Giải đáp thắc mắc về bệnh động kinh của trẻ vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Tỷ lệ mắc bệnh động kinh ở trẻ vị thành niên tuy không cao nhưng cũng rất nguy hiểm đối với bản thân họ và gia đình. Để hiểu rõ hơn về bệnh ở lứa tuổi này, tổng hợp các câu hỏi dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc của bạn.

Bệnh động kinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ con cháu năm nay 11 tuổi, cháu bị bệnh động kinh từ năm 4 tuổi mà không rõ nguyên nhân. cháu đã điều trị và dùng rất nhiều loại thuốc, khi thay đổi thuốc cháu chỉ dùng đc 1 thời gian là lại bị lại. gđ cháu có cho đi chụp chiếu thì phát hiện cháu bị giảm chuyển hoá vùng trán cà thái dương phải. cho cháu hỏi liệu bệnh con nhà cháu có khả năng chữa đc không ạ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Liên


Chào bạn,
Cháu bị bệnh động kinh, đã thay đổi nhiều loại thuốc, chụp PET có vùng giảm chuyển hóa khu trú, như vậy con bạn có thể là đối tượng được làm các thăm khám để định khu vùng sinh động kinh, và có thể can thiệp mổ. Bạn cần quay video cơn động kinh (từ lúc bình thường đến lúc bắt đầu cơn, và cơn toàn thể).
Bạn có thể đến bệnh viện Việt Đức khám BS Liên, chiều thứ 3 hàng tuần tại phòng khám chuyên khoa thần kinh để được tư vấn cụ thể
Chúc bạn sức khỏe!

Điều trị bệnh động kinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

con tôi năm nay 16 tuổi phát hiện cháu bị động kinh 6 năm về đây và đã thăm khám ở TP HCM nhưng uống thuốc không thấy thuyên giảm và cháu cứ đến kì lại lên cơn co giật.

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo


Chào bạn!
Bệnh động kinh là một bệnh lý về thần kinh não bộ với nhiều thể bệnh khác nhau cùng những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và phức tạp. Có nhiều nguyên nhân gây ra động kinh nhưng có thể xếp vào hai nhóm chính là: Động kinh vô căn (nguyên phát) và động kinh triệu chứng (thứ phát)
* Động kinh vô căn (nguyên phát)
Động kinh vô căn thường khởi phát đột ngột và không có nguyên nhân rõ ràng về sự tổn thương của não bộ trước đó, chiếm 55% tới 75% trong tổng số trường hợp mắc bệnh động kinh.Người bị động kinh vô căn thường có ngưỡng co giật thấp, bệnh có thể khởi phát sau khi bị kích hoạt bởi những cơn sốt cao co giật kéo dài, cùng những tác động từ môi trường sống hoặc sang chấn về tâm lý. Việc điều trị cần thời gian dài, thông thường mục tiêu sẽ hướng đến việc làm giảm tần suất và mức độ các cơn co giật, một số trường hợp có thể khỏi nếu tuân thủ đúng theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.
* Động kinh triệu chứng (thứ phát)
Động kinh triệu chứng là loại động kinh có nguyên nhân bắt nguồn từ những tổn thương thực thể ở não, nói cách khác nó là hệ quả của những bệnh lý gây tổn thương não, bao gồm:chấn thương sọ não, đột quỵ não, u não, viêm màng não, viêm não, bất thường về cấu trúc não.Đối với động kinh triệu chứng thì quan trọng là điều trị nguyên nhân của nó, kết hợp việc sử dụng các thuốc kháng động kinh để làm giảm các cơn co giật và bệnh động kinh tự sẽ khỏi sau một thời gian nhất định
Trường hợp con bạn đang ở độ tuối dậy thì, giai đoạn này có nhiều biến đổi về thể chất cũng như tâm sinh lý. Bạn cho biết: cháu cứ đến kì (chu kỳ kinh nguyệt ) lại lên cơn co giật. Vấn đề này có thể liều thuốc cũ không còn phù hợp với cháu nữa hoặc liên quan đến yếu tố nội tiết.
Nghiên cứu khoa học cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa nội tiết tố và các cơn co giật do động kinh ở một số phụ nữ. Với họ, thay đổi sinh lý của nồng độ hormone trong cuộc đời cũng ảnh hưởng tới tần suất và mức độ cơn động kinh gặp phải. Vì thế, bệnh động kinh có thể trở nên trầm trọng hơn khi hormone của người phụ nữ thay đổi, như khi bước vào độ tuổi dậy thì, trong thời kỳ kinh nguyệt. Hormone không phải là tác nhân trực tiếp gây nên những cơn co giật, nhưng hormone có thể là một trong những yếu tố làm cho cơn co giật của bệnh nhân động kinh gia tăng
Nếu người bệnh nghi ngờ bị động kinh liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, nên ghi chép lại chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm cả các ghi chú về các yếu tố kèm theo ảnh hưởng tới cơn động kinh như quên uống thuốc, mất ngủ, stress hay bị bệnh…
Bằng cách chia sẻ những thông tin đó với bác sĩ đang điều trị cho con bạn, bác sỹ sẽ điều chỉnh liều thuốc hoặc thay thuốc khác phù hợp hơn và người bệnh có thể kiểm soát cơn động kinh hiệu quả cao.
Chúc sức khỏe gia đình
.

Bệnh động kinh khi trưởng thành có tự hết không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em của cháu 13 tuổi. Khi đi điện não đồ, bác sĩ chẩn đoán bị “động kinh cơn lớn”, chụp CT não thì não thấy bình thường, nay đã uống thuốc gần 6 tháng rồi, vẫn uống đều như chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng vẫn lên cơn co giật đều như trước, cứ 2-3 tháng lại lên cơn 1 lần. Cháu nghe nói là bệnh động kinh khi trưởng thành là tự hết không biết có thật không vậy ạ? Cháu rất lo, không biết làm thế nào để chữa được hết bệnh cho em của cháu, mong bác sĩ hãy chỉ cho cháu, có loại thuốc nào trị được bệnh cho em cháu không và nếu có thì có thể mua ở đâu?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Động kinh là một căn bệnh thường gặp trong nhóm các bệnh thần kinh. Đặc biệt, tới 60% số bệnh nhân của căn bệnh này là trẻ em.

Bệnh động kinh do nhiều lí do gây ra, như do khi sinh ra bị ngạt, do chấn thương sản khoa; bị bệnh sau nhiều lần sốt cao, co giật, sau viêm màng não mủ, sau chảy máu nội sọ, chấn thương sọ não… Động kinh cũng có thể là di chứng của bệnh não bẩm sinh, có tính chất di truyền (khoảng 2-5%), nhưng tới một nửa các tình huống bị bệnh không tìm thấy lí do.

Động kinh nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. Tất nhiên không phải có thể chữa khỏi được tất cả các tình huống động kinh nhưng có thể khẳng định: Nếu tuân theo đúng phác đồ chữa trị, mọi bệnh nhân đều có thể giảm được cơn co giật. Điều trị bệnh động kinh cũng cần phải kiên trì. Sau khi chữa trị hết cơn co giật, bệnh nhân phải tiếp tục chữa trị ngoại trú, dùng thuốc trong 2-3 năm có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng 2-3% bệnh nhân bị bệnh động kinh sau một thời gian khỏi bệnh bị lên cơn co giật lại.

Trong tình huống này, cũng không nên lo lắng vì khả năng khỏi bệnh trở lại của người bệnh cũng nhanh chóng hơn. Điều quan trọng nhất đối với người bị bệnh động kinh là tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, người thân, sự thông cảm của bạn bè và những người xung quanh… để không cảm thấy mặc cảm, thấy mình khác biệt với mọi người. Bệnh động kinh có thể chữa khỏi hoàn toàn, nghĩa là sau một thời gian dài điều trị, bệnh thuyên giảm dần và hoàn toàn các cơn mà không cần uống thuốc nữa. Điều chủ yếu và quan trọng là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần hết sức kiên nhẫn. Trong việc điều trị bệnh động kinh, sự hợp tác giữa gia đình và thầy thuốc là vô cùng cần thiết.

Chúc gia đình cháu khỏe mạnh!

Bệnh động kinh có tái phát trở lại không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu là nam, 18 tuổi. Năm khoảng 8 tuổi cháu bị động kinh và co giật 1 lần duy nhất, sau đó dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (mỗi tối uống 1 viên và giảm liều từ từ). Khoảng hơn 1 năm khi ngừng dùng thuốc, cháu bị co giật nhẹ lần thứ 2 và lại tiếp tục dùng thuốc như trước. Cho đến tháng 6 năm 2013, cháu đến bệnh viện tỉnh tái khám và đo điện não thì bác sĩ nói cháu đã khỏi bệnh và chỉ định dùng thuốc 6 tháng nữa thì cắt thuốc luôn (suốt khoảng thời gian đó cháu không còn co giật nữa).

Hiện tại, cháu đã ngưng dùng thuốc hơn 5 tháng nay và vẫn cảm thấy khỏe mạnh, học tập bình thường, ổn định. Cháu muốn hỏi bác sĩ là: bệnh này có thể tái phát không? Nếu có thì bệnh có nặng hơn không ạ? Cháu rất thích học và học rất tốt với thành tích 11 năm liền là học sinh giỏi. Hiện tại cháu đang học lớp tự nhiên, áp lực học rất nhiều, vậy có tác động đến sức khoẻ của cháu không ạ? Cháu rất mong bác sĩ sớm tư vấn!

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Động kinh có nhiều lí do. Động kinh vô căn (Tức là nhóm động kinh không tìm thấy lí do). Động kinh biểu hiện là nhóm động kinh biết được lí do (do chấn thương sọ não, do u não hay các bệnh của mạch máu não, do viêm nhiễm tại não bởi virut hay vi khuẩn…). Điều trị động kinh , bệnh nhân phải dùng thuốc ở liều khống chế không lên cơn.

Tùy từng cơ thể của mỗi bệnh nhân mà có liều thích hợp khác nhau. Người bệnh phải dùng thuốc liên tục 3 năm không lên một cơn nào. Sáu tháng làm điện não đồ kiểm tra một lần nếu không còn sóng động kinh thì khi đó mới được phép giảm dần thuốc và ngừng thuốc. Nếu trong 3 năm đó có tái phát thì phải tính lại từ đầu, tức là tiếp tục chữa trị lại từ đầu.

Trong quá trình chữa trị khi bệnh đã ổn định không được thay thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột bệnh nhân sẽ bị chuyển thành thể động kinh liên tục nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Với tình huống của cháu lần đầu tiên chữa trị bị tái phát là do thời gian chữa trị và thời gian ổn định chưa đủ 3 năm cháu đã ngừng thuốc. Nếu lần này thời gian cháu dùng thuốc và thời gian không lên cơn hoàn toàn đã được từ 3 năm trở lên, kiểm tra điện não đã tốt rồi thì cháu giảm thuốc dần và có thể ngừng thuốc được rồi.

Tuy nhiên chưa giám khẳng định rằng bệnh của cháu sẽ không tái phát nữa, vì tỷ lệ tái phát của động kinh là rất cao do vậy cháu vẫn cần phải kiêng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Cần phải ăn ngủ điều độ không thức khuya và học tập, lao động vừa phải, tránh những áp lực trong học tập và các stress trong cuộc sống. Cháu phải tự lắng nghe cơ thể mình, nếu có dấu hiện bất thường của bệnh cũ thì phải đi khám và chữa trị ngay. Mỗi khi bệnh tái phát sẽ nặng hơn và khó chữa trị hơn.

Chúc cháu luôn khỏe mạnh.

Bị co giật là động kinh hay chèn ép dây thần kinh?


Câu hỏi bởi: Lê Thanh

Thưa bác sĩ!

Em trai của em năm nay 16 tuổi, khoảng 5 đến 10 phút là nó giật mạnh người như bị rung người, thời gian bệnh đã gần 6 tháng. Gia đình cho đi khám và chụp MRI theo yêu cầu của bác sĩ nhưng chụp xong kết luận là bình thuờng, cho thuốc uống và không giải thích thêm. Nhưng hiện tại em trai em vẫn như thế không thuyên giảm. Trước đây gia đình có cho em đi khám đông y, được cạo gió và châm cứu thì có thấy bớt giật trong ngày, tối ngủ không bị giựt. Các bác sĩ ở bệnh viện trước khi chụp MRI thì nói có thể bị động kinh, còn bên đông y nói là có thể em của em bị chèn dây thần kinh nên mới bị như vậy. Mong bác sĩ giải đáp giúp, vì hiện tại em trai em đang học lớp 9, chuẩn bị thi tốt nghiệp, không thể nghỉ học nhiều.

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trường hợp của em bạn là bị động kinh chứ không phải do chèn ép dây thần kinh. Động kinh là một bệnh nặng, mãn tính, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động của bệnh nhân. Động kinh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng có đến 1/2 số tình huống bệnh khởi phát ở độ tuổi trước 20. Vì vậy, chúng để lại di chứng rất nặng nề cho bệnh nhân, khiến họ dễ trở thành người tàn phế, thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bạn nên cho em bạn đến khám tại khoa Thần kinh nhất là trong lúc co giật. Điện não trong cơn sẽ cho chẩn đoán chính xác nhất. Hiện tại việc chữa trị chủ yếu là uống thuốc do đó bạn phải cho em bạn đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và kê đơn kịp thời. Em bạn cần được làm điện não kiểm tra định kỳ để có thể điều chỉnh thuốc được hợp lý và chính xác.

Chúc bạn và em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.