Những thắc mắc ở người bệnh sau khi mổ sỏi thận


4,226
1
1
Xu
53
Sau khi mổ sỏi thận bệnh nhân thường có nhiều thắc mắc về các vấn đề như tái khám, biểu hiện bất thường, chế độ chăm sóc… Dưới đây các bác sĩ sẽ tư vấn thêm về vấn đề này.

Chảy nhiều dịch sau khi mổ sỏi thận


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi mổ sỏi thận bằng mổ nội soi đã 10 ngày nhưng ống dẫn dịch vẫn chảy ra nhiêu dịch làm cho không rút được ống xông. Xin hỏi vì sao?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Trong ngoại khoa, dẫn lưu được xem như một quá trình nhằm chuyển các chất dịch có tính chất bệnh lý (mũ) hay có khả năng gây hại cho hoạt động sinh lý của các cơ quan (chèn ép, nhiễm trùng…) từ trong các khoang của cơ thể (khoang sinh lý hay được tạo ra bởi phẫu thuật) ra bên ngoài cơ thể. Đây là hình thức dẫn lưu ngoại. Một hệ thống dẫn lưu được xem là hoạt động có hiệu quả khi chất dịch bệnh lý được chuyển hết ra bên ngoài cơ thể trong thời gian ngắn nhất có thể được. Phương tiện dẫn lưu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là các ống dẫn lưu. Penrose (dãi cao su mỏng) là phương tiện dẫn lưu được chọn lựa khi cần dẫn lưu lượng dịch ít và trong thời gian ngắn (ví dụ khi xử trí các vết thương phần mềm). Bấc dẫn lưu hiện nay không còn được xử dụng. Thời gian lưu ống dẫn lưu: trong vòng 24-48 giờ sau mổ cắt túi mật, cắt lách,… 48-72 giờ đối với viêm phúc mạc nhẹ, 3-5 ngày đối với viêm phúc mạc toàn diện, áp-xe dưới hoành. Thời gian rút ống dẫn lưu có thể dài hơn ở bệnh nhân bị viêm tuỵ hoại tử. Dịch ra ít hơn 30 mL/24 giờ và có màu vàng nhạt và trong là dấu hiệu tốt để có thể rút ống dẫn lưu. Tuy nhiên, có thể cần siêu âm bụng kiểm tra trước khi rút. Dẫn lưu phòng ngừa: rút vào ngày hậu phẫu thứ 5 nếu không ra dịch bất thường.

Trường hợp của bạn ống dẫn lưu đã lưu 10 ngày vẫn ra dịch thì cần xem xét nguy cơ xảy ra một số biến chứng ví dụ như nhiễm trùng sau mổ. Bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chữa trị để biết hướng chữa trị và an tâm hơn nhé.

Chúc bạn sớm lành bệnh!

Vừa mổ sỏi thận được 10 ngày xong, đoạn mổ nơi đút ống hút dịch có chảy ra 1 ít dịch màu vàng thì có vấn đề gì không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho cháu hỏi: Đối với người vừa mổ sỏi thận được 10 ngày xong, đoạn mổ nơi đút ống hút dịch có chảy ra 1 ít dịch màu vàng thì có vấn đề gì không ạ? Bệnh nhân sau khi phẫu thuật thì bị khó tiểu thì phải khắc phục thế nào? Đối với người vừa mổ xong được 2 tuần thì nên ăn những gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Nếu người vừa mổ sỏi thận được 10 ngày, đoạn mổ nơi đút ống hút dịch có chảy ra một ít dịch vàng thì cần để ý theo dõi đề phòng nhiễm trùng. Nếu có triệu chứng sốt, sưng đau, cần tái khám ngay. Người bệnh mới phẫu thuật nên có thể bị khó đi tiểu. Sau vài ngày nữa tình trạng sẽ được cải thiện. Đối với người đã phẫu thuật, để tránh sỏi thận tái phát cần ăn những loại thực phẩm sau:

1.Canxi. Ban đầu nhiều người nghĩ rằng sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ can-xi trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, điều này giờ đây đã chứng minh là không chính xác. Thực tế, việc “nạp” các thực phẩm chứa can-xi chủ yếu là từ các sản phẩm chế biến từ sữa như phô mai, sữa và sữa chua… giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

2. Uống nhiều nước. Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể. Với những người bị sỏi thận, các chuyên gia y tế khuyên nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp thải lọc những viên sỏi nhỏ hoặc các chất dư thừa trong thận mà có thể hình thành sỏi. Các thực phẩm nên ăn với lượng vừa phải để tránh tái phát sỏi:

Các loại thịt và thịt gia cầm: Giảm lượng thịt bò, thịt gia cầm và cá vì đây là những thực phẩm rất giàu protein. Nhiều protein trong chế độ ăn uống sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi. Một số loại rau quả: Trong khi cố gắng để loại bỏ các loại thực phẩm có chứa oxalate từ thịt thì cũng lưu ý một số loại rau quả có thể là “tòng phạm” gây nên sỏi thận. Ví như rau Bina được cho là tạo nhiều oxalat nhất. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác có chứa oxalate bao gồm các loại đậu, củ cải đường, dâu, cam, sô-cô-la, cà phê và đậu phộng. Muối: Cháu nên cố gắng ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Mổ nhưng sót 1 viên sỏi trong thận


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Mẹ cháu cách đây 3 tháng có đi mổ sỏi thận nhưng vì 1 nguyên nhân nào đó mà khi đi khám lại bác sĩ lại bảo vẫn còn sót 1 viên nữa. Cho cháu hỏi bây giờ mẹ cháu nên có hướng chữa trị như thế nào? Dùng thuốc hay là làm gì đó có ra nốt được viên sỏi đó không ạ?Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Mẹ cháu đã mổ sỏi thận cách đây 2 tháng nhưng đi khám lại thì thấy vẫn sót 1 viên nữa. Không biết viên sót lại này có kích thước to hay nhỏ, mẹ cháu có triệu chứng gì bất thường như đau không. Nếu là sỏi nhỏ và không tác động nhiều thì mẹ cháu nên chữa trị bằng thuốc kết hợp với ăn nhiều đồ mát, uống nhiều nước. Mẹ cháu có thể uống một đợt Kim Tiền Thảo rồi đi khám lại xem tình hình thế nào thì chữa trị tiếp.

Chúc mẹ con cháu mạnh khỏe!

Bị sỏi thận, đã mổ 2 lần nhưng vẫn còn sỏi, thận ứ nước độ 3


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Ba cháu bị sỏi thận nặng, đã mổ hai lần nhưng giờ thận vẫn có rất nhiều sỏi. Hơn nữa thận bị ứ nước độ 3, giờ bác sĩ nói không mổ được nữa. Ba cháu phải chữa trị như thế nào để hết sỏi thận. Chế độ chăm sóc, ăn uống cho ba cháu có cần lưu ý gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Nguyên nhân gây thận ứ nước thường do sỏi tiết niệu, viêm gây hẹp niệu đạo, do u ở cơ quan lân cận chèn vào niệu quản, niệu đạo, bệnh đa xơ cứng,… tùy lí do mà chữa trị.

Ba cháu bị sỏi thận nặng, đây có thể là lí do dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Thận ứ nước độ 3-4 bắt buộc phải can thiệp sớm theo lí do gây bệnh, tránh biến chứng suy thận. Bệnh nhân phải được siêu âm, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Chụp UIV, UCR, CT để đánh giá tình trạng suy thận (nếu có).

Ba cháu bị sỏi thận tái đi tái lại như vậy có thể là do cơ địa. Cơ địa là yếu tố đặc trưng cho từng cá thể, có thể có người chữa trị hết sỏi không bị tái phát nhưng có người bị tái đi tái lại nhiều lần như tình huống của ba cháu.

Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt còn đóng một vai trò quan trọng đối với sự tái phát của bệnh sỏi thận. Những người bị sỏi thận cần có chế độ ăn giảm canxi hơn so với người bình thường: ăn ít các đồ giàu canxi như tôm, cua, cá….đồng thời cần phải uống nhiều nước mỗi ngày để tăng lượng nước tiểu làm đào thải các cặn thận hay làm bào mòn các sỏi nhỏ nếu có, không được nhịn tiểu và đi tiểu trước khi đi ngủ để cặn nước tiểu không bị lắng đọng và hình thành sỏi thận. Trong quá trình chăm sóc ba, cháu cần chú ý tránh những nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn da, sử dụng thuốc gì cần có chỉ định của bác sĩ để tránh hại cho thận. Không phải kiêng muối nếu không có suy thận hoặc viêm cầu thận.

Chúc ba cháu mạnh khỏe!

Nam 25 tuổi bị sỏi thận đã mổ 2 lần nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Cháu là nam giới. Năm nay cháu 25 tuổi. Cháu bị sỏi thận hiện đã mổ được 2 lần. Cháu xin nhờ bác sĩ giải đáp giúp xem cháu nên làm gì để cải thiện tình hình hiện tại ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào cháu!

Cháu 25 tuổi và đã mổ sỏi thận 2 lần. Như vậy cháu bị rối loạn chuyển hoá các chất trong cơ thể nên sỏi dễ hình thành (gọi là cơ địa sỏi). Khi cháu được mổ lấy sỏi thận, sau một thời gian sỏi mới lại được hình thành, có bệnh nhân đã phải mổ nhiều lần để lấy sỏi gây tác động rất nhiều đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Theo tôi cháu nên thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày: chế độ ăn hạn chế các thực phẩm có nguy cơ tạo sỏi:

Giảm lượng muối ăn: làm giảm lượng canxi.

Tránh những thực phẩm Natri cao như thịt chế biến, thực phẩm ăn nhanh nhiều muối.

Đảm bảo chế độ ăn uống chứa canxi đầy đủ có tác dụng làm giảm tỉ lệ bị sỏi thận canxi: uống sữa ít chất béo, sữa chua.

Tránh những thực phẩm làm tăng lượng Axit uric hoặc Oxalate trong nước tiểu: socola, cám lúa mì,các loại hạt, củ cải đường, trà.

Giảm vitamin C khi bị sỏi thận: không nên uống quá 500mg vitamin C mỗi ngày.

Hạn chế ăn đường và protein động vật: trong trứng, cá, nội tạng động vật chứa nhiều purin là chất dễ tạo sỏi.

Bổ sung thêm chất xơ không hoà tan: có trong lúa mì, lúa mạch đen, gạo. Nó kết hợp với canxi trong ruột để bài tiết theo phân ra ngoài. Tạo thói quen ăn rau, trái cây hàng ngày chắc chắn sẽ giúp cháu phòng ngừa được sỏi thận tái phát.

Uống nhiều nước từ 1,5 – 2 lít mỗi ngày để làm giảm nồng độ khoáng chất hình thành sỏi và được thải ra ngoài theo nước tiểu.

Các thực phẩm nên tránh: cần tây tỏi tây, đậu bắp củ cải, khoai lang, bí xanh, cải xoong, ớt, cà tím, đậu tương, dâu tây, nho đỏ, vỏ cam quýt.

Cháu phải chú ý chế độ ăn, uống hàng ngày thì sỏi thận của cháu mới có thể hạn chế hình thành và phát triển.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl