Những thắc mắc về hiện tượng nhức răng ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bất kỳ ai cũng có thể gặp chứng nhức răng. Và tất nhiên, nam giới không phải là một ngoại lệ.

Răng vàng và bị long, đôi khi đau nhức do nghiện thuốc lá, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: con nha ngheo

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay 21 tuổi. Em nghiện thuốc lá mấy năm nay rồi và em cũng đã đánh răng thường xuyên. Bây giờ em cảm thấy răng của em vàng đi và long ra hết, đôi khi rất đau nhức. Xin bác sĩ cho em biết lý do và cách xử lý?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Nghiện thuốc lá chính là một trong những lí do dẫn đến răng em vàng ố và bị các bệnh răng miệng (răng lung lay dẫn đến rụng). Vì trong thuốc lá có 3 thành phần chính tác động đến khoang miệng là: nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid. Các thành phần này có các tác dụng: co mạch ngoại vi, chậm liền thương, rối loạn chức năng các tế bào đa nhân trung tính, giảm đáp ứng miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm chất lượng xương, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu…

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao cho bệnh viêm quanh răng. Người hút thuốc lá nhiều thường có đáp ứng miễn dịch kém, ít kháng thể trong máu. Hút thuốc lá nhiều có thể gây co lợi, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng. Bệnh răng miệng khó chữa trị ở những người nghiện thuốc lá. Điều trị các bệnh răng miệng kém hiệu quả: Thuốc lá dường như không tác động trực tiếp lên hệ thống vi khuẩn nha chu mà tác động đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Thuốc lá có thể làm giảm các yếu tố kháng thể như IgG, IgA, IgM. Thuốc lá có khả năng làm tổn thương chức năng của các bạch cầu đa nhân trung tính, các cytokin. Các nicotin trong thuốc lá có thể được tích trữ và giải phóng ra bởi các nguyên bào tạo xơ và ức chế sự tăng trưởng của các nguyên bào tạo xơ lợi, do vậy tác động đến khả năng liền sẹo của tổ chức quanh răng, kết quả chữa trị viêm quanh răng cũng kém hơn ở những bệnh nhân có hút thuốc lá. Việc làm giảm độ sâu túi lợi, tái tạo lại bám dính lợi ở các bệnh nhân viêm quanh răng có hút thuốc lá là rất khó khăn.

Ngoài ra nếu ngà bị hở, bề mặt chân răng không đều, nicotin có thể thấm sâu vào bên trong đến tủy răng, do vậy làm nhẵn bề mặt chân răng là hết sức cần thiết đối với các bệnh nhân hút thuốc lá. Vì vậy, việc đầu tiên là em nên bỏ thuốc lá và sau đó đến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để chữa trị tình trạng viêm quanh răng (răng lung lay). Bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng (làm sạch các mảng bám làm răng em ố vàng và cao răng), uống thuốc kháng sinh toàn thân và tại chỗ cho em, hướng dẫn em cách mát-xa lợi giúp phục hồi tình trạng viêm quanh răng.

Chúc em mạnh khỏe.

Bị viêm họng kèm theo ho kéo dài, ê nhức răng, đau sau gáy, nghẹt thở


Câu hỏi bởi: Nguyen duc luong

Chào bác sĩ.

Cách đây 9 tháng cháu ngủ điều hòa sau khi thức dậy bị viêm họng kèm theo ho kéo dài. Uống thuốc mãi mới khỏi, ngoài ra còn bị ê nhức răng, đau sau gáy cũng như đau các cơ ở cổ rất khó chịu. Đến nay chưa khỏi. Khi kiểm tra họng bác sĩ bảo bình thường ạ. Kiểm tra răng cũng vậy. Bây giờ thỉnh thoảng khi thức dậy cháu thấy nghẹt mũi. Ngoài ra ngồi điều hòa thì thấy đau sau gáy cảm giác nôn nao khó chịu. Răng ít ê hơn nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu ạ. Mong bác sĩ giải đáp cho cháu là cháu bị làm sao ạ. Có phải viêm xoang hàm không ạ?

Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều lí do có thể dẫn đến nghẹt mũi:

Do dị tật bẩm sinh: thường gặp ở trẻ sơ sinh do có một lớp màng hay mảnh xương bít kín cửa sau của mũi, khiến trẻ không thở được. Do phản xạ thở bằng miệng chưa hoàn thiện nên nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể tử vong do suy hô hấp.

Viêm nhiễm: viêm mũi họng, viêm xoang,… nghẹt mũi có thể là biểu hiện để nhận biết những bệnh này.

Khối u lành tính hay ác tính, polyp cũng có thể là lí do dẫn tới nghẹt mũi.

Chấn thương hoặc có dị vật trong mũi: thường do trẻ nhỏ tự nhét vào mũi các đồ vật như hạt lạc, sáp màu, cúc áo,…

Rối loạn cảm giác ở mũi: bệnh nhân bị mất cảm giác tại mũi thường cảm thấy nghẹt mũi dù đường thở vẫn thông thoáng.

Rối loạn nội tiết: thường xảy ra ở phụ nữ có thai.

Trường hợp của bạn có thể lí do do bệnh viêm mũi xoang dị ứng gây ra. Bạn nên hạn chế nằm điều hòa, không để quạt máy thổi trực tiếp vào mặt, tránh nơi khói bụi và đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để chẩn đoán xác định và có hướng chữa trị đúng.

Chúc bạn sống khỏe!

Nguyên nhân răng lung lay, nhức lên tận đầu?


Câu hỏi bởi: Thanh Hà

Chào bác sĩ.

Cách đây một năm, em trai em (15 tuổi) bị té gãy nửa răng cửa, nhưng không gây đau nhức gì cả. Mới đây đi gắn răng sứ thì bác sĩ nha khoa nói tủy răng đã chết và tiến hành lấy tủy răng, sau 18 giờ gắn răng sứ vào răng cửa đó.

Hai tuần sau khi gắn răng thì em nó thấy đau răng đó và răng bên cạnh lung lay, nhức đầu. Thưa bác sĩ, trường hợp này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe em trai em không?

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bạn Hà thân mến.

Trường hợp của em trai bạn có thể là lấy tủy răng chưa hết hoặc răng kế bên cũng có lỗ sâu mà không phát hiện kịp nên tủy bị ảnh hưởng. Nói chung là nguyên nhân chính xác thì tôi không dám kết luận, nhưng việc răng lung lay nhức lên tới đầu thì thường là bệnh lý liên quan tới tủy răng.
Bạn nên đưa em trai đi khám lại gấp để điều trị càng sớm càng tốt, ngay cả khi triệu chứng thuyên giảm. Vì đa phần bệnh chỉ “ẩn đi” chờ cơ hội bùng lên chứ không hết hoàn toàn được.

Thân chào bạn.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Chân răng bị khuyết lên, không đau nhức, có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Dai Phu

Chào bác sĩ.

Ba của em năm nay 51 tuổi, hiện chân răng của ba em bị khuyết lên, nhìn vào gương giống như sắp đứt ra và cảm thấy đau nhức. không biết triệu chứng đó có nguy hiểm không ạ và có phải là bệnh độc hay không?

Em xin cảm ơn.

Chào bạn.

Đây chỉ là hiện tượng mòn răng, không phải bệnh lý nguy hiểm. Răng gồm 3 lớp, lớp men bên ngoài không có cảm giác, lớp ngà bên trong và tủy răng ở trong cùng đều có cảm giác. Khi mòn răng, lớp men bảo vệ mất đi, ngà răng bị lộ ra nên tạo cảm giác đau nhức. Bạn nên đưa bác đi trám răng sẽ bớt đau nhức thôi vì ngà răng được che lại, không hở ra nữa.

Chúc gia đình bạn khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl