Bệnh viêm tụy nguy hiểm ra sao?


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh viêm tụy ảnh hưởng như thế nào? Nó mang đến những nguy hiểm gì cho cơ thể? Những câu hỏi này sẽ được bác sĩ chuyên khoa giải đáp chi tiết dưới đây cho bạn.

Bệnh viêm tụy phản ứng có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ!

Mẹ em năm nay 65 tuổi, mới đây đi cấp cứu thì có kết quả là viêm tụy phản ứng. Xin hỏi bác sĩ, bệnh này có nguy hiểm không và cách chữa trị như thế nào là hiệu quả?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em!

Mẹ em bị bệnh viêm tụy phản ứng hay còn gọi là viêm tụy cấp. Viêm tụy cấp là một tổn thương tụy cấp tính, chức năng và có thể hồi phục trở lại bình thường. Tổn thương cơ bản trong viêm tụy cấp là phù nề, xung huyết, hoại tử và xuất huyết.

Có 2 loại:

Viêm tụy cấp không hoại tử: hay gặp nhất, tổn thương chủ yếu là phù nề, nhìn tụy bóng láng, sưng to.

Viêm tụy cấp hoại tử (loại này rất nặng): tụy sưng nề, có nhiều đốm xuất huyết có khi hoại tử.

Nguyên nhân viêm tụy cấp tính:

Tổn thương cơ giới: sỏi mật, sỏi tụy, u gây chèn ép đường tụy.

Các bệnh nhiễm khuẩn ổ bụng: viêm túi mật, viêm ruột thừa, thương hàn.

Do rượu

Do loét dạ dày tá tràng ăn sâu vào tụy.

Tiến triển của bệnh: Mặc dù hiện nay có nhiều tiến bộ về hồi sức song viêm tụy cấp vẫn là một bệnh nặng. Bệnh nhân tử vong trong những ngày đầu là do sốc, suy thận, hạ canxi máu, đường máu tăng nhất là trong thể viêm tụy cấp hoại tử. Sau thời gian lui bệnh vẫn cần đề phòng tái phát. Biến chứng của bệnh; có thể gặp viêm tấy, áp xe tụy, u nang giả tụy, hoại tử tụy, cổ chướng, suy thận cấp.

Điều trị viêm tụy cấp theo nguyên tắc: chữa trị sớm, chữa trị tích cực và phải theo dõi chặt chẽ.

Chế độ ăn phải hạn chế tuyệt đối, bảo đảm phần năng lượng bằng huyết thanh ngọt ưu trương từ 4 – 8 ngày sau đó ăn tăng dần. Một số thể nặng cho chế độ dinh dưỡng cao ngoài đường tiêu hóa. Sử dụng nước nhiều, đảm bảo 2,5 – 3 lít/ngày và cân bằng chất điện giải như NaCl, KCl, Ca, Mg).

Chống đau và sốc.

Chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh.

Ức chế tiết men tụy. …

Theo tôi, viêm tụy là một bệnh Nội khoa nặng, em cần cho mẹ chữa trị nghiêm túc tại bệnh viện theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chúc mẹ em mau khỏi bệnh!

Bệnh viêm tụy đa cấp có khỏi được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu bị viêm tụy đa cấp, đã điều trị ở bệnh viện Phố Nối. Bệnh này có khỏi không và tái phát sau bao lâu ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Tuyến tụy có vai trò quan trọng với cơ thể, tụy vừa có chức năng nội tiết, vừa có chức năng ngoại tiết. Tụy tiết ra các enzym tiêu hóa mạnh mẽ đổ vào ruột để hỗ trợ quá trình tiêu hóa tinh bột, protein và chất béo. Tế bào tuyến tụy giải phóng 2 hormon là insulin và glucagon vào máu; những hormon này tham gia vào quá trình chuyển hóa Glucose trong máu, điều chỉnh việc dự trữ và sử dụng thức ăn thành năng lượng.

Viêm tụy là tình trạng tổ chức tuyến tụy bị tổn thương xảy ra khi các enzym tiêu hóa được kích hoạt ngay trong tổ chức tụy trước khi chúng được bài tiết vào tá tràng để thực hiện chức năng tiêu hóa. Vì vậy các enzym tiêu hóa bắt đầu tấn công tuyến tụy ngay khi còn nằm ở trong tổ chức. Viêm tụy có hai thể là viêm tụy cấp tính và viêm tụy mạn tính.

– Viêm tụy cấp xảy ra đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn, thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn. Trong phần lớn các tình huống, lí do của viêm tụy cấp là do sỏi mật hoặc sử dụng rượu quá nhiều. Các lí do khác bao gồm thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa, và phẫu thuật. Trong đó có tới 30% những người bị viêm tụy cấp tính mà lí do không rõ. Viêm tụy cấp triệu chứng trên lâm sàng là đau bụng dữ dội , bụng chướng, buồn nôn và nôn.

Có thể có sốt, xét nghiệm có Amylase máu tăng trên 3 lần giá trị bình thường. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và xét nghiệm máu, hình ảnh siêu âm ổ bụng hoặc chụp cắt lớp. Phân loại theo thể bệnh có: viêm tụy cấp thể phù nề, viêm thụy cấp thể nung mủ, viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử.

Trong đa số các tình huống viêm tụy cấp tính đều được chữa trị khỏi phục hồi hoàn toàn và không để lại biến chứng, trừ thể viêm tụy xuất huyết hoại tử. Bệnh viêm tụy cấp có thể tái phát do yếu tố nguy cơ như sử dụng rượu quá mức, do có bệnh lý sỏi mật hoặc rối loạn chuyển hóa.. bởi vậy để tránh tái phát cháu cần kiêng không sủ dụng rượu ít nhất 6 tháng, sau đó nếu có uống rượu cũng chỉ uống ít. Tránh ăn quá nhiều chất đạm, lipid trong một bữa ăn. Chế độ ăn nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, ăn ít thịt động vật, nhất là thịt có màu đỏ. Điều trị các bệnh khác nếu có như sỏi mật, rối loạn chuyển hóa.

Chúc cháu luôn mạnh khỏe !

Viêm tụy cấp nên điều trị viện nào?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Vợ em năm nay 27 tuổi. Hiện nay vợ em bị viêm tụy cấp rất nặng. Vậy em cần phải đưa vợ em đi đến bệnh viện nào là điều trị tốt nhất?

Em cám ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Thưa bác sĩ.

Bệnh viêm tuỵ cấp là tình trạng viêm cấp tính tại nhu mô tuỵ, sau khi hết viêm chức năng của tuỵ có thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh có thể gây các biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong cao trong tình huống viêm tuỵ nặng mặc dù đã được chữa trị.

Các triệu chứng của bệnh viêm tuỵ cấp:

Viêm tuỵ cấp thường xuất hiện sau bữa ăn uống thịnh soạn nhưng cũng có thể đột ngột xuất hiện.

Đau bụng là biểu hiện hay gặp: Đau xảy ra đột ngột, đầu tiên đau dữ dội tại vùng thượng vị lan ra sau lưng. Vì tính chất đau rất dữ dội nên có thể nhầm với thủng dạ dày. Sau đó, đau có thể lan ra khắp ổ bụng do men tuỵ gây tổn thương lan toả của màng bụng.

Nôn và buồn nôn: cũng là biểu hiện hay gặp có thể nhầm với triệu chứng của tắc ruột. Sốt có thể gặp là do nhiễm trùng như viêm tuỵ cấp do sỏi mật gây nhiễm trùng hoặc do nhiễm trùng tổ chức hoại tử của tuỵ

.Có thể gặp những dấu hiệu của viêm tuỵ cấp nặng như có sốc triệu chứng bằng mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, bụng trướng căng đái ít.

Các lí do gây viêm tuỵ cấp: Hai lí do gây viêm tuỵ cấp hay gặp nhất trên thế giới là do rượu hoặc bia và sỏi mật.

Vì nước ta vệ sinh ăn uống chưa được tốt nên giun đũa cũng là lí do hay gặp gây viêm tuỵ cấp.

Các lí do ít gặp hơn như:

Tăng triglyceride máu

Tăng calci máu

Viêm tuỵ do di truyền

Chấn thương tuỵ

Ổ loét tại hành tá tràng thâm nhiễm vào tuỵ

U đầu tuỵ hoặc u bóng vater.

Do thuốc: corticoide, furocemide, thiazide.

Do ký sinh trùng: giun đũa, sán lá gan nhỏ.

Do vi rus: sởi, Coxsackievirus, Mycoplasma Pneumoniae.

Do bất thường cấu trúc: nang ống mật chủ, tuỵ phân chia (divisum).

Cách phòng chống bệnh:

Đối với viêm tuỵ do rượu bia: cần tuyệt đối không uống rượu bia. Viêm tuỵ cho sỏi mật: lấy sỏi ống mật chủ qua nội soi mật tuỵ ngược dòng, nếu có sỏi túi mật cần tiến hành cắt túi mật sau khi viêm tuỵ cấp lần đầu tiên ổn định. Cần tẩy giun định kỳ 4-6 tháng một lần đối với viêm tuỵ cấp do giun.

Điều trị hạ mỡ máu đối với viêm tuỵ cấp do tăng triglyceride: giảm tối đa ăn chất béo đặc biệt có nguồn gốc động vật như: lòng đỏ trứng, mỡ, phủ tạng động vật, hạn chế cân nặng đối với người thừa cân hoặc béo phì, tăng cường ăn nhiều rau và chất xơ.

Vợ bạn năm nay 26 tuổi, hiện nay vợ bạn đang bị viêm tụy cấp rất nặng. Vậy để điều trị tốt nhất bạn có thể đưa vợ đến bệnh viện Bạch Mai. Ở đây có đầy đủ máy móc phương tiện cấp cứu cũng như có nhiều chuyên gia giỏi. Ngoài ra các bệnh viện như 108, 103, viện E… đều có đủ khả năng để điều trị cho vợ bạn.

Thông thường, các bước chữa trị sẽ là:

Giảm đau

Nhịn ăn

Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch

Bồi phụ đủ nước và điện giải

Điều trị các biến chứng: chọc hút dịch ổ bụng, dẫn lưu nang giả tuỵ khi có biểu hiện

Điều trị kháng sinh: trong tình huống viêm tuỵ do sỏi mật, áp xe tuỵ, hoại tử tuỵ nhiều có nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị lí do: nếu viêm tuỵ cấp có thể dẫn lưu đường mật tạm thời hoặc lấy sỏi ống mật chủ qua nội soi mật tuỵ ngược dòng, nếu viêm tuỵ do tăng triglyceride cần chữa trị hạ mỡ máu.

Chúc vợ bạn chóng khỏi bệnh!

Bệnh viêm tụy chữa bằng thuốc nam có được không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 38 tuổi, là nam giới. Tôi bị viêm tụy đã phải phẫu thuật 2 lần tại bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ nói là bị viêm phần đuôi tụy, bị tràn dịch ra các bộ phận khác, phải phẫu thuật để loại bỏ các ổ dịch, và khắc phục phần tụy bị viêm. Tuy nhiên hiện nay tôi hay bị đau bụng ở vùng hạ sườn trái, có lần phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ cho tôi hỏi có bài thuốc nam nào để chữa bệnh này không? Tôi chơi thể thao (bóng bàn) thì có tác động gì không? Chế độ ăn uống hàng ngày ra sao? Xin bác sĩ giải đáp giúp.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Như bạn đã biết viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính của tuyến tụy, có thể thay đổi từ viêm tụy phù nề cho đến viêm tụy hoại tử cấp tụy, trong đó mức độ hoại tử liên quan đến độ trầm trọng của bệnh.

Một số biến chứng của viêm tụy cấp là:

– Tại chỗ

Áp xe tụy: Nhiễm trùng nặng, sốt cao 39 – 40 độ C, kéo dài trên 1 tuần, vùng tụy rất đau, khám có mảng gồ lên rất đau, xác định bằng siêu âm hay chụp cắt lớp tỷ trọng.

Nang giả tụy: Vào tuần thứ 2 – 3, khám vùng tụy có khối ấn căng và tức, amylase còn cao 2 – 3 lần, siêu âm có khối echo trống, chụp cắt lớp tỷ trọng có dấu hiệu tương tự. Báng do thủng hay vỡ ống tụy hay nang giả tụy vào ổ bụng trong tình huống viêm tụy cấp xuất huyết do hoại tử mạch máu làm xuất huyết trong ổ bụng.

– Toàn thân:

Phổi: Có tràn dịch nhất là đáy phổi trái, xẹp phổi hay viêm đáy phổi trái biến chứng nặng nề nhất là hội chứng suy hô hấp ở người lớn.

Tim mạch: Giảm huyết áp hay sốc mà lí do do phối hợp nhiều yếu tố nhiễm trùng nhiễm độc, xuất huyết và thoát dịch.

Máu: Có thể gây ra hội chứng đông máu nội mạch (CIVD) như trong tình huống viêm ruột xuất huyết hoại tử.

Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày tá tràng cấp, như là một biến chứng stress do đau hay nhiễm trùng, nhiễm độc và thường triệu chứng dưới dạng xuất huyết. Thuyên tắc tĩnh mạch cửa.

Thận: Thiểu hay vô niệu do suy thận chức năng do giảm thể tích tuần hoàn, hoại tử thận và thượng thận là một biến chứng ít gặp do viêm lan từ tụy. Viêm tắc tĩnh mạch và động mạch thận là biến chứng nằm trong bệnh cảnh chung của viêm tắc mạch.

Biến chứng chuyển hóa: Tăng đường máu hay hạ canxi máu.

Bạn năm nay 38 tuổi, là nam giới, đã bị viêm tụy phải phẫu thuật 2 lần tại bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên hiện nay bạn hay bị đau bụng ở vùng hạ sườn trái, có lần phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Bạn cũng biết đây là một bệnh rất nguy hiểm, có nhiều biến chứng nặng nề và có thể gây tử vong. Do đó bạn không thể chữa trị bằng thuốc đông y được. Sau khi chữa trị ổn định bạn vẫn có thể chơi thể thao nhẹ nhàng được. Việc tập luyện và nghỉ ngơi cũng như điều chỉnh chế độ ăn là vô cùng quan trọng để phòng tránh tái phát. Bạn nên kiêng bia rượu tuyệt đối, tránh ăn phủ tạng động vật và các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như đạm và chất béo. Bạn không nên ăn quá nhiều khẩu phần ăn trong một bữa. Bạn cần phải luôn kiểm soát được tình trạng mỡ máu và đường máu của bạn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Amylase tăng cao có phải bị viêm tụy nặng không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 31 tuổi cháu mắc quai bị hai ngày hôm qua. Hôm nay cháu đi xét nghiệm thấy Amylase trong máu tăng cao (1578,7). Các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tụy. Nhưng các hiện tượng của viên tụy như mệt mỏi, đau bụng… dường như cháu không có. Vậy cháu xin hỏi tụy của cháu đang bị viêm nặng phải không ạ? Có nên chữa trị ngay hay chờ khi khỏi bệnh quai bị rồi xét nghiệm lại?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Một số triệu chứng của viêm tụy cấp là:

Đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái. Đau có thể lan ra sau lưng, đau thường kéo dài trong vài ngày, đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn, đau tăng lên khi nằm ngửa.

Mệt mỏi

Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn)

Sốt, ớn lạnh, hoặc cả hai.

Bụng chướng và nhạy cảm khi chạm.

Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội)

Bạn cần xem bạn có những triệu chứng này không. Nếu không thấy những triệu chứng này thì nhiều khả năng không phải là bạn bị viêm tụy mà tình trạng Amylase trong máu tăng cao có thể vì lí do khác bao gồm viêm tuyến nước bọt. Không biết bạn nói bạn bị quai bị là do đã đi khám và được chẩn đoán như vậy hay chỉ là bạn nghĩ mình bị quai bị dựa trên các triệu chứng bên ngoài. Bạn cần biết quai bị và viêm tuyến nước bọt mang tai là hai bệnh hay bị chẩn đoán nhầm với nhau.

Biểu hiện quai bị:

Bệnh nhân sốt 38 -39oC, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói, đau nhức các khớp xương, thăm khám thấy miệng ống Stenon phù nề, tấy đỏ nhưng không bao giờ có mủ chảy ra.

Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm.

Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi.

Thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên, sưng 2 bên so với sưng 1 bên là tỷ lệ 6/1.

Biểu hiện viêm tuyến nước bọt mang tai:

Bệnh nhân thấy vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da vùng tuyến sưng tấy đỏ đau, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên.

Sốt 38 – 39oC, ấn vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.

Do đó bạn cần đi khám để kiểm tra lại xem bạn bị quai bị hay viêm tuyến nước bọt. Trường hợp của bạn có thể là tăng Amylase trong máu do viêm tuyến nước bọt chứ không phải do viêm tụy. Bạn cần xác định chính xác bệnh thì mới có hướng chữa trị đúng.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl