Thắc mắc của người trẻ tuối về hiện tượng chảy máu mũi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hiện tượng chảy máu mũi có thể gặp phải ở tất cả mọi lứa tuổi. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này ở người trẻ tuổi.

Cách ngăn chảy máu mũi


Câu hỏi bởi: kiss my heart

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 19 tuổi, là nam, hiện đang đi học. Cháu muốn hỏi bác sĩ làm sao để ngăn chảy máu mũi lại thật nhanh ạ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam, có thể do các lí do bệnh lý tại mũi hoặc do bệnh lý toàn thân gây ra. Các lí do bao gồm:

– Chấn thương do ngoáy mũi hoặc do va đập trực tiếp vào mũi (bị đánh, tai nạn, ngã…).

– Viêm đường hô hấp trên (cúm, viêm xoang, hít hơi độc…).

– Không khí quá khô (độ ẩm thấp).

– Lệch vách ngăn mũi, polyp, khối u (u xơ vòm, ung thư vòm mũi họng), phình mạch.

– Dị vật: Thường chảy máu mũi một bên, cần xem xét có dị vật ở đường thở không.

– Cao huyết áp hoặc rối loạn quá trình đông máu.

– Một số tình huống chảy máu mũi không rõ lí do, máu chảy và tự cầm.

Nếu đột ngột bị chảy máu mũi, việc cháu cần làm là:

– Ngồi thẳng lưng, dùng ngón tay ấn chặt vào bên cánh mũi có ra máu trong 10 phút và hơi cúi đầu về phía trước, không ngửa đầu ra phía sau vì có thể làm máu chảy xuống họng và nuốt vào.

– Chống khuỷu tay lên mặt bàn hoặc tay vịn ghế để thoải mái hơn.

– Có thể lấy một cục nước đá đặt vào gốc mũi để máu ngừng chảy.

– Nếu cho rằng không khí hanh khô là lí do gây chảy máu mũi thì nên dùng các thiết bị làm tăng độ ẩm trong phòng.

– Nếu có sẵn bông gạc cầm máu vô trùng thì ấn chúng vào nơi chảy máu.

– Nếu đã làm các động tác trên mà máu vẫn chảy, thì phải nhờ người đưa đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Nếu cháu thường xuyên bị chảy máu cam, hoặc máu chảy kéo dài trên 20 phút thì hãy đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để bác sĩ tìm lí do và chữa trị triệt để cho cháu. Ngoài ra, cháu có thể ngăn ngừa chảy máu mũi tái phát bằng cách:

– Giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, dùng nước muối sinh lý để rửa sạch mũi.

– Tránh thay đổi môi trường sống đột ngột từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nóng.

– Duy trì độ ẩm trong phòng.

– Có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.

– Không hút thuốc lá.

Chúc cháu sức khỏe, thân mến!

Chảy máu mũi, máu trào ra từ họng đông cục


Câu hỏi bởi: kim

Chào bác sĩ!

Người thân của em năm nay 24 tuổi, là nữ giới. 3 ngày gần đây cứ đến khoảng 3h sáng là cô ấy bị chảy máu mũi trái, và bị trào máu từ họng ra rất nhiều (máu trong họng có hiện tượng đông cục). Gia đình đã đưa đi bệnh viện nội soi và chụp X-Quang thì có kết quả là mọi thứ đều ổn. Xin hỏi bác sĩ đó là biểu hiện của bệnh gì và lí do gây ra bệnh đó ạ.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam. Riêng về câu hỏi của bạn cung cấp rất ít thông tin cho bác sĩ nên chỉ có thể trả lời chung chung như sau đây mà thôi. Để giúp được nhiều hơn cho người thân, bạn có thể cung cấp tiếp các thông tin sau: từ bé đến giờ có mắc bệnh gì không? Có đang dùng thuốc gì không? Mũi người thân bạn ngoài chảy máu cam có bị nghẹt, chảy mũi, hắt xì không? Cháu chảy máu cam lúc ngủ hay đi ngoài nắng rồi về chảy máu mũi?

Có khi nào trong đêm ngủ chảy máu mũi sáng ra thấy máu bầm ở mũi không? Trong gia đình có ai mắc bệnh dễ chảy máu khó cầm không? Mỗi lần chảy chỉ vài giọt rồi thôi hay chảy kéo dài? Chảy máu mũi như người thân bạn có nhiều lí do: viêm mũi viêm xoang mãn tính, polyp mũi, loét niêm mạc vách ngăn mũi, u hốc mũi, tăng huyết áp gây vỡ mạch máu mũi,…

Cũng có lí do gây chảy máu mũi rất đơn giản là do có thói quen ngoáy mũi. Cần bỏ thói quen xấu này (không được ngoáy mũi) và cắt ngắn móng tay thường xuyên. Vì khi móng dài, sắc, ngoáy vào mũi sẽ gây tổn thương mạch máu mũi dẫn đến chảy máu mũi. Còn lí do ít gặp hơn là do mạch máu mũi kém bền. Mối khi bị stress, lo lắng, mất ngủ, thức khuya,…sẽ gây ra chảy máu mũi. Cần giảm lo âu, giảm stress mới giảm chảy máu.

Người thân bạn nên đến khám bác sĩ Tai Mũi Họng, nội soi mũi xoang, đo huyết áp nhằm tìm ra lí do chảy máu mũi. Bên cạnh đó, cũng nên đi xét nghiệm kiểm tra chức năng đông cầm máu ở Viện Huyết học truyền máu trung ương Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc khoa Huyết học các bệnh viện để loại trừ các lí do chảy máu do rối loạn về huyết học gây ra. Khi bị chảy máu mũi thì làm gì?

Lời khuyên tốt nhất là lúc chảy máu mũi là nên tìm bóng mát ngồi tựa lưng nghỉ ngơi, cúi mặt (không phải ngửa cổ), há miệng thở, lấy ngón tay trỏ đặt vuông góc cùng bên cánh mũi chảy máu ép vào vách ngăn mũi bịt kín nơi chảy máu. Giữ như vậy 10 phút. Nếu được thì đắp thêm khăn ướt lên mũi để máu nhanh cầm.

Chúc người thân bạn nhanh khỏi chảy máu mũi.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Chảy máu mũi một bên có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Xuân

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 20 tuổi, là nữ giới, thời gian này vì thời tiết nắng nóng nên cháu thường xuyên uống nước đá, tắm nước lạnh nhiều. Mấy hôm nay cháu lại sốt và ho cứ cách một đến hai hôm cháu lại bị chảy máu mũi mà chỉ chảy ở bên phải. Xin hỏi bác sĩ là cháu bị bệnh gì ạ? Cháu rất lo lắng, xin bác sĩ hãy giải đáp giúp cháu.

Cháu xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều lí do thường gây chảy máu mũi:

Các lí do tại chỗ:

Viêm nhiễm ở mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…

Cấu trúc bất thường của mũi: lệch vẹo vách ngăn…

Khối u vùng mũi xoang, sàn sọ

Các lí do toàn thân:

Cúm, sốt xuất huyết, sốt tinh hồng nhiệt…

Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

Bệnh về máu: máu khó đông, giảm tiểu cầu…

Ngoài ra còn có một số lí do khác gây chảy máu mũi, chỉ với biểu hiện này tôi không thể chẩn đoán lí do chính xác cho bạn. Trước tiên bạn nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để loại trừ các bệnh lý thường gặp.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Nhức đầu, chóng mặt và kèm theo chảy máu mũi


Câu hỏi bởi: hoang thien

Chào bác sĩ.

Con năm nay 20 tuổi, thường xuyên nhức đầu chóng mặt kèm theo chảy máu mũi. Mong bác sĩ nói cho con biết con bị bệnh gì?

Con xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu thường xuyên chóng mặt nhức đầu và chảy máu mũi, các biểu hiện của cháu có thể gặp trong những tình huống sau:

Viêm mũi, viêm xoang mãn tính: Gây nên biểu hiện ngạt mũi, nhức đầu có thể có chảy máu mũi do xung huyết niêm mạc mũi.

Huyết áp thấp: chỉ gây nên chóng mặt, nhức đầu không gây chảy máu mũi nếu đồng thời có nhiễm khuẩn ở vùng mũi, xoang.

Cao huyết áp: Cháu cần đo huyết áp để kiểm tra, huyết áp cao có thể dẫn tới chóng mặt, nhức đầu và chảy máu niêm mạc mũi. Tuy nhiên nếu có cao huyết áp thì cần khám để tìm lí do cao huyết áp.

Bệnh lý thiếu máu có kèm theo giảm tiểu cầu. Thiếu máu thường gây nên biểu hiện chóng mặt, nhức đầu nhất là khi thay đổi tư thế (đang nằm ngồi dậy, đang ngồi đứng lên,…). Một số bệnh lý của dòng bạch cầu gây ức chế tủy xương khiến cho dòng hồng cầu và tiểu cầu không phát triển được gây nên biểu hiện thiếu máu và xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Các lí do khác: giảm sức bền thành mạch gây chảy máu mũi phối hợp với các bệnh lý có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt. Qua biểu hiện mô tả của cháu khó có thể xác định được lí do chính xác.

Do đó cháu cần khám bác sĩ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán lí do, từ đó có hướng chữa trị phù hợp.

Chúc cháu sức khỏe!

Chảy máu mũi, nghẹt và đau bên cánh mũi


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Em năm nay 22 tuổi, là nữ. Em hay đau đầu lúc làm việc mệt hay thức dậy quá sớm. Lúc đó em cảm thấy trong họng em máu, em hít nhẹ khí từ mũi xuống họng thì phun ra có máu, nhưng nếu tiếp tục làm như vậy thì máu càng ra. Nhiều lúc em bị đau một bên cánh mũi và nghẹt bên cánh mũi đó. Bác sĩ có thể nói cho em biết em đang bi bệnh gì không ạ?

Chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn.

Theo như bạn mô tả, bạn cảm thấy trong họng có máu, hít nhẹ khí từ mũi xuống họng thì phun ra có máu, rất có thể đây là máu ở mũi. Do mũi và họng thông với nhau nên khi bạn hít vào máu có thể chảy xuống họng gây cảm giác có máu ở họng. Với tình trạng chảy máu mũi, hay bị đau một bên cánh mũi và nghẹt bên cánh mũi đó có thể bạn đang bị bệnh viêm mũi xoang. Khi mũi xoang bị viêm, niêm mạc bị viêm chảy mủ, phù nề, xung huyết nên có bít tắc đường thở gây nghẹt mũi và niêm mạc dễ bị tổn thương gây chảy máu.

Bạn nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ thăm khám, kiểm tra trực tiếp, có thể phải làm thêm một số xét nghiệm cần thiết để tìm lí do và có hướng chữa trị hiệu quả.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl