Thắc mắc cần biết về chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -
Ra mồ hôi trộm là như thế nào? Phải làm gì để đối phó với nó? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc ấy giúp bạn.

Cách chữa ra mồ hôi trộm cho trẻ nhỏ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bé nhà cháu được gần 6 tháng tuổi. Bé bị ra mồ hôi trộm nhiều, nhất là khi ngủ, bé thường bị ra nhiều mồ hôi ở đầu, trán, đằng sau gáy. Bác sĩ cho cháu hỏi cách chữa bệnh ra nhiều mồ hôi trộm như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn.

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên tiến trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra mạnh, sinh nhiều năng lượng nên cơ thể cần giải nhiệt nhiều, ra mồ hôi nhiều. Mặt khác, do sự phát triển của hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh, trong đó có thần kinh điều tiết mồ hôi nên bé có thể bị ra mồ hôi nhiều hơn mức cần thiết, ví dụ lúc bé bú, vận động… Đổ mồ hôi sinh lý sẽ giảm dần theo thời gian khi bé lớn lên và hệ thần kinh phát triển hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, khi trẻ ở trạng thái hoàn toàn không vận động, đặc biệt là ban đêm, mà ra nhiều mồ hôi thì còn được gọi là mồ hôi trộm. Những vị trí có nhiều tuyến mồ hôi dưới da như lưng, trán, nách, háng, bàn tay, bàn chân thường có nhiều mồ hôi, với thành phần bao gồm hơn 90% là nước, còn lại một ít muối và các chất cặn bã. Trước tiên, bạn nên kiểm tra lại phòng ngủ của trẻ có bị bí hơi, nóng bức không, hoặc do bạn sợ con bị lạnh ban đêm nên quấn chăn cho trẻ kỹ quá hay không… Khi đó ra mồ hôi trộm không phải là một chứng bệnh, mà chỉ cần cải thiện môi trường nơi trẻ ngủ sao cho thoáng mát là ổn.

Ngoài lý do hệ thần kinh của trẻ đang phát triển chưa ổn định, khiến trẻ có thể ra nhiều mồ hôi, bạn cần lưu ý rằng ra mồ hôi trộm thường hay gặp ở những trẻ bị thiếu vitamin D trong giai đoạn sớm. Lúc này ra mồ hôi trộm hiếm khi là biểu hiện đơn độc, mà thường đi kèm các dấu hiệu khác gợi ý như trẻ thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình do tình trạng thần kinh bị kích thích, đồng thời trẻ hay ra mồ hôi ở trán, gáy ngay cả khi trời lạnh, đặc biệt khi ra nhiều mồ hôi trộm, ngứa ngày nên trẻ hay cọ đầu vùng gáy vào gồi tạo nên rụng tóc vùng gáy (hói gáy).

Trẻ dưới một tuổi thường hay thiếu vitamin D, do đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất, trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, những trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, bị còi xương… đặc biệt dễ bị thiếu vitamin D. Để xử lý tình trạng thiếu vitamin D, bạn cần bổ sung bằng cách cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng trước 10 giờ, thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 – 30 phút. Càng nhiều vùng da của trẻ được tiếp xúc với ánh nắng càng tốt, nhưng chú ý không để mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời chiếu vào.

Bên cạnh đó, bạn cần tiếp tục theo dõi tình trạng ra mồ hôi trộm của trẻ, nếu trẻ vẫn bị ra mồ hôi trộm nhiều thì bạn nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa Nhi để có hướng xử trí kịp thời. Con bạn đã được 6 tháng tuổi, tuổi bắt đầu cho bé ăn dặm. Bạn cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể trẻ phát triển. Bên cạnh đó, khi ra mồ hôi nhiều, cơ thể trẻ sẽ mất đi một lượng nước và muối khiến trẻ mệt, có thể dẫn đến chán ăn, quấy khóc. Bạn cần cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

Chúc bé mau khỏe!

Trẻ ra mồ hôi trộm, tóc gáy thưa có phải còi xương?


Câu hỏi bởi: cốc xanh

Thưa bác sĩ!

Con trai em được 10 tháng tuổi. Hiện cháu chưa mọc răng nhưng cháu đang tập đứng. Ban đêm khi ngủ cháu cũng ra mồ hôi trộm, tóc sau gáy cũng hơi thưa. Bác sĩ cho em hỏi như vậy con em có phải còi xương không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Các biểu hiện mà bé nhà bạn đang gặp phải là triệu chứng của tình trạng còi xương do thiếu canxi. Điều trị bằng cách cho bé uống bổ sung thêm canxi và vitamin D3. Ngoài ra, bạn cần cho bé tắm nắng vào buổi sáng để giúp cho cơ thể tăng cường tổng hợp vitamin D3 giúp cho cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Bạn nên đưa bé đi khám Nhi khoa để bác sĩ khám và kê đơn chữa trị cho bé.

Chúc bạn khỏe!

Trẻ quấy khóc về đêm có phải bị thiếu canxi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con em được gần 6 tháng nhưng khi ngủ, bé hay giật mình quấy khóc về đêm. Một đêm thức dậy 5, 6 lần. Vậy bác sĩ cho em hỏi có phải con em bị thiếu canxi không ạ? Và cách xử lý thế nào?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em!

Em không cho biết, khi sinh cân nặng của con là bao nhiêu, hiện nay cân nặng của con là bao nhiêu kilogam, con có bú sữa mẹ hay không…? Hiện tại, con có biểu hiện giật mình khi ngủ và quấy khóc về đêm (thức dậy nhiều lần trong đêm). Đây là một trong những biểu hiện của bệnh còi xương (bệnh thiếu vitamin D).

Nguyên nhân và đặc điểm bệnh còi xương:

Do thiếu ánh sáng mặt trời: trẻ sống trong những căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, trẻ mặc quá nhiều quần áo về mùa đông…

Do chế độ ăn uống: trẻ ăn chế độ sữa bò, bột mà không bú sữa mẹ thì dễ bị còi xương vì thức ăn có rất ít vitamin D và tỉ lệ canxi, photpho cũng không thích hợp. Các trẻ này thường có nhu cầu vitamin D cao hơn trẻ bú sữa mẹ, chúng dễ bị ỉa chảy nên kém hấp thụ vitamin D.

Bệnh còi xương thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi do hệ xương phát triển mạnh; ở trẻ đẻ non, đẻ thiếu cân do dự trữ vitamin thấp, do hệ thống men tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin D có hoạt tính yếu; ở trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp đặc biệt bệnh ỉa chảy cấp.

Còi xương là một bệnh toàn thân: bệnh thiếu vitamin D tác động không những đến hệ xương mà còn tác động đến hệ cơ, thần kinh, máu…

Biểu hiện biểu hiện:

Biểu hiện thần kinh: thường xuất hiện sớm và ở các thể cấp tính như trẻ quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình. Rối loạn thần kinh thực vật: vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ (ra mồ hôi trộm). Trẻ có thể rụng tóc (hình vành khăn). Nếu vạch nhẹ trên da thường có vết đỏ rộng.

Biểu hiện ở xương: xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp lâu liền; có các bướu trán, đỉnh làm đầu to; chậm mọc răng; lồng ngực có chuỗi hạt sườn, nhô ra như ngực gà; đầu xương tay chân bè ra tạo nên dấu hiệu vòng cổ tay, cổ chân; các xương bị cong… đây thường là triệu chứng ở giai đoạn muộn.

Biểu hiện ở cơ và dây chằng: cơ nhẽo, bụng to bè, dây chằng lỏng lẻo.

Biểu hiện toàn thân: trẻ chậm biết lẫy, ngồi, bò, chậm biết đi. Đối với trẻ bị còi xương nặng có dấu hiệu thiếu máu.

Các xét nghiệm: biến đổi sinh hóa máu, nước tiểu và X-Quang. Bệnh còi xương có thể tiến triển cấp tính hoặc bán cấp. Thời kỳ đầu triệu chứng qua biểu hiện thần kinh, tăng photphataza kiềm trong máu nhưng dấu hiệu về xương chưa rõ trên lâm sàng cũng như X-quang. Ở giai đoạn toàn phát thì có đầy đủ các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng đã kể ở trên.

Phòng bệnh và chữa trị:

Trong thời gian cho con bú, mẹ cần tắm nắng và có thời gian hoạt động ngoài trời, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Vào giai đoạn cuối của thai kỳ nên ăn thức ăn có nhiều vitamin D hoặc uống thêm dầu cá. Điều trị bệnh còi xương chủ yếu là cho trẻ tắm nắng và uống vitamin D chứ không phải uống các chế phẩm canxi hoặc ăn thêm xương. Vitamin D thường dùng là vitamin D2, D3 với liều lượng 2.000-4.000 đơn vị/ngày trong 3-6 tuần.

Trường hợp bệnh cấp tính nhất là khi kèm theo một bệnh nhiễm khuẩn cấp như viêm phổi, ỉa chảy có thể cho 10.000 đơn vị/ngày trong 10 ngày.

Ngoài lí do do còi xương, biểu hiện khóc và giật mình của con em có thể do các lí do khác như: nơi ngủ của trẻ bị lạnh quá hoặc nóng quá và vệ sinh không được sạch sẽ; trẻ bị dị ứng (nổi mẩn đỏ trên da gây ngứa ngáy làm trẻ khó chịu); trẻ bị đói, đầy bụng trướng hơi hoặc tè ướt tã…

Sau khi loại trừ các lí do khách quan đã nêu trên mà trẻ vẫn khóc và giật mình, em nên cho trẻ đi khám chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán, giải đáp chữa trị chính xác và hiệu quả.

Chúc con nhà em khỏe và ngoan!

Cách điều trị ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ như thế nào?


Câu hỏi bởi: Bạch Mai

Chào bác sĩ.

Con trai 3 tuổi bị ra nhiều mồ hôi, kể cả khi ngồi yên. Nên điều trị thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Tôi xin cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn Mai.

Theo bác sĩ thì tác hại do chứng mồ hôi trộm gây ra thì không mấy ai được biết. Khi bé bị ra mồ hôi nhiều, cơ thể sẽ mất đi một lượng lớn nước và muối. Nhất là khi ngủ, thân nhiệt bé đang thấp, mồ hôi đổ ra càng làm thân nhiệt giảm mạnh, lỗ chân lông mở rộng là những nguyên nhân làm cho cơ thể bé dễ bị ngấm lạnh, phổ biến thường thấy là các chứng bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, bé thường hay bị cảm, ho, sổ mũi… Nguyên nhân chứng mồ hôi trộm có thể là do cha mẹ đắp quá nhiều chăn cho bé, phòng ngủ ngột ngạt. Nhưng nhiều bà mẹ khi đã cởi bớt quần áo, ngồi quạt cho con rồi mà mồ hôi của bé vẫn đầm đìa. Y học hiện đại giải thích bé bị mồ hôi trộm do mồ hôi được điều hoà theo cơ chế thần kinh, mà hệ thần kinh của bé chưa ổn định, đang trong giai đoạn phát triển.

Theo y học cổ truyền, một cơ thể khỏe mạnh cần có sự cân bằng âm dương. Trẻ con thường bị thiếu hụt phần âm, do đó sẽ bị nóng bên trong cơ thể, biểu hiện ra bên ngoài là đổ mồ hôi trộm. Xuất phát từ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, y học cổ truyền đã nghiên cứu ra bài thuốc Lục vị. Nam Dược Lục Vị Ẩm vị thơm ngọt nên các bé rất thích uống, là kết hợp của 6 vị thuốc trong bài Lục vị có tính mát nhưng không gây đi ngoài, rất hữu ích cho điều trị mồ hôi trộm ở trẻ em. Ngoài ra, Nam Dược Lục Vị Ẩm còn trị các chứng biếng ăn, đái dầm, người nóng, viêm nhiễm đường hô hấp, suy dinh dưỡng ở trẻ.

Chúc bé nhà bạn luôn mạnh khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl