thần… với những lí do thường gặp như nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, phòng ngủ không thoáng khí, thay đổi môi trường sống; rối loạn về tâm – thần kinh như stress kéo dài, tức giận hay lo buồn, quá lo lắng về chứng mất ngủ, ngủ quá nhiều vào ban ngày và các bệnh lý khác.

Chế độ sinh hoạt giúp dễ ngủ:

Lập thời gian biểu: Đi ngủ đúng giờ vào mỗi đêm và thức dậy đúng giờ mỗi sáng. Không nên ngủ muộn vào ngày cuối tuần vì sẽ phá hỏng chu kỳ ngủ mà cơ thể đã quen. Không ngủ quá nhiều ban ngày hay quá 7-8 giờ/ngày.

Thư giãn trước khi ngủ: Tắm nước ấm, đọc sách báo, xem tivi (thể loại giải trí nhẹ nhàng), nghe nhạc hay tập thể dục nhẹ nhàng (15-30 phút buổi chiều). Ngoài ra có thể tập yoga hay tập thiền để giúp cân bằng lại tinh thần. Giữ nhiệt độ phòng ngủ thích hợp sẽ giúp dễ ngủ và không thức giấc giữa đêm.

Chế độ ăn uống khi bị mất ngủ:

Hạn chế tối đa những thực phẩm có chất cafe, nicotine vào buổi tối. Dùng quá nhiều cafe sẽ bị mất ngủ, tuy nhiên liều lượng tùy thuộc vào thể chất, thói quen của mỗi người. Người hút thuốc lá thường chỉ ngủ chập chờn và sẽ bị thức giấc vì một tiếng động nhỏ, đôi khi không thể ngủ lại được.

Hạn chế uống rượu: Uống một ly rượu Cocktail trước khi đi ngủ là một trong những phương pháp cổ điển giúp dễ ngủ. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi uống vừa phải, vì nếu say xỉn sẽ làm hôn mê bất tỉnh, giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.

Ăn trước khi ngủ: Một bữa ăn thịnh soạn trước khi đi ngủ có thể làm đầy bụng, khó tiêu, gây khó chịu khi nằm và dẫn đến khó ngủ. Tuy nhiên, nếu ăn ít quá sẽ bị thức giấc ban đêm vì đói bụng (hạ đường huyết). Vì vậy bữa chiều cần ăn đủ no (trước lúc đi ngủ 2-3 giờ và tránh những món ăn khó tiêu).

Thay đổi chế độ ăn: Nhiều nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm có thể giúp dễ ngủ vì có nhiều chất Tryptophan như thịt gà tây, sữa, bơ, phô mai, một số loại đậu, ngũ cốc (đây có thể là lí do vì sao ăn chay lại dễ bị buồn ngủ).

Thuốc bổ sung các vitamin và chất khoáng: Thuốc bổ sung các vitamin nhóm B và C có thể giúp giảm stress và lo lắng. Một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh có chế độ ăn ít chất đồng (<1mg/ngày) thì thường bị khó ngủ và ít sảng khoái vào buổi sáng. Ngoài ra, những phụ nữ chỉ dùng 5-6 mg sắt mỗi ngày sẽ dễ bị thức giấc vào ban đêm và ngủ kém hơn những người dùng đủ 10-15 mg. Tuy nhiên khi cả nồng độ sắt và đồng trong máu đều thấp thì sẽ làm bệnh nhân ngủ nhiều hơn và điều này không phải là tốt. Thực phẩm có nhiều đồng là tôm hùm, hàu, các loại hạt, hột, nấm và đậu phơi khô.

Dùng nhiều thuốc có nhôm gây khó ngủ: Nghiên cứu cho thấy những người dùng trên 1000 mg nhôm/ngày thì sẽ bị ngủ kém. Con người hấp thu nhôm từ không khí, nước và cũng như từ các dụng cụ nhà bếp (xoong, chảo, muỗng, nhôm…), nhưng với liều này thường không gây vấn đề gì. Nhưng nếu uống thuốc kháng acid (đau dạ dày) mỗi ngày, nhất là thuốc dạng dịch lỏng, thì cần lưu ý mỗi muỗng cà phê thuốc có chứa đến 200-250 mg nhôm. Nếu bị thức giấc giữa đêm khi dùng những thuốc này thì nên ngưng thuốc trong vài tuần để xem giấc ngủ có được cải thiện hay không.

Tham vấn bác sĩ: Cần chữa trị những bệnh lý Nội khoa khác gây khó chịu về thể chất và ngăn cản giấc ngủ. Nếu bị mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng mà không rõ lí do thì cần phải đi khám bác sĩ Tâm -Thần kinh, không nên tự ý hay lạm dụng thuốc ngủ.

Trường hợp của mẹ bạn có thể có bệnh lý kèm theo như bệnh dạ dày (dấu hiệu ợ hơi), hoặc bệnh nội tiết, tim mạch (hồi hộp lo lắng…vì vậy bạn nên đưa mẹ đi khám sớm để uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Bị đau dây thần kinh, đau người và mất ngủ


Câu hỏi bởi: 963300223

Thưa bác sĩ.

Mẹ chồng tôi năm nay 60 tuổi, bị bệnh đau dây thần kinh, đau người từ nhiều năm nay, đã đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Mẹ chồng tôi thường xuyên bị mất ngủ hoặc một đêm ngủ được rất ít, tình trạng đó kéo dài khoảng một tuần thì bà bắt đầu có hiện tượng đau người. Các cơ từ cổ đến vai của bà bị co cứng dẫn đến đau mỏi, các đầu ngón chân và tay của bà bị tê bì nhức mỏi không thể chịu được. Hiện tại bà đang chữa chị bằng cách châm cứu bấm huyệt thời gian đã được mười ngày nhưng không có tiến chiển gì. Tôi xin các bác sĩ cho tôi một lời khuyên làm sao để có thể điều trị được bệnh của mẹ tôi, cho bà đỡ đau đớn và mệt mỏi?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn.

Tuổi 60 trở lên là lứa tuổi phát sinh nhiều bệnh do sự lão hoá và khả năng chống đỡ với bệnh tật đã giảm. Ở nữ giới với tuổi trên 60 thì các bệnh phổ biến hay gặp là các bệnh về cơ, xương, khớp. Với các biểu hiện mà bạn kể thì mẹ chồng bạn có các biểu hiện đó là kém ngủ, đau các cơ từ cổ đến vai bị co cứng, dẫn đến đau mỏi, tê bì các đầu ngón tay, chân. Như tôi đã nói ở lứa tuổi trên 60 thì các bệnh về xương, cơ, khớp là thường xuyên mắc phải trong đó có bệnh thoái hoá đốt sống cổ. Thoái hoá đốt sống cổ gây nên tình trạng đau các cơ và có thể co cứng các cơ ở vùng cổ và vai gáy. Thoái hoá đốt sống cổ gây lên hội chứng đốt sống cổ và hội chứng rễ thần kinh cổ:

Hội chứng đốt sống cổ gồm các biểu hiện sau:

Thường xảy ra do vận động cổ trong quá trình làm việc, sau khi tắm nước lạnh, thời tiết thay đổi

Đau mỏi cổ, đau mỏi đốt sống cổ và co cứng cơ quanh cổ, cảm giác cứng gáy, đau ê ẩm vùng cổ khi ngủ dậy.

Có điểm đau ở đốt sống cổ, phải nghiêng đầu về bên đau.

Hạn chế vận động ở đốt sống cổ.

Trên phim chụp thấy mất đường cong sinh lý của đốt sống cổ, gai xương, giảm chiều cao thân đốt sống.

Hội chứng rễ thần kinh cổ bao gồm các biểu hiện:

Rối loạn cảm giác.

Đau vùng gáy lan xuống bả vai, cánh tay, cẳng tay, ngón tay.

Đau sâu trong xương, nhức nhối khó chịu, đau tăng khi đi, đứng.

Cảm giác tê bì, kiến bò, rối loạn vận động…

Trên đây là 2 hội chứng chủ yếu của thoái hoá đốt sống cổ mà ở những người cao tuổi hay gặp. Các biểu hiện của mẹ chồng bạn tôi nghĩ nhiều là do thoái hoá đốt sống cổ và thoái hoá đốt sống thắt lưng gây nên. Theo tôi bạn nên đưa mẹ chồng bạn đến khám tại khoa Thần kinh và nhớ xin chụp phim đốt sống cổ và cột sống thắt lưng để tìm nguyên nhân của bệnh, qua đó các bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán và có hướng chữa trị hiệu quả nhất cho mẹ chồng bạn. Nếu bị thoái hoá đốt sống cổ thì phải chữa trị bằng thuốc tây y và vật lý trị liệu còn châm cứu không có hiệu quả.

Chúc mẹ chồng bạn sớm lành bệnh!

Tiểu máu, đau lưng, mất ngủ do đi tán sỏi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Cẩm Linh

Chào bác sĩ.

Mẹ cháu năm nay 62 tuổi, đi tán sỏi niệu quản lần đầu tiên, về nhà bị biểu hiện tiểu máu, đau lưng, đặc biệt là mẹ cháu bị mất ngủ nghiêm trọng, như vậy là sao bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp chữa trị sỏi ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, nhưng bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng do nhiều lí do khác nhau (do máy tán sỏi, kỹ thuật tán sỏi và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ thực hiện kỹ thuật này). Các tai biến, biến chứng thường gặp là đau sau tán sỏi. Thường bệnh nhân bị đau tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi và đau tạng (gan, thận, tụy, lách) do căng bao thận và tổ chức quanh thận. Bệnh nhân cũng có thể bị đốm xuất huyết hay vết bầm da tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi.

Ngoài ra, tiểu máu (nhiều hoặc ít), tổn thương đụng giập thận sau tán sỏi cũng là biến chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân được tán sỏi. Bệnh nhân còn có thể bị một số tai biến, biến chứng ít gặp hơn như máu tụ dưới bao thận; chuỗi sỏi vụn bị kẹt ở niệu quản do sỏi vỡ vụn thoát xuống niệu quản nhiều và nhanh; nhiễm trùng niệu diễn tiến do bệnh nhân đã bị nhiễm trùng niệu mà không được chữa trị tích cực trước tán sỏi hoặc do vi khuẩn được phóng thích vào nước tiểu khi sỏi vỡ vụn…

Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể gặp các tai biến, biến chứng hiếm gặp hơn như vỡ thận, vỡ gan, vỡ lách; ho ra máu, tràn máu màng phổi; viêm tụy gây tăng Amylase trong máu và nước tiểu; viêm gan gây tăng SGOT, SGPT trong máu; xuất huyết ruột non, đau do co thắt ruột.

Như vậy, theo mô tả của bạn thì mẹ bạn đang có những biến chứng thường gặp sau tán sỏi, có thể hoàn toàn được giải quyết bằng chữa trị nội khoa. Bạn nên đưa mẹ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Thận-tiết niệu để kiểm tra, làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng sau tán sỏi để có hướng chữa trị cụ thể. Vấn đề thứ 2 của mẹ bạn là mất ngủ nghiêm trọng. Đây không phải là biến chứng sau tán sỏi, rất có thể là do mẹ bạn quá lo lắng về bệnh tật gây căng thẳng thần kinh dẫn đến mất ngủ, hoặc cũng có thể do lí do thực thể nào khác. Vì tình trạng mất ngủ này đã rất nghiêm trọng gây tác động nhiều đến sức khỏe, bạn nên đưa mẹ đến gặp một bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để có những giải đáp và chữa trị cụ thể.

Chúc bạn và gia đình sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl