Thắc mắc liên quan đến các vấn đề về dây chằng ở tuổi vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bất kỳ ai cũng có thể gặp những vấn đề liên quan đến dây chằng của hệ cơ xương khớp. Và đối tượng vị thành niên cũng không phải là ngoại lệ.

Đứt dây chằng và rách sụn chêm


Câu hỏi bởi: Nguyễn Phi Linh

Chào bác sĩ ,

Con năm nay 17 tuổi . Hai năm trước con bị té và bong gân mà con cũng không để ý . Trong hai năm con thường xuyên té nhiều lần . Tháng 9 năm 2015 con có đi khám . Bác sĩ kết luận con bị rách dây chằng chéo trước gối T. Bác sĩ bảo hè sẽ phẫu thuật . Tháng 5 con đi chụp MRI, kết quả là rách bán phần dây chằng chéo trước , rách sụn chêm độ 2-3 . Sau đó con có đi khám lại ở bv Chợ rẫy , bác sĩ bảo con hoãn mổ . Nhưng con thực sự thấy gối T con rất yếu lỏng lẻo dễ té không tham gia các hoạt động vui chơi với mấy bạn được . Xin bác sĩ cho con ý kiến.

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn,

Với tổn thương của bạn cùng sự tư vấn của các BS bạn còn chần chừ gì nữa mà không phẫu thuật đi. Sau phẫu thuật mình sẽ thấy giá mà đi mổ sớm hơn . Sau mổ bạn sẽ thấy mình hoàn toàn khác hẳn với lúc này . Các hoạt động của bạn sẽ có sự thay đổi rõ rệt . Bạn còn chần chừ gì nữa hãy dũng cảm lên.

Chúc bạn thành công

Chấn thương dây chằng chéo trước


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tên Hiền năm nay 19 tuổi. Con bị đứt môt phần dây chằng chéo trước và tràn dịch khớp gối trái. Khi đi nhiều lại đau và gập gối lại phát ra tiếng crắc crắc, còn bị teo cơ. Lúc trước chữa trị bác sĩ bảo không cần phẫu thuật, nên tập vật lí trị liệu rất hay. Như vậy có làm sao không ạ.

Con xin cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bị chấn thương dây chằng chéo trước, có thể không cần phẫu thuật. Bạn cần tập luyện theo đúng hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu, nhưng bạn cần theo dõi tiến triển của bệnh nếu có dấu hiệu lỏng khớp dần thì phải phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, nếu không phẫu thuật thì hiện tượng lỏng ngày càng nặng và dẫn đến tổn thương bộ phận khác của khớp. Phẫu thuật này hiện nay có thể mổ nội soi và được chuyển giao thực hiện tốt ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Biểu hiện của lỏng khớp gối là:

Có cảm giác chân yếu khi đi lại Khó khăn khi phải đứng trụ bằng chân bị lỏng gối Lực đá bị suy giảm rõ rệt, nhất là với các vận động viên bóng đá, sút không còn mạnh như xưa, đường banh đi không còn chính xác, bị chệch hướng Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân nên dễ vấp ngã Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng dễ có cảm giác trẹo gối, mất cảm giác bám đường, giảm khả năng giữ vững chân để tránh ngã khi vấp phải những vật cản nhỏ trên đường như viên đá, hố nhỏ… Vì thế người bị lỏng gối dễ bị ngã trẹo gối khi đi nhanh Cảm giác bất thường khi lên xuống dốc hay cầu thang. Sự nhanh nhẹn bình thường không còn, thay vào đó là việc khó điều khiển chân mình như ý muốn. Sau chấn thương một thời gian, người bệnh phát hiện đùi bị teo cơ. Dấu hiệu này thường gặp ở những người ít hoạt động thể lực như phái nữ, nhân viên văn phòng, học sinh…

Chúc bạn mạnh khỏe!

Chân đau như lúc bị đứt dây chằng, chưa mổ, và thấy khớp sụn hơi lỏng, có phải bị đứt dây chằng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi là nữ giới. Cách đây 2 năm cháu bị té xe và bị đứt dây chằng chéo trước ở chân trái, cháu đã phẫu thuật và hoạt động bình thường. Nhưng hôm qua cháu đi đá bóng và không may bị té, cháu thấy chân đau giống như lúc bị đứt dây chằng mà chưa mổ, và thấy khớp sụn hơi lỏng. Liệu có phải cháu bị đứt dây chằng lại không ạ? Xin bác sĩ hãy cho cháu biết.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Triệu chứng lâm sàng của bệnh:

– Sưng và đau vùng gối: Bệnh nhân có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương. Sau đó gối sưng đau và hạn chế vận động. Dù bệnh nhân có chữa trị hay không thì tình trạng sưng đau dần cũng tự hết.

– Lỏng gối.

Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại

.Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.

Khi chạy nhanh có cảm giác khó điều khiển chân, dễ vấp ngã.

Khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

– Teo cơ. Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng này càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều.

– Các nghiệm pháp giúp chẩn đoán. Các nghiệm pháp được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện giúp chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước như: dấu hiệu Ngăn kéo trước, dấu hiệu Lachman, dấu hiệu Pivot shift đều dương tính.

– Chẩn đoán hình ảnh

Chụp Xquang thông thường để đánh giá tình trạng xương, chỗ bám của dây chằng chéo trước. Có thể chụp MRI với dụng cụ hổ trợ sẽ đánh giá mức độ di lệch của khớp gối.

Chụp MRI (cộng hưởng từ): ngoài giúp chẩn đoán có tổn thương dây chằng chéo trước, phim MRI còn cho biết các tổn thương khác kèm theo như sụn chêm, sụn khớp và các dây chằng khác. Vì vậy em nên đến phòng khám ngoại chấn thương để khám sớm nhé.

Chúc em mạnh khỏe!

Đau vùng đầu gối khi tập thể thao có phải bị dãn dây chằng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi. Có tập thể dục thể thao, học võ thuật được 2 tháng nay. Trong các bài khởi động, cháu có ép dãn cơ và đầu gối. 3 tuần trở lại đây cháu thấy đau vùng đầu gối trái khi đi lại và lên cầu thang hoặc vác đồ vật nặng. Cháu có đi chụp X-Quang đầu gối và không có gì bất thường. Cháu nghi ngờ rằng mình bị dãn dây chằng đầu gối nhưng chưa kiểm chứng được. Sờ vào đầu gối đau. Bác sĩ khám bảo không cần dùng thuốc chỉ cần nghỉ ngơi và giảm độ tập luyện và kê cho cháu 1 lọ xoa bóp Saman. Cháu vẫn đang hoang mang và chưa rõ lắm về đứt dây chằng và dãn dây chằng. Mong được bác sĩ giải đáp!

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trước hết, tôi sẽ mô tả sơ qua cấu trúc khớp gối để bạn tham khảo. Khớp gối do 3 xương tạo thành, đó là xương đùi, xương chày và xương bánh chè, ngoài ra còn hệ thống sụn có tác dụng bọc đỡ và giảm xóc khi vận động và giữ cho khớp gối được vững vàng. Hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau có vai trò giữ cho khớp gối vững chắc. Nhờ đó, chúng ta có thể thực hiện được các động tác vận động nhanh, mạnh và dứt khoát.

Khi bạn vận động mạnh, khớp gối dễ bị chấn thương với các tổn thương như giãn hoặc đứt dây chằng, rạn rách sụn chêm khớp gối. Khi bị đứt hoặc giãn dây chằng bạn sẽ thấy rất đau. Sau một thời gian hết đau thì cảm giác khớp gối lỏng lẻo. Sụn chêm chính là phần bọc ngoài cùng của xương chày và ổ khớp gối. Bình thường, mặt sụn chêm nhẵn, có dịch trơn làm giảm ma sát nên xương chày xoay trơn tru trong ổ khớp. Khi bị rách hoặc rạn, bề mặt sụn không còn trơn mà có rãnh vỡ, nên khi di chuyển không trơn tru nữa mà còn ma sát mạnh gây đau. Để chẩn đoán các tổn thương khớp gối, ngoài việc khám khớp gối, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán chắc chắn, đồng thời cho phép đánh giá chung các thương tổn dây chằng và sụn chêm.

Trong tình huống giãn dây chằng nhẹ, tổn thương có thể tự hồi phục sau hai tháng, tuy nhiên nguy cơ tái phát khá cao. Thông thường, nếu có hiện tượng giãn dây chằng, bác sĩ có thể bất động khớp gối bằng nẹp kết hợp với chữa trị thuốc. Giãn dây chằng nếu không khắc phục cẩn thận và người bệnh vẫn tiếp tục vận động mạnh, có thể dẫn đến đứt dây chằng, buộc phải phẫu thuật. Khi bị chấn thương dây chằng hay còn gọi là bong gân, bạn không nên dùng các loại dầu nóng, cao Salonpas, Deep heat… xoa bóp vì sẽ làm khớp sưng nhiều hơn và đau tăng. Thay vào đó, hãy chườm đá lạnh ngay khi bị chấn thương. Hiện tại nếu bạn đã nghỉ ngơi, tránh lao động nặng và các động tác mạnh, đột ngột, nhưng khớp gối vẫn tiếp tục đau, lỏng khớp… thì bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để khám và có hướng xử trí thích hợp.

Chúc bạn mau khỏi!

Bị giãn dây chằng đầu gối có phát triển chiều cao được nữa không?


Câu hỏi bởi: Son Son

Thưa bác sĩ.

Cháu 15 tuổi, bị giãn dây chằng, cháu đã bó bột. Hiện cháu đã rất lùn. Bị như này liệu có phát triển chiều cao được nữa không ạ? Cháu bị giãn dây chằng đầu gối.

Cảm ơn bác sĩ.

Cháu Son Son mến.

Giãn dây chằng khớp gối thường do chấn thương do tai nạn xe cộ, chơi thể thao như đá banh, tenis, bóng rỗ, trượt patin… Nếu giãn dây chằng nhẹ thì sẽ tự hồi phục sau 2 tháng, nhưng nguy cơ tái lại rất cao nếu không có tập luyện phục hồi đúng cách. Tuy nhiên, ở tuổi của cháu các tổn thương sẽ mau phục hồi hơn người lớn tuổi. Cháu cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Chấn thương – Chỉnh hình và cố luyện tập phục hồi chức năng sớm.

Tuổi của cháu là tuổi dậy thì đang phát triển chiều cao nhiều. Cháu không lo việc giãn dây chằng ảnh hưởng phát triển chiều cao đâu nhé. Chiều cao phát triển là do sụn ở đầu xương hóa cốt làm xương dài ra.

Cháu cần chú ý chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ các nhóm thực phẩm: chất đạm, chất bột, chất béo và rau quả. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng có liên quan đến tăng trưởng chiều cao là: vitamin A, vitamin D3, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt. Trong đó, vitamin D3 có vai trò rất quan trọng trong chuyển hoá canxi và phốt pho, khoáng chất giúp phát triển xương. Do đó, cần tăng cường thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng…uống sữa, ăn các loại rau xanh trái cây.

Chúc cháu mau trở lại sinh hoạt bình thường và có chiều cao tốt!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl