Lưu ý nên biết về bệnh xương khớp ở người cao tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Càng lớn tuổi, cơ thể chúng ta càng suy giảm chức năng, các hệ cơ quan dần trở nên yếu và dễ gặp nhiều vấn đề. Và như đã biết, một trong những lưu ý cần quan tâm nhất ở người cao tuổi chính là bệnh lý xương khớp.

Người già đi lại khó khăn, chân đau phải làm sao để cải thiện?


Câu hỏi bởi: meo ngo

Chào bác sĩ!

Bà em năm nay 84 tuổi. Bà em rất khó khăn trong đi lại, chân đau. Vậy phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bà bạn năm nay 84 tuổi, hiện tại đau chân, đi lại rất khó khăn. Tình trạng này phần lớn là hậu quả của các bệnh lý về xương khớp và các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do các bộ phận trong cơ thể người già dần dần bị lão hóa theo thời gian, trong đó có hệ cơ xương khớp.

Các bệnh lý về xương khớp thường gặp ở người cao tuổi như loãng xương, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… gây chèn ép và tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê nhức chân tay, đau mỏi vai gáy, lưng gối. Các khớp thường hay bị nặng nhất là cột sống thắt lưng và khớp gối.

Những tình huống nặng cột sống bị gù vẹo, khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong làm cho người bệnh đi đứng rất khó khăn và đau, phải dùng khung hoặc nạng hỗ trợ. Khi chức năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể suy giảm, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được gân mạch là một trong những lí do gây đau nhức xương khớp. Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém khiến khớp bị loạn dưỡng gây đau và tê cứng. Các bệnh lý mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như tiểu đường, mỡ máu cao, cao huyết áp…khiến cho máu kém lưu thông và gây biến chứng tổn thương thần kinh cũng là những lí do gây ra chứng tê nhức chân tay.

Để cải thiện tình trạng này bà bạn nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp phòng ngừa chứng tê nhức chân tay, đau nhức xương khớp:

Ăn nhiều rau, trái cây tươi có chứa vitamin D, B, K, folic acid, calcium, sắt, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Nên dùng dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô-liu, vì trong những dầu này có chứa acid béo Omega 3, thịt heo, thịt gia cầm, cá biển, tôm, cua, sò, các loại ngũ cốc: lúa mì, lúa mạch…

Tránh dùng: thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ.

Nên vận động thường xuyên, tập luyện nhẹ nhàng không nên đứng, ngồi lâu một chỗ, không ngồi xổm, xách nặng… Nên tập các bài tập thể dục cho người bị đau xương khớp nếu thấy phù hợp.

Khi trời lạnh, chú ý giữ ấm cơ thể.

Điều trị vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…để cải thiện tình trạng đau nhức.

Uống thuốc giảm đau và các thuốc hỗ trợ như Glucosamin, Omega-3…

Chúc bà bạn khỏe mạnh!

bệnh xương khớp


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bs mẹ tôi năm nay 69t bà bị thoái hóa khớp ở xương đầu gối,xương trục xoay ở đùi hiện rất đau,nay đã khám ở 354 nhiwng vẫn đau vậy mẹ tôi cần sd thuốc gì và khám ở đâu có hq nhất

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn nên chuyển bệnh nhân đi khám ở khoa xương khớp ở bệnh viện Bạch Mai Hà nội. Nên xin chụp MRI khớp gối để xác định chính xác tổn thương từ đó có phương pháp và thuốc điều trị thích hợp.

Bạn không nên tự ý mua thuốc hoặc theo tư vấn của người khác khi họ không thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân.

Thuốc điều trị thoái hóa khớp có rất nhiều loại, được phối hợp chặt chẽ với nhau trên từng thể địa bệnh nhân cụ thể nên không thể đưa ra một loại thuốc cụ thể để bạn đi mua về cho bệnh nhân uống được mà cần phải có sự thăm khám định rõ mức độ tổn thương.



Chúc mẹ bạn mau khỏi bệnh.

Bệnh xương khớp


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ, Cô của mình (sinh 1960) bị đau xương khớp. Mình đã dẫn cô đến chụp CT và đo loãng xương tại phòng khám 548 Nguyễn Chí Thanh. Bác sĩ xét nghiệm kết luận là loãng xương và bị cột sống. Xin bác sĩ cho biết bệnh trên có thể điều trị dứt điểm được không? và cơ sơ nào có thể tốt nhất? Nhờ BS tư vấn giúp. Cảm ơn, Tin

Bác sĩ Nguyễn Đình Hòa


Chào em,

Bệnh loãng xương và đau cột sống có thể kiểm soát được và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Em có thể đưa cô tới phòng khám chuyên khoa cột sống hoặc khoa Cơ xương khớp của một số bệnh viện uy tín (BV Việt Đức, BV Bạch Mai,…) để được khám và tư vấn.

Chúc cô em sớm khoẻ mạnh!

Bệnh đau xuong khớp ở người già


Câu hỏi bởi: Nguyễn thị Duyên

Thưa bác sỹ mẹ tôi năm nay 70 tuổi bị huyết áp, tim mạch, thoái hoá xương khớp hiện nay người đau nhức, tay chân run rẩy, thường xuyên đi lại khó khăn, đi còng người … tôi muôn nhờ bác sỹ tư vấn cắt thuốc để mẹ toi khỏe lai được không.

Bác sĩ Phạm Văn Tâm


Xin chào bạn,

Về bệnh của mẹ bạn, nên đến bệnh viện tây y để khám, điều trị theo từng đợt và kiểm soát thường xuyên. Đồng thời, bạn có thể sử dụng thuốc đông y để hỗ trợ, làm giảm các cơn đau và giúp dễ dàng đi lại, vận động.

Chúc mẹ bạn sức khoẻ.

tư vấn điều trị thoái hóa xương khớp.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, mẹ tôi năm nay đã 62 tuổi. hiện tại mẹ tôi đã đi khám và chụp XQ được Bác sĩ kết luận là: Thoái hóa C5-6, Thoái hóa khớp gối phải, trượt thân đốt L4-5. Mẹ tôi có tiền sử bệnh đau dạ dày, hiện tại ko đau nhưng thi thoảng có ợ hơi, đầy bụng và hay bị viêm họng. Tôi chưa kịp lấy đơn thuốc cho mẹ, gia đình định cho bà về điều trị bằng thuốc nam. Xin bác sĩ tư vấn giúp là trường hợp của mẹ tôi nên điều trị như thế nào cho tốt nhất ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Anh


Chào bạn,

Y học cổ truyền có những phương thuốc điều trị các bệnh lý cơ xương khớp cũng rất hiệu quả dựa trên những lý luận cụ thể. Việc phối hợp Đông y và Tây y trong điều trị từ lâu cũng đã đem lại nhiều tác dụng khả quan, nâng cao tác dụng điều trị cho người bệnh. Do vậy bạn nên cho mẹ phối hợp cả hai phương pháp để có tác dụng tốt nhất.

Chúc bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl