Thắc mắc thường gặp về hiện tượng đau lưng sau sinh


4,226
1
1
Xu
53
Có nhiều phụ nữ bộc bạch rằng cơn đau lưng đeo bám họ dài ngày sau khi sinh gây khá nhiều bất tiện và lo lắng. Vậy làm cách nào để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả nhất?

Đau lưng sau sinh mổ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ. Hiện tại em 28 tuổi. E sinh mổ được 15 tháng rồi. Trước đây e có bị đau lưng. Nhưng vẫn đứng thẳng người đc. Hiện tại , sau khi đi làm tại cty. E có được phân công việc cũng ko có gì nặng. Nhưng thao tác khi làm việc của em là bê hàng khoảng 5kg lên rồi lại cúi đặt hàng xuống. Mỗi ngày khoảng ~~ 500 lần. Giờ e đau lưng khủng khiếp… đi đứng khó khăn. Mỗi lần đang ngồi mà đứng lên là e đau nhói. Ko đứng thẳng lưng được. Phải mất 1 lúc mới có thể đi lại bình thường. Bác sĩ cho e hỏi với trạng thái như vậy của em có ảnh hưởng gì ko ạ. Và phải chữa trị ra sao. E cám ơn bác sĩ. Mong nhận đc hồi âm của bác sĩ ạ….

Bác sĩ Vương Hữu Định


Chào bạn.

Riêng công việc hàng ngày của bạn cũng đủ để làm bạn đau. Bạn nên làm it hơn và nghỉ ngơi nếu như có thể. Ngoài ra bạn cũng nên uống thuốc kháng viêm giảm đau để cơn đau giảm bớt.

Chúc bạn sức khỏe!

Đau lưng sau sinh nên điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Sau khi đẻ con xong em rất hay bị đau lưng, như vậy không biết em bị bệnh gì ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Trường hợp bị đau lưng sau khi đẻ con như em không phải là hiếm gặp. Đó là do trong thời kỳ mang thai, tử cung mở rộng và trải dài, làm suy yếu cơ bụng và làm thay đổi tư thế của em, cột sống bị kéo về trước, khiến lưng căng hơn,… Ngoài ra, thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống bị nới lỏng, làm cho thai phụ có thể bị đau khi đi, đứng, ngồi lâu, hoặc nằm trên giường, ngồi ghế thấp, …

Sau khi đẻ con, nhiều bà mẹ trẻ cho con bú không đúng cách nên làm cho tình trạng đau lưng càng rõ và trầm trọng hơn. Thường thì vài tháng sau khi sinh, các bà mẹ sẽ không còn đau, nhưng cũng có người tình trạng đau lưng kéo dài 1 năm sau sinh. Nếu sau đẻ con, bà mẹ tăng cân nhanh và nhiều thì cũng làm tăng nguy cơ đau hơn.

Để giảm đau lưng trong lúc này, em có thể thực hiện những lời khuyên dưới đây.

Đi bộ: có thể chỉ cần đi lại trong phòng. Tư thế cho con bú phải ngồi thẳng lưng, có tựa và lót một chiếc gối sau lưng, bế bé sát vào người em. Tắm nước nóng Chườm nóng: dùng khăn nóng hoặc chai nước nóng chườm lên vùng bị đau khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Không nâng vật nặng trong 8 tuần đầu sau sinh. Mát-xa: Nằm nghiêng, dùng hai tay vuốt nhẹ từ hông dọc theo sống lưng đến phần cuối lưng. Đứng thẳng, hai tay nắm hờ, tay trái vỗ vùng bụng, hông phải nhẹ nhàng, sau đó đổi bên. Tập thể dục: Nằm ngửa, lưng đặt lên sàn, hai chân cong, bàn chân đặt xuống sàn. Hít vào thót bụng, mở rộng lồng ngực; Thở ra nâng hông lên, giữ trong giây lát, hạ xuống nhẹ nhàng. Thực hiện 8-10 lần.

Những cách trên chỉ áp dụng cho tình huống đau lưng nhẹ. Nếu đau lưng nhiều và lan tỏa thì em nên đi khám để được chữa trị thích hợp.

Chúc sức khỏe mẹ con em!

Đau dọc thắt lưng sau sinh là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 28 tuổi, mới sinh em bé được 5 tháng. Khoảng 1 tháng trở lại đây em rất hay bị đau dọc thắt lưng lúc thì đau ở ngang lưng. Sáng ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi và đau lưng. Em có tiền sử bệnh đau dạ dày và rối loạn tiền đình. Xin bác sĩ giải đáp biểu hiện trên của em là bệnh gì?

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào bạn!

Thông thường người phụ nữ sau khi sinh nở thường có các triệu chứng đau lưng và đau hông: “sế hông”. Nguyên nhân là do giai đoạn cuối của thời kỳ thai nghén dưới tác dụng của nội tiết các khớp xương cột sống và khớp xương cùng, cụt, các dây chằng giãn ra để tạo điều kiện cho thai nhi có thể chui qua đường sinh dục của người mẹ khi sinh nở. Thường phải sau 6 đến 9 tháng thậm chí 1 năm thì các khớp xương mới ổn định trở lại. Bạn không nên vội uống thuốc, nếu sau 1 năm bệnh không đỡ thì nên đi khám bác sĩ. Tuy nhiên nếu biểu hiện đau thường xuyên, tác động đến sức khỏe của bạn thì bạn nên đến khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ khám và cho bạn lời khuyên phù hợp.

Chúc bạn khỏe!

Đau thắt lưng sau sinh đầu lòng được hơn 5 tháng chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Cháu năm nay 23 tuổi. Cháu sinh thường con đầu lòng được hơn 5 tháng. Nhưng gần đây khi cháu đứng hoặc cúi trong 30 phút trở lên là cháu bị đau nhiều ở thắt lưng. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên để hết đau lưng ạ.

Xin cảm ơn!

Y tá Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Con cháu được 4 tháng rồi mà mẹ bị đau nhiều ở thắt lưng. Từ khi sinh cho đến nay cháu có bị đau thắt lưng không? Cháu đẻ con là đẻ thường hay mổ đẻ? Nếu cháu vẫn bị đau từ khi sinh cho đến nay thì có thể do khi có thai tử cung của cháu phát triển làm thay đổi tư thế, suy yếu cơ bụng và kéo cột sống về phía trước. Ngoài ra, trong quá trình đẻ con, những đau đớn trong cuộc đẻ cũng khiến người mẹ bị đau lưng nhưng nó thường mất đi sau một vài tháng sau sinh (tuy nhiên có bà mẹ vẫn còn đau tới một năm sau). Một số tư thế sai của bà mẹ có thể gây đau thắt lưng:

– Tư thế cho con bú sai: ngồi khom lưng. Tư thế đúng là cho con bú nên ngồi thẳng lưng. Khi ngồi nên đặt chân trên một chiếc ghế nhỏ. Ngồi trên ghế mềm, thoải mái có tay vịn và lót gối sau lưng. Nên cho con bú với nhiều tư thế khác nhau (ngồi, nằm).

– Nâng vật nặng: làm tác động đến cột sống.

* Vì cháu nói bị đau lưng sau khi sinh 4 tháng có thể do các lí do:

– Đau thắt lưng không có lí do bệnh lý mà chủ yếu là do các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động làm vùng cột sống thắt lưng cũng như các nhóm cơ chống đỡ làm việc quá sức sinh ra đau.

– Đau thắt lưng có thể là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, vẹo cột sống (lí do này cháu nên loại trừ).

* Để giảm đau thắt lưng: cháu nên giữ gìn tư thế đúng trong vận động và sinh hoạt hàng ngày. Một số cách giúp cháu giảm đau nhanh hơn:

– Đi bộ: nên đi bộ vừa phải vì đi bộ giúp máu lưu thông tốt hơn làm giảm đau.

– Không nên nâng vật nặng.

– Khi cho con bú nên lựa chọn tư thế đúng.

– Massage vùng thắt lưng.

– Tập thể dục.

– Tắm nước nóng…

Chúc cháu mau khỏi!

Mỏi, đau phần xương vai và lưng sau sinh mổ phải làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào các bác sĩ.

Cháu tên là Lê Thanh Hà, sinh năm 1995, ở Tuyên Quang. Cháu mới sinh một em bé được gần 3 tháng, lúc sinh em bé cháu phải mổ và phải nằm ở bệnh viện truyền dịch mất 7 ngày thì mới được ra viện. Sau khi ở bệnh viện về nhà cháu cảm thấy tất cả các cơ quan chức năng trên cơ thể cháu rất mỏi và đau phần xương (đau lưng và đau xương khớp vai là nhiều). Vậy cháu xin hỏi các bác sĩ là những nguyên nhân nào dẫn đến việc trên, bệnh này có trị được không? Cháu nên làm gì ạ?

Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trước tiên, xin chúc mừng bạn đã mẹ tròn con vuông. Bạn đã trải qua 9 tháng mang thai và cuộc sinh mổ, hiện tại tiếp tục quá trình nuôi con ở tuổi 19 quả thực không dễ dàng. Bạn bị đau mỏi xương, khớp sau khi sinh – một tình trạng khá thường gặp, là dấu hiệu của chứng loãng xương. Phần lớn các tình huống loãng xương ở phụ nữ sau sinh là hội chứng loãng xương sinh lý. Nguyên nhân của tình trạng này là do:

Giảm mật độ khoáng xương, tiêu hao một lượng lớn vitamin D trong thời gian mang thai và cho con bú.

Khi mang thai, hoạt động của các cơ, gân, dây chằng, đặc biệt là ở xương chậu, khớp cùng cụt, ngoài ra còn có thể ở khớp háng, khớp gối,… Bị ảnh hưởng do thay đổi nồng độ hormon, do sự phát triển của thai nhi, dẫn đến tình trạng đau lưng, mỏi khớp khi mang thai và kéo dài đến khoảng thời gian sau sinh.

Việc chăm sóc con nhỏ, đặc biệt là đứa con đầu tiên, khi người mẹ trẻ còn chưa có kinh nghiệm dễ dẫn đến căng thẳng, bận rộn khiến cơ thể mệt mỏi và hay xuất hiện những cơn đau mỏi xương khớp.

Bạn không nên quá lo lắng cho tình trạng đau mói xương khớp, vì tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể sau 6 – 12 tháng ngừng cho con bú. Hiện tại, để xử lý tình trạng này, bạn cần cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi cho cơ thể qua ăn uống và vận động hợp lý mỗi ngày. Phụ nữ cho con bú luôn có nhu cầu canxi cao hơn bình thường, khoảng 1.500mg/ngày. Vì vậy, bạn nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi (sữa, đậu tương, lòng đỏ trứng, rau cải, cá tôm,…) và giàu vitamin D (như trứng, nấm tươi, lươn, trai, sò,…) trong chế độ ăn hằng ngày. Bạn cũng có thể tắm nắng để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.

Bạn sinh mổ đã được 3 tháng, sức khỏe hiện giờ đã phục hồi, nên có thể tập thể dục nhẹ nhàng để phòng ngừa loãng xương, tăng cường sức khỏe và sớm lấy lại vóc dáng sau sinh. Ngoài ra, bạn cũng nên sắp xếp thời gian chăm sóc bé, làm việc nhà xen kẽ thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý để tránh làm việc quá sức gây đau mỏi xương khớp.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl