Triệu chứng viêm màng hoạt dịch khớp


4,226
1
1
Xu
53
Sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, nôn hoặc tiêu chảy, đi khập khiễng, trẻ em không chịu bò hoặc đi, đau hông, đau chân, đau đầu gối là những biểu hiện của viêm màng hoạt dịch khớp. Hãy cùng đọc những lưu ý dưới để biết thêm về bệnh.

Sưng và đau khớp đầu gối nửa năm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 40 tuổi, là nữ giới. Tôi bị đau, nhức và bị sưng ở bên phải đầu gối khớp được nửa năm rồi. Xin bác sĩ cho tôi biết tên căn bệnh và cách điều trị?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn.

Đau khớp gối là một dấu hiệu hay gặp trên lâm sàng các bệnh khớp và là một trong những lí do khiến người bệnh phải đi khám bệnh. Đau khớp gối chỉ là biểu hiện của rất nhiều bệnh khớp khác nhau như: thoái hóa khớp gối, chấn thương khớp gối, viêm khớp gối, viêm màng hoạt dịch khớp, viêm tổ chức phần mềm quanh khớp hoặc trong các bệnh u ác tính (u nguyên phát hoặc thứ phát ở xương, tổ chức mềm gần khớp)…

Nếu hiện tượng đau khớp, nhức, xưng khớp gối xảy ra ở người từ 40-50 tuổi phải nghĩ đến lí do thoái hóa khớp và cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa khám, để có phương pháp chữa trị thích hợp: vận động liệu pháp, mát-xa, thuốc giảm đau, thuốc tăng cường sự bền vững của sụn khớp. Mặt khác, cần lưu ý đến tình trạng loãng xương kết hợp với thoái hóa khớp. Với các triệu chứng bệnh về khớp gối, bạn nên đi khám tại khoa Cơ Xương Khớp để được chẩn đoán và chữa trị thích hợp.

Chúc bạn sức khỏe!

U ở bắp chân gây đau nhức giờ lan sang tay, là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Khánh

Chào bác sĩ!

Bố cháu hiện nay 51 tuổi. Bố cháu có 1 khối u ở bắp chân đằng sau đầu gối. Bình thường thì không sao nhưng cứ hôm trở trời là đau nhức. Giờ lan lên cả cánh tay cũng nhức mỏi không duỗi thẳng được. Bác sĩ cho cháu hỏi bố cháu như thế là bị làm sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Theo như cháu mô tả thì trước tiên cần nghĩ đến u nang bao hoạt dịch khớp gối và khớp vai. Cháu cần biết cấu trúc cơ bản của các khớp hoạt dịch (khớp háng, gối, vai, khuỷu, cổ tay, …) có thể tạm coi là có hai phần cơ bản. Phần màng hoạt dịch trong cùng, đóng vai trò quan trọng trong tiết hoạt dịch khớp và các lớp xơ của bao khớp. Vì một lý do nào đó như chấn thương, bệnh lý (thoái hoá khớp) hay do bất thường giải phẫu mà lớp bao xơ của khớp xuất hiện điểm yếu hay thiếu hụt, có thể tạm gọi là rách, từ đó lớp màng hoạt dịch của khớp thoát vị ra ngoài, dịch khớp tràn vào làm căng đầy túi thoát vị và hình thành cấu trúc nang, có thể sờ thấy trên lâm sàng ở các khớp nông như khớp gối hay cổ tay. Thông thường, các nang này có thể coi là lành tính, không gây triệu chứng như đau hay các khó chịu khác. Một số trường hợp đặc biệt có thể gây khó chịu khi quá to làm hạn chế vận động khớp, đau do nang quá căng, xấu về mặt thẩm mỹ thì có thể cân nhắc phẫu thuật để cắt bỏ nang và phục hồi bao xơ của khớp.

Đặc điểm của nang hoạt dịch khớp vai có sự khác biệt so với các nang hoạt dịch của các khớp khác là:

Thứ nhất là không có tình trạng thoát vị của màng hoạt dịch

Thứ hai là có thể không có tình trạng tổn thương bao xơ của khớp

Về lâm sàng, khác với các nang của các khớp khác, nang hoạt dịch khớp vai không sờ thấy do có rất nhiều lớp cơ xung quanh khớp vai. Bên cạnh đó, do sự hình thành nang gần như nằm dưới các gân chóp xoay và liên quan đến tổn thương sụn viền nên các nang hoạt dịch khớp vai dễ gây các triệu chứng lâm sàng hơn như đau, hạn chế vận động khớp vai và cá biệt, có trường hợp nang hoạt dịch phía sau trên khớp vai gây chèn ép vào thần kinh trên vai dẫn đến tình trạng teo cơ và các triệu chứng đau do chèn ép thần kinh.

Tuỳ theo vị trí mà nang hoạt dịch có thể gây các chèn ép khác nhau trong đó có hai vị trí hay gặp nhất và trong thực tiễn lâm sàng chúng tôi đã điều trị đó là: Nang ở vị trí sau trên do tổn thương sụn viền sau, gây chèn ép vào thần kinh trên vai, gây đau và teo các cơ phía sau trên khớp vai và nang ở vị trí phía trên do tổn thương sụn viền trước trên (tổn thương SLAP), chèn ép vào gân chóp xoay, gây đau và hạn chế vận động vai. Ngoài ra trên y văn đã thông báo trường hợp nang hoạt dịch trước dưới khớp vai gây chèn ép vào bó mạch thần kinh cánh tay ở vùng nách. Về chẩn đoán, do không sờ thấy nên thường bệnh nhân nang hoạt dịch khớp vai đến khám vì các triệu chứng do nang và tình trạng rách sụn viền gây ra như đau, hạn chế vận động. Việc xác định chẩn đoán thường dựa vào phim chụp cộng hưởng từ khớp vai, tốt nhất nếu có thể là chụp phim có tiêm thuốc đối quang từ vào khớp.

Khớp gối được bao bọc bởi bao khớp như một túi khép kín. Túi này được che phủ bên trong nhờ màng hoạt dịch. Tổ chức hoạt dịch tiết ra dịch gọi là hoạt dịch có tác dụng nuôi dưỡng và bôi trơn khớp gối. Khi bị chấn thương, bao hoạt dịch có thể phản ứng bằng cách tăng tiết dịch một cách quá mức gây ra tràn dịch khớp gối.

Nếu áp lực bên trong của khớp gối tăng lên, nó có thể thoát vị ra phía sau của gối, đó là u nang bao hoạt dịch, thường nằm ở chính giữa khoeo và to ra sau gối. U nang bao hoạt dịch còn gọi là “Baker’s Cyst”. Nang này thường không nguy hiểm, đặc biệt là không bao giờ ung thư hoá. Bên trong nang chỉ có chất hoạt dịch, vì vậy, thể tích của nó có thể thay đổi được to hay nhỏ tùy thuộc hoạt dịch có nhiều hay ít. Thường gặp thể tích của nó nhỏ và không gây trở ngại cho chức năng của đầu gối.

Chỉ khi nang to, căng, gây đau do tăng áp lực mới ảnh hưởng đến cử động của khớp gối. U nang này rất hiếm khi chèn ép vào tổ chức xung quanh như mạch máu, thần kinh gây nên triệu chứng kiến bò, rát bỏng ở cẳng chân… do thể tích của u nang quá to. Trường hợp u nang bị vỡ sẽ gây ra các triệu chứng: đau tăng lên đột ngột, bắp chân mau chóng sưng to tràn hoạt dịch ra ngoài, nguy cơ làm tắc các tĩnh mạch, gây tổn thương về cơ.

Để chẩn đoán chính xác, cháu cần cho bố đi khám bệnh. Siêu âm sẽ giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán. Tuy nhiên nếu siêu âm không phát hiện được cần chụp X-quang khớp hay chụp cộng hưởng từ khớp.

Chúc bố con cháu mạnh khỏe!

Gối trái đau nhức uống thuốc đều không khỏi?


Câu hỏi bởi: nhantamht

Xin chào bác sĩ!

Tôi là nữ năm nay 26 tuổi, chưa lập gia đình. Do chấn thương nên tháng 9 năm 2013 tôi đã phẫu thuật cắt bán phần dây chằng chéo trước gối phải, trong quá trình tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của gối phải, gối trái tôi thường xuyên bị đau nhức, không ngồi xổm được, cảm giác ngồi xuống, đứng lên bị cứng khớp (từ tháng 12/2013 đến nay. Tôi đã chụp X-quang, MRI 2 lần nhưng các bác sĩ kết luận không thấy tổn thương dây chằng, sụn, xương. Khi khám Nội Cơ – Xương – Khớp (16/9/2014), bác sĩ kết luận tôi bị ” Viêm lồi cầu ngoài khớp gối”, chỉ định tiêm 1ml Diprospan, nhưng cơn đau vẫn không dứt. Tôi xem phim MRI thấy có 1 khối nhỏ trong ổ khớp, đấy có phải là dịch khớp không ạ? Đến ngày 21/9/2014 tôi đã mua JEX về dùng thử, chưa thấy có bất kỳ phản ứng nào tích cực. Từ 2013 đến nay, chất lượng cuộc sống của tôi giảm mạnh, tác động rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày cũng như trong công việc. Xin hỏi bác sĩ, biểu hiện như vậy, có phải tôi bị thoái hóa khớp không? Hướng chữa trị như thế nào? Nên ăn gì và không nên ăn gì ? Xin hỏi thêm là nếu bị viêm gân bánh chè thì biểu hiện như thế nào ạ? Rất mong đợi câu trả lời từ bác sĩ.

Trân trọng cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào bạn!

Vì không phải là người trực tiếp khám bệnh và phẫu thuật cho bạn nên tôi không thể biết chính xác bạn bị bệnh gì và đã được chữa trị như thế nào. Tuy nhiên để trả lời câu hỏi của bạn tôi có một số gợi ý như sau:

Nếu trước khi bạn bị chấn thương mà sức khỏe và vận động gối của bạn bình thường thì lí do đau gối của bạn rất có thể là do chấn thương. Có rất nhiều lí do dẫn đến đau và hạn chế vận động khớp gối như: chấn thương gối làm tổn thương dây chằng (chéo trước, chéo sau, bên trong hoặc bên ngoài khớp gối), tổn thương sụn chêm, cơ khoeo, tổn thương sụn khớp, gẫy xương vùng gối… Tuy nhiên cũng chưa thể loại trừ bạn có thể mắc một số bệnh lý nội khoa khác như: thoái hóa khớp gối, viêm màng hoạt dịch khớp gối, bệnh gút, u máu hoạt dịch gối,… Nói tóm lại là có rất nhiều bệnh có thể dẫn đến đau khớp gối, vì vậy việc đầu tiên cần làm là xác định xem lí do dẫn đến đau khớp gối của bạn là gì.

Dù gì thì bạn cũng không nên tự chữa trị ở nhà, JEX không phải là thuốc mà là một loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ việc tiết dịch khớp làm trơn khớp, không có tác dụng chữa trị bệnh.

Ở độ tuổi của bạn thì khả năng bị thoái hóa khớp gối sớm là rất ít. Bạn nên đi khám và xin thêm ý kiến chuyên khoa của bác sĩ Ngoại Cơ Xương Khớp (lưu ý là nên khám bác sĩ chuyên khoa sâu về Khớp gối). Bác sĩ sẽ khám và xác định lí do gây đau khớp gối của bạn và sẽ cho bạn lời khuyên phù hợp.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Bị tràn dịch khớp gối phải không rõ nguyên nhân


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em 26 tuổi, bị tràn dịch khớp gối phải không rõ lí do. Chọc hút dịch lần 1 ở Viện 103, sau 2 ngày dịch lại về như cũ. Em ra bệnh viện Thể thao Việt Nam chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chuẩn đoán bị đụng dập dây chằng chéo gối phải, phu tủy lồi cầu mâm chày độ 2. Bác sĩ cho chữa trị một thời gian và kiềm tra thì dây chằng ổn định, nhưng dịch khớp vẫn còn. Về nhà một thời gian dùng thuốc nhưng dịch không hết, quay lại viện thì bác sĩ chỉ định chọc hút dịch, rửa khớp. lần đầu tiên hút dịch vào buổi sáng thì chiều lại thấy dịch về tiếp, 2 hôm sau hút tiếp lần 2 và uống thuốc thì dịch không về. Bác sĩ nhờ viện Melatic xét nghiệm dịch khớp (màu đỏ nhạt) thì không thấy viêm vi khuẩn, không bị lao xương khớp… chỉ có hồng cầu và bạch cầu tăng nhẹ. 5 ngày chờ xét nghiệm thì dịch không về nữa, bác sĩ cho em ra viện, bảo đi lại được nhưng hạn chế. Nhưng đi xe máy về nhà và đến tối chân lại thấy có dịch. Xin bác sĩ cho em chuẩn đoán và cách chữa trị? Em chữa nhiều lần ở viện, và một số thuốc nam, bắc, nhưng không khỏi tính đến tháng 12/2015 này là hơn 1 năm rồi. Mong được sự giúp đỡ của bác sĩ.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bạn nói bạn bị tràn dịch khớp gối phải không rõ lí do, nhưng khi chụp MRI khớp gối thấy có đụng dập dây chằng chéo khớp gối, vậy có thể tràn dịch khớp gối là do chấn thương đụng dập tạo thành khoang chứa dịch. Khoang chứa dịch này nằm ở dưới da và ngoài bao khớp chứ không phải là nước ở trong bao hoạt dịch của khớp. Cơ chế của hiện tượng tạo thành ổ dịch là: chấn thương đụng dập gây bóc tách các thành phần của tổ chức với nhau tạo thành khoang ảo, bờ của các khoang này chính các tổ chức bình thường không thấy màng ngăn nên tiết dịch và hình thành ổ dịch. Nếu sau khi hút hết dịch mà không băng ép chặt cho hai bờ của khoang ảo này chạm sít vào nhau, thì lại tiếp tục có dịch mới và khoang này không thể bị loại bỏ được.

Vì vậy cách giải quyết ổ dịch này là chọc hút dịch sau đó băng ép chặt, hạn chế vận động , để hai bờ của khoang ảo ép chặt lại với nhau và dính liền lại không còn khoang ảo nữa thì mới không bị tái dịch trở lại, hoặc chọc hút dịch lưu kim hoặc đặt mét và băng ép để dịch chảy hết kiệt tạo điều kiện lành lại khoang ảo, hoặc chích rạch ổ dịch ở vị trí thấp, đường rạch đủ dài để chậm lành trước khi hết dịch, kết hợp băng ép.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl