Cảnh giác với chứng đau bụng khi mang thai


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ có nhiều biến đổi chính vì vậy việc quan tâm sát sao tới sức khỏe của mẹ bầu là điều vô cùng quan trọng. Khi có những dấu hiệu bất thường về chứng đau ở bụng, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý.

Mang thai bị đau bụng dưới có phải biểu hiện sảy thai không?


Câu hỏi bởi: V.T.S

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 22 tuổi, là nữ giới. Cháu mang thai được 6 tuần rồi, tại sao ngày nào cháu cũng bị đau bụng dưới một lát rồi lại khỏi ạ? Bác sĩ có thể cho cháu biết như thế có phải là biểu hiện sảy thai không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Theo như biểu hiện của cháu, có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới trong thai kỳ – có thể là những cơn đau bụng bình thường như đau do căng cơ, dây chằng, tử cung đè ép, kích thích lên các tạng xung quanh hay do dịch vị tăng tiết, cảm giác đầy hơi cũng làm người có thai khó chịu vùng bụng… Tuy nhiên, trong một số tình huống những cơn đau bụng dưới lại rất nguy hiểm, có thể là dấu hiệu của sảy thai. Theo tôi, cháu nên đến chuyên khoa Sản để khám thai. Cháu hãy nói rõ với bác sĩ tất cả những triệu chứng đau bụng dưới đang xảy ra với cháu. Bác sĩ sẽ khám, kết luận và tư vấn về tình trạng đau của cháu.

Chúc sức mạnh khỏe!

Mang thai gần 1 tháng nhưng thường xuyên bị đau bụng phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu mang bầu gần 1 tháng rồi mà thường xuyên bị đau bụng. Chồng cháu lại đòi quan hệ nhưng cháu lại sợ không may xảy ra chuyện gì nên không đồng ý. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu!

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Về mặt lý thuyết, trong suốt thời kỳ mang thai, nếu thai kỳ bình thường và ổn định thì việc quan hệ tình dục (với một số hạn chế và thận trọng) là an toàn và không tác động tới em bé. Vì khi đó, thai nhi nằm trong tử cung, được bảo vệ tương đối an toàn nhờ nước ối, màng ối và nút nhầy cổ tử cung; dương vật của người chồng cũng sẽ không chạm được đến thai khi “quan hệ”. Khi có cực khoái, tử cung co bóp mạnh hơn và thai cử động nhiều hơn nhưng cũng không không đủ gây chuyển dạ con.

Tuy nhiên, nên hạn chế và đặc biệt kiêng cữ ở 12 tuần đầu của thai nhi. Khi đó, thai nhi đang trong quá trình làm tổ và bám vào thành tử cung, vì những co thắt mạnh đều có khả năng gây chảy máu tử cung, có thể dẫn đến động thai và sảy thai. Sau 12 tuần, có thể quan hệ, nhưng cũng nên hạn chế và nhẹ nhàng. Đặc biệt thận trọng ở những thai phụ có tiền sử sảy thai, đẻ non ở các lần có thai trước. Thai phụ mắc bệnh tăng huyết áp, mang thai đôi, nhau thai bám thấp, có vấn đề bất thường ở cổ tử cung… nên tránh sinh hoạt tình dục, nếu muốn quan hệ vợ chồng, cần có sự giải đáp của bác sĩ.

Trường hợp cháu có bầu gần một tháng mà thường xuyên bị đau bụng, tốt nhất là cháu nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Sản để được theo dõi và chữa trị kịp thời. Không nên vì chiều chồng mà chấp nhận “quan hệ”, sẽ gây lo lắng, bất an, thậm chí là những nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Hãy giải thích để chồng hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn đó với mình.

Chúc cháu luôn khỏe mạnh!

Mang thai tháng thứ 9, bị đau bụng có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi đang mang bầu tháng thứ 9 nhưng dạo gần đây tôi thường xuyên thấy đau bụng, khó chịu. Liệu có tác động gì đến thai nhi không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Trong quá trình mang thai, có hai giai đoạn cần lưu ý hơn đó là giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Giai đoạn 3 tháng cuối có thể xuất hiện tình trạng bệnh lý của mẹ, bệnh lý của thai nhi, bệnh lý của phần phụ (bánh rau, nước ối, buồng ối,…) và có thể dẫn tới nhiễm độc thai nghén, đẻ non, thai lưu,…

Trường hợp của bạn, đang mang thai tháng thứ 9, thường xuyên thấy đau bụng, khó chịu. Trước hết cần lưu ý xem nếu chỉ đau bụng nhẹ, khó chịu ít và không có triệu chứng gì khác thì nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, tránh lo nghĩ căng thẳng, ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng…. khi đó những triệu chứng này có thể giảm và hết. Tuy nhiên, tình huống bụng tiếp tục đau, khó chịu tăng, hoặc có kèm theo phù, mệt mỏi nhiều, ăn uống kém,… thì bạn cần phải đến cơ sở y tế khám kịp thời vì có thể nguy cơ tới sức khoẻ của mẹ và thai nhi.

Chúc sức khoẻ của bạn sớm ổn định!

Bị đau bụng quanh vùng rốn khi mang thai có phải bị đau dạ dày không? Cách chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi:

Xin chào bác sĩ!

Em năm nay 27 tuổi và đang có bầu bé thứ 2 (được 17 tuần 3 ngày). Lần đầu có bầu em hầu như không nghén gì nhiều chỉ sợ mùi hóa chất, mỹ phẩm. Lần thứ 2 này em cũng có những biểu hiện tương tự nhưng nghén nhiều hơn. Trước khi có bầu lần 2 em không bị đau dạ dày chỉ đôi khi đau bụng do ăn thức ăn lạ hoăc không hợp. Từ khi có bầu bé thứ 2 (bắt đầu từ tuần thứ 8 trở đi) em bị đau bụng liên tục cứ tuần hoặc hơn tuần em lại bị đau. Mỗi lần đau em rất sợ, đau đến tái người không ăn uống được gì cả ngày hôm sau luôn. Em đau quanh vùng rốn lên trên không đau bụng dưới. Vì đang có bầu nên em không dám uống thuôc Tây tự do. Em uống mật ong nghệ đen thì có được không ạ? Em đau nhiều như thế thì có tác động gì đến thai nhi không? Mỗi lần đau em có thể dùng thuốc gì hay em có thể chữa trị bằng thuốc gì để khỏi dứt điểm được không? Em sinh bé đầu là đẻ mổ mà theo em được biết đau dạ dày thì không dùng được thuốc giảm đau có đúng không? Em không ăn được cay và chua thế nên rất ít khi em ăn đồ cay nóng hoặc chua. Lần có bầu này em bị đau nhiều nên đi siêu âm nhiều thì có tác động gì đến thai nhi không ạ? (Cứ khoảng 3 tuần hoặc hơn 3 tuần em có đi 1 lần)

Em xin cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng đau vùng quanh rốn lên trên của bạn có thể là do sự thay đổi trong cơ thể. Lúc này tử cung lớn lên gây chèn lấn vào dạ dày làm thức ăn chậm tiêu hóa, đọng lại, tổn thương niêm mạc bao tử. Khi thai nhi to lên, bà bầu hay bị cảm giác khó chịu khi ăn. Đồng thời cảm giác đau tức liên tục trong dạ dày sẽ khiến người phụ nữ rất khó chịu, stress, kén ăn… nếu như kéo dài tình trạng này sẽ khiến thân thể bị suy nhược.

Về việc uống mật ong nghệ đen, bạn cần biết theo Đông y nghệ đen được xếp vào nhóm thuốc phá huyết có tác dụng hoạt huyết mạnh, người ta cũng dùng để chữa viêm dạ dày, rối loạn kinh nguyệt,… Tuy nhiên, bạn đang mang thai thì không nên uống loại nghệ này. Để xử lý tình trạng đau này bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày có thể 7-8 bữa tránh ăn 3 bữa lớn một ngày làm cho thức ăn bị đưa vào quá nhiều một lúc làm dạ dày phải hoạt động nhiều. Mặt khác, cần lưu ý tránh vận động mạnh sau khi ăn, khi ăn xong không nên nằm ngay. Ngoài ra trong tình huống của bạn, ăn uống đúng giờ cũng là điều rất quan trọng. Nếu để bụng quá đói, axit trong dạ dày tăng lên cũng dẫn đến những cơn đau nghiêm trọng hơn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau bụng nhưng không ra huyết khi đang mang thai có phải bị nhiệt thai?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu đang mang thai gần 8 tháng nhưng hay bị đau bụng, cháu không ra huyết. Cháu hay đau bụng về đêm và đau âm ỉ cả ngày, mọi người bảo cháu bị nhiệt thai. Cho cháu hỏi nhiệt thai thì dấu hiệu như thế nào ạ? Và làm thế nào để hết nhiệt thai ạ?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Nhiệt thai theo như bạn hỏi chỉ là từ dân gian địa phương thôi, không có trong chuyên ngành y học đâu. Nếu bạn đau bụng như vậy bạn cần đi khám để tìm hiểu lí do đau bụng do tiêu hóa hay do lí do Sản khoa. Cần xác định lí do thì mới có thể chẩn đoán và có hướng chữa trị phù hợp được. Bạn hãy đi khám ngay nhé, khám chuyên khoa Nội và khám thai.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl