Thắc mắc cần biết về hiện tượng nổi mẩn ngứa ở trẻ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Một trong những bệnh da liễu bé có thể gặp phải chính là nổi mẩn ngứa. Là phụ huynh, bạn đã biết những gì về vấn đề này?

Trẻ bị nổi mẩn khắp người, liệu có mắc sởi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Hôm qua bé nhà em bị nổi mẩn khắp người. Bé đã tiêm phòng sởi, liệu bé có bị mắc không? Bé không bỏ bú cũng không có bị sốt.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn!

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, và có thể gây thành dịch. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp chủ động để phòng bệnh. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi). Tiêm vắc xin phòng sởi cho đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Khi trẻ tiêm mũi thứ 1 vắc xin sởi thì trẻ có đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh sởi đến 85% (tình huống không có đáp ứng thường do sức khỏe lúc tiêm, chất lượng vắc xin, bảo quản vắc xin…). Vì vậy, tiêm phòng vắc xin sởi lần 2 là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những tình huống chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất, từ đó làm tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch cộng đồng lên trên 95%. Mặt khác bệnh sởi là bệnh có sốt và phát ban. Một số loại vi rút khác cũng gây sốt và phát ban dễ chẩn đoán nhầm với bệnh sởi. Chính vì vậy bạn nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để có thể khám và chẩn đoán thêm.

Chúc bạn và cháu luôn khỏe!

Trẻ 1 tháng tuổi bị nổi mẩn đỏ khắp người thì chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: Bao ngoc

Chào bác sĩ.

Cháu tôi mới sinh được 1 tháng, cháu bị nổi mẩn đỏ khắp người. Tôi mua thuốc trị rôm sảy tắm cho cháu được khoảng 1 tuần thì thấy lặn hết, nhưng giờ cháu lại bị lại. Vậy xin hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là bệnh gì ạ và cách điều trị ra sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ 1 tháng tuổi bị mẩn đỏ khắp người không phải là bị rôm sảy. Hiện tượng nổi mẩn đỏ khắp người là bị viêm da tiếp xúc. Trước hết bạn cần tìm hiểu xem liệu bé có bị dị ứng với những tác nhân nào không (xà phòng, sữa tắm, phấn rôm, bụi bẩn …),nếu nghi ngờ thì phải loại bỏ chúng.

Nếu những sẩn đỏ để lại nốt sần hoặc mụn thì có thể bôi thuốc ngoài da như: Cortebios, Flucina. Nếu hiện tượng trên diễn ra thường xuyên và nặng lên thì đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Trẻ bị đổ nhiều mồ hôi, da có nổi mẩn đỏ là làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ vui lòng cho tôi hỏi: Con tôi được 10 tháng tuổi, cháu bị đổ mồ hôi rất nhiều, da cháu thường xuyên bị nổi những mẩn đỏ (giống muỗi đốt) lâu lặn hơn vết muỗi đốt, rất ngứa, sau khi lặn để lại vết thâm rất lâu hết, khi trời nóng da cháu sẽ nổi nhiều vết đỏ li ti giống như rôm sẩy trên tay và chân cháu, tay phải của tôi và bà ngoại cháu cũng bị nổi nhiều mụn nhỏ cũng rất ngứa, tôi nghĩ do ẵm cháu và mồ hôi của cháu gây ra ngứa (vì trước giờ tôi không bị, tôi và bà ngoại cháu đều bị cùng lúc, cả cánh tay và tái đi tái lại thường xuyên). Tôi có ẵm cháu đi khám vì sợ bị tay chân miệng nhưng bác sĩ chỉ nói viêm da dị ứng, cho thuốc uống, khi dùng thuốc thì các mục bớt đỏ, lặn từ từ và để lại thâm, sau khi hết thuốc một thời gian thì cháu bị nổi lại (chủ yếu nổi ở 2 chân). Bác sĩ cho tôi hỏi do đâu mà con tôi bị như vậy, có cách nào để phòng ngừa cho cháu không.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Bệnh viêm da dị ứng (hay chàm) là căn bệnh ngoài da ngày càng gia tăng, tác động người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh, ở tất cả các màu da, sắc tộc. Trẻ em có thiên hướng mắc bệnh với 90% người bệnh phát triển bệnh viêm da dị ứng trước 5 tuổi. Bệnh khó bắt đầu ở giai đoạn trưởng thành. Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị bệnh viêm da dị ứng triệt để, tuy nhiên bạn có thể phòng tránh các đợt bùng phát bệnh cho con bằng các cách sau:

Tắm cho con bạn bằng nước ấm, không phải nước nóng.

Giới hạn thời gian tắm từ 5 – 10 phút.

Không sử dụng bồn tắm.

Vỗ nhẹ để da khô, sau đó uống thuốc làm mềm da ngay.

Bôi thuốc làm mềm da ít nhất 2 lần mỗi ngày.

Cắt ngắn và giũa móng tay để trẻ không gãi và đâm vào da.

Mang găng tay bằng cotton cho trẻ vào ban đêm để trẻ không gãi khi ngủ.

Giữ nhiệt độ phòng mát mẻ và độ ẩm thấp.

Đưa cho trẻ búp bê để gãi vì điều này sẽ làm giảm nhu cầu tự gãi da của mình là một ý tưởng hay.

Chúc mẹ và bé khỏe mạnh!

Mẩn ngứa ở trẻ nhỏ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con em không hiểu sao cháu bị mẩn ngứa, em đã cho cháu dùng thuốc và bôi nhưng vẫn không hết. Vậy bác sĩ giải đáp giúp em với.

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Em không nói rõ bé nhà mình năm nay bao nhiêu tuổi, vì mẩn ngứa ở trẻ có liên quan đến nhiều lí do:

Hăm tã.

Viêm da dị ứng.

Mẩn ngứa do nhiễm ký sinh trùng.

Chàm.

Vì vậy em nên đưa con đi khám bác sĩ Da liễu để làm một số xét nghiệm cần thiết, để xác định lí do và có phương pháp chữa trị kịp thời. Đối với bé trên 2 tuổi, em nên cho bé tẩy giun định kỳ 2 lần/năm.

Chúc bé máu khỏi bệnh!

Trẻ bị mẩn ngứa ở vai nhưng ăn uống bình thường, không sốt, không ho thì có đáng lo không?


Câu hỏi bởi: trang nguễn

Chào bác sĩ.

Em muốn hỏi con em năm nay 2 tuổi đã tiêm vacxin sởi 2 lần rồi nhưng hôm qua cháu ngủ dậy thì thấy suất hiện mẩn ngứa ở vai. Cháu ăn uống bình thường, không sốt, không ho. Vậy có đáng lo và cho đi bệnh viện khám không ạ? Khi đang có dịch như vậy em muốn mua vitamin A để cho con uống có được ko ạ?

Rất cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không thấy miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Trẻ khi mắc sởi thường có sốt khá nhẹ, kèm theo ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: Trẻ hết sốt, ban sởi bay theo trình tự xuất hiện, và trên bề mặt da loang lổ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”.

Vậy con bạn đã tiêm vacxin sởi 2 lần, ngủ dậy thì thấy xuất hiện mẩn ngứa ở vai, cháu ăn uống bình thường, không sốt, không ho, thì không phải mắc sởi. Xuất hiện ngứa ở vai là do lí do khác, có thể là do dị ứng với một số đồ dùng của cháu, bạn vẫn nên theo dõi cháu, nếu mẩn ngứa không đỡ và lan ra các khu vực khác, hoặc có sốt, hoặc cháu quấy khóc thì đưa cháu đi khám để tìm lí do gây mẩn ngứa của cháu.

Còn việc cho cháu uống vitamin A, vì con bạn vẫn đang ở lứa tuổi thuộc chương trình uống vitamin A hàng năm, 6 tháng 1 lần. Bạn không nói rõ, tháng 12 vừa qua (tháng 12/2013) con bạn đã được nhân viên y tế ở trạm y tế nơi bạn sinh sống cho uống vitamin A trong chương trình chưa, nếu cháu chưa được uống thì bạn cho cháu ra trạm y tế để khám và uống bổ sung. Bạn nên nhớ bất kỳ uống thuốc nào kể cả thuốc bổ cũng phải có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng vì nếu quá liều gây hại cho cháu.

Chúc bạn nuôi con mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl