Những phương pháp điều trị sai khớp


4,226
1
1
Xu
53
Sai khớp có thể được điều trị bằng xử lý tại chỗ hoặc điều trị tại các cơ sở y tế. Những giải thích dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một vài phương pháp điều trị khi gặp tình huống này.

Cách xử lý sai khớp cổ chân


Câu hỏi bởi: Thutrang

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, sai khớp cổ chân và chấn thương cổ chân giống hay khác nhau ạ? Và cách khắc phục khi bị sai khớp cổ chân trong quá trình tập luyện thể thao?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào bạn!

Sai khớp cổ chân là một dạng chấn thương khớp cổ chân, do đầu xương bị trật khỏi vị trí bình thường. Chấn thương làm biến dạng và mất khả năng vận động tạm thời, gây đau đột ngột, dữ dội. Do đó, bạn không nên chủ quan vì tác động này có thể khiến bạn không thể tập luyện thể thao được nữa. Nếu thường xuyên chơi thể thao thì dù có cẩn thận đến đâu, bạn cũng không tránh khỏi 1 lần bị sai khớp, đặc biệt là cổ chân.

Nguyên nhân chủ quan là do bạn không vận động kỹ trước khi bắt đầu tập luyện. Khi đó, các cơ không được làm nóng, nên sẽ không thấy độ co giãn trong quá trình vận động. Vì vậy, lúc tập bạn rất dễ bị trật khớp. Cảm giác đau đớn ập đến, bạn không thể nhấc chân lên khỏi mặt đất. Chính vì vậy, khởi động là bài tập bắt buộc đối với mỗi lần tập luyện. Khi bị sai khớp, hãy ngừng chơi và sơ cứu ngay tại chỗ để chấn thương không bị nặng hơn. Đối với tình huống bị nặng, cũng cần làm những bước sơ cứu rồi mới chuyển đến bệnh viện.

Sơ cứu nhanh khi bị sai khớp:

Không di chuyển để tránh lực ảnh hưởng lên vết thương, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, điều này có thể gây tổn thương khớp, cơ, dây chằng, mạch máu và thần kinh, nên ngồi im tại chỗ để mọi người sơ cứu cho bạn.

Cố định khớp: Dùng vải hoặc áo (tình huống khẩn cấp mà không thấy vải) băng cố định khớp để tránh làm vết thương bị động trong quá trình đưa vào bệnh viện.

Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để giảm sưng nề, có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu, vì có thể làm tình trạng xấu đi.

Sau đó, nhờ bạn bè đưa tới bác sĩ để kịp thời khắc phục chấn thương. Không được chủ quan cố gắng chịu đựng để vết thương tự lành. Vì nếu bị nặng mà không được chữa trị sớm, chấn thương có thể để lại di chứng.

Chúc bạn sức khỏe!

Sai khớp cánh tay đã 8 năm, giờ có nên phẫu thuật không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu bị sai khớp cánh tay phải khoảng 8 năm. Tay thấy cong rõ nhưng hoạt động bình thường. Vậy có nên làm phẫu thuật lại không? Và chi phí là bao nhiêu?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Cháu không nói rõ cháu bị sai khớp khuỷu tay hay khớp vai, Cháu đã bị 8 năm nay rồi, không biết là có bị tái lại lần nào không. Nếu tay cháu bây giờ cử động bình thường thì không có vấn đề gì. Nếu cháu thấy yếu tay khớp bị trật thì cần đến bác sĩ giải đáp tư vấn. Hiện tượng tay bị cong của cháu không phải là do sai khớp, đó là sự cong tự nhiên của xương.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Ngón tay bị sai khớp từ 1 tháng trước chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cách đây 1 tháng con chụp bóng làm ngón tay giữa sưng lên. Do nghĩ là bong gân nên con không đi khám chỉ bôi thuốc. Qua 1 tháng chỗ bong chỉ bớt sưng nhưng ngón tay con bị lệch sang 1 bên. Con đi chụp X-quang bác sĩ chẩn đoán bị sai khớp. Bác sĩ cho con hỏi chữa bây giờ có quá trễ không. Bác sĩ chỉ con cách chữa trị ạ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trệch khớp ngón tay đã một tháng tuy là muộn nhưng vẫn có thể nắn trở lại được. Cách chữa trị chỉ là đến khoa Chấn thương của các bệnh viện để nắn cho vào khớp như cũ và bó bột cố định.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Nam 17 tuổi sai khớp cánh tay chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu là nam, học sinh lớp 11, năm nay 17 tuổi. Cháu bị sai khớp cánh tay trái khoảmg 8, 9 năm rồi. Không biết còn điều trị được hay không? Nếu được thì bằng cách nào? Bao lâu? Và chi phí bao nhiêu ạ?

Cháu cám ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào cháu!

Bình thường, mỗi khớp được bao bọc bởi một hệ thống các dây chằng rất chắc chắn xung quanh giúp cho các khớp hoạt động trơn tru, ăn khớp với nhau, không bị trật ra ngoài. Tuy nhiên trong một số tình huống bị chấn thương mạnh vào vùng khớp, dây chằng bị căng giãn quá mức hoặc bị tổn thương rách, đứt làm cho hai đầu khớp lệch nhau, trật ra ngoài. Khi bị trật khớp, bệnh nhân rất đau, sưng nề vùng khớp đồng thời mất vận động của khớp đó. Khi khớp trật được nắn trở về vị trí giải phẫu ban đầu, bệnh nhân sẽ đỡ đau rất nhanh và khớp sẽ ổn định trong vài tuần. Hiện tượng trật khớp làm cho các dây chằng quanh khớp bị căng giãn nên khi trật khớp tái phát nhiều lần làm cho dây chằng giãn rộng hơn, ổ khớp lỏng lẻo hơn và khi đó khớp dễ dàng bị trật khi bị ảnh hưởng không quá mạnh, thậm chí trong trật khớp vai mãn tính, bệnh nhân có thể tự đẩy khớp trở lại vị trí được.

Vì vậy, tình huống của cháu, nếu cháu chỉ bị trật khớp vai 1 lần cách đây 8, 9 năm, đã được nắn trở lại bình thường và sau đó không bị trật lại thì coi như khớp trật của cháu đã khỏi, cháu hoàn toàn có thể hoạt động bình thường và không cần phải lo lắng gì thêm. Nếu khớp vai của cháu bị trật thường xuyên thì cần phải phẫu thuật để chữa trị triệt để. Cơ sở y tế chuyên khoa mới có thể thực hiện được phẫu thuật này. Đó là khoa Chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện. Thời gian và chi phí phẫu thuật tùy thuộc vào phương pháp mổ, nội soi hay mổ mở.

Chúc cháu khỏe!

Sai khớp điều trị không đúng cách, giờ phải làm sao?


Câu hỏi bởi: yousee

Thưa bác sĩ.

Cháu năm nay 22 tuổi bị hở khớp vai cách đây khoảng 4 năm do bị té nhưng không chữa trị đúng cách, giờ mỗi khi đặt tay không đúng cách thì bị trẹo khớp. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào bạn!

Triệu chứng như bạn kể rất có thể là bạn bị trật khớp vai tái diễn. Nguyên nhân là do bạn bị trật khớp vai cũ do chấn thương, bao khớp và dây chằng bị rách không hồi phục xuất hiện điểm yếu tại vị trí tổn thương bao khớp nên mỗi khi bạn vận động chỏm khớp lại bị trật ra khỏi ổ khớp. Đây là bệnh có thể chữa được bằng phương pháp phẫu thuật nội soi khớp vai hoặc mổ mở nhằm tái tạo lại dây chằng và bao khớp tại điểm yếu đó. Tuy nhiên để có thể xác định đúng là bạn bị trật khớp vai tái diễn không bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ sẽ khám và cho bạn chụp cộng hưởng từ khớp vai để xác định chẩn đoán, từ đó mới có phương pháp chữa trị phù hợp.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl